Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những nguyên nhân thoái hóa khớp bạn cần biết để phòng bệnh hiệu quả

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Hiện nay, thoái hóa khớp đã trở thành một vấn đề sức khỏe phổ biến và ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người già mà còn đe dọa đến sức khỏe của nhiều người trẻ tuổi. Với tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và khả năng vận động, việc hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này là rất quan trọng để có thể phòng tránh hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân thoái hóa khớp để bảo vệ sức khỏe của mình và cải thiện chất lượng cuộc sống nhé!

Thoái hóa khớp là một trong những vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Từ lão hóa tự nhiên đến thói quen sống không lành mạnh, mỗi nguyên nhân đều góp phần vào quá trình suy giảm của hệ thống xương khớp. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân thoái hóa khớp và cách phòng tránh chúng để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là một tình trạng tổn thương mạn tính tại sụn khớp và mô xương dưới sụn, có sự tác động từ cả hai quá trình cơ học và sinh học. Quá trình này gây ra mất cân bằng trong việc tổng hợp, dẫn đến phá hủy các tế bào sụn khớp, chất nền và xương dưới sụn. Sụn khớp có vai trò quan trọng như một lớp đệm, bảo vệ bề mặt xương trong khớp và giảm ma sát khi di chuyển. 

Bệnh thoái hóa khớp thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm tuổi tác, di truyền và các yếu tố liên quan đến lối sống.

6-nguyen-nhan-thoai-hoa-khop-ban-can-biet-de-phong-benh-hieu-qua 1
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương mạn tính tại sụn khớp và xương dưới sụn

Mọi khớp trên cơ thể đều có thể bị viêm và thoái hóa, nhưng có một số vị trí khớp như khớp gối, khớp háng, khớp ngón tay, khớp cổ chân thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất:

  • Thoái hóa khớp gối: Đây là bệnh thường gặp nhất khi lớp sụn chêm tại khớp gối bị bào mòn, gây đau và viêm sưng tại khớp, đồng thời hạn chế vận động khớp gối. Viêm khớp gối do thoái hóa có thể dẫn đến phát triển gai xương tại khớp gối làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
  • Thoái hóa khớp háng: Cơn đau nhói, buốt hoặc âm ỉ tại khớp háng và thường gây cứng vùng hông, làm người bệnh khó khăn khi đi lại.
  • Thoái hóa khớp cùng chậu: Đau vùng hông, thắt lưng, hoặc cảm giác tê bì, mệt mỏi khi ngồi lâu. Viêm khớp và sưng đau tại khớp nối xương cụt bên dưới thắt lưng.
  • Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay: Đau và cứng các khớp cổ tay, khớp ngón tay vào buổi sáng, thường xảy ra ở người lớn tuổi.
  • Thoái hóa khớp cổ chân: Triệu chứng mơ hồ, khó nhận biết ở giai đoạn sớm, nhưng khi trở nặng có thể gây đau, nặng nề và kém linh hoạt các khớp.
  • Thoái hóa đốt sống: Gây đau cổ hoặc thắt lưng, gai xương hình thành dọc theo cột sống có thể kích thích các dây thần kinh dẫn đến đau lan dữ dội, tê và/hoặc châm chích ở các bộ phận bị ảnh hưởng.

Việc hiểu biết về các triệu chứng và nguyên nhân của từng loại thoái hóa khớp có thể giúp bạn phòng tránh hoặc xử lý tình trạng này một cách hiệu quả.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Các nguyên nhân thoái hóa khớp rất đa dạng, trong đó có 6 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này.

Lão hóa xương khớp theo tuổi tác

Hệ thống xương khớp giống như nhiều cơ quan khác trong cơ thể, trải qua quá trình lão hóa tự nhiên khi tuổi tác tăng lên. Lão hóa xương khớp khiến sụn khớp dần yếu đi và dễ bị tổn thương, gây ra tình trạng sưng và viêm khớp.

Khoảng hơn 80% người lớn trên 55 tuổi bị viêm xương khớp, ngay cả khi một số người trong số họ chưa bao giờ gặp phải các vấn đề về khớp. Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, nhưng thường tác động đến các khớp gối, khớp bàn tay, khớp vùng háng, lưng và cổ.

Lao động nặng và làm việc sai tư thế

Việc lao động nặng và không đúng tư thế là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự thoái hóa của các khớp xương. Những người phải thực hiện các công việc đòi hỏi phải lao động nặng, như việc vận chuyển và nâng vật nặng, thường phải chịu áp lực lớn lên hệ thống xương khớp của họ, dẫn đến nguy cơ tổn thương và thoái hóa cao hơn.

Trẻ em phải thực hiện các công việc lao động nặng ở độ tuổi còn quá nhỏ trong khi hệ thống xương khớp vẫn đang trong quá trình phát triển có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xương khớp sau này. Điều đó có thể dẫn đến tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, tư thế khi sinh hoạt và làm việc cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các khớp xương. Những hoạt động như ngồi hoặc đứng quá lâu, sai tư thế cũng có thể tạo ra áp lực lớn lên các khớp, góp phần vào quá trình thoái hóa. Điều này đặc biệt đúng đối với những người làm việc văn phòng hoặc công nhân xưởng, nơi họ phải ngồi hoặc đứng liên tục trong một thời gian dài mà không thay đổi tư thế.

6-nguyen-nhan-thoai-hoa-khop-ban-can-biet-de-phong-benh-hieu-qua 2
Lao động nặng và sai tư thế là một trong những nguyên nhân thoái hóa khớp

Tiền căn chấn thương tại khớp

Chấn thương tại khớp xảy ra khi chơi thể thao hoặc do tai nạn có thể làm tăng nguy cơ gây thoái hóa khớp. Ngay cả những vết thương xảy ra nhiều năm trước và dường như đã lành cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Bệnh lý viêm tại khớp

Các tình trạng viêm khớp đã có từ trước có thể gây thoái hóa khớp, bao gồm các bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp vảy nến,...

Thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ gây ra nhiều bệnh tim mạch, chuyển hóa mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe xương khớp. Cân nặng vượt quá mức bình thường có thể gây áp lực lớn lên các khớp, khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu một áp lực kéo dài, dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương và thoái hóa khớp, đặc biệt là ở các vị trí chịu lực như khớp gối, khớp háng.

6-nguyen-nhan-thoai-hoa-khop-ban-can-biet-de-phong-benh-hieu-qua 3
Thừa cân, béo phì khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu áp lực kéo dài, là một trong những nguyên nhân thoái hóa khớp

Di truyền

Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh lý về khớp có nhiều khả năng mắc thoái hóa khớp hơn. Trên thực tế có nhiều trường hợp bị tổn thương xương và sụn bẩm sinh đã dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.

Một số lưu ý phòng ngừa thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp không chỉ gây ra những cơn đau nhức ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để phòng tránh căn bệnh này, việc thay đổi thói quen sống là rất quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý đơn giản nhưng có thể cải thiện sức khỏe khớp hiệu quả:

  • Tập luyện thể dục đều đặn: Vận động thường xuyên giúp cơ thể linh hoạt hơn, giữ cho cơ bắp, xương khớp khỏe mạnh hơn. Các bài tập vừa phải cũng giúp giảm căng thẳng và thư giãn tinh thần.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng ở mức vừa phải giúp giảm áp lực lên xương khớp.
  • Tránh vận động sai tư thế: Tránh bê vác nặng và đảm bảo tư thế làm việc, đứng ngồi đúng cách để giảm nguy cơ tổn thương xương khớp.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung canxi, vitamin, omega - 3 cùng với chế độ ăn khoa học và loại bỏ các thói quen không tốt như uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Nhằm mục đích theo dõi tình trạng khớp và đánh giá nguy cơ thoái hóa, đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của khớp xương.
  • Bảo vệ khỏi chấn thương: Phải sử dụng thiết bị bảo hộ khi cần thiết và tuân thủ các hướng dẫn an toàn khi tham gia vào các hoạt động thể thao.

Với những thay đổi đơn giản này, bạn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp và duy trì sức khỏe tốt hơn.

6-nguyen-nhan-thoai-hoa-khop-ban-can-biet-de-phong-benh-hieu-qua 4
Một số bài tập yoga có thể cải thiện sự linh hoạt và tăng cường sức khỏe khớp

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu được những nguyên nhân thoái hóa khớp. Trên thực tế, thoái hóa khớp không chỉ là một vấn đề của người già mà còn ảnh hưởng đến mọi đối tượng dân số, từ trẻ em đến người trưởng thành. Bằng cách thay đổi lối sống, duy trì một chế độ dinh dưỡng cân đối và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin