Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ

Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc áp dụng phác đồ điều trị phù hợp đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát triệu chứng, cải thiện chức năng khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế nhằm hỗ trợ tối ưu cho người bệnh.

Nếu bạn đang quan tâm đến các thông tin liên quan đến phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng quan về bệnh lý thoái hóa khớp và phác đồ điều trị bệnh lý này của Bộ Y tế để giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh này.

Tổng quan về thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là một bệnh lý thoái giáng của mô sụn khớp, xương dưới sụn và các cấu trúc khác tại khớp và quanh khớp. Bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi với tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, gây ra các tình trạng đau mạn tính, dẫn đến hạn chế vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở các vị trí như:

  • Thoái hóa khớp gối;
  • Thoái hóa khớp háng;
  • Thoái hóa khớp cùng chậu;
  • Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay;
  • Thoái hóa khớp cổ chân;
  • Thoái hóa cột sống cổ.
phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-bo-y-te 1
Thoái hóa khớp là gì?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp được phân thành hai loại: Nguyên phát hoặc thứ phát. 

  • Thoái hóa khớp nguyên phát là kết quả của sự thoái hóa sụn khớp mà không rõ nguyên nhân, thường do tuổi tác hoặc sự hao mòn. 
  • Thoái hóa khớp thứ phát là kết quả của sự thoái hóa sụn khớp do sự thay đổi trục khớp sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, do bẩm sinh hoặc dị tật ở chi, do các bệnh lý về khớp như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp,…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa khớp:

  • Chấn thương như gãy xương, căng cơ lặp đi lặp lại trong thể thao hoặc tại nơi làm việc.
  • Các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút.
  • Các bệnh chuyển hóa cụ thể, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
  • Béo phì, đặc biệt là đối với đầu gối, có thể làm tăng nặng tình trạng viêm và góp phần gây quá tải cho khớp.
  • Di truyền.
  • Yếu tố nhân khẩu (như tuổi, giới tính nữ).
phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-bo-y-te 2
Giới tính nữ là một yếu tố nguy cơ của bệnh lý

Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến

Các triệu chứng của thoái hóa khớp bao gồm đau, sưng, cứng khớp và khó di chuyển, vận động khớp bị ảnh hưởng. Các triệu chứng có thể phát triển chậm hoặc bắt đầu nhanh chóng sau chấn thương hoặc căng thẳng. Thoái hóa khớp là bệnh mãn tính tiến triển nên những thay đổi sẽ diễn ra dần dần theo thời gian.

Thoái hóa khớp có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống do làm cho việc di chuyển trở nên đau đớn, khó khăn, có thể khiến người bệnh không thể tham gia vào các hoạt động tại nhà, nơi làm việc hoặc ngoài xã hội. Hậu quả là có thể dẫn đến những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, khó ngủ và vấn đề trong các mối quan hệ.

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp

Các bác sĩ và chuyên gia y tế sẽ chẩn đoán thoái hóa khớp dựa trên đặc điểm lâm sàng, tiền sử bệnh lý của người bệnh, như đau sưng tại khớp, cứng khớp vào buổi sáng, lục khục, lạo xạo các khớp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có một số dấu hiệu khác như tràn dịch khớp gối hoặc biến dạng (do lệch trục khớp hoặc sự xuất hiện của các gai xương).

Sau khi thăm khám, một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ được áp dụng để chẩn đoán xác định bệnh lý này, bao gồm: X-quang khớp, siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan). Có thể kết hợp với một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm tốc độ lắng máu và đếm tế bào dịch khớp.

phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-bo-y-te 3
Các yếu tố chẩn đoán xác định của bệnh thoái hóa khớp

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tại khớp khác như viêm khớp dạng thấp qua các triệu chứng lâm sàng (tình trạng viêm tại khớp, số lượng khớp biểu hiện viêm) và xét nghiệm cận lâm sàng (tốc độ lắng máu, CRP, RF…).

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế

Nguyên tắc điều trị bệnh thoái hóa khớp

Phác đồ bao gồm 4 nguyên tắc điều trị chính:

  • Giảm đau.
  • Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, đặc biệt lưu ý các tương tác thuốc và các bệnh lý đi kèm ở đối tượng người cao tuổi.
  • Phục hồi chức năng vận động, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống.
phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-bo-y-te 4
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế

Điều trị nội khoa

Phương pháp vật lý trị liệu: Các phương pháp siêu âm, chườm nóng, hồng ngoại, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.

Thuốc kháng viêm giảm đau: 

Paracetamol 1000 - 2000mg/ngày. Trong một số trường hợp, cần chỉ định thêm các thuốc giảm đau bậc 2 như: Paracetamol phối hợp với Tramadol 1000 - 2000mg/ngày.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Sử dụng một trong các thuốc sau:

  • Etoricoxib 30 - 60mg/ ngày hoặc Celecoxib 200mg/ngày hoặc Meloxicam 7,5 - 15mg/ ngày.
  • Khác: Diclofenac 50 - 100mg/ngày hoặc Piroxicam 20mg/ngày.

Corticosteroid: Không dùng đường toàn thân.

Thuốc bôi ngoài da: Các loại gel Voltaren Emulgel,... có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng phụ. Bôi 2 - 3 lần/ngày tại khớp đau.

Phương pháp tiêm nội khớp:

  • Hydrocortison acetat: Tiêm nội khớp theo đợt, mỗi đợt khoảng trong 5 - 7 ngày, lưu ý mỗi đợt không tiêm vượt quá 3 mũi và không tiêm quá 3 đợt trong một năm.
  • Các chế phẩm chậm: Methylprednisolone, Betamethasone dipropionate. Tiêm nội khớp theo đợt, mỗi mũi cách nhau 6 - 8 tuần và lưu ý không được tiêm quá 3 đợt trong một năm vì nguy cơ tổn thương sụn khớp khi dùng quá liều.
  • Acid hyaluronic (AH) dưới dạng hyaluronate: Tiêm nội khớp 1 ống/tuần trong 3 - 5 tuần liên tục.

Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSADOA): Khuyến khích chỉ định sớm, kéo dài hoặc khi có đợt đau khớp, được sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị triệu chứng đã được trình bày.

  • Piascledine (cao toàn phần không xà phòng hóa quả bơ và đậu nành): 300mg, uống 1 viên/ngày.
  • Glucosamine sulfate: uống 1500mg/ngày.
  • Acid hyaluronic kết hợp Chondroitin sulfate: liều lượng 30ml, dùng đường uống mỗi ngày.
  • Thuốc ức chế Interleukin 1: Diacerein 50mg, uống 2 viên/ngày.

Huyết tương tự thân giàu tiểu cầu (PRP): Bơm vào khớp gối 6 - 8ml.

Cấy ghép tế bào gốc (Stem cell transplantation): Tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ tự thân (Adipose Derived Stem Cells - ADSCs) hoặc từ nguồn gốc tủy xương tự thân.

Điều trị ngoại khoa

  • Điều trị mổ nội soi khớp tổn thương.
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về phác đồ điều trị thoái hóa khớp Bộ Y tế. Qua bài viết, việc tuân thủ điều trị theo phác đồ là biện pháp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng thoái hóa khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Song song với việc áp dụng phác đồ điều trị, bạn cũng cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng bệnh lý và có hướng xử lý phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin