Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn bệnh

Ngày 31/12/2024
Kích thước chữ

Quá trình phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối yêu cầu sự kết hợp giữa một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng và tránh các hoạt động gây hại cho khớp. Khi có những dấu hiệu của thoái hóa khớp, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm để giảm thiểu tác động của bệnh, duy trì chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý phổ biến, có ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù không thể điều trị dứt điểm nhưng thông qua việc nhận diện sớm các triệu chứng và áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối, người bệnh có thể kiểm soát được bệnh, từ đó duy trì hoạt động bình thường trong đời sống hàng ngày.

Phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý mạn tính thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Việc phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối không chỉ giúp giảm đau mà còn duy trì và tăng khả năng vận động của khớp, đồng thời ngăn ngừa biến dạng khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng tùy theo từng giai đoạn của bệnh, từ nhẹ đến nặng, bao gồm nhiều biện pháp không dùng thuốc kết hợp với các phương pháp hỗ trợ khác để đạt hiệu quả tối ưu.

Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối nhẹ

Trong giai đoạn thoái hóa khớp gối nhẹ, triệu chứng đau không liên tục, ảnh hưởng không nhiều đến khả năng vận động của khớp. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng hơn.

Do đó, việc áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng từ giai đoạn này rất quan trọng. Một trong những biện pháp chủ yếu là thay đổi chế độ sinh hoạt, giảm cân nếu bệnh nhân thừa cân béo phì và thực hiện các bài tập thể dục phù hợp để duy trì sức khỏe khớp.

Những bài tập này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giàu dưỡng chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của khớp gối.

Hướng dẫn phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn bệnh 1
Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối giúp duy trì sức khỏe xương khớp

Phục hồi chức năng trong giai đoạn bệnh trung bình đến nặng

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn trung bình hoặc nặng, cơn đau kéo dài gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đi lại, làm suy giảm chức năng của khớp gối. Lúc này, phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối cần được điều trị kết hợp với thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, có thể tiêm thuốc vào khớp theo chỉ định của bác sĩ.

Các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm trị liệu, sóng ngắn trị liệu hoặc dòng điện giảm đau cũng được áp dụng để giảm đau, cải thiện khả năng di chuyển. Đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vận động trị liệu nhằm duy trì sự linh hoạt của khớp gối, tránh tình trạng cứng khớp.

Các dụng cụ hỗ trợ như nẹp gối, giày dép hấp thu lực hay khung tập đi có thể giúp giảm áp lực lên khớp, đồng thời hỗ trợ di chuyển. Phẫu thuật thay khớp là lựa chọn cuối cùng đối với những trường hợp thoái hóa khớp gối nặng mà không còn hiệu quả điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Sau khi thay khớp, bệnh nhân cần tiếp tục phục hồi chức năng để đảm bảo sự ổn định, kéo dài tuổi thọ của khớp nhân tạo.

Hướng dẫn phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn bệnh 2
Người bệnh sau phẫu thuật thay khớp cần duy trì phục hồi chức năng

Ai dễ bị thoái hóa khớp gối?

Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới. Bệnh này liên quan đến sự thoái hóa dần dần của sụn khớp, làm giảm chức năng và khả năng vận động của khớp gối, dẫn đến đau nhức thường xuyên, hạn chế vận động và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi quá trình cơ học và sinh học trong cơ thể mất cân bằng, dẫn đến sự tổn thương của lớp sụn và xương dưới sụn của khớp gối. Lớp sụn bao phủ hai đầu xương trong khớp gối giúp giảm ma sát và bôi trơn khớp.

Khi lớp sụn bị bào mòn do tác động cơ học hoặc do các yếu tố sinh học như viêm hoặc loãng xương, khả năng giảm ma sát, bôi trơn bị suy giảm. Điều này làm cho khớp gối trở nên kém linh hoạt, chà sát gây đau sưng.

Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Một trong những nguyên nhân chính là sự suy giảm nội tiết tố estrogen trong cơ thể phụ nữ, đặc biệt là sau mãn kinh. Estrogen có tác dụng bảo vệ xương và sụn khớp, vì vậy khi mức độ estrogen giảm, nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối tăng lên.

Bên cạnh đó, các yếu tố như thừa cân, béo phì, động tác dùng lực khớp trong vận động thể thao, chấn thương khớp gối trước đó hay di truyền cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển thoái hóa khớp gối.

Hướng dẫn phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn bệnh 3
Đối tượng nữ giới có thể mắc bệnh thoái hóa khớp gối

Lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối

Trong tất cả các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối, ba yếu tố cốt lõi trong phác đồ điều trị bao gồm tập luyện đúng cách, giảm cân và chế độ ăn uống lành mạnh. Các bài tập vật lý trị liệu giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong khớp, làm chậm quá trình thoái hóa và giảm thiểu đau nhức.

Tập luyện đúng cách là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng. Trước khi tiến hành các bài tập, bệnh nhân cần xác định rõ mục tiêu điều trị và xác định kế hoạch tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng của bản thân.

Các bài tập chủ yếu bao gồm duy trì tầm vận động của khớp, kéo giãn cơ bắp và dây chằng quanh khớp, tập sức bền và sức mạnh cho cơ xung quanh khớp gối. Chế độ tập luyện cần được thiết kế, điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của từng người, đảm bảo không quá sức và đạt hiệu quả tối ưu.

Mức độ tập luyện được khuyến cáo là 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, trong đó các bài tập mạnh cơ nên được thực hiện ít nhất 2 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, việc tập luyện cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ cùng kỹ thuật viên phục hồi chức năng để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, giảm cân là một phương pháp hiệu quả để giảm bớt gánh nặng lên khớp gối, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa. Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất, vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của sụn khớp, xương và dây chằng.

Hướng dẫn phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn bệnh 4
Giảm cân là phương pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối tiến triển

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả phương pháp phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối. Đây là một quá trình liên tục và dài hạn, yêu cầu sự kết hợp của nhiều phương pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe. Việc áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng đúng cách không chỉ giúp giảm đau, tăng khả năng vận động mà còn ngăn ngừa biến dạng khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, kết hợp với các phương pháp điều trị thích hợp, người bệnh thoái hóa khớp gối có thể sống khỏe mạnh và duy trì sự hoạt động bình thường trong suốt cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin