1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chi tiết các cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả, dễ áp dụng

Thanh Hương

30/06/2025
Kích thước chữ

Viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp nguy hiểm, dễ gặp ở mọi độ tuổi, nhất là vào thời điểm giao mùa hoặc môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, có nhiều cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay.

Viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Chủ động áp dụng cách phòng tránh bệnh viêm phổi sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Dưới đây là những cách phòng tránh viêm phổi hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với mọi đối tượng.

Tiêm vắc xin đầy đủ - cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả

Tiêm vắc xin được xem là một trong những biện pháp phòng ngừa viêm phổi chủ động và hiệu quả nhất hiện nay. Việc tiêm phòng đầy đủ không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng do viêm phổi gây ra.

Vắc xin phòng Phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính. Tiêm vắc xin phế cầu là cách hiệu quả để tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể.

Tại Việt Nam hiện có một số loại vắc xin phế cầu phổ biến như:

  • Vắc xin Synflorix (Phế cầu 10) chứa 10 tuýp kháng nguyên phổ biến của vi khuẩn phế cầu, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ đủ 6 tuần tuổi trở lên, ưu tiên trẻ dưới 5 tuổi. Việc chỉ định tiêm cho đối tượng lớn tuổi hơn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
  • Vắc xin Prevenar 13 (Phế cầu 13) chứa 13 tuýp kháng nguyên phổ biến của vi khuẩn phế cầu, bao gồm các tuýp nguy hiểm như 19A. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ đủ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn.
  • Vắc xin Pneumovax 23 (Phế cầu 23) chứa 23 tuýp huyết thanh phế cầu khuẩn, phù hợp với người từ 2 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và người có nguy cơ cao (người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người suy giảm miễn dịch).
  • Vắc xin Vaxneuvance (Phế cầu 15) chứa 15 tuýp huyết thanh phế cầu, phù hợp với trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn ở mọi độ tuổi.
Chi tiết các cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả, dễ áp dụng 1
Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả nhất

Vắc xin phòng cúm

Virus cúm là tác nhân gây bệnh hô hấp cấp tính, và biến chứng viêm phổi do cúm là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong. Tiêm vắc xin cúm hàng năm không chỉ giúp phòng ngừa cúm mà còn là cách phòng tránh bệnh viêm phổi do cúm.

Tại Việt Nam, các loại vắc xin cúm có các loại phổ biến như: Influvac Tetra (Hà Lan), Vaxigrip Tetra (Pháp), Ivacflu-S (Việt Nam), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc).

Tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều được khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm. Riêng trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi nếu chưa từng tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 liều cúm trước đó sẽ cần tiêm 2 liều trong mùa cúm đầu tiên, sau đó duy trì mỗi năm 1 liều.

Các vắc xin khác gián tiếp phòng tránh viêm phổi

Ngoài vắc xin phế cầu và vắc xin cúm, một số vắc xin khác cũng góp phần gián tiếp bảo vệ hệ hô hấp và giảm nguy cơ viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ như:

  • Vắc xin Ho gà - Bạch hầu - Uốn ván (ví dụ Adacel, Boostrix) giúp phòng ho gà, một bệnh lý hô hấp có thể dẫn đến viêm phổi nặng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Vắc xin Hib (Haemophilus influenzae tuýp B) giúp phòng các bệnh nhiễm khuẩn do Hib gây ra, bao gồm viêm phổi.

Vệ sinh cá nhân và môi trường sống phòng bệnh viêm phổi

Một trong những cách phòng tránh bệnh viêm phổi đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả là giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Đây là cách giúp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là vi khuẩn, virus gây viêm đường hô hấp.

Mỗi chúng ta nên có thói quen rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi, hoặc khi vừa chạm vào các bề mặt nơi công cộng.

Trong trường hợp không có nước, bạn nên dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh chứa cồn.

Chi tiết các cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả, dễ áp dụng 2
Giữ vệ sinh cá nhân là cách phòng bệnh viêm phổi ai cũng có thể làm được

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi cũng rất cần thiết để hạn chế phát tán vi sinh vật ra không khí. Cách tốt nhất là dùng khăn giấy (và bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng), hoặc dùng mặt trong khuỷu tay. Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng cũng là cách để giảm thiểu khả năng virus xâm nhập vào cơ thể.

Bạn nên lau dọn thường xuyên, đặc biệt là các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, công tắc điện, bàn ghế,… Ngoài ra, nên mở cửa sổ để không khí lưu thông tốt hơn, giúp hạn chế sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn.

Trong mùa dịch viêm đường hô hấp, nên tránh tụ tập nơi đông người. Nếu bắt buộc phải đến nơi đông người như bệnh viện, chợ, bến xe... bạn nên đeo khẩu trang đúng cách và rửa tay ngay sau khi rời khỏi.

Xây dựng lối sống lành mạnh - cách phòng tránh bệnh viêm phổi

Tăng cường sức đề kháng tự nhiên thông qua lối sống lành mạnh cũng là cách phòng tránh bệnh viêm phổi quan trọng. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể sẽ chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của virus, vi khuẩn gây bệnh.

Người lớn và trẻ em đều nên ưu tiên rau xanh, trái cây tươi (đặc biệt là loại giàu vitamin C như cam, bưởi, ổi), thực phẩm giàu kẽm và selen như hải sản, thịt đỏ, các loại hạt,... để nuôi dưỡng hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ngủ đủ giấc mỗi đêm từ 7 - 9 tiếng giúp cơ thể có thời gian phục hồi và sản sinh tế bào miễn dịch mới. Duy trì hoạt động thể chất đều đặn không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn, tăng dung tích phổi mà còn hỗ trợ điều hòa miễn dịch.

Chi tiết các cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả, dễ áp dụng 3
Tăng miễn dịch bằng lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc viêm phổi

Khói thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm suy giảm hàng rào bảo vệ tự nhiên của đường hô hấp, khiến cơ thể dễ bị viêm nhiễm hơn. Vì vậy, nếu bạn đang hút thuốc, hãy bắt đầu kế hoạch cai thuốc càng sớm càng tốt.

Tất cả chúng ta đều cần tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động từ môi trường xung quanh.

Uống rượu quá mức làm giảm khả năng sản xuất tế bào bạch cầu - tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Trong khi đó, stress kéo dài kích hoạt các hormone ức chế hệ miễn dịch, khiến bạn dễ nhiễm bệnh hơn.

Vì vậy, hãy hạn chế tiêu thụ rượu bia và kiểm soát căng thẳng nếu bạn muốn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Khám sức khỏe định kỳ và quản lý bệnh nền

Những người có bệnh nền mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, suy giảm miễn dịch,… thường có sức đề kháng kém hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, trong đó có viêm phổi. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.

Đặc biệt, người có bệnh nền mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch cần được quản lý và theo dõi sát sao.

Việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ không chỉ giúp kiểm soát bệnh chính mà còn làm giảm nguy cơ biến chứng hô hấp nguy hiểm, trong đó có viêm phổi.

Chi tiết các cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả, dễ áp dụng 4
Kiểm soát tốt các bệnh nền giúp giảm nguy cơ biến chứng viêm phổi

Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu mỗi người chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe đúng cách. Từ việc tiêm vắc xin đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh đều là những cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả mà chúng ta có thể áp dụng ngay hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin