1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổng hợp 5 nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo từng nguyên nhân

Thanh Hương

27/05/2025
Kích thước chữ

Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch bất thường giữa hai lá màng phổi, gây khó thở và đau ngực. Tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ các loại thuốc điều trị tràn dịch màng phổi thường dùng.

Tràn dịch màng phổi không phải là một bệnh lý độc lập mà thường là hậu quả của nhiều nguyên nhân như viêm phổi, lao phổi, suy tim hoặc ung thư. Khi dịch tích tụ quá nhiều trong khoang màng phổi, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong hô hấp, mệt mỏi và có thể đau ngực kéo dài. Việc điều trị hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào việc rút dịch mà còn dựa vào liệu trình dùng thuốc. Hiểu đúng về các loại thuốc điều trị tràn dịch màng phổi sẽ giúp người bệnh tuân thủ tốt hơn và tăng khả năng hồi phục.

Nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo nguyên nhân

Dưới đây là thông tin về các thuốc điều trị tràn dịch màng phổi được phân loại theo từng nguyên nhân:

Thuốc điều trị tràn dịch màng phổi do nhiễm khuẩn

Trong các trường hợp tràn dịch màng phổi do viêm phổi, viêm màng phổi mủ, thuốc kháng sinh là lựa chọn điều trị hàng đầu. Tùy theo mức độ nặng nhẹ và loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh phổ rộng hoặc kháng sinh đặc hiệu. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm:

  • Ceftriaxone, Cefotaxime (thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3);
  • Vancomycin, Linezolid (trong trường hợp nghi ngờ tụ cầu kháng Methicillin - MRSA);
  • Levofloxacin, Moxifloxacin (thuộc nhóm Quinolon, phổ rộng).

Việc sử dụng kháng sinh cần dựa trên kết quả kháng sinh đồ và theo dõi sát phản ứng điều trị để tránh kháng thuốc và biến chứng.

Tổng hợp 5 nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo từng nguyên nhân 1
Thuốc điều trị tràn dịch màng phổi được lựa chọn theo từng nguyên nhân

Thuốc kháng lao - thuốc điều trị tràn dịch màng phổi

Lao màng phổi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch màng phổi tại Việt Nam. Việc điều trị đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị lao chuẩn của Bộ Y tế hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phác đồ phổ biến hiện nay gồm:

  • Giai đoạn tấn công (2 tháng): Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E);
  • Giai đoạn duy trì (4 tháng): Isoniazid (H), Rifampicin (R);
  • Một số biệt dược thường gặp: Rifadin, Myrin-P, Mydutin.

Trong quá trình điều trị, cần theo dõi chức năng gan, thị lực và các tác dụng phụ khác như viêm dây thần kinh ngoại biên hay viêm gan do thuốc.

Thuốc lợi tiểu điều trị tràn dịch màng phổi do suy tim

Suy tim sung huyết có thể gây tràn dịch màng phổi hai bên, thường kèm theo phù và khó thở. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc lợi tiểu như một loại thuốc điều trị tràn dịch màng phổi, nhằm giúp loại bỏ dịch ứ đọng. Hai loại thuốc thường dùng nhất là:

  • Furosemide (Lasix) – thuộc nhóm lợi tiểu quai, tác dụng mạnh;
  • Spironolactone (Aldactone) – thuộc nhóm đối kháng aldosterone, giúp giữ kali trong cơ thể.

Liều lượng thuốc lợi tiểu cần được cá nhân hóa. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cũng cần theo dõi điện giải đồ, huyết áp và chức năng thận để tránh các biến chứng như hạ kali máu hoặc suy thận cấp.

Thuốc kháng viêm và corticoid điều trị hỗ trợ

Đối với tràn dịch màng phổi do nguyên nhân miễn dịch, như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hoặc viêm màng phổi tự miễn, việc sử dụng corticoid và thuốc kháng viêm có thể giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng.

Tổng hợp 5 nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo từng nguyên nhân 2
Cần theo dõi các tác dụng phụ khi dùng thuốc tràn dịch màng phổi

Các loại thuốc thường dùng gồm:

  • Prednisolone, Methylprednisolone – corticoid phổ biến;
  • Ibuprofen, Naproxen – thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Tuy nhiên, corticoid cần được dùng cẩn trọng, theo dõi sát đường huyết, huyết áp, nguy cơ loãng xương và nhiễm trùng cơ hội khi dùng lâu dài.

Thuốc điều trị ung thư trong tràn dịch màng phổi ác tính

Tràn dịch màng phổi ác tính xảy ra khi có di căn từ phổi, vú, buồng trứng hoặc các cơ quan khác. Việc điều trị chủ yếu là hóa trị, nội tiết trị liệu, hoặc liệu pháp miễn dịch, tùy thuộc vào loại ung thư nguyên phát. Một số phác đồ điều trị và thuốc phổ biến gồm:

  • Paclitaxel, Carboplatin – thường dùng cho ung thư phổi, buồng trứng;
  • Tamoxifen, Letrozole – cho ung thư vú phụ thuộc hormone;
  • Pembrolizumab, Nivolumab – liệu pháp miễn dịch hiện đại.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân được chỉ định dẫn lưu dịch màng phổi và bơm hóa chất vào khoang màng phổi để giảm triệu chứng và ngăn tái phát.

Có phải lúc nào cũng cần dùng thuốc tràn dịch màng phổi?

Không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc điều trị tràn dịch màng phổi. Việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch, mức độ dịch và tình trạng toàn thân của người bệnh.

Nếu lượng dịch ít, không gây khó thở và không kèm viêm nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi mà chưa cần dùng thuốc hoặc can thiệp gì ngay. Trong các trường hợp tràn dịch do nhiễm khuẩn, lao, suy tim hay ung thư, thuốc điều trị nguyên nhân là bắt buộc. Ngoài ra, nếu dịch quá nhiều gây chèn ép phổi, cần chọc hút dịch kết hợp với thuốc, không thể chỉ dùng thuốc đơn thuần.

Dùng thuốc là một phần quan trọng trong điều trị tràn dịch màng phổi. Nhưng có áp dụng hay không, dùng loại nào, liều bao nhiêu,… cần dựa vào nguyên nhân và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tổng hợp 5 nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo từng nguyên nhân 3
Bác sĩ sẽ căn cứ nhiều yếu tố để quyết định dùng loại thuốc nào

Lưu ý khi sử dụng thuốc tràn dịch màng phổi

Việc điều trị bằng thuốc điều trị tràn dịch màng phổi cần được theo dõi chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ y khoa. Dưới đây là những lưu ý quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả điều trị:

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị tràn dịch màng phổi

Có nhiều nguyên nhân tràn dịch màng phổi như nhiễm khuẩn, lao, ung thư, bệnh lý tim mạch hoặc miễn dịch. Mỗi nguyên nhân lại cần một loại thuốc và phác đồ điều trị khác nhau. Việc tự ý mua và sử dụng thuốc không những không hiệu quả mà còn có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

Theo dõi chức năng gan, thận khi dùng thuốc

Nhiều loại thuốc điều trị tràn dịch màng phổi như kháng sinh, thuốc kháng lao, corticoid hoặc thuốc hóa trị đều có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Việc xét nghiệm máu định kỳ giúp bác sĩ đánh giá kịp thời nguy cơ tổn thương gan, thận để điều chỉnh liều thuốc hoặc thay thế thuốc nếu cần thiết.

Cẩn trọng với tác dụng phụ thường gặp

Một số tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc điều trị tràn dịch màng phổi có thể bao gồm: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy (do kháng sinh hoặc hóa trị), tăng men gan, vàng da (do thuốc kháng lao hoặc corticoid), mất ngủ, tăng huyết áp, loãng xương (khi dùng corticoid dài ngày), suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Tổng hợp 5 nhóm thuốc điều trị tràn dịch màng phổi theo từng nguyên nhân 4
Cần theo dõi tác dụng phụ khi dùng thuốc chữa tràn dịch màng phổi

Đối tượng đặc biệt cần được theo dõi sát sao

Một số nhóm bệnh nhân cần được theo dõi và điều chỉnh liều thuốc đặc biệt kỹ lưỡng như: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân suy gan, suy thận, người mới mổ tim, mổ phổi, người có nhiều bệnh nền,…

Việc lựa chọn thuốc điều trị tràn dịch màng phổi cần dựa trên nguyên nhân cụ thể và đánh giá toàn diện của bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu cuối cùng của việc dùng thuốc điều trị là kiểm soát tình trạng tích dịch, giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà cần tuân thủ phác đồ và tái khám định kỳ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin