Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Nguyên nhân do đâu trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón và cách khắc phục như thế nào?

Ngày 18/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón là vấn đề có thể khiến nhiều mẹ bỉm sữa cảm thấy rất hoang mang. Bởi vì sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt và an toàn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy tình trạng táo bón khi bú mẹ có đáng lo ngại hay không?

Sữa mẹ không chỉ dễ tiêu hóa mà đôi lúc còn được xem là một loại thuốc nhuận tràng hoàn toàn tự nhiên dành cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, bú mẹ luôn được khuyến cáo đối với tất cả các trường hợp nuôi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường, bé bú sữa mẹ sẽ hiếm khi gặp phải tình trạng táo bón. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón vẫn có thể xảy ra. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì và có cách nào để khắc phục không?

Các biểu hiện cho thấy trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón

Trên thực tế, tần suất đi ngoài của bé không thể phản ánh chính xác việc trẻ bị táo bón. Bên cạnh đó, nếu bé bị khó chịu hay phải rặn khi đi ngoài cũng không phải là dấu hiệu chắc chắn của tình trạng táo bón. Bởi vì trong một số trường hợp, bé cần sử dụng cơ bụng để đẩy phân ra ngoài nên ta sẽ thấy bé rặn mạnh.

Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón mà bạn nên xem xét:

  • Bé không muốn bú mẹ;
  • Bụng bé phình và cương cứng;
  • Bé khóc khi đi ngoài;
  • Phân đặc sệt như đất sét hoặc phân cứng và có lẫn máu. Đôi khi phân cứng đến mức làm rách, tổn thương mô hậu môn của bé khi đi ngoài.
Nguyên nhân do đâu trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón và cách khắc phục như thế nào? 1
Khóc khi đi ngoài là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón: Nguyên nhân do đâu?

Phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn sẽ không bị táo bón. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp trẻ bú mẹ bị táo bón do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Quan niệm dân gian cho rằng, trẻ bị táo bón khi bú mẹ là do mẹ ăn quá mặn, kiêng cữ quá mức, chỉ ăn những thức ăn khô như cá kho tiêu, thịt kho khô,… và đặc biệt không ăn canh, rau hoặc trái cây. Chính vì vậy đã khiến cho sữa mẹ bị nóng, bé bú dễ bị táo bón.

Ngoài ra, các trường hợp trẻ bị táo bón khi đã bước vào thời điểm ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi) thì có thể là do ăn một số loại thực phẩm như: Sữa bò (chỉ dùng cho bé hơn 1 tuổi); chuối (dùng sai cách); ngũ cốc, gạo (thường hấp thụ nước trong ruột nên khiến phân trở nên cứng).

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón là do:

  • Thành phần và chất lượng sữa mẹ thay đổi khiến bé bị táo bón.
  • Mẹ không có đủ sữa cho bé bú hoặc bé bú không đủ no nên cơ thể chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu chất lỏng.
  • Trẻ bị căng thẳng khi đi đến nơi lạ, phải di chuyển nhiều, thời tiết nắng nóng,...
  • Một số vấn đề sức khỏe khác ở trẻ như bệnh lý về dạ dày, đường tiêu hóa,… Hoặc bé bị nghẹt mũi, cảm lạnh thông thường làm giảm sự thèm ăn, bé bú ít, thiếu lượng chất lỏng cần thiết nên gây ra táo bón.
Nguyên nhân do đâu trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón và cách khắc phục như thế nào? 2
Bú không đủ no có thể nguyên nhân khiến bé bị táo bón khi bú sữa mẹ

Tần suất đi ngoài bình thường ở trẻ sơ sinh đang bú mẹ

Tần suất đi ngoài và lượng phân sẽ có sự thay đổi theo độ tuổi và chế độ ăn hằng ngày của bé. Về cơ bản, bé có thể đi ngoài với tần suất như sau:

  • Từ 1 ngày tuổi đến 4 ngày tuổi bé sẽ đi ngoài vài lần mỗi ngày, có thể thay đổi về màu sắc từ xanh đậm đen sang xanh đậm nâu và trở nên lỏng hơn khi bé bú sữa mẹ.
  • Từ 5 ngày tuổi đến 30 ngày tuổi bé đi ngoài mỗi ngày 3 đến 8 lần hoặc nhiều hơn, màu sắc có sự thay đổi từ xanh nâu sang vàng tươi và có đặc tính lỏng hơn.
  • Từ 1 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi bé có thể đi vài lần trong ngày hoặc vài ngày một lần. Lúc này, cơ thể bé đã hấp thụ hầu hết sữa mẹ. Một số bé sẽ không đi ngoài trong 2 tuần và vẫn là bình thường nếu bé không gồng khi đi nặng và phân không bị khô cứng.
  • Từ 6 tháng tuổi trở đi bé bắt đầu đi ngoài thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do trẻ đã bước vào độ tuổi ăn dặm với thức ăn đặc và uống thêm sữa bò (khi đủ 1 tuổi) nên hệ tiêu hóa của bé có thể chưa thích ứng hoàn toàn với các loại thức ăn mới.

Có cách nào khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón không?

Khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón bạn không nên quá lo lắng, mà hãy thử áp dụng một số mẹo dưới đây để khắc phục tình trạng này cho bé:

  • Thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn của mẹ, ưu tiên các loại trái cây và rau xanh đối với giai đoạn trẻ bú mẹ hoàn toàn.
  • Nếu bé bắt đầu ăn dặm thì hãy cho bé ăn một số thực phẩm chứa nhiều chất xơ như mận, táo, đậu Hà Lan xay nhuyễn, các loại rau trị táo bón,…
  • Thực hiện các hoạt động giúp tăng cường nhu động ruột tự nhiên cho bé như cho con nằm ngửa và di chuyển chân theo kiểu đạp xe hoặc thỉnh thoảng cho bé nằm sấp.
  • Massage bụng cho trẻ sơ sinh bằng cách đặt bàn tay dưới rốn rồi nhẹ nhàng xoa bóp bụng bé theo chuyển động tròn trong vòng khoảng một phút là được.
Nguyên nhân do đâu trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón và cách khắc phục như thế nào? 3
Massage bụng là cách giúp khắc phục táo bón cho bé rất tốt

Trẻ bị táo bón có phải do chế độ ăn của mẹ hay không?

Theo các chuyên gia, việc mẹ ăn uống gì không phải là yếu tố chính kích thích sữa mẹ mà khả năng bú của bé mới là hoạt động ảnh hưởng đến lượng sữa về. Bên cạnh đó, sữa mẹ được tạo ra từ những gì có trong máu của mẹ chứ không phải ở thức ăn tiêu thụ trong đường tiêu hóa.

Do đó, mẹ bỉm khi cho con bú có thể không cần phải kiêng cữ quá nhiều loại thực phẩm. Chỉ trừ trường hợp bé xảy ra các phản ứng tiêu cực khá rõ rệt. Ngoài ra, mẹ vẫn nên duy trì chế độ ăn uống dinh dưỡng, cân bằng và lành mạnh để đảm bảo tốt hơn về mặt sức khỏe sau sinh.

Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón có thể không phải là một trường hợp gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, mẹ nên đưa bé đi khám nếu như:

  • Đã áp dụng các biện pháp trị táo bón tự nhiên, đơn giản nhưng không hiệu quả;
  • Bé khóc nhiều mỗi khi đi ngoài;
  • Bé bỏ bú, không chịu bú;
  • Bé bị nôn mửa, sốt;
  • Sờ bụng bé có cảm giác cứng và sưng đau.
Nguyên nhân do đâu trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón và cách khắc phục như thế nào? 4
Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra giải pháp phù hợp cho tình trạng táo bón của trẻ

Các xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng táo bón của bé, để từ đó, đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Mẹ bỉm cần lưu ý không được tự ý cho bé dùng bất cứ loại thuốc gì nếu như chưa có sự cho phép từ bác sĩ.

Như vậy, bạn không nên quá lo lắng trong trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón. Thay vào đó, hãy thử thực hiện một số cách đã được Nhà thuốc Long Châu đề cập đến ở trên. Nếu tình trạng táo bón của bé không thuyên giảm thì hãy đưa bé đến bác sĩ để được hỗ trợ tốt hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, nhiều năm đảm nhiệm vị trí tư vấn dược phẩm và sức khỏe. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.