Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân gây buồn nôn sau khi uống thuốc và cách khắc phục như thế nào?

Ngày 12/11/2023
Kích thước chữ

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu... Vậy bạn nên làm gì nếu bị buồn nôn sau khi dùng thuốc? Thông qua các bài viết dưới đây, nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả.

Hầu hết bệnh nhân dùng thuốc với hy vọng giảm triệu chứng bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, đôi khi thuốc có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, buồn nôn khi dùng thuốc là một trong những tác dụng phụ thường được nhắc đến trên thực tế lâm sàng.

Buồn nôn và một số triệu chứng kèm theo sau khi dùng thuốc

Buồn nôn là triệu chứng thường gặp sau khi dùng thuốc. Mặc dù không gây đau đớn nhưng tình trạng này có thể gây ra nhiều khó chịu ở cổ họng và vùng bụng trên.

nguyen-nhan-gay-buon-non-sau-khi-uong-thuoc-va-cach-khac-phuc-nhu-the-nao 1.jpg
Buồn nôn là triệu chứng thường gặp sau khi dùng thuốc

Thông thường, buồn nôn xảy ra theo trình tự sau:

  • Ban đầu, cơ vòng thực quản dưới sẽ giãn ra trong khi cơ bụng và cơ hoành co lại.
  • Nắp thanh quản tiếp tục đóng lại.
  • Nhu động dạ dày làm tăng các cơn co thắt, gây buồn nôn và đẩy thức ăn ra khỏi ống thực quản miệng.

Một số triệu chứng kèm theo:

  • Ngoài buồn nôn, một số tác dụng phụ khác có thể xảy ra sau khi dùng thuốc như: Nôn kéo dài, chóng mặt, khô miệng, tiêu chảy, đau bụng trên, phát ban…
  • Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau ngực, co giật, sưng mặt, môi…, lúc này bạn nên ngừng dùng thuốc và nhanh chóng đến cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân buồn nôn sau khi uống thuốc

Vậy nguyên nhân gây buồn nôn, khó chịu sau khi uống thuốc là gì? Sau đây là cơ chế gây ra tác dụng phụ của thuốc này:

  • Một số thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh phó giao cảm và làm tăng nhu động ruột. Vì vậy sau khi uống thuốc người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn.
  • Các thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) chứa các chất gây kích ứng màng nhầy, khiến dạ dày tăng cường co bóp và đẩy thức ăn trở lại miệng. Vì vậy, bệnh nhân có thể bị buồn nôn và nôn sau khi dùng thuốc.
  • Khi chúng ta già đi, khả năng hấp thu thuốc của dạ dày giảm đi. Thuốc bị lưu lại lâu có thể gây kích ứng màng nhầy và gây buồn nôn.
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng nôn mửa có thể tăng lên nếu bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc cùng một lúc. Tình trạng này xảy ra do sự tương tác giữa các loại thuốc.
  • Tá dược trong thành phần thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây buồn nôn sau khi dùng thuốc.
nguyen-nhan-gay-buon-non-sau-khi-uong-thuoc-va-cach-khac-phuc-nhu-the-nao 2.png
Tá dược trong thành phần thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây buồn nôn

Các loại thuốc gây buồn nôn sau khi uống bạn nên biết

Bạn có thể cảm thấy buồn nôn khó chịu sau khi dùng các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc thuộc nhóm macrolid như erythromycin…
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, naproxen, celecoxib…
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Amlodipine, nicardipine, felodipine, verapamil…
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson.
  • Thuốc hóa trị ung thư.

Cách khắc phục tình trạng buồn nôn sau khi uống thuốc

Để thoát khỏi tình trạng buồn nôn sau khi dùng thuốc, bạn có thể thực hiện ngay các biện pháp sau:

Dùng thuốc đúng cách

Uống thuốc đúng cách sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng buồn nôn khó chịu. Vì vậy, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi uống. Nếu là thuốc kê đơn, hãy nhớ dùng theo liều lượng do bác sĩ chỉ định, đừng bao giờ tự ý mua để chữa bệnh. Để hạn chế kích ứng niêm mạc dạ dày, bạn nên ăn vài miếng bánh quy, bánh mì trước khi dùng thuốc này.

Lưu ý: Nên uống thuốc với nước lọc, không uống chung với sữa, soda, trà để tránh mất tác dụng chữa bệnh. Ngoài ra, bạn không nên nằm hoặc vận động ngay sau khi uống thuốc để tránh thuốc bị đẩy ra ngoài.

Thay đổi thói quen ăn uống của bạn

Để kiểm soát tình trạng buồn nôn sau khi dùng thuốc, bạn nên thực hiện những thay đổi về chế độ ăn uống như sau:

  • Đừng ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Ăn nhiều thực phẩm dễ tiêu hóa như súp gà và hạn chế đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ.
  • Uống nhiều nước, nếu nôn nhiều có thể bổ sung chất điện giải như Oresol.
  • Pha trà với mật ong, gừng và chanh để uống.

Một số thực phẩm không nên sử dụng khi dùng thuốc

Bạn không nên dùng thuốc cùng với một số thực phẩm sau vì chúng có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc phá hủy thành phần của thuốc:

Quả cam, quýt

Không nên ăn trái cây họ cam quýt sau khi dùng thuốc. Bởi vì chúng có thể ngăn chặn các enzym phân hủy statin và các loại thuốc khác, chẳng hạn như dextromethorphan trị ho, làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Vì vậy, khi kết hợp cam quýt với dextromethorphan, bạn có thể thường xuyên cảm thấy buồn ngủ và ảo giác. Không chỉ vậy, cơ bắp của bạn cũng có thể bị tổn thương nếu sử dụng kết hợp với statin. Tác dụng phụ có thể kéo dài một ngày hoặc lâu hơn, vì vậy bạn không nên ăn cam quýt khi đang dùng một trong các loại thuốc trên.

nguyen-nhan-gay-buon-non-sau-khi-uong-thuoc-va-cach-khac-phuc-nhu-the-nao 3.jpg
Không nên ăn trái cây họ cam quýt sau khi dùng thuốc

Trà xanh

Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tế bào ung thư. Nhưng nếu bạn uống trà xanh cùng với thuốc chống ung thư thì tác dụng này sẽ biến mất.

Đồng thời, không nên uống viên sắt cùng với trà xanh. Bởi hàm lượng tanin trong trà có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Nếu muốn uống, bạn có thể uống trà xanh sau khi uống thuốc khoảng 1,5 giờ.

Sữa

Thuốc kháng sinh có thể làm đông vón các khoáng chất, sắt và canxi trong các sản phẩm từ sữa. Vì vậy, khi kết hợp với nhau, cơ thể không hấp thu hết thuốc khiến việc điều trị kém hiệu quả.

Chuối

Chuối là loại trái cây chứa nhiều kali nhưng không nên ăn ngay sau khi uống thuốc lợi tiểu. Nếu tiêu thụ ngay, cơ thể sẽ tăng cường tích tụ khoáng chất này, có thể dẫn đến các biến chứng huyết áp và tim mạch.

Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ hiểu nguyên nhân gây buồn nôn sau khi uống thuốc và cách khắc phục. Nếu xảy ra các triệu chứng nhẹ như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt thì không cần phải ngừng dùng thuốc nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để chuyển sang dùng thuốc mới, hoặc chuyển từ thuốc uống sang thuốc tiêm, thuốc đặt…

Xem thêm: 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.