Nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch thứ phát và cách điều trị
Ngày 16/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Rối loạn suy giảm miễn dịch thứ phát phổ biến hơn suy giảm miễn dịch nguyên phát (hoặc bẩm sinh). Những rối loạn suy giảm miễn dịch này ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể người bệnh dễ dàng trở thành mục tiêu của một số bệnh và nhiễm trùng.
Suy giảm miễn dịch thứ phát (SID) xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh bị suy yếu nguyên nhân do một phương pháp điều trị hoặc bệnh tật khác. Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm miễn dịch thứ phát cũng giống như tình trạng nguyên phát, biểu hiện bằng nhiễm trùng thường xuyên, kéo dài hoặc bất thường. Nếu nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch thứ phát có thể được loại bỏ thì ở nhiều người, hệ thống miễn dịch sẽ trở lại bình thường. Đối với một số trường hợp, việc hồi phục này không xảy ra và phải điều trị sẽ lâu dài, thậm chí là suốt đời.
Nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch thứ phát
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra suy giảm miễn dịch thứ phát như:
Bệnh mãn tính.
Vết bỏng nặng.
Xạ trị hoặc hóa trị trong điều trị ung thư, có thể dẫn đến rối loạn suy giảm miễn dịch thứ phát do giảm bạch cầu.
Bệnh bạch cầu, một loại ung thư có nguồn gốc từ các tế bào của tủy xương có thể dẫn đến số lượng bạch cầu thấp.
Suy dinh dưỡng khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy.
Một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch ở những người bị rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, bệnh viêm ruột và bệnh vẩy nến có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng mãn tính chẳng hạn như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), do nhiễm HIV, có thể dẫn đến một số rối loạn suy giảm miễn dịch thứ phát. Trong trường hợp này, vi-rút nhắm vào các tế bào bạch cầu trong cơ thể (các tế bào này giúp chống lại nhiễm trùng và vi khuẩn). Theo thời gian, số lượng bạch cầu giảm đi làm cho cơ thể suy yếu, dễ mắc nhiều loại nhiễm trùng khác nhau.
Mặc dù nhiễm HIV là nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch thứ phát tuy nhiên, các bác sĩ luôn cần loại trừ đầu tiên trước khi xem xét các nguyên nhân khác gây suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng và chẩn đoán
Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm miễn dịch thứ phát cũng giống như tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát như thường xuyên mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi, viêm xoang, nhiễm trùng tai, cảm lạnh, nhiễm trùng nấm men, lao phổi,...
Các xét nghiệm thường là cần thiết để tìm hiểu xem nhiễm trùng bắt nguồn từ đâu và do tác nhân nào. Xét nghiệm máu được sử dụng thường quy đối với người bệnh mắc suy giảm miễn dịch thứ phát. Các xét nghiệm chuyên sâu hơn để kiểm tra chính xác chức năng miễn dịch sẽ được chỉ định phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng đang diễn ra.
Nguyên nhân có thể là người bệnh có số lượng bạch cầu trung tính thấp, đây là các tế bào máu giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Số lượng bạch cầu giảm thấp có thể dễ dàng được phát hiện bằng thực hiện xét nghiệm máu lặp lại nhiều lần.
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị sẽ được đề nghị tùy thuộc vào bản chất của tình trạng suy giảm miễn dịch thứ phát. Nếu thuốc hoặc các phương pháp điều trị bệnh lý hiện có được cho là nguyên nhân thì việc điều trị có thể được thay đổi phác đồ, thay đổi thuốc hoặc loại bỏ. Nếu một căn bệnh khác là nguyên nhân thì việc điều trị nó có thể giải quyết được tình trạng suy giảm miễn dịch.
Dưới đây là các phương pháp điều trị được sử dụng cho các loại suy giảm miễn dịch thứ phát khác nhau.
Thiếu hụt kháng thể
Suy giảm miễn dịch thứ phát có thể dẫn đến thiếu hụt kháng thể thứ cấp (SAD), giống với các dấu hiệu và triệu chứng của bất kỳ sự thiếu hụt kháng thể nguyên phát nào và mức độ điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Người bệnh có thể được tiêm vắc xin thử nghiệm, nếu thành công sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ tốt và không cần điều trị bổ sung.
Một số bệnh nhân có thể cần dùng kháng sinh dự phòng hoặc điều trị bằng liệu pháp thay thế globulin miễn dịch.
Giảm bạch cầu trung tính
Số lượng bạch cầu trung tính thấp có thể do ức chế miễn dịch hoặc các phương pháp điều trị y tế. Bệnh nhân có thể cần điều trị dự phòng bằng cả thuốc kháng sinh và chống nấm trong quá trình thay đổi điều trị. Đôi khi tiêm G-CSF, yếu tố kích thích tủy xương tạo ra và giải phóng nhiều bạch cầu trung tính hơn.
Thiếu hụt tế bào T
Những bệnh nhân có số lượng hoặc chức năng tế bào T kém thường có thể bị nhiễm vi-rút, vi khuẩn và các sinh vật không điển hình, chẳng hạn như nhiễm lao. Đối với những người có chức năng tế bào T kém do ghép tủy xương để điều trị ung thư, có thể tăng cường khả năng miễn dịch của họ bằng truyền bổ sung tế bào lympho của người hiến tặng (DLI).
Suy giảm miễn dịch thứ phát (hoặc mắc phải) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nhiễm trùng ở người lớn. Các triệu chứng khác nhau đối với từng chứng rối loạn suy giảm miễn dịch, có thể là xảy ra cấp tính (đột ngột và ngắn hạn) hoặc mãn tính (xảy ra trong một thời gian dài). Hầu hết các rối loạn suy giảm miễn dịch thứ phát có thể được điều trị dễ dàng bằng cách giải quyết nguyên nhân.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.