Long Châu

Nguyên nhân và triệu chứng khi bị dị ứng cà phê

Ngày 02/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cà phê là loại thức uống quá quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống thường ngày hiện nay. Vào buổi sáng, chỉ cần nhâm nhi một ly cà phê là có thể tỉnh táo tức thì. Nhưng rất ít người biết cà phê cũng có thể gây dị ứng. Mặc dù tỉ lệ không cao, nhưng chính vì khả năng kích thích thần kinh nên có thể làm nhiều người nhầm lẫn giữa dị ứng cà phê với tác dụng vốn có của loại thức uống quen thuộc này.

Cà phê vốn được biết đến là loại thức uống giúp kích thích thần kinh trung ương, có tác dụng làm tỉnh táo tức thì nhờ thành phần caffein. Chính vì lí do đó, nhiều người có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng để có được tinh thần tỉnh táo làm việc. 

Theo ý kiến của các chuyên gia, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ lượng caffein trong khoảng 400mg một ngày. Uống nhiều hơn 500mg đến 600mg có thể làm gia tăng khả năng xảy ra các tác dụng không mong muốn.

Lợi ích và tác hại từ việc uống cà phê thường xuyên 

Tổng quan về cà phê

Cà phê có tên khoa học là Coffea arabica L., thuộc họ Cà phê Rubiaceae. Ở Việt Nam, cây cà phê phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi cao với thủ phủ là vùng Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. 

Thành phần hoá học trong hạt cà phê sống, bao gồm: Akaloid (caffein, colin,…), acid hữu cơ, acid phenolic, glucid, lipid, đường khử saccharose, polysaccharide, manitol,…

Thành phần hoá học của cà phê rang có thay đổi, hàm lượng nước giảm 5%, các chất vô cơ vẫn được giữ nguyên, cafein có phần thăng hoa, glucid thay đổi (saccharose bị chuyển hoá một phần, nhiều chất hoà tan xuất hiện). Bên cạnh đó, cà phê rang còn có các chất thơm làm nên hương vị đặc trưng của cà phê.

Caffein là hoạt chất chính trong hạt cà phê, với các tác dụng như:

  • Kích thích thần kinh trung ương: Caffein giúp tăng sự tỉnh táo, minh mẫn, vượt qua cơn buồn ngủ. Nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ làm bồn chồn, mất ngủ, thậm chí có thể gây co giật cục bộ hoặc toàn thân.
  • Hệ tim mạch: Làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp nhẹ. Tuy nhiên, với những người có thói quen uống cà phê thì tác dụng này không đáng kể.
  • Cơ trơn: Caffein làm giãn cơ trơn khí phế quản, đặc biệt có lợi trên bệnh nhân hen suyễn.
  • Hệ tiết niệu: Tác dụng lợi tiểu thông qua gia tăng độ lọc cầu thận và tăng lưu lượng máu qua thận.
Nguyên nhân và triệu chứng khi bị dị ứng cà phê  1 Caffein là hoạt chất chính trong hạt cà phê

Lợi ích của việc uống cà phê

Khi uống cà phê, hầu hết mọi người chỉ muốn tỉnh táo nhanh chóng và tập trung làm việc thật hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, cà phê còn có thể mang lại một số lợi ích sức khoẻ quan trọng khác, như:

  • Bệnh đái tháo đường: Vào năm 2014, cuộc nghiên cứu trên 48.000 người đã phát hiện ra rằng những người uống cà phê ít nhất một tách mỗi ngày trong vòng 4 năm có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường đường type 2 thấp hơn 11% so với những người không uống. Một phân tích tổng hợp năm 2017, kết luận rằng những người uống từ 4 đến 6 tách cà phê có chứa caffein hoặc không chứa caffein mỗi ngày có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa thấp hơn, bao gồm cả bệnh đái tháo đường type 2.
  • Bệnh Parkinson: Một số nghiên cứu cho rằng những người uống cà phê có khả năng ít bị bệnh trầm cảm và các bệnh về nhận thức như Parkinson.
  • Bệnh gan mãn tính và ung thư gan: Uống cà phê có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và xơ gan.
  • Sức khoẻ tim mạch: Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống 3-5 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch tới 15% . 
  • Béo phì: Có một số bằng chứng cho thấy rằng tiêu thụ cà phê có thể giúp giảm cân. Một khảo sát năm 2018, chỉ ra rằng những người tham gia càng uống nhiều cà phê thì trọng lượng, chỉ số khối cơ thể (BMI) và khối lượng chất béo của họ giảm càng nhiều.
  • Chống oxi hoá: Hạt cà phê chứa polyphenol là chất chống oxi hoá, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động gây hại của các gốc tự do.

Tác hại của việc uống cà phê quá nhiều

Việc uống cà phê tuy có nhiều lợi ích nhưng song song cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khoẻ, có thể kể đến như:

  • Gãy xương: Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng phụ nữ uống nhiều cà phê có thể có nguy cơ gãy xương cao hơn.
  • Các biến chứng khi mang thai: Uống cà phê cũng có thể không an toàn trong thai kỳ. Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc uống nhiều cà phê với việc giảm cân khi mang thai, sinh con nhẹ cân và sinh non.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Những người uống nhiều cà phê có thể có nguy cơ mắc tình trạng này cao hơn một chút.
  • Sự lo lắng: Tiêu thụ một lượng lớn caffein có thể làm cảm giác lo âu, đặc biệt là ở những người bị rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn lo âu xã hội.
Nguyên nhân và triệu chứng khi bị dị ứng cà phê  2 Phụ nữ uống nhiều cà phê có thể có nguy cơ gãy xương

Dị ứng cà phê

Nguyên nhân gây dị ứng cà phê

Nguyên nhân gây dị ứng cà phê bắt nguồn từ việc hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định không chính xác khi xem caffein là một chất có hại. Sau đó, phóng thích ra các kháng thể immoglobulin IgE vào máu. 

Khi các kháng thể này được giải phóng ra, cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng cách kích hoạt một loạt các phản ứng như viêm, các mô và mạch máu giãn nỡ, phát ban da kèm theo ngứa, nổi mề đay hoặc sưng tấy (phù nề) và cuối cùng là biểu hiện ra các phản ứng dị ứng bên ngoài.

Thực tế, có rất ít các trường hợp được báo cáo là dị ứng với cà phê. Các phản ứng dị ứng còn có thể xảy ra do bụi hoặc nấm mốc từ hạt cà phê bảo quản và chế biến không đúng cách.

di-ung-ca-phe 3 Ngứa ngáy, phát ban là một trong những triệu chứng đầu tiên hay gặp khi bị dị ứng

Các triệu chứng khi dị ứng với cà phê

Các triệu chứng dị ứng với cà phê đôi khi rất nghiêm trọng. Các phản ứng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan trong cơ thể, như hệ hô hấp, hệ tiêu hoá và tuần hoàn chung. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi uống cà phê và có thể chuyển biến nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp đúng cách kịp thời.

Các triệu chứng lâm sàng của dị ứng cà phê bao gồm: Nôn, co thắt dạ dày, phát ban da, thở khò khè hoặc thở dốc, ngất xĩu, ho, mạch yếu,…

Cũng có thể xuất hiện một số phản ứng không được xem là dị ứng nếu một người bình thường uống quá nhiều cà phê, như kích thích, bồn chồn, mất ngủ, đau dạ dày, co giật cơ,…

Khi nào cần gặp bác sỹ?

Cần tìm đến sự hỗ trợ y tế nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là khi xảy ra nhiều triệu chứng cùng lúc. Trong một số trường hợp hiếm, có thể xảy ra phản ứng quá mẫn, sẽ đồng thời ảnh hưởng đến sự hô hấp, nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân.

Cần làm gì nếu đã bị dị ứng với caffein?

Nếu xảy ra dị ứng với caffein, có thể dùng thuốc kháng histamine để làm giảm các triệu chứng.

Khi dị ứng với caffein, bạn cần loại bỏ hẳn hoặc cắt giảm bớt lượng caffein tiêu thụ hàng ngày để tránh xảy ra các phản ứng tương tự hoặc nghiêm trọng hơn. Cần chú ý hơn với những loại cũng có chứa caffein như trà (trà xanh, trà đen), chocolate, thuốc giảm đau,… Có thể thay thế cà phê bằng các loại thức uống khác không chứa caffein như trà thảo dược, nước táo, nước chanh nóng,…

Nguyên nhân và triệu chứng khi bị dị ứng cà phê  4 Cắt giảm bớt lượng caffein để tránh dị ứng nghiêm trọng hơn

Tình trạng không dung nạp caffein

Không dung nạp thường xảy ra do cơ thể thiếu enzym nào đó để chuyển hoá một chất cụ thể (ví dụ như lactose). Khi cơ thể không tiêu hoá chất đó đúng cách, sẽ xảy ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau dạ dày,…

Tình trạng không dung nạp caffein thường là do tác động lên hệ hormon endocrine và không liên quan đến hệ thống miễn dịch. Caffein ngăn chặn hoạt động của adenosine, chất này làm cơ thể bạn buồn ngủ, và làm gia tăng sản xuất adrenaline làm kích thích sự hoạt động của các hệ cơ quan. Nếu cơ thể không xử lý lượng caffein này đúng cách, sẽ làm tích tự quá nhiều adrenaline và xảy ra các triệu chứng như chóng mặt, bồn chồn, tăng nhịp tim, thở gấp, đổ mồ hôi,…

Rất khó để chẩn đoán phân biệt dị ứng caffein và tình trạng không dung nạp caffein. Test dị ứng da và test kháng thể IgE trong máu thì nhanh và hiệu quả để chẩn đoán dị ứng caffein, nhưng thường không cần đến các xét nghiệm này vì đại đa số trường hợp không quá nghiêm trọng.

DS Trân Lê

Nguồn tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm