34 triệu chứng tiền mãn kinh mà các chị em phụ nữ cần phải biết
Ngày 22/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Dấu hiệu tiền mãn kinh gây nhiều cảm giác khó chịu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe và nhan sắc của chị em phụ nữ. Chị em phụ nữ cần nắm rõ 34 triệu chứng tiền mãn kinh để chuẩn bị tâm lý đón nhận và thay đổi thói quen trong sinh hoạt nhằm giảm bớt tiêu cực trong cuộc sống.
Việc nắm được 34 triệu chứng tiền mãn kinh sẽ giúp chị em phụ nữ có cách khắc phục hiệu quả để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh là quá trình cơ thể biến đổi một cách tự nhiên trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh, đây là giai đoạn kết thúc khả năng sinh sản của phụ nữ. Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc hàm lượng hormone estrogen bị sụt giảm, quá trình rụng trứng không diễn ra và kinh nguyệt cũng không còn nữa. Thông thường, độ tuổi tiền mãn kinh nằm trong khoảng 37 - 45 và kéo dài thêm khoảng 2 - 5 năm tùy vào cơ địa mỗi người.
Mãn kinh là giai đoạn bước từ tuổi trung niên sang tuổi già với một loạt quá trình biến đổi diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Trong giai đoạn này, chức năng buồng trứng bị suy giảm và không còn hoạt động, hormone nội tiết tố cũng không còn được sản xuất nữa, vĩnh viễn ngưng kinh nguyệt và cơ quan sinh dục dần teo nhỏ lại.
34 triệu chứng tiền mãn kinh mà chị em phụ nữ cần biết
Phần lớn nữ giới có những triệu chứng tiền mãn kinh khá rõ ràng và cụ thể, thường kết thúc ngay sau đó vài năm. Dưới đây là 34 triệu chứng tiền mãn kinh mà hầu như chị em phụ nữ nào cũng gặp phải:
Bốc hỏa: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, là cảm giác sốt nóng bất chợt, lan tỏa khắp cơ thể khiến khuôn mặt trở nên đỏ bừng.
Rối loạn kinh nguyệt: Sự rối loạn nội tiết tố khiến hàm lượng hormone estrogen và progesterone tăng giảm bất thường.
Mệt mỏi: Kể cả khi ngủ đủ giấc, chị em phụ nữ vẫn có cảm giác uể oải, mệt mỏi.
Mất trí nhớ: Đây cũng là một triệu chứng tiền mãn kinh phổ biến. Sự suy giảm hormone estrogen là nguyên nhân chính gây nên triệu chứng này.
Đổ mồ hôi về đêm: Đổ mồ hôi cũng là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố, gây mất ngủ, khó ngủ lại.
Giảm ham muốn: Không quan tâm đến tình dục bởi sự suy giảm nội tiết tố gây khô âm đạo, việc quan hệ trở nên đau đớn hơn. Hơn nữa, một số chị em bị trầm cảm có những thay đổi về cơ thể nên không còn ham muốn nữa.
Khô âm đạo: Như đã nói ở trên, sự suy giảm hormone estrogen trong thời kỳ này làm cho độ ẩm tự nhiên của âm đạo bị suy giảm.
Tâm trạng thất thường: Nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể tác động tới các chất dẫn truyền thần kinh trong não như GABA và serotonin, điều chỉnh cảm giác bình tĩnh và trung tâm giảm đau của não. Khi lượng hormone trở nên mất cân bằng, các chất dẫn truyền thần kinh suy yếu dẫn tới sự thay đổi tâm trạng thất thường như tức giận, buồn bã, khóc lóc…
Rối loạn hoảng sợ: Có cảm giác sợ hãi, đánh trống ngực, hơi thở nông.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nồng độ estrogen thấp gây ra sự biến đổi môi trường ở âm đạo, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đầy hơi: Hàm lượng estrogen liên tục dao động có thể gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Rụng tóc: Các nang tóc cần hormone estrogen để phát triển khỏe mạnh. Sự suy giảm hormone estrogen khiến tóc khô xơ, dễ gãy rụng.
Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, thiếu ngủ thường do nguyên nhân lo lắng, căng thẳng, đổ mồ hôi đêm.
Chóng mặt: Chóng mặt có thể xuất hiện một cách đột ngột và diễn ra trong khoảng thời gian dài. Triệu chứng chóng mặt có thể dẫn tới té ngã vô cùng nguy hiểm.
Tăng cân: Sự thay đổi nội tiết tố còn có thể làm giảm khối lượng cơ bắp và tăng khối lượng mỡ, tuy nhiên thường tập trung ở vùng bụng.
Tiểu tiện mất tự chủ: Nồng độ estrogen giảm làm mỏng thành niệu đạo, gây ra tình trạng tiểu tiện không tự chủ.
Đau đầu: Suy giảm estrogen cũng có thể gây đau đầu, xảy ra ở nhiều phụ nữ.
Miệng có vị kim loại: Thường đi kèm với cảm giác nóng, đau, rát ở lưỡi, môi, lợi. Hiện nay vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Rối loạn tiêu hóa: Khi nồng độ estrogen xuống thấp, nồng độ cortisol trong cơ thể tăng lên làm chậm quá trình tiêu hóa gây đầy hơi, chướng bụng, táo bón.
Căng cơ: Cơ bắp trở nên căng cứng ở vùng cổ, vai hoặc lưng gây đau nhức khắp cơ thể.
Dị ứng: Sự biến đổi nồng độ nội tiết tố có thể ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chính vì thế, nhiều phụ nữ tiền mãn kinh trở nên nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng.
Móng giòn và dễ gãy: Estrogen thấp khiến móng tay trở nên khô, giòn, dễ gãy.
Thay đổi mùi cơ thể: Nồng độ estrogen thấp gây tăng tiết mồ hôi, mùi cơ thể sẽ trở nên khó chịu.
Ngứa ngáy: Quá trình sản xuất collagen sẽ chậm lại trong quá trình tiền mãn kinh khiến da trở nên khô, mỏng, ngứa khắp cơ thể.
Loãng xương: Estrogen giảm khiến sự mất xương có thể tăng tốc nhanh chóng, khiến phụ nữ tiền mãn kinh phải đối mặt với nguy cơ loãng xương.
Cảm giác râm ran ở tay chân: Cảm giác này giống như bị côn trùng đốt.
Cứng khớp: Trong giai đoạn này, có thể xuất hiện đột ngột những cơn cứng khớp khiến cơ thể bị đau nhức.
Khó tập trung: Sự suy giảm estrogen và progesterone trong cơ thể đều gây ảnh hưởng tới trí nhớ và khả năng tập trung.
Rối loạn nhịp tim: Sự thiếu hụt estrogen có thể ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, tuần hoàn, gây đánh trống ngực và loạn nhịp tim.
Lo lắng: Sự suy giảm estrogen trong cơ thể ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin có vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh cảm xúc. Điều này có thể dẫn tới lo lắng và mất bình tĩnh.
Trầm cảm: Nồng độ hormone sinh dục thấp gây ra nhiều biến đổi về tâm sinh lý của nữ giới, dễ dẫn đến trầm cảm, buồn bã.
Đau vú: Đau 1 hoặc 2 bầu vú là tác dụng phụ của sự biến đổi nội tiết tố.
Đau khớp: Estrogen giúp kiểm soát mức độ viêm của toàn cơ thể, vì thế ở giai đoạn tiền mãn kinh các chị em phụ nữ có thể cảm thấy khó chịu ở các khớp.
Cảm giác như sốc điện nhẹ: Thường xảy ra nhanh, xuất hiện trước các cơn bốc hỏa.
Cách khắc phục các triệu chứng tiền mãn kinh hiệu quả ngay tại nhà
Chị em phụ nữ có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp dưới đây nhằm cải thiện 34 triệu chứng tiền mãn kinh ngay tại nhà:
Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý: Giúp cho tâm trạng trở nên vui vẻ. Chị em nên dành cho bản thân những chuyến du lịch hay dành thời gian để nghe nhạc, nghỉ dưỡng, xem phim, đọc sách ngay sau thời gian làm việc vất vả.
Rèn luyện thể dục thể thao: Việc tập luyện khiến sức khỏe trở nên dẻo dai hơn, giúp lưu thông máu hiệu quả.
Ngủ đủ giấc: Chị em cần chú ý ngủ sớm, đủ giấc, có thể uống một chút trà sen mỗi ngày để ngủ ngon hơn.
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu về 34 triệu chứng tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh là một giai đoạn mà gần như chị em phụ nữ nào cũng phải trải qua, vì thế chị em đừng quá hoang mang, lo lắng khi đối mặt với giai đoạn này nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm