Nhận biết triệu chứng sốt virus ở trẻ em không thể chủ quan
Ngày 28/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sốt virus rất phổ biến ở trẻ em. Nhưng ba mẹ thường không rõ nguyên nhân trẻ sốt mà tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng. Ba mẹ nên nhận biết chính xác triệu chứng sốt virus ở trẻ em để có phương pháp chăm sóc phù hợp.
Khi sốt virus không được điều trị đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm trên trẻ. Các triệu chứng sốt virus ở trẻ em đặc trưng để ba mẹ nhận biết được sẽ được liệt kê trong bài viết dưới đây. Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thêm những kiến thức khác về sốt virus cho gia đình để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Nhận biết triệu chứng sốt virus ở trẻ em
Sốt virus hay sốt siêu vi có thể do nhiều loài vi khuẩn gây ra, trong đó đa số là các virus tấn công đường hô hấp. Do nhiều chủng virus khác nhau sẽ có những triệu chứng sốt virus ở trẻ em khác nhau.
Triệu chứng nhận biết sốt virus thông thường và đặc trưng
Những triệu chứng dưới đây ba mẹ có thể nhận ra rằng, trẻ đã và đang bị virus tấn công như sau:
Sốt nhiệt độ cao từ 38 - 39 độ C, thậm chí có thể lên tới 40 - 41 độ C.
Trẻ đau nhức toàn cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, chưa nói được cảm giác của bản thân, trẻ thường quấy khóc, bỏ ăn. Đối với trẻ lớn, trẻ sẽ than phiền về đau nhức cơ bắp, các cơ khắp cơ thể.
Không những đau ở cơ bắp, trẻ còn đau đầu, nhưng thường trẻ đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo.
Triệu chứng cảm thông thường như: Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn,...
Trên đây là những triệu chứng cảm sốt do bất kỳ loại virus nào gây bệnh cũng có. Mỗi loại virus sẽ có những triệu chứng đặc trưng khác nữa như:
Virus tấn công đường tiêu hóa, trẻ sẽ gặp thêm triệu chứng rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, có chất nhầy. Triệu chứng trên đường tiêu hóa thường xuất hiện sau cơn sốt vài ngày.
Biểu hiện chảy nước mắt, mắt nhiều ghèn, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng.
Virus sốt xuất huyết tấn công, trẻ cần đối mặt với triệu chứng chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi,...
Một số trường hợp trẻ sẽ nổi ban hay mụn nước. Ban đỏ xuất hiện trên cơ thể trẻ sau 2-3 ngày.
Khi có những triệu chứng này cần cho trẻ đi khám ngay
Trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế khám ngay khi có các triệu chứng sốt virus ở trẻ em đặc biệt như sau:
Liên tục 2 ngày sốt cao, dùng thuốc hạ sốt vẫn không giảm nhiệt độ.
Trẻ ngủ li bì, đau đầu, lơ mơ, ngủ nhiều.
Trẻ bắt đầu xuất hiện co giật.
Trẻ có dấu hiệu buồn nôn nhưng không nôn được, nôn khan nhiều lần trong ngày.
Khi trẻ đã bắt đầu có những triệu chứng nguy hiểm hơn như vậy, cần đưa trẻ đến khám ngay để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp và kịp thời.
Các biến chứng trẻ phải đối mặt khi bị sốt virus
Khi trẻ có các triệu chứng nguy hiểm như trên, cần đưa trẻ đến khám ngay. Nếu bố mẹ không xử trí kịp thời, trẻ phải đối mặt với các biến chứng như:
Viêm phổi: Biến chứng dễ xảy ra khi trẻ đang bị virus tấn công.
Viêm thanh quản: Thanh quản trẻ có thể sưng phù gây khó thở.
Viêm cơ tim, loạn nhịp tim: Với trường hợp nặng, viêm cơ tim có biểu hiện như đau tim, loạn nhịp và mất ý thức.
Nguy hiểm nhất khi trẻ không được điều trị kịp thời là biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và để lại các di chứng không cải thiện được trong tương lai. Nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sốt do virus tại nhà
Những triệu chứng của trẻ cần được đưa đến thăm khám đã được liệt kê trên đây là do, điều trị sốt virus đa phần là điều trị thuyên giảm triệu chứng, chưa có thuốc đặc hiệu để trị virus gây sốt. Khác hẳn với sốt do nhiễm vi khuẩn (nhiễm trùng), lúc này, cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Kháng sinh không có tác dụng lên virus, vậy nên việc dùng kháng sinh cho trẻ khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây sốt là không phù hợp. Thậm chí, sử dụng kháng sinh bừa bãi còn đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai của trẻ. Khi ba mẹ nhận ra trẻ đang có dấu hiệu sốt siêu vi, ba mẹ cần chăm sóc bé sốt virus như sau:
Nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ C: Cần giúp trẻ hạ nhiệt độ bằng chườm mát bằng khăn, lau khô mồ hôi, thay đồ cho trẻ thành những quần áo có chất vải mỏng, thoáng mát.
Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C: Cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hạn chế tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không rõ nguyên nhân sốt.
Nếu trẻ sốt trên 39.5 độ C hay trẻ đã từng co giật do sốt, cha mẹ dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn, lau cơ thể trẻ bằng nước ấm. Nếu trẻ bắt đầu co giật, cần giữ trẻ nằm ở nơi an toàn, nằm nghiêng, kê đầu lên chiếc gối mềm trong thời gian chờ, chuyển vào cơ sở y tế.
Trong mọi trường hợp, trẻ cần bổ sung nhiều nước, các loại thực phẩm đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu. Đặc biệt, cố gắng bổ sung trái cây cho trẻ bằng nhiều chất để hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn.
Giữ vệ sinh cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với đồ vật có thể chứa nhiều virus. Thường xuyên cho trẻ rửa tay.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ, giám sát nhiệt độ cơ thể của trẻ. Hạn chế để trẻ ra ngoài, tiếp xúc với người khác để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Phòng ngừa sốt virus cho trẻ
Dịch bệnh sốt siêu vi thường diễn ra trong mùa hè hằng năm. Gia đình cần chủ động phòng ngừa sốt virus, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Ba mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc phòng ngừa cho trẻ như:
Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo đúng lịch hẹn.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt siêu vi, hạn chế tới nơi đông người kể cả trường học để không phát tán virus tạo thành dịch.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ qua các thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, vitamin A để tăng cường sức đề kháng toàn diện cho trẻ. Đặc biệt bổ sung đầy đủ các loại vitamin để tăng hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch.
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
Vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên.
Hạn chế để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, nơi đông người khi dịch bệnh đang diễn ra.
Khi có triệu chứng sốt virus ở trẻ em nguy hiểm, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cách xử trí phù hợp.
Triệu chứng sốt virus ở trẻ em đã được liệt kê đầy đủ trong bài viết trên. Những triệu chứng thông thường, ba mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nhưng khi đã có triệu chứng nặng hơn, cần đưa trẻ đến khám để được hướng dẫn xử lý đảm bảo an toàn cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm