Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng

Ngày 20/09/2024
Kích thước chữ

Thực tế cho thấy, dù vì bất cứ nguyên nhân nào thì mất răng đều sẽ gây ra những hậu quả cả về thể chất và thẩm mỹ, nhất là khi mất răng không được trồng răng kịp thời. Một trong những phương pháp phục hình răng phổ biến được nhiều người lựa chọn hiện nay chính là làm cầu răng. Một câu hỏi đặt ra: Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được?

Sau khi nhổ răng, nhiều người lo lắng không biết mất bao lâu mới có thể tiến hành phục hình răng bằng phương pháp làm cầu răng. Việc này không chỉ giúp khôi phục chức năng ăn nhai mà còn ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực khác. Vậy nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Hãy cùng tìm hiểu thời gian lý tưởng để thực hiện phương pháp này.

Mất răng gây ảnh hưởng như thế nào?

Thực tế cho thấy, mất răng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do tuổi tác, do tai nạn, do sâu răng hay do mắc các bệnh lý răng miệng buộc phải nhổ bỏ răng. Khi nhổ răng, tại vị trí chân răng nhổ sẽ để lại một khoảng trống trên xương hàm. Nếu không phục hình răng kịp thời có thể dẫn đến nhiều vấn đề như:

  • Khả năng ăn nhai bị giảm sút dẫn đến thức ăn không được nghiền nhỏ trước khi xuống dạ dày, dạ dày khó hấp thu chất dinh dưỡng đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường tiêu hoá.
  • Mất răng ảnh hưởng đến khả năng nhai, lực nhai không đều cả 2 bên kéo dài sẽ khiến cho khuôn mặt mất đi sự cân xứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Xương hàm tại vị trí nhổ răng sẽ có xu hướng tiêu dần theo thời gian do không có tác động của lực nhai.
  • Các răng còn lại trên cung hàm cũng vì thế mà mất đi sự nâng đỡ, có xu hướng xô vào khoảng trống vị trí mất răng dẫn đến tình trạng cung răng bị xô lệch, khớp cắn thay đổi và lâu dần sẽ gây đau khớp thái dương hàm.
  • Trong trường hợp mất răng cửa, người mất răng không chỉ gặp phải những khó khăn trong việc phát âm, nói ngọng hoặc nói ra hơi gió mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khi cười hoặc nói sẽ lộ ra một khoảng trống trong cung hàm và điều này khiến họ mất đi sự tự tin, có cảm giác ngại ngùng khi giao tiếp.

Để hạn chế tối đa các ảnh hưởng của việc mất răng nói trên, khi mất răng, bạn cần cân nhắc phục hình càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc lựa chọn giữa việc làm cầu răng hoặc cấy implant.

Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng 1
Mất răng lâu có thể gây xô lệch cung răng và dẫn đến đau khớp thái dương hàm

Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được?

Làm cầu răng sứ là một trong những giải pháp phục hình giúp khắc phục các trường hợp mất một hoặc nhiều răng được nhiều người lựa chọn hiện nay. Ở phương pháp phục hình này, bác sĩ sẽ phục hình lại răng mất thông qua việc mượn lực nâng đỡ từ các răng thật bên cạnh. Cụ thể, cầu răng sứ sẽ được thiết kế dính liền với 2 mão răng ở ngoài cùng gắn trên cùi răng thật để giúp nâng đỡ mão răng bên trong thay thế răng đã mất. Vậy nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được?

Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố quyết định việc nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được song yếu tố quan trọng nhất phải nhắc đến đó là tình trạng lành thương và mức độ nhiễm trùng của răng trước khi nhổ.

Thông thường, khi mà vị trí nhổ răng đã lành thương và ổn định hẳn, bạn có thể cân nhắc làm cầu răng. Thời gian thường rơi vào khoảng 1 - 2 tháng kể từ thời điểm nhổ răng. Đối với những trường hợp cao tuổi hoặc đang mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình lành thương hoặc bệnh lý răng miệng tại chỗ, thời gian đợi vết thương lành có thể sẽ kéo dài hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng đủ điều kiện để làm cầu răng. Chính vì thế, để biết chính xác tình trạng của bản thân, bạn cần đến gặp nha sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng 2
Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được

Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng

Tương tự như các kỹ thuật nha khoa khác, làm cầu răng cũng sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định. Để biết có nên làm cầu răng hay không, hãy cân nhắc đến một số ưu và nhược điểm của phương pháp này.

Ưu điểm

Ưu điểm của làm cầu răng có thể kể đến như:

  • Cải thiện thẩm mỹ cho toàn hàm: Khi làm răng sứ, bạn có thể dễ dàng nhận thấy từ hình dáng, màu sắc hay kích thước răng sứ gần như đồng nhất với răng thật. Sau khi hoàn thành, bạn sẽ sở hữu một hàm răng đầy đủ như trước.
  • Cải thiện chức năng ăn nhai: Trừ răng khôn, mỗi chiếc răng trên cung hàm đều giữ một vai trò nhất định. Nếu như răng cửa có chức năng cố định và xé thức ăn thì các răng hàm sau đó sẽ giúp nhai và nghiền nát thức ăn trước khi đưa thức ăn xuống dạ dày. Mất răng không chỉ khiến giảm khả năng ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hoá. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi phục hình răng bằng phương pháp làm cầu, chức năng ăn nhai được khôi phục lên đến 60 - 70%.
  • Ngăn ngừa hiện tượng xô lệch răng trên cung hàm: Cầu răng sứ cố định sẽ giúp lấp đầy khoảng chống bị khuyết răng từ đó ngăn không cho các răng bên cạnh xô vào vị trí trống răng.
  • Quy trình đơn giản và thời gian hoàn thiện nhanh chóng: Quy trình làm cầu răng khá đơn giản, bạn chỉ mất khoảng 2 - 4 ngày là đã có thể có răng sứ lấp đầy khoảng trống mất răng.
  • Chi phí làm cầu răng sứ cũng không quá cao. Chi phí làm cầu răng sẽ phụ thuộc vào loại sứ và số đơn vị răng mất.

Nhược điểm

Bên cạnh việc quan tâm nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Nhiều người cũng e ngại về nhược điểm của phương pháp này. Nhược điểm của phương pháp làm cầu đó là:

  • Bạn phải mài tối thiểu 2 răng thật kế bên để làm trụ đỡ. Sau một thời gian ăn nhai, nếu cầu răng không may bị hỏng hoặc 1 trong các cùi răng thật có vấn đề, bạn phải cắt bỏ toàn bộ cầu răng và làm lại toàn bộ cầu.
  • Làm cầu răng không khôi phục được chân răng đã mất nên việc tiêu xương hàm tại vị trí nhổ răng không thể được ngăn ngừa.
  • Nếu không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn dễ tích tụ ở kẽ răng hoặc bám vào cầu răng gây hôi miệng.
  • Cầu răng chỉ phù hợp với các trường hợp nhổ một hoặc một vài răng, trong trường hợp mất răng toàn hàm thì phương pháp này không được áp dụng.
Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng 3
Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng như thế nào?

Những lưu ý khi phục hình răng mất bằng phương pháp làm cầu

Khi phục hình răng mất bằng phương pháp làm cầu, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Cầu răng có thể được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau, đó có thể là cầu răng sứ kim loại hoặc cầu răng toàn sứ. Với mỗi loại cầu răng sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định. Việc bạn cần làm là cân đối lựa chọn loại răng sứ sao cho phù hợp.
  • Tuổi thọ của cầu răng sứ sẽ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như tình trạng vệ sinh răng miệng, tay nghề bác sĩ… Điều bạn cần làm là lựa chọn địa chỉ nha khoa uy tín để thực hiện làm cầu răng. Cùng với đó, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách.
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe răng miệng 3 - 6 tháng/lần. Việc làm này không chỉ giúp đánh giá tình trạng cầu răng có ổn hay không mà còn giúp phát hiện sớm các vấn đề răng miệng bất thường từ đó có hướng can thiệp xử trí nếu cần thiết.
Nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng được? Ưu và nhược điểm của phương pháp làm cầu răng 4
Bạn nên thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 - 6 tháng/lần

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về phương pháp làm cầu răng mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp này đồng thời giải đáp được thắc mắc nhổ răng bao lâu thì làm cầu răng. Cảm ơn quý độc giả đã luôn yêu thương và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin