Hoa thiên lý vừa được sử dụng như một loại rau, vừa được dùng để làm thuốc chữa bệnh. Dù mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng hoa thiên lý. Bài viết này sẽ giúp bạn biết rõ những ai không nên ăn hoa thiên lý.
Cây thiên lý được trồng khá phổ biến ở nước ta với mục đích tạo bóng mát, làm cảnh, thu hoạch hoa để làm thực phẩm, làm vị thuốc. Loại hoa ăn được tốt cho cơ thể đã được sử dụng từ bao đời nay. Nếu chưa biết ăn hoa thiên lý có tác dụng gì? Những ai nên và những ai không nên ăn hoa thiên lý, đây là bài viết dành cho bạn!
Ăn hoa thiên lý có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Trong Y học cổ truyền, hoa thiên lý được xếp vào nhóm “Dược thực lưỡng dụng”, có nghĩa là vừa có thể dùng làm thực phẩm, vừa có thể dùng như một vị thuốc. Cả lá lẫn hoa của cây thiên lý đều có thể dùng được nhưng hoa được dùng phổ biến nhất.
Trong hoa thiên lý có chứa đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính gồm: Chất đạm, chất xơ, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Có thể kể đến những vitamin và khoáng chất trong hoa thiên lý như: Vitamin A, B1, B2, B3, C, PP, sắt, kẽm, photpho, canxi…
Hoa thiên lý có chứa nhiều chất xơ nên tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ giảm cân rất tốt. Khi ăn hoa thiên lý, bạn có thể giảm tiêu thụ các thực phẩm khác mà không bị cơn đói hành hạ trong khi vẫn đảm bảo cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng.
Ăn hoa thiên lý có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể. Từ đó có thể giúp phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị mụn nhọt, rôm sảy, ngứa ngáy do nóng trong và tích tụ độc tố.
Dùng hoa thiên lý cùng với lá vông nem, thịt lợn hoặc cá để nấu canh ăn có thể cải thiện chứng khó ngủ, mất ngủ.
Trong hoa thiên lý có những chất kháng viêm, sát khuẩn tự nhiên nên có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm, giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
Loại thực phẩm này có thể giúp phòng ngừa và điều trị táo bón, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ hoặc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Với thành phần dinh dưỡng khá phong phú, hoa thiên lý cũng giúp nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tổng thể.
Những ai không nên ăn hoa thiên lý?
Dù hoa thiên lý mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại thực phẩm đồng thời là thảo dược này. Một số người không nên ăn hoa thiên lý như:
Trẻ nhỏ, người cao tuổi là đối tượng có hệ tiêu hóa và cơ địa khá nhạy cảm và họ là đối tượng cần cẩn trọng khi ăn hoa thiên lý.
Hoa thiên lý giàu chất xơ nên cũng không tốt cho người đang bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Sản phụ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không nên ăn hoa thiên lý để tránh tình trạng chất độc Ancaloit truyền qua sữa làm ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh không nên ăn hoặc uống các bài thuốc từ hoa thiên lý để tránh bị nhiễm độc Ancaloit. Với người trưởng thành, lượng độc tố Ancaloit trong hoa thiên lý có thể không đáng kể nhưng với trẻ sơ sinh thì lại khác.
Bà bầu có ăn được hoa thiên lý không? Bà bầu có sức khỏe bình thường không cần kiêng tuyệt đối hoa thiên lý nhưng chỉ nên ăn một lượng nhỏ để tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ăn hoa thiên lý cần lưu ý gì để đảm bảo sức khỏe?
Ngoài việc tìm hiểu những ai không nên ăn hoa thiên lý, để sử dụng thực phẩm này một cách an toàn, bạn cũng cần lưu ý những vấn đề sau:
Hoa thiên lý là một loài thảo dược nên độ lành tính cao, phù hợp với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nếu ăn hoa thiên lý không đúng cách bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Trong thành phần của hoa có một lượng nhỏ độc tố Ancaloit. Nếu tiêu thụ quá nhiều chất độc này có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc. Ngộ độc dễ xảy ra với những người có cơ địa nhạy cảm, mẫn cảm với Ancaloit. Vì vậy, chúng ta chỉ nên ăn hoa thiên lý mỗi tuần từ 1 - 2 lần và ăn với lượng vừa phải.
Cần đảm bảo mua được hoa thiên lý sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Trước khi sử dụng hoa thiên lý để nấu ăn hay làm bài thuốc, bạn cần ngâm rửa hoa sạch sẽ, kỹ càng.
Hoa thiên lý có chứa hàm lượng kẽm cao. Khi sử dụng bạn nên tránh kết hợp với các thực phẩm giàu sắt bởi việc này sẽ làm giảm hấp thụ kẽm, giảm giá trị dinh dưỡng của loại hoa này. Ngoài ra, hoa thiên lý cũng kỵ với nội tạng động vật, gan động vật, ốc, sò.
Trong trường hợp sau khi ăn hoa thiên lý xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, chóng mặt hay các vấn đề sức khỏe bất thường khác, bạn nên theo dõi sức khỏe để đi khám nếu cần thiết.
Gợi ý một số món ăn, bài thuốc từ cây thiên lý
Tác dụng của hoa thiên lý, những ai không nên ăn hoa thiên lý, lưu ý khi sử dụng loài hoa này đến đây bạn đã biết. Các món ăn từ hoa thiên lý như hoa thiên lý nấu canh ngao, hoa thiên lý xào thịt bò, hoa thiên lý luộc, thiên lý nấu mồng tơi… có lẽ không còn quá xa lạ. Nhưng những bài thuốc dưới đây có thể nhiều người chưa biết:
Muốn giải nhiệt, mát gan, thanh nhiệt cơ thể, giảm mẩn ngứa bạn có thể dùng 50g hoa thiên lý để nấu canh ăn mỗi ngày.
Muốn chữa mất ngủ, hỗ trợ an thần, ngủ ngon, giảm mệt mỏi bạn dùng 10g hoa nhài, 5g tim sen sắc cùng 30g bông thiên lý và 1 lít nước để uống.
Muốn chữa tiểu buốt bạn dùng 20g rễ thiên lý sắc uống liên tục mỗi ngày 3 lần, uống trong 5 ngày sẽ khỏi.
Lá thiên lý giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, sau khoảng 2 - 3 ngày sẽ đỡ.
Dùng 30g hoa thiên lý sắc cùng 20g rau sam, 25g lá đinh lăng uống mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 3 ngày sẽ chữa được giun kim.
Dùng 10g hoa thiên lý, 10g bạch cúc, 12g ngải cứu, 8g lá đinh lăng, 8g rau má sắc lấy nước thuốc uống mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 5 ngày để chữa hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thêm thông tin để sử dụng hoa thiên lý đúng cách, tốt cho sức khỏe. Việc tìm hiểu những ai không nên ăn hoa thiên lý sẽ giúp bạn xác định những ai trong gia đình có thể ăn thực phẩm này. Từ đó, bạn có thể xây dựng thực đơn phù hợp nhất cho cả gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.