Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?

Ngày 26/03/2023
Kích thước chữ

Có thể nói, cam thảo là một trong số những vị thuốc đông y phổ biến và được biết đến nhiều nhất hiện nay. Cam thảo xuất hiện trong đời sống hằng ngày, là thành phần trong các loại đồ uống hoặc gia vị… Vậy cam thảo có giới hạn đối tượng sử dụng hay không? Những ai không nên uống cam thảo?

Cam thảo là một loại thảo dược, một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong cả Đông y và Tây y. Cây cam thảo được ứng dụng phần thân và bộ rễ phơi khô để làm thuốc điều trị bệnh. Cam thảo có vị ngọt nhẹ, mùi thơm đặc trưng, tính bình,… nên từ xa xưa đã được sử dụng để đun nấu các loại đồ uống với mục đích giải nhiệt.

Cho đến hiện nay, cam thảo vẫn được sử dụng rất phổ biến trong những loại trà giải nhiệt. Tuy nhiên, việc loại thảo dược quan trọng này ngày càng xuất hiện phổ biến, dễ dàng mua và sử dụng đã khiến không ít người sử dụng sai mục đích. Hãy cùng đội ngũ Nhà Thuốc Long Châu chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề những ai không nên uống cam thảo qua bài viết dưới đây ngay nhé!

Cam thảo là loại thảo dược nào?

Cam thảo là loại thực vật có hoa, xuất xứ châu Á, thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis. Ở nước ta, cam thảo được du nhập từ Mông Cổ, Trung Quốc và Nga. Sau đó, cam thảo được trồng nhiều ở các tỉnh thành Vĩnh Phú (Tam Đảo), Hải Hưng và Hà Nội. Tùy theo từng vùng miền mà cam thảo sẽ có tên gọi khác nhau chẳng hạn như sinh cam thảo, lộ thảo hay cam thảo bắc,...

Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?1Cam thảo là một loại thảo dược, một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong cả Đông y và Tây y

Cách chế biến cam thảo

Thông thường người ta sẽ sử dụng phần thân rễ và rễ cam thảo để làm dược liệu. Tùy theo từng dạng chế biến mà cách làm cũng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Sinh thảo: Là cách chế biến thông dụng nhất. Thầy thuốc sẽ rửa sạch phần rễ cam thảo, sau đó cắt mỏng thành từng lát rồi đem sấy hoặc phơi cho khô.
  • Bột cam thảo: Bột cam thảo là một dạng chế biến được “hưởng ứng” cao hiện nay. Người thu hoạch sẽ cạo bỏ hết lớp vỏ cam thảo bên ngoài rồi cắt thành miếng, đem đi sấy khô và sau đó tán thành bột cam thảo.
  • Phấn cam thảo: Đối với phấn cam thảo, cách này cũng sẽ cần cạo bỏ hết phần vỏ bên ngoài, sau đó đem ngâm rượu khoảng 1 giờ và ủ trong 12 giờ rồi cắt mỏng và đem đi phơi khô.
  • Chích cam thảo: Chích cam thảo là cách mà ngâm mật ong với cam thảo khô theo tỉ lệ 1kg cam thảo khô, 200mg mật ong và 200ml nước sôi. Sau khi ngâm, sấy khô cam thảo đến khi dậy mùi.
Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?2Cam thảo có rất nhiều cách chế biến khác nhau

Tác dụng của cam thảo

Cam thảo có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Trong Đông y, cam thảo được dùng như một vị thuốc dẫn kinh, chữa các bệnh như viêm họng, ho, nhiều đờm và các bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng. Bên cạnh đó cam thảo còn có tác dụng giải độc và giúp điều hòa tác dụng của các phương thuốc.

Ngoài ra, hoạt chất Glycyrrhizin có trong chiết xuất rễ cam thảo có thể chống lại vi khuẩn và hạn chế nhiễm trùng da. Do đó, cam thảo còn được dùng có thể điều trị viêm da, nhiễm trùng da, viêm nang lông và các bệnh chốc lở rất hiệu quả.

Đặc biệt hơn, đối với vấn đề chăm sóc và làm đẹp da, bột cam thảo còn được nhiều chị em sử dụng làm mặt nạ giúp hỗ trợ điều trị mụn, giúp dưỡng trắng nhờ chứa hoạt chất glabridin. Theo một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng, hoạt chất glabridin có thể ức chế enzyme tyrosinase – một loại enzyme sản xuất melanin làm sạm nám da lên tới 50% mà không gây tổn hại da.

Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?3Khi sử dụng đúng cách, cam thảo có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe

Những ai không nên uống cam thảo?

Cam thảo có rất nhiều lợi ích tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống cam thảo. Không những thế, khi có nhu cầu uống loại thảo dược này, bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông Y hoặc Tây y về hàm lượng cũng như liều dùng nhé! Dưới đây là những đối tượng được khuyến cáo không nên uống cam thảo mà bạn đọc có thể tham khảo.

Phụ nữ trong quá trình mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ

Mặc dù là thực vật có nhiều tác dụng, tuy nhiên đối với phụ nữ đang trong quá trình mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ không nên sử dụng cam thảo. Theo nhiều nghiên cứu cho biết, loại thảo dược này có thể làm tăng hormone stress khi trẻ sinh ra đời, làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ sau này và đặc biệt nguy hiểm là trẻ có nguy cơ sinh non. Đối với những trẻ đang bú sữa mẹ, có mẹ sử dụng một lượng lớn cam thảo, trẻ có nguy cơ bướng bỉnh, hung hăng và khó dạy bảo hơn những đứa trẻ khác.

Những người bị bệnh cao huyết áp và huyết áp không ổn định

Bạn có biết, chỉ với khoảng 20g cam thảo, chúng có thể ảnh hưởng nhất định đến cơ quan thận, hệ thống tim mạch và mang lại sự nguy hiểm đối với những người có tiền sử cao huyết áp hoặc huyết áp không ổn định. 

Những người bị rối loạn tiêu hóa và bị táo bón lâu ngày

Cam thảo mang lại hiệu quả tốt đối với những người có hệ thống tiêu hóa kém, hỗ trợ chữa chứng đau bụng do tiêu chảy. Tuy nhiên, loại thảo dược này không dành cho những người bị táo bón. Đặc biệt với đặc tính giữ nước, những người bị táo bón lâu ngày không nên sử dụng, bởi cam thảo có thể làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón của bạn!

Những người già, người lớn tuổi và trẻ nhỏ

Đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa thật sự phát triển toàn diện, việc sử dụng cam thảo có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, dễ dẫn đến nôn ói và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, rất nhiều người thường lầm tưởng rằng, người già uống hoặc nhai cam thảo mỗi ngày sẽ giúp họ khỏe hơn. Mặc dù là một loại thảo dược, tuy nhiên đối với những người già khi sử dụng cam thảo, cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ Đông y về liều lượng, nhằm tránh nguy cơ sử dụng quá hàm lượng cho phép sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.

Ngoài ra, đối với nam giới khỏe mạnh cũng tránh sử dụng nhiều cam thảo bởi chúng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh lý. Đặc biệt, để tránh không ảnh hưởng đến sức khỏe, những người đang mắc các bệnh về gan, thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cam thảo nhé!

Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?4Những ai không nên uống cam thảo - là vấn đề được rất nhiều người thắc mắc

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc về vấn đề những ai không nên uống cam thảo. Như vậy, có thể thấy rằng cam thảo là vị thuốc Đông y có nhiều tác dụng chữa bệnh và nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ cam thảo quá thường xuyên, không nên uống cam thảo hàng ngày và đặc biệt nên lưu ý đến những đối tượng không nên uống cam thảo. Không những thế, không nên lạm dụng cam thảo hay các bài thuốc dân gian khác như một loại “thần dược” để bảo vệ sức khỏe.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin