Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những biến chứng của cận thị thường gặp

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ

Cận thị nếu không được điều trị có thể nặng dần theo thời gian và làm thay đổi cấu trúc mắt, dẫn đến nguy cơ tiến triển thành biến chứng về mắt trong tương lai. Vậy các biến chứng của cận thị là gì, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Hiện nay, cận thị là một căn bệnh rất hay gặp ở học sinh, sinh viên. Cận thị không chỉ làm giảm khả năng nhìn xa của mắt mà việc luôn đeo kính trên người có thể gây mất thẩm mỹ, thậm chí dẫn đến các dị tật mắt, lồi mắt ở một số người. Các biến chứng của cận thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đôi mắt, công việc và sinh hoạt. Những biến chứng này có thể dẫn đến suy giảm thị lực không thể phục hồi sau này.

Cận thị là gì?

Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, thay vì phải hội tụ tại đúng võng mạc, tia sáng hội tụ ở trước võng mạc, điều này khiến người bị cận thị chỉ có thể nhìn được những vật ở gần mà không thể nhìn rõ những vật ở xa tầm mắt. Đây là một trong những tật khúc xạ thường gặp nhất và trở nên phổ biến hơn trong các năm gần đây, đặc biệt là ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên.

Những biến chứng của cận thị thường gặp 1 Cận thị là tật khúc xạ thường gặp

Các loại cận thị

Cận thị được chia làm hai loại:

  • Tật cận thị: Còn gọi là cận thị học đường, mắc phải trong quá trình học tập và sinh hoạt, thường bắt đầu ở lứa tuổi học đường, mức độ cận nhẹ và trung bình (6 diop trở xuống), cận tiến triển chậm, tăng độ chậm, độ cận thường ổn định khi đến tuổi trưởng thành và tỷ lệ xuất hiện biến chứng thấp.
  • Bệnh cận thị: Thường là bẩm sinh, có yếu tố gia đình, cận trên 6 diop, có trường hợp lên tới 30 diop, mức độ cận tăng nhanh, ngay cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Bệnh cận thị với diop cao có nguy cơ xảy ra biến chứng, tiên lượng điều trị những biến chứng này kém, khả năng phục hồi thị lực thấp.

Các biến chứng của cận thị

Cận thị có thể dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng.

Những biến chứng của cận thị thường gặp 2 Những biến chứng của cận thị đi từ nhẹ đến nặng

Gây mỏi mắt và làm giảm chất lượng cuộc sống

Cận thị không được điều trị có thể khiến bạn phải căng mắt hoặc nheo mắt để duy trì sự tập trung. Điều này kéo dài có khả năng dẫn đến đau đầu và mỏi mắt.

Ngoài ra, cận thị có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn có thể sẽ không thể thực hiện một công việc tốt như bạn muốn. Tầm nhìn hạn chế khiến khả năng làm việc và hoàn thành các hoạt động hàng ngày của bạn bị suy giảm.

Cận thị làm sự an toàn của bạn bị suy giảm

Sự an toàn của bạn và của chính những người xung quanh có thể bị đe dọa nếu bạn đang có vấn đề về thị lực chưa được điều chỉnh. Điều này có thể nghiêm trọng và nguy hiểm nếu bạn đang tham gia giao thông hoặc vận hành thiết bị nặng.

Làm tăng gánh nặng tài chính

Chi phí khám mắt và điều trị y tế cũng như điều chỉnh kính có thể tăng lên, đặc biệt là với một tình trạng mãn tính như cận thị. Giảm thị lực và mất thị lực cũng có thể ảnh hưởng đến tiềm năng và khả năng thu nhập trong một số trường hợp.

Bong võng mạc, xuất huyết dịch kính

Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng nhạy cảm ánh sáng nằm ở phía sau đáy mắt, giữ vai trò thu nhận ánh sáng và chuyển chúng thành tín hiệu thần kinh để truyền qua dây thần kinh thị giác lên não phân tích.

Ở mắt người cận thị nặng, trục nhãn cầu dài hơn bình thường nên dễ dẫn đến co kéo võng mạc, khiến cho vùng chu biên của võng mạc mỏng dần. Lâu ngày có thể gây rách võng mạc, bong võng mạc do co kéo và xuất huyết dịch kính trong mắt do các mạch máu có nguy cơ vỡ đứt. Đây là những biến chứng của cận thị nặng nề, khả năng hồi phục thị lực rất kém.

Cận thị gây nhược thị

Nhược thị là tình trạng mắt bị suy giảm thị lực do não không nhận được chỉ một phần hoặc hoàn toàn tín hiệu từ mắt truyền đến. Nhược thị có thể xảy ra cả 2 mắt hoặc chỉ 1 mắt do độ khúc xạ cao hoặc bất đồng khúc xạ.

Nhược thị với trẻ em nếu phát hiện sớm và kịp thời (thông thường ở độ tuổi dưới 6 tuổi) có thể điều trị giúp trẻ cải thiện thị lực, tuy nhiên nếu trên 6 tuổi hồi phục sẽ khó khăn dù phẫu thuật hay tập luyện.

Lác là một trong các biến chứng của cận thị

Lác mắt là tình trạng mắt không nằm ở vị trí cân đối bình thường, dễ quan sát thấy bằng mắt thường, là một trong những biến chứng của cận thị. Thắc mắc đi kèm vấn đề này thường là "cận thị có bị lé không".

Ở người cận thị cao, sự phối hợp điều tiết quy tụ của các cơ kém, thường dẫn đến lác ngoài hoặc lác luân phiên 2 mắt, gây mất thẩm mỹ và giảm thị lực. Lác mắt có thể xảy ra ở cả 2 mắt hoặc chỉ trên 1 mắt. Trường hợp nhẹ có thể điều chỉnh bằng cách đeo kính, nặng hơn có khi phải can thiệp phẫu thuật để phục hồi thị lực và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Những biến chứng của cận thị thường gặp 3 Mắt lác do cận thị nặng

Cận thị nặng gây glocom góc mở

Glocom góc mở là một biến chứng vô cùng nguy hiểm có thể gây ra cho người bệnh cận thị nặng. Với người độ cận cao dẫn tới ảnh hưởng đến trường thị giác và lớp sợi thần kinh võng mạc bởi áp lực nội nhãn nên vai trò của tầm soát việc tăng nhãn áp lại càng quan trọng hơn khi bạn bị cận thị. Đặc biệt cảnh giác glocom góc mở có thể dẫn đến mù hoàn toàn nếu không can thiệp điều trị kịp thời.

Những điều lưu ý khi bị cận thị nặng

  • Người cận nặng không nên mang vác đồ nặng cũng như làm các công việc gắng sức, không chơi các môn thể thao nặng (như cử tạ, đấm bốc, võ thuật…), tránh để chấn thương vào mắt.
  • Cần đi khám ngay khi có các hiện tượng mờ đột ngột, nhìn hình méo mó, nhìn mờ một phía, thấy hiện tượng chớp sáng, ruồi bay…
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân cận thị cần được khám định kỳ mỗi 3-6 tháng nhằm kiểm tra khúc xạ để điều chỉnh kính phù hợp và thăm khám đáy mắt để phát hiện các biến chứng và điều trị kịp thời. Người trưởng thành có thể tìm hiểu những phương pháp phẫu thuật điều trị dứt điểm tật khúc xạ.
  • Để lựa chọn được chính xác phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất, bệnh nhân cần phải tiến hành khám chuyên sâu chuyên khoa mắt. Thông qua quá trình khám bác sĩ sẽ kiểm tra được các thông số về khúc xạ, tình trạng đáy mắt, chiều dày giác mạc và toàn nhãn cầu, từ đó sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất trên mỗi bệnh nhân. Để giảm tối thiểu biến chứng đáy mắt, bệnh nhân nên tiến hành thêm laser bổ sung.
  • Biến chứng cận thị nặng rất nguy hiểm, vì vậy khi cận thị bạn nên thường xuyên đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để kiểm tra tình trạng cận thị.
Những biến chứng của cận thị thường gặp 4 Thường xuyên khám mắt để kiểm tra tình trạng cận thị

Bây giờ chính là lúc bạn nên bắt tay vào hình thành những thói quen tốt cho bản thân để cải thiện tình trạng cận thị và giữ cho đôi mắt luôn luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bất kể tình trạng cận nặng hay nhẹ bạn cũng nên đi khám sức khỏe mắt định kỳ tại các cơ sở nhãn khoa có uy tín và đảm bảo chất lượng. Hy vọng bài viết của nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những biến chứng của cận thị.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin