Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những dấu hiệu thai có vấn đề bất thường mà bạn cần lưu ý

Ngày 21/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thai kỳ luôn là giai đoạn quan trọng đòi hỏi nhiều sự quan tâm và chú ý đến từ người phụ nữ. Đặc biệt, những vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ luôn là những ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu thai có vấn đề là việc hết sức quan trọng để có thể nhận được sự tư vấn và can thiệp kịp thời từ bác sĩ.

Nếu bạn đang có những thắc mắc xung quanh câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu thai có vấn đề?” thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc của mình.

Tổng quan về thai kỳ

Định nghĩa

Mang thai là thuật ngữ dùng để mô tả thời kỳ thai nhi phát triển bên trong bụng mẹ hoặc tử cung của người phụ nữ.

nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-thai-ky-ma-ban-nen-chu-y 1
Thai kỳ là giai đoạn quan trọng cho sức khỏe của mẹ và bé

Các giai đoạn phát triển chính của thai kỳ

Quá trình mang thai thường kéo dài khoảng 40 tuần hoặc hơn 9 tháng, tính từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng đến khi sinh con. Trong quá trình mang thai, các chuyên gia sức khỏe thường đề cập đến ba giai đoạn chính của thai kỳ, được gọi là tam cá nguyệt, bao gồm: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối chu kỳ.

Giai đoạn 1: Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu chu kỳ)

  • Quá trình mang thai bắt đầu bằng việc thụ thai khi tinh trùng xâm nhập vào trứng. Trứng được thụ tinh (gọi là hợp tử) sau đó di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung và gắn vào thành tử cung. Sau đó, hợp tử sẽ hình thành thai nhi và nhau thai.
  • Từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7: Trong khoảng thời gian này, phôi thai bắt đầu hình thành các bộ phận quan trọng như hệ thần kinh, hệ thống tuần hoàn và các chi của cơ thể. Đây là giai đoạn quan trọng khi trái tim đã dần được hình thành và xuất hiện những nhịp đập đầu tiên.
  • Từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 10: Trong giai đoạn này, hệ thần kinh tiếp tục phát triển mạnh mẽ và não bộ bắt đầu hình thành. Phần đầu của bé trở nên to hơn, tứ chi của cơ thể trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời, các cơ quan nội tạng cũng trở nên phức tạp hơn. Tại khoảng thời gian này, phôi thai đạt chiều dài khoảng 5cm với mắt và tai đang phát triển.
  • Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 12: Các bộ phận của thai nhi đã phát triển đầy đủ hơn. Cuống rốn đã hoàn chỉnh vai trò của mình trong việc cung cấp dưỡng chất cho bào thai. Ngoài ra, thai nhi phát triển nhanh chóng với chiều dài khoảng 8cm và cân nặng khoảng 60g. Giai đoạn này là một mốc quan trọng trong quá trình mang thai và cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt.

Giai đoạn 2: Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa chu kỳ)

  • Từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 16: Thai nhi tiếp tục phát triển hệ thống xương và da. Bên cạnh đó, phân su đã hình thành trong đường ruột của bé và bé đã biết phản xạ mút tay ở miệng. Trong thời điểm này, trọng lượng của em bé được ước lượng khoảng 150g.
  • Từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 20: Em bé bắt đầu có sự chuyển động bên trong bụng mẹ và người mẹ có thể cảm nhận thai máy do những lần bung đạp từ đôi chân đã hình thành của bé. Toàn thân bé lúc này được bao phủ bởi một lớp lông tơ mỏng mềm mại. Trên gương mặt, các đường nét rõ ràng hơn, lông mày và lông mi bắt đầu hình thành. Bé cũng có móng tay và móng chân. Trong giai đoạn này, mẹ nên cho bé nghe nhạc để kích thích trí não. Em bé dài khoảng 15cm và nặng 250g.
  • Từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 27: Đây là giai đoạn bé phát triển toàn diện khi hình thành vị giác, dấu vân chân và tay, tủy sống phát triển và hình thành tế bào máu, tóc mọc nhiều. Đặc biệt, các cơ quan nội tạng có thể quan sát rõ ràng hơn. Trọng lượng của bé khoảng 0,6 - 0,7kg và bé dài khoảng 30cm.
nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-thai-ky-ma-ban-nen-chu-y 2
Người mẹ trong thai kỳ thường trải qua 3 giai đoạn chính

Giai đoạn 3: Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối chu kỳ)

  • Từ tuần thứ 33 đến tuần thứ 36: Trong thời gian này, các lớp bảo vệ cơ thể của thai nhi trở nên dày hơn, và lượng mỡ cũng tăng lên, khiến bé trở nên đáng yêu hơn qua hình ảnh siêu âm. 
  • Từ tuần thứ 36 đến khi sinh: Đây là thời điểm bé đã sẵn sàng để chào đời vì đã phát triển toàn diện. Trọng lượng khi chào đời của bé dao động từ 3 - 3,2kg và chiều dài trung bình là 50cm. Tuy nhiên, kích thước của bé có thể khác nhau tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần sẵn sàng tâm lý để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.

Thế nào là dấu hiệu thai có vấn đề?

Trong quá trình mang thai, một số dấu hiệu thai có vấn đề có thể xuất hiện, đòi hỏi sự chú ý và điều trị kịp thời từ phía bác sĩ. Dưới đây là một số dấu hiệu mẹ bầu cần lưu ý:

Ngứa, đau rát vùng kín

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, âm đạo của bà bầu thường trở nên ẩm ướt và có thể tiết ra nhiều khí hư hơn, đặc biệt là có mùi hôi. Nếu tình trạng này kéo dài và kèm theo các cảm giác ngứa, đau rát thì mẹ bầu cần chú ý vì nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các bệnh viêm nhiễm vùng kín.

nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-thai-ky-ma-ban-nen-chu-y 3
Thế nào là dấu hiệu thai có vấn đề?

Đau đầu dữ dội, nhìn mờ, chóng mặt, đau thượng vị

Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật, một tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay để nhận được sự tư vấn, điều trị, giám sát kịp thời.

Ra huyết âm đạo khi mang thai

Ra huyết âm đạo có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau như thai ngoài tử cung, dọa sảy thai hay nhau bong non. Mẹ bầu cần chú ý và báo cho bác sĩ biết ngay khi phát hiện có ra huyết âm đạo.

Buồn nôn và nôn nhiều

Buồn nôn, nôn nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để giảm thiểu tình trạng này, đồng thời tránh tình trạng thiếu nước và điện giải.

nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-thai-ky-ma-ban-nen-chu-y 4
Buồn nôn và nôn ói nhiều là dấu hiệu nên được chú ý

Giảm cử động thai

Khi cảm nhận giảm cử động thai của thai nhi, mẹ bầu nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe của em bé. Các xét nghiệm như non-stress test và siêu âm thai có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng của thai nhi.

Vỡ ối sớm

Vỡ ối sớm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dấu hiệu của ối vỡ sớm là có dòng nước từ âm đạo hoặc cảm giác âm đạo ẩm ướt. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay khi phát hiện dấu hiệu này.

Chăm sóc sức khỏe thai kỳ

Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ

Để thai nhi phát triển mạnh mẽ, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như canxi, sắt, axit folic, DHA, magie, vitamin B1. Đây là yếu tố then chốt giúp thai kỳ khỏe mạnh, tránh được các vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé.

Hạn chế các thực phẩm không tốt cho sức khỏe

Mẹ bầu cần tránh ăn các loại thực phẩm như đồ lên men, tái sống hay thực phẩm dễ gây co bóp tử cung và độc tố. Ngoài ra, việc không uống cà phê, rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích cũng là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Thực hiện đúng lịch trình khám thai

Khám thai đúng theo lịch hẹn của bác sĩ là một phần quan trọng giúp theo dõi sức khỏe của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề có thể phát sinh trong thai kỳ.

nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-thai-ky-ma-ban-nen-chu-y 5
Khám thai định kỳ giúp theo dõi tình trạng của mẹ và bé

Tập thể dục nhẹ nhàng

Việc tập thể dục đều đặn là một phần không thể thiếu trong thai kỳ nhưng mẹ bầu cần lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga để không gây ra căng thẳng cho cơ thể và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.

Bài viết đã cung cấp các kiến thức xung quanh câu hỏi “Thế nào là dấu hiệu thai có vấn đề?”. Qua bài viết, việc nhận biết các dấu hiệu thai có vấn đề là vô cùng quan trọng để có sự can thiệp kịp thời từ bác sĩ. Do đó, mẹ bầu cần tuân thủ các mốc khám thai định kỳ và chăm sóc sức khỏe của mình một cách đầy đủ. Đồng thời, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp là điều quan trọng nhất để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm