Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những điều bạn cần biết về nội soi phế quản ống mềm

Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ

Nội soi phế quản ống mềm được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán và phát hiện các bệnh về đường hô hấp. Hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh hô hấp. Điều này đặc biệt đúng đối với các bệnh không lây như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi, cũng như các bệnh truyền nhiễm như cúm, lao và viêm phổi mắc phải tại cộng đồng vì tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Để góp phần chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh về đường hô hấp, nội soi phế quản bằng ống soi mềm là một kỹ thuật có vai trò quan trọng.

Tổng quan về nội soi phế quản ống mềm

Nội soi phế quản ống mềm là một thủ thuật y tế sử dụng một ống nội soi mềm có kích thước nhỏ, có gắn đèn chiếu sáng và camera ở một đầu. Ống nội soi được đưa vào đường thở của bệnh nhân qua mũi hoặc miệng. Hình ảnh thu được từ camera được hiển thị trên màn hình máy tính, cho phép bác sĩ đánh giá được các tổn thương và dấu hiệu bất thường ở đường hô hấp.

Những điều bạn cần biết về nội soi phế quản ống mềm 1
Nội soi phế quản ống mềm được ứng dụng để chẩn đoán các bệnh về đường hô hấp

Nội soi phế quản bằng ống mềm là một trong những phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý quan trọng về đường hô hấp như viêm phổi, ung thư phổi, viêm phế quản… Máy nội soi được trang bị camera có độ phân giải cao, cung cấp hình ảnh rõ nét, chất lượng cao. Ngoài ra, ống nội soi mềm giúp giảm đau cổ và khó chịu trong và sau khi nội soi so với sử dụng ống nội soi cứng.

Đặc biệt đối với nội soi phế quản ở trẻ em, việc sử dụng ống mềm có thể làm giảm tổn thương đường hô hấp của trẻ. Trong một số trường hợp, có thể thực hiện tiền mê nội soi phế quản do bệnh nhân quá sợ hãi hoặc ho nhiều, kích thích nhiều.

Chỉ định và chống chỉ định phương pháp nội soi phế quản ống mềm

Chỉ định

Nội soi phế quản được chỉ định khi:

  • Chẩn đoán ung thư khí phế quản.
  • Phân loại giai đoạn ung thư phế quản.
  • Theo dõi sau điều trị ung thư phế quản.
  • Đánh giá bệnh nhân có tổn thương ác tính ở vùng đầu và cổ.
  • Đánh giá trong trường hợp có bị ung thư thực quản.
  • Nhiễm khuẩn: Viêm phổi tái phát, nhiễm trùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi
  • Các bệnh lý hô hấp khác: Xẹp phổi, tràn dịch màng phổi có tiết dịch, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, chấn thương ngực, hít phải dị vật...

Chống chỉ định

Các trường hợp chống chỉ định nội soi phế quản:

  • Bệnh tim mạch: Suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tăng huyết áp không kiểm soát được…
  • Suy hô hấp cấp, hen phế quản chưa kiểm soát, tràn khí màng phổi chưa có dẫn lưu…
  • Rối loạn đông máu.
Những điều bạn cần biết về nội soi phế quản ống mềm 2
Chống chỉ định nội soi phế quản nếu bệnh nhân bị rối loạn đông máu 

Các bước thực hiện

Chuẩn bị trước khi nội soi

  • Thực hiện xét nghiệm máu cho bệnh nhân để chẩn đoán xem họ có bị rối loạn đông máu hay không.
  • Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi và ngừng uống nước 2 giờ trước khi nội soi.
  • Các bác sĩ thực hiện khám lâm sàng cho bệnh nhân để tìm hiểu về sức khỏe, tiền sử bệnh hoặc loại thuốc họ đang dùng. Nếu bệnh nhân không đáp ứng đủ yêu cầu về nội soi, bác sĩ sẽ tư vấn và đề xuất các phương pháp chẩn đoán khác phù hợp hơn.

Thực hiện nội soi

  • Trước khi nội soi, bệnh nhân được gây tê bằng thuốc. Sau khi gây tê, bệnh nhân vẫn giữ được ý thức, còn tỉnh táo.
  • Bệnh nhân ngồi hoặc nằm ở tư thế thích hợp nhất để thực hiện thủ thuật nội soi phế quản ống mềm diễn ra linh hoạt dễ dàng và nhanh chóng. Thường đầu ở vị trí cao hơn thân hoặc cổ ngửa về phía sau.
  • Bác sĩ thực hiện đưa ống nội soi qua miệng hoặc mũi và đưa sâu vào nhiều vị trí khác nhau trên các nhánh khí phế quản. Lúc này, với sự hỗ trợ của hình ảnh được camera ghi lại, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát, đánh giá các dấu hiệu tổn thương hoặc bất thường ở đường hô hấp.
  • Trong trường hợp cần chẩn đoán chính xác,  để thực hiện các xét nghiệm liên quan thì bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết và lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra hoặc bơm một lượng dịch vào phổi, sau nội soi lượng dịch này cũng sẽ được hút ra. Quy trình nội soi phế quản ống mềm thường kéo dài từ 5 đến 10 phút hoặc lâu hơn.

Theo dõi và xử trí biến chứng

Nội soi phế quản ít ảnh hưởng tới sức khỏe và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng cơ bản như đau cổ, khàn tiếng, ho ra máu nhẹ với trường hợp lấy mẫu sinh thiết… Tuy nhiên, nếu bạn gặp các triệu chứng như khó thở dai dẳng, rối loạn nhịp tim hoặc xuất huyết nghiêm trọng, hãy đi khám ngay lập tức.

Có một số biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi phế quản, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được điều trị kịp thời:

  • Thiếu oxy máu: Trong quá trình nội soi phế quản ống mềm, phân áp Oxy của động mạch PaO2 có thể giảm 10mmHg và SaO2 có thể giảm hơn 2% đến 5% hoặc nhiều hơn. Nếu xảy ra suy hô hấp cấp tính, phải dừng khám ngay lập tức, tăng lưu lượng oxy và có thể dùng thuốc giãn phế quản qua đường khí dung hoặc tiêm truyền nếu cần thiết.
Những điều bạn cần biết về nội soi phế quản ống mềm 3
Thiếu oxy máu là một trong những biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi phế quản
  • Chảy máu: Biến chứng chảy máu thường xảy ra khi sinh thiết. Để ngăn ngừa các biến chứng ho ra máu nặng khi sinh thiết phế quản và sinh thiết xuyên thành phế quản, trước tiên nên làm sinh thiết thử lần thứ nhất bấm mảnh nhỏ để xem mức độ chảy máu. Nếu không có nguy hiểm thì mới thực hiện sinh thiết thực sự. Khi chảy máu xảy ra, tiêm dung dịch adrenalin 0,01% vào vị trí sinh thiết phế quản để giảm chảy máu, tiêm bắp morphin và bịt lỗ PQ đang chảy máu bằng đầu ống soi. Nếu không thể cầm máu, phải rút ống soi đặt nội khí quản, đồng thời liên hệ nút mạch cấp cứu.
  • Nhiễm khuẩn: Nếu bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, ho khạc đờm màu đục sau khi nội soi thì nên tiến hành cấy đờm để tìm vi khuẩn gây bệnh.
  • Co thắt thanh phế quản: Co thắt phế quản thông qua thần kinh phó giao cảm thường xảy ra do gây tê không kỹ lưỡng để ức chế cảm thụ kích thích. Đối với những người cơ địa tăng tính phản ứng phế quản, chẳng hạn như hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần hết sức chú trọng đến việc ngăn ngừa biến chứng này.
  • Tràn khí màng phổi: Thường gặp ở khoảng 5% đến 5,5% bệnh nhân được sinh thiết xuyên thành phế quản, chải phế quản hoặc giãn phế nang nghiêm trọng. Nếu tràn khí màng phổi ít, bạn có thể chỉ cần thở oxy và chụp X quang theo dõi, nếu tràn khí màng phổi nhiều, bạn có thể phải mở màng phổi dẫn lưu khí.
  • Các biến chứng, tai biến khác: Dị ứng với thuốc gây tê lidocain. Những người có tiền sử dị ứng tiêm methylprednisolon tĩnh mạch cần test thuốc tê trước khi nội soi.

Tóm lại, nội soi phế quản ống mềm là phương pháp chẩn đoán được ứng dụng rộng rãi để phát hiện các bệnh về đường hô hấp. So với nội soi phế quản ống cứng, nội soi phế quản ống mềm có thể giúp bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em giảm đau, khó chịu ở vùng cổ họng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.