Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Những điều bạn cần biết về vắc xin HPV

Virus HPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và một số loại ung thư khác ở cả nam và nữ. Việc tiêm phòng vắc xin HPV là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm HPV và giảm nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhận thức sai lầm xung quanh vắc xin này. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng về việc tiêm ngừa vắc xin HPV.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - hiện công tác tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

HPV-tieu-de.png

HPV (Human Papilloma Virus - Vi rút Papilloma ở người): Là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Hầu như tất cả những người có hoạt động tình dục đều sẽ bị nhiễm bệnh vào một thời điểm nào đó trong đời, thường khi nhiễm không có triệu chứng.

HPV có thể ảnh hưởng đến da, vùng sinh dục và hầu họng. Bao cao su giúp ngăn ngừa HPV nhưng không có tác dụng bảo vệ toàn diện vì chúng không che phủ hết vùng da sinh dục.

HPV thường tự biến mất mà không cần điều trị. Một số bệnh nhiễm trùng HPV gây ra mụn cóc sinh dục. Một số khác có thể khiến các tế bào bất thường phát triển và trở thành ung thư.

Những điều bạn cần biết về tiêm vắc xin HPV

Bệnh do HPV hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin:

  • Vắc xin không chứa bất kỳ HPV sống hoặc ADN nào của HPV nên không thể gây bệnh ung thư hoặc các bệnh lý khác liên quan đến HPV.
  • Vắc xin HPV không được sử dụng để điều trị nhiễm HPV hoặc điều trị các bệnh do HPV gây ra mà thay vào đó để tạo miễn dịch đặc hiệu ngăn ngừa nhiễm HPV nhờ đó, ngăn ngừa các bệnh lý do HPV.

tieu-de.png

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ US - CDC

Từ năm 2016 đến năm 2020, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 46.711 trường hợp ung thư mới (25.689 ở phụ nữ và 21.022 ở nam giới) được phát hiện ở các cơ quan, bộ phận trên cơ thể - nơi thường tìm thấy vi rút HPV. Khoảng 79% số ca ung thư này có thể là do HPV gây ra (được gọi là ung thư do HPV gây ra).

Mỗi năm, từ năm 2016 đến năm 2020, gần 12.000 trường hợp ung thư cổ tử cung - Ung thư liên quan nhất đến HPV, đã xảy ra tại Mỹ. HPV cũng liên quan đến ung thư âm hộ và âm đạo ở nữ giới, ung thư dương vật ở nam giới và ung thư hậu môn và hầu họng ở cả nữ giới và nam giới. Từ năm 2016 đến năm 2020, ung thư vòm họng là loại ung thư phổ biến nhất liên quan đến HPV, với trung bình 20.805 trường hợp được báo cáo mỗi năm (17.248 ở nam và 3.557 ở nữ).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO

Trên toàn cầu, ước tính có 620.000 ca ung thư mới ở phụ nữ và 70.000 ca ung thư mới ở nam giới là do HPV gây ra vào năm 2019. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây ung thư và tử vong do ung thư đứng thứ tư ở phụ nữ vào năm 2022, với khoảng 660.000 ca mắc mới và khoảng 350.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Ung thư cổ tử cung chiếm hơn 90% các bệnh ung thư liên quan đến HPV ở phụ nữ.

Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung cao nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều này phản ánh sự bất bình đẳng lớn do thiếu khả năng tiếp cận với vắc xin HPV quốc gia, các dịch vụ sàng lọc và điều trị cổ tử cung cũng như các yếu tố quyết định kinh tế và xã hội.

Theo báo cáo của Globocan - Tổ chức quan sát ung thư toàn cầu tại Việt Nam

Năm 2022: 4,612 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và 2,571 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung.

Năm 2008: 5,174 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và ca tử vong 2,472 vì ung thư cổ tử cung (Tương đương mỗi ngày có 14 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung và 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung).

Đối tượng bị nhiễm HPV là ai? Nam giới có bị nhiễm HPV không?Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ - US CDC: HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. HPV phổ biến đến mức gần như tất cả nam giới và phụ nữ có quan hệ tình dục đều nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong đời. 

Tại Mỹ, hơn 42 triệu người bị nhiễm các loại virus HPV được biết là gây bệnh và ước tính có khoảng 13 triệu ca nhiễm virus mới xảy ra hàng năm ở những người từ 15 đến 59 tuổi. Khoảng một nửa số ca nhiễm mới xảy ra ở những người từ 15 đến 24 tuổi. Nhiễm trùng HPV đầu tiên thường xảy ra trong vòng vài tháng đến nhiều năm sau khi bắt đầu hoạt động tình dục.

Những điều bạn cần biết về vắc xin HPV nam giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO: HPV có khả năng lây truyền cao, với tỷ lệ mắc cao nhất ngay sau khi bắt đầu hoạt động tình dục và hầu hết mọi người đều bị nhiễm trùng vào một thời điểm nào đó trong đời. Ít nhất 13 trong số hơn 100 kiểu gen HPV đã biết có thể gây ung thư cổ tử cung và có liên quan đến các bệnh ung thư hậu môn và ung thư đầu, mặt, cổ khác. 

Hai kiểu gen "nguy cơ cao" phổ biến nhất (HPV 16 và 18) gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung. Người ta ước tính HPV gây ra gần nửa triệu ca mắc và 250.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2002, trong đó khoảng 80% xảy ra ở các nước đang phát triển. Hai kiểu gen "nguy cơ thấp" (HPV 6 và 11) gây ra mụn cóc, sùi mào gà sinh dục. 

tieu-de (4).png

Theo hướng dẫn được phê duyệt về tiêm chủng ngăn ngừa HPV của Bộ Y tế, tất cả nam và nữ giới tới 45 tuổi (trước sinh nhật thứ 46) nên tiêm ngừa vắc xin Gardasil 9 để ngăn ngừa bệnh do HPV gây nên như Ung thư: Cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, hầu họng… và các bệnh u nhú, sùi mào gà, sinh dục. 

Đã tiêm đủ 3 mũi HPV có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nữa không?

Đúng, vẫn cần sàng lọc thường quy. Phụ nữ đã tiêm chủng ngừa HPV vẫn cần đến các cơ sở Sản - Phụ khoa để khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ (Thường sử dụng nhuộm soi PAP). Vắc xin không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại tất cả các loại vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung cũng như các căn nguyên khác ngoài HPV, vì vậy ngay cả những phụ nữ được tiêm vắc xin HPV, vẫn có nguy cơ nhỏ mắc một số bệnh ung thư do vi rút HPV khác, không có trong thành phần vắc xin và các loại căn nguyên khác HPV gây ung thư.

tieu-de (8).png

Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO: Kể từ năm 2009, 4 sản phẩm vắc xin ngừa HPV đã được WHO sơ tuyển. Chúng bao gồm hai sản phẩm ngừa hai chủng HPV (Cecolin®, do hãng Xiamen Innovax Co. Ltd. sản xuất và Cervarix™, do hãng GlaxoSmithKline sản xuất), một sản phẩm ngừa bốn chủng HPV (Gardasil 4, do hãng Merck Vaccines sản xuất) và một sản phẩm ngừa 09 chủng HPV (Gardasil-9, cũng do hãng Merck Vaccines sản xuất).

Một chế phẩm ngừa hai chủng (Walrinvax®) hiện đang được WHO xem xét và một sản phẩm ngừa bốn chủng HPV (Cervavac®) đã được cấp phép bởi tiêu chuẩn quốc gia.

Tại Việt Nam: Trên thị trường Việt Nam, hiện đang lưu hành 02 loại vắc xin ngừa HPV: Gardasil 9 và Gardasil 4. Ngoài ra, trước đây cũng lưu hành Cervarix ngừa 2 chủng HPV, tuy nhiên hiện nay đã không có sẵn chế phẩm này.

Trong đó, Gardasil 9 là vắc xin bất hoạt ngừa 9 chủng HPV, được FDA cấp phép năm 2014. Vắc xin chứa 7 chủng HPV thường gây ung thư (16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) và 2 chủng HPV gây hầu hết các bệnh ở cơ quan sinh dục, mụn cóc, u nhú (6 và 11). Vắc xin Gardasil 9 được cấp phép sử dụng cho những người từ 9 đến 45 tuổi.

Hy vọng bài viết trên đã đem đến những thông tin hữu ích về việc tiêm phòng HPV, từ đó giúp bạn có biện pháp và lựa chọn phù hợp để bảo vệ sức khỏe của chính mình và của gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Văn My