Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về xét nghiệm Double test

Ngày 30/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bất cứ ba mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc khi con của mình chào đời được khoẻ mạnh và phát triển toàn diện. Với phương pháp xét nghiệm Double test sẽ giúp tầm soát nguy cơ dị tật thai nhi. Từ đó sẽ giúp mẹ bầu và bác sĩ đưa ra những giải pháp phù hợp. 

Trong khoảng tuần thứ 11 đến 13 của thai kỳ, xét nghiệm Double test luôn được các bác sĩ khuyên thực thiện nhằm sàng lọc dị tật ở thai nhi. Tìm hiểu nhiều hơn về xét nghiệm Double test ngay trong bài viết dưới đây.

Xét nghiệm Double test là gì, khi nào thực hiện

Xét nghiệm Double test thường được thực hiện vào khoảng tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của quý I thai kỳ. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy máu của người mẹ trong thời kỳ mang thai để kiểm tra định lượng β-hCG tự do và PAPP-A. Hai chỉ số hóa sinh này đều do nhau thai tiết ra và sẽ thay đổi trong quá trình mang thai.

Những điều cần biết về xét nghiệm double test1 Xét nghiệm Double test dành cho bà bầu

Bên cạnh các chỉ số trên, xét nghiệm còn được tính toán cùng với độ mờ da gáy (NT), chiều dài đầu mông (CRL) của thai nhi và một số thông số khác bằng phần mềm chuyên dụng từ đó quy ra hệ số Corr.MOM và nguy cơ của thai nhi với bệnh. 

Cuối cùng so sánh với các giá trị ngưỡng có thể giúp bác sĩ đánh giá chính xác nhất nguy cơ xuất hiện các dị tật mang tính di truyền ở thai nhi như hội chứng Down, Edwards hoặc Patau.

Cụ thể: 

Với hội chứng Down:

  • Chỉ số β-hCG tự do tăng cao.
  • Chỉ số PAPP-A có xu hướng giảm và độ dày da gáy tăng.
  • Độ mờ da gáy (NT) có giá trị rất cao trong việc đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Nếu thai có độ mờ da gáy dưới đường 95 bách phân vị thì được xếp vào nhóm nguy cơ thấp với hội chứng Down.

Với hội chứng Edward: Cả β-hCG tự do và PAPP-A trong máu đều giảm.

Với hội chứng Patau: β-hCG tự do và PAPP-A nói chung là thấp.

Xét nghiệm Double test dành cho đối tượng nào?

Xét nghiệm Double test là phương pháp sàng lọc trước sinh vô cùng cần thiết đối với các mẹ bầu bởi có thể nhanh chóng phát hiện ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe mẹ và bé. 

Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo các trường hợp thai phụ sau nên tiến hành xét nghiệm: 

  • Thai phụ từ 35 tuổi trở lên
  • Thai phụ có tiền sử thai lưu hoặc sảy thai
  • Trong gia đình có trường hợp mắc bệnh dị tật bẩm sinh.
  • Trong thời kỳ mang thai, thai phụ bị nhiễm virus.
  • Siêu âm cho kết quả độ mờ da gáy nguy cơ cao.
Những điều cần biết về xét nghiệm double test2 Xét nghiệm Double test giúp phát hiện ra dấu hiệu bất thường ở mẹ và thai nhi

Ưu và nhược điểm của xét nghiệm Double test

Ưu điểm:

Kết quả xét nghiệm Double test có độ chính xác lên tới 90% và hoàn toàn an toàn cho cả mẹ và bé. 

Nhanh có kết quả từ đó bác sĩ và mẹ bầu có những phương án can thiệp kịp thời.

Nhược điểm:

Trường hợp sản phụ mang thai đôi thì kết quả xét nghiệm Double test có thể bị giảm độ chính xác. 

Xét nghiệm mang tính sàng lọc, chỉ xác định được nguy cơ xuất hiện, chứ không chẩn đoán xác định. Do vậy, khi kết quả sàng lọc có dấu hiệu bất thường thì mẹ bầu cũng cần thực hiện thêm bộ xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán. 

Quy trình xét nghiệm Double test

Xét nghiệm Double test là làm những gì là thắc mắc của nhiều mẹ bầu. Quy trình xét nghiệm Double test được thực hiện bằng mẫu máu, tuy nhiên bạn sẽ không cần phải nhịn ăn trước khi tiến hành như những xét nghiệm máu khác. Lưu ý, nếu mẹ bầu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì nên thông báo trước cho bác sĩ bởi có một số loại thuốc có thể sẽ phải tạm dừng sử dụng cho đến khi hoàn tất quá trình xét nghiệm. 

Trước khi lấy máu, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ giải thích chi tiết về quy trình cũng như mục đích của phương pháp xét nghiệm này. Sau đó, mẹ bầu sẽ được đưa tờ thông tin để điền trong đó có một số thông tin quan trọng cần được mẹ bầu xác định chính xác như ngày đầu tiên của chu kỳ kinh gần nhất, ngày siêu âm gần nhất, tuổi thai, khoảng sáng sau gáy hay chiều dài đầu - mông của thai nhi. 

Quy trình xét nghiệm diễn ra nhanh và đơn giản, bao gồm lấy máu xét nghiệm và siêu âm. Sau khi mẹ bầu hoàn tất thủ tục điền thông tin như trên, bác sĩ bắt đầu tiến hành lấy máu tĩnh mạch ở tay và đựng trong ống nghiệm chuyên dụng. Thông thường, kết quả sẽ có sau 1 ngày xét nghiệm. 

Xét nghiệm Double test giá bao nhiêu?

Mức chi phí cho mỗi lần thực hiện xét nghiệm Double test có thể có sự chênh lệch, điều này tùy thuộc vào từng bệnh viện hay cơ sở y tế. Tuy nhiên, chi phí trung bình vào khoảng từ 400.000 - 1.000.000 đồng. Lưu ý, trước khi lựa chọn thực hiện, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc về ưu nhược điểm của từng xét nghiệm để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. 

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Double test

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu rất cần đi khám sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát dị tật thai nhi bằng xét nghiệm Double test. Tuy nhiên, xét nghiệm Double test chỉ cho thấy nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh là cao hay thấp chứ không khẳng định thai nhi có mắc dị tật hay không.

Những điều cần biết về xét nghiệm double test3 Mẹ bầu nên thăm khám sức khỏe, thực hiện tầm soát dị tật thai nhi 

Trường hợp xét nghiệm Double test cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc dị tật, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp phù hợp cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể sẽ được khuyên thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu như NIPT, hay thủ thuật chọc ối, sinh thiết nhau thai để cho kết quả chính xác hơn. 

Khác với một số xét nghiệm thông thường, khi thực hiện xét nghiệm Double test mẹ bầu không cần phải nhịn ăn. Do đó, khi đi khám bác sĩ, mẹ bầu hãy ăn uống đầy đủ để cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần thoải mái cho buổi xét nghiệm hiệu quả. 

Bài viết trên đây tổng hợp tất cả những điều cần biết về xét nghiệm Double test. Hãy thực hiện xét nghiệm Double test để các bác sĩ có thể phát hiện sớm và tư vấn phương pháp phù hợp với từng mẹ bầu nhé.

Lê Hồng

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm