Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những lưu ý cha mẹ cần biết về áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh

Ngày 24/03/2023
Kích thước chữ

Áp xe hậu môn là một tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào, tuy nhiên nó phổ biến và có nguy cơ gây nguy hiểm cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nhận biết các dấu hiệu của áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng để có thể điều trị kịp thời và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Bên cạnh loại áp xe răng, áp xe hậu môn cũng là bệnh thường phổ biến ở trẻ em. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ những thông tin và các lưu ý cần biết về tình trạng áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh.

Áp xe hậu môn là gì?

Áp xe hậu môn là một tình trạng ở các tuyến hậu môn bị nhiễm trùng, dẫn đến sự chảy mủ trong các khoang và lỗ nhỏ của vùng trực tràng. Áp xe quanh hậu môn là dạng phổ biến nhất, gây ra sự sưng đau ở vùng gần hậu môn.

Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do vi khuẩn gram âm đường ruột và vi khuẩn tụ cầu gây ra, khiến cho trẻ cảm thấy đau đớn và có nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh

Bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị áp xe hậu môn qua một số dấu hiệu như sau:

  • Khối u cứng xung quanh hậu môn: Một trong những dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện các khối u cứng, màu đỏ hoặc tím xung quanh hậu môn, có thể bị nhiễm mủ và bất thường về kích thước.
  • Ngứa vùng hậu môn: Trẻ cảm thấy khó chịu vì ngứa ngáy, đây là dấu hiệu nhận biết sớm khi các ổ áp xe chưa phát triển quá lớn. Đây là do vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm, dịch viêm khiến hậu môn luôn ẩm ướt, gây ngứa ngáy khó chịu.
  • Đau rát hậu môn: Vùng hậu môn đau tức và khó chịu khi ổ áp xe phát triển và lớn hơn, càng nặng hơn khi trẻ ngồi, đi vệ sinh hoặc di chuyển mạnh.
  • Chảy dịch mủ: Ổ áp xe hậu môn khi phát triển quá mức có thể bị vỡ ra và dịch mủ chảy ra ngoài, chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng. Điều này có thể khiến vùng da xung quanh bị kích ứng, viêm lỗ chân lông và gây ra sự khó chịu.
  • Triệu chứng toàn thân: Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh có thể gây ra triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như đau nhức người, mệt mỏi, sốt cao, tinh thần căng thẳng. 

Việc nhận biết các triệu chứng này rất quan trọng đối với trẻ để có biện pháp điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng.

Những lưu ý cha mẹ cần biết về áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh 1

Nhận biết dấu hiệu áp xe hậu môn ở trẻ rất quan trọng

Điều trị áp xe hậu môn cho trẻ sơ sinh

Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh là một tình trạng cần được điều trị để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng và tránh hoại tử. Việc điều trị này rất quan trọng vì nhiễm trùng da và máu có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trong trường hợp này, trẻ cần được chăm sóc y tế tại bệnh viện và các biện pháp điều trị thường bao gồm sử dụng kháng sinh và phẫu thuật.

Điều trị với trẻ dưới 1 tuổi

Điều trị áp xe hậu môn thường chỉ đơn giản là sử dụng kháng sinh đường uống. Việc can thiệp phẫu thuật hoặc gây mê toàn thân không được khuyến khích vì sẽ có nhiều rủi ro cho trẻ. 

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp dẫn lưu mủ ra khỏi cơ thể một cách an toàn và ít đau đớn. Sau đó, trẻ có thể cần dùng kháng sinh đường uống để giảm đau và ngăn ngừa tái phát. 

Đối với các trường hợp có dấu hiệu bệnh toàn thân, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, tuy nhiên, các trường hợp này tương đối hiếm khi xảy ra.

Đối với trẻ có dấu hiệu bị rò hậu môn, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi đến khi trẻ đủ 18 tháng tuổi trước khi quyết định liệu pháp điều trị phù hợp.

Điều trị với trẻ trên 18 tháng

Nếu trẻ sơ sinh trên 18 tháng tuổi có sức khỏe tốt, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật dẫn lưu áp xe hậu môn. Đây là một thủ thuật đơn giản và ít khi gây nguy hiểm. Trẻ sẽ được gây mê toàn thân và hạn chế ăn uống ít nhất 8 giờ trước phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh hậu môn, đường ruột và vùng da bị tổn thương trước khi mổ áp xe hậu môn.

Phẫu thuật mổ áp xe hậu môn thường ít máu và không cần khâu lại sau phẫu thuật. Sau khi mủ được rút ra ngoài, bác sĩ sẽ vệ sinh da và băng vết thương bằng gạc khô sạch. Trẻ sẽ được theo dõi trong quá trình hồi sức trước khi được ra về cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể kê đơn một số loại kháng sinh để chống lại nhiễm khuẩn, nhưng cha mẹ cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ và không được tự ý sử dụng hoặc ngừng sử dụng thuốc.

Trẻ sơ sinh cần được vệ sinh và bảo vệ vết mổ một cách cẩn thận sau phẫu thuật. Cha mẹ có thể cho trẻ ngâm hậu môn trong nước ấm khoảng 5 phút sau mỗi lần đi tiêu để đảm bảo khu vực này được làm sạch đầy đủ. Ngoài ra, cần thường xuyên thay tã lót và hạn chế sử dụng tã để tránh tái nhiễm trùng và viêm nhiễm hậu môn.

Những lưu ý cha mẹ cần biết về áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh 2

Hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được chỉ định điều trị áp xe hậu môn hợp lí

Một số biện pháp phòng ngừa áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh

Áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh là một vấn đề phổ biến và không có phương pháp cụ thể để ngăn ngừa. Tuy nhiên, cha mẹ có thể thực hiện một số cách chăm sóc và phòng ngừa để hạn chế nguy cơ, bao gồm:

  • Thường xuyên vệ sinh hậu môn và bộ phận sinh dục để giảm thiểu sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Thay tã lót thường xuyên để tránh tình trạng ẩm ướt, ngứa ngáy và nguy cơ nhiễm trùng.
  • Nếu trẻ bú mẹ, người mẹ cần cung cấp đủ chất xơ từ thực phẩm để giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Nếu trẻ dùng sữa ngoài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn loại sữa phù hợp nhất.
  • Sau khi điều trị áp xe hậu môn, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ và đến tái khám định kỳ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này, hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn và hỗ trợ.
Những lưu ý cha mẹ cần biết về áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh 3Luôn theo dõi sức khỏe của trẻ để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và giải đáp thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh về tình trạng áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa tình trạng này để bé phát triển khỏe mạnh.

Xem thêm: Bị áp xe răng kiêng ăn gì

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin