Kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay và những thông tin cần biết
Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Gân gấp ngón tay đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các cử động của bàn tay, đặc biệt là việc gập và nắm tay. Những vấn đề liên quan đến gân gấp có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tiêm gân gấp ngón tay có thể được thực hiện để cải thiện tình trạng tổn thương viêm gấp ngón tay khi các biện pháp bao gồm: Thuốc kháng viêm đường uống, nẹp bất động... không hiệu quả.
Viêm gân gấp ngón tay, còn được gọi là ngón tay lò xo, là tình trạng viêm xảy ra ở gân và bao gân gấp của ngón tay. Tại Việt Nam, thống kê từ khoa Cơ Xương Khớp cho thấy ngón tay lò xo chiếm 17.8% trong các bệnh lý phần mềm quanh khớp.
Kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay là gì?
Tiêm gân gấp ngón tay là phương pháp đưa thuốc điều trị vào lớp sâu trong mô quanh gân gấp nhằm giảm viêm và giảm đau, từ đó giúp cải thiện khả năng vận động của bàn tay. Quá trình tiêm nhắm vào các tổn thương ở gân, mô quanh gân, màng hoạt dịch gân, và điểm bám tận của gân.
Thông thường, người bệnh sẽ được tiêm steroid – một loại thuốc có tác dụng kháng viêm nhanh chóng và mạnh mẽ, giúp điều trị hiệu quả tình trạng ngón tay cò súng. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường hoặc huyết áp thấp cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện tiêm để đảm bảo an toàn.
Ưu điểm của kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay
Kỹ thuật tiêm này có các ưu điểm nổi bật như sau:
Giảm đau và phản ứng viêm tại chỗ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn so với việc sử dụng thuốc kháng viêm đường uống truyền thống.
Ít gây tác dụng phụ toàn thân, như kích ứng dạ dày.
Quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả cao.
Mục đích của việc tiêm gân gấp ngón tay
Tiêm gân gấp là phương pháp phổ biến để điều trị các vấn đề viêm gân – bao gân gấp ngón tay, với các mục đích chính như sau:
Kháng viêm, giảm đau: Corticoid là thuốc chống viêm mạnh, giúp giảm nhanh chóng tình trạng viêm hoặc sưng đau.
Cải thiện chức năng vận động: Việc tiêm giúp tình trạng viêm và đau thuyên giảm giúp người bệnh có thể dễ dàng cử động ngón tay hơn, từ đó tăng cường khả năng cầm, nắm và thực hiện các hoạt động khác.
Thúc đẩy quá trình hồi phục: Tiêm corticoid thực hiện với các bài tập vật lý trị liệu thích hợp có thể giúp tăng tốc độ hồi phục.
Chống chỉ định của kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay
Để đảm bảo an toàn khi tiêm, kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay không được áp dụng cho các trường hợp sau:
Chống chỉ định tuyệt đối khi có nhiễm trùng, đặc biệt là tại vị trí tiêm. Nếu bao gân gấp bị viêm mủ, cần thực hiện phẫu thuật súc rửa và dẫn lưu sớm.
Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc sẽ được tiêm.
Cần thận trọng đối với bệnh nhân tiểu đường hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
Người bị viêm gân mạn tính: Tiêm thuốc liên tục ở những trường hợp viêm gân kéo dài hơn 3 tháng có thể làm tăng nguy cơ đứt gân.
Quy trình thực hiện kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay
Để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu rủi ro, quy trình kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay cần tuân thủ các bước sau:
Chuẩn bị trước khi tiêm
Khám lâm sàng: Đánh giá tình trạng ngón tay, khai thác thông tin bệnh sử và các yếu tố liên quan, đặc biệt là tiền sử dùng thuốc chống đông và tiền sử dị ứng.
Khám cận lâm sàng: Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: Siêu âm gân gấp, X-quang, CT, MRI hoặc xét nghiệm máu tùy theo tình trạng bệnh lý.
Tư vấn: Thông tin cho bệnh nhân về lợi ích, rủi ro, và những lưu ý trước, trong, và sau khi tiêm bao gân gấp ngón tay.
Chuẩn bị nhân sự: Thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp có chứng chỉ tiêm khớp, cùng với một điều dưỡng hỗ trợ.
Đảm bảo vô khuẩn: Phòng tiêm và các thiết bị y tế phải được vô khuẩn, bao gồm: Hộp thuốc chống sốc, săng có lỗ, kẹp có mấu, bông, băng, gạc, kim tiêm, bơm tiêm, dung dịch sát khuẩn, và các loại băng dính y tế.
Kiểm tra chất lượng thuốc: Đảm bảo thuốc sử dụng đạt chuẩn chất lượng.
Các bước tiến hành tiêm gân gấp ngón tay
Bước 1: Bác sĩ kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và chỉ định tiêm.
Bước 2: Điều dưỡng kiểm tra thiết bị và dụng cụ y tế cần thiết.
Bước 3: Điều dưỡng chuẩn bị thuốc tiêm, sát trùng vùng tiêm và trải săng.
Bước 4: Bác sĩ sát trùng tay, đeo găng vô khuẩn, xác định vị trí tiêm và tiêm thuốc vào phần gân tổn thương đúng kỹ thuật và tiêu chuẩn y tế.
Bước 5: Sát trùng lại vùng tiêm và băng vết tiêm cho bệnh nhân.
Chăm sóc sau tiêm
Bảo vệ vùng tiêm trong 1-2 ngày, hạn chế sử dụng tay mạnh trong 1-3 tuần.
Chườm lạnh nếu cần để giảm đau, tránh chườm nóng.
Không tắm bồn (đặc biệt với nước nóng) trong 2 ngày sau tiêm.
Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng như: Cơn đau tăng, sưng đỏ tại vị trí tiêm kéo dài hơn 48 giờ.
Biến chứng và cách xử lý
Đau nhức tại vị trí tiêm: Thường là phản ứng viêm với thuốc dạng tinh thể, kéo dài khoảng 24 giờ, gây khó chịu. Có thể xử lý bằng cách chườm lạnh và uống thuốc giảm đau.
Viêm nhiễm: Do vẫn có nguy cơ nhiễm trùng, cần tuân thủ quy trình vô khuẩn khi tiêm. Nếu sau tim thấy sưng đỏ, sốt, hoặc có dịch mủ, bạn cần tái khám sớm.
Đứt gân: Có thể xảy ra nếu thuốc được tiêm vào gân, gây rách gân. Khi gặp phải, rút kim ra 1mm – 2mm và thử lại. Bệnh nhân nên tránh các hoạt động nặng tay trong vài tuần đầu sau tiêm.
Teo da, mất sắc tố da: Tiêm sâu là cách có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng này.
Các biến chứng hiếm gặp: Một số người có thể lo lắng quá mức, đổ mồ hôi, hoặc khó thở. Để tránh, bác sĩ nên tư vấn trước và giúp bệnh nhân ổn định tâm lý. Nếu có triệu chứng bất thường, cần cho người bệnh nằm nghỉ và có thể cung cấp oxy.
Một số lưu ý khi tiêm gân gấp ngón tay
Dưới đây là một vài điều cần lưu ý khi tiêm gân:
Cẩn trọng với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường hoặc tăng huyết áp: Chỉ thực hiện liệu pháp sau khi đã kiểm soát tốt các bệnh lý này. Những bệnh nhân này cần được theo dõi ít nhất 60 phút sau khi tiêm để đảm bảo an toàn và phòng tránh các phản ứng phụ.
Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng: Cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng để bác sĩ có sự điều chỉnh phù hợp.
Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ: Chăm sóc vết tiêm, chế độ ăn uống, vận động hợp lý, và thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nếu cần.
Nếu có triệu chứng bất thường sau khi về nhà: Nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Kỹ thuật tiêm gân gấp ngón tay là một phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn, giúp giảm đau, viêm và cải thiện chức năng của bàn tay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và chăm sóc vết thương đúng cách.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.