Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị viêm khớp dạng thấp thường có những phương pháp nào?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý về xương khớp khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các mô cấu tạo nên khớp. Nguyên nhân chính xác cho vấn đề sức khỏe này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là việc điều trị viêm khớp dạng thấp sớm rất quan trọng đối với khả năng ngăn cản tổn thương khớp, cũng như làm chậm lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Mục tiêu chính trong điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tình trạng viêm, giảm đau và hạn chế tối đa tình trạng tàn tật do tổn thương khớp. Các phương pháp điều trị thường bao gồm dùng thuốc, liệu pháp vật lý trị liệu hoặc tập thể dục. Một số trường hợp khác lại cần phẫu thuật để điều chỉnh tổn thương khớp khi ở mức độ nặng hơn. Vậy điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Trước hết, chúng ta hãy đến với những khái quát về đặc điểm của bệnh lý viêm khớp dạng thấp trước khi đến với nội dung chính của điều trị viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, tình trạng viêm xảy ra ảnh hưởng chủ yếu đến các khớp như cổ tay, bàn tay, bàn chân, cột sống, đầu gối và hàm.

Thông thường, hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng và bệnh tật. Nhưng đối với người bị viêm khớp dạng thấp, cơ thể bị rối loạn tự miễn dẫn đến hệ miễn dịch tấn công các mô khớp khỏe mạnh.

Người bị viêm khớp dạng thấp sẽ cảm thấy mệt mỏi bất thường, thỉnh thoảng bị sốt và mất cảm giác thèm ăn. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận hoặc cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, mạch máu, thần kinh, mắt, da.

dieu-tri-viem-khop-dang-thap-thuong-co-nhung-phuong-phap-nao 1
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm mạn tính với cơ chế tự miễn dịch

Viêm khớp dạng thấp có những triệu chứng nào?

Các triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Đau khớp cả khi nghỉ và khi vận động, hoặc đau khi ấn;
  • Bị sưng kèm cảm giác ấm nóng tại khu vực khớp tổn thương;
  • Cứng khớp kéo dài hơn 30 phút;
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bất thường hoặc thiếu năng lượng;
  • Thỉnh thoảng sốt;
  • Mất cảm giác thèm ăn.

Về vị trí khớp bị ảnh hưởng, viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên, tổn thương ở các khớp như ở cổ tay, bàn tay và bàn chân phổ biến hơn. Thời gian bắt đầu khởi phát viêm khớp dạng thấp thường sẽ chỉ có một khớp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc các biện pháp điều trị không hiệu quả, mức độ bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn, thậm chí dẫn đến tàn tật.

dieu-tri-viem-khop-dang-thap-thuong-co-nhung-phuong-phap-nao 2
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở những khớp nhỏ như khớp ngón tay

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện khi kèm theo các tác nhân kích thích như:

  • Căng thẳng;
  • Hoạt động thể lực quá mức;
  • Ngừng dùng thuốc đột ngột.

Ai nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp?

Có những yếu tố rủi ro nhất định làm tăng khả năng bị viêm khớp dạng thấp như sau:

  • Tuổi cao: Khả năng xảy ra viêm khớp dạng thấp tăng theo độ tuổi, nhưng được ghi nhận thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 50. Ở những đối tượng từ 65 tuổi trở lên, khi bị viêm khớp dạng thấp sẽ được gọi là dạng khởi phát muộn. Điều này cũng đi kèm với một loạt các thách thức điều trị ở những người cao tuổi so với trường hợp khởi phát sớm;
  • Giới tính: Viêm khớp dạng thấp phổ biến hơn ở nữ giới so với nam giới. Ngoài ra, yếu tố giới tính cũng có xu hướng ảnh hưởng đến một số tính chất của bệnh, chẳng hạn như biểu hiện, mức độ nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống và nguy cơ rút ngắn tuổi thọ;
  • Tiền sử gia đình: Một số gen có liên quan đến tính nhạy cảm hoặc bảo vệ để chống lại tình trạng viêm khớp dạng thấp, sự rối loại di truyền của những gen này có thể là yếu tố nguy cơ. Cho đến nay, các nhà khoa học ghi  nhận có hơn 30 gen liên quan đến căn bệnh này, yếu tố di truyền này chiếm khoảng 50% các biến thể di truyền liên quan đến những người bị viêm khớp dạng thấp;
  • Hút thuốc: Người hút thuốc có lượng protein gây viêm trong cơ thể cao hơn so với người không hút thuốc, làm tăng nguy cơ tổn thương khớp và cơ quan của cơ thể;
  • Béo phì: Mô mỡ dư thừa sẽ giải phóng lượng lớn cytokine - loại protein có thể gây viêm khắp cơ thể bạn và trên cả mô khớp ở người bị viêm khớp dạng thấp. Vì thế, thừa cân hoặc béo phì có thể làm cho tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn.
dieu-tri-viem-khop-dang-thap-thuong-co-nhung-phuong-phap-nao 3
Béo phì có liên quan đến các đợt bùng phát nghiêm trọng hơn ở người bị viêm khớp dạng thấp

Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Điều trị bằng thuốc

Chưa có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp nào có thể giúp khỏi bệnh hoàn toàn. Theo đó, mục tiêu điều trị của bệnh lý này là nhằm cải thiện triệu chứng, nâng cao và duy trì chất lượng cuộc sống. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng khi bắt đầu khởi trị sớm với các thuốc DMARDs sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng, đem đến hiệu quả tối ưu hơn.

Các loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng của bệnh và thời gian mắc bệnh.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Mặc dùng một số thuốc trong nhóm này có thể dễ dàng mua tại nhà thuốc, nhưng cũng cần tham khảo hướng dẫn sử dụng phù hợp từ người có chuyên môn vì nhóm thuốc này khi dùng lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, vấn đề về tim, tổn thương thận, tăng nguy cơ xuất huyết;
  • Steroid: Là các loại thuốc nhóm corticosteroid, chẳng hạn như prednison, giúp giảm đau, giảm viêm ở khớp bị tổn thương. Nhóm thuốc này thường được chỉ định để làm giảm các cơn đau cấp tính. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe hoặc tình trạng của người bệnh, nhóm thuốc này được khuyến cáo nên dùng trong liệu trình ngắn (ví dụ prednisolon thường nên được dùng vòng 1 tuần) để tránh tác dụng phụ;
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Đây là những loại thuốc có thể làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp, giảm thiểu nguy cơ tổn thương vĩnh viễn của các mô. Các thuốc thường dùng trong nhóm này bao gồm methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine và sulfasalazine. Trong đó, methotrexate có thể coi là loại thuốc đầu tay dùng cho bệnh viêm khớp dạng thấp, với phác đồ là thường kết hợp một loại DMARD khác và một đợt ngắn dùng steroid (corticosteroid) để giảm đau;
  • Thuốc sinh học: Nhóm thuốc này có bản chất là những protein biến đổi gen, hoạt động bằng cách ngăn chặn một số thành phần của hệ miễn dịch (có liên quan đến sự kích hoạt phản ứng tấn công các mô khớp). Trong đó, các thuốc như adalimumab, etanercept và infliximab là một trong những dược chất điều trị mới cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhóm thuốc này chỉ nên cân nhắc sử dụng khi các nhóm thuốc trên không đáp ứng hoặc không đem lại hiệu quả điều trị.
dieu-tri-viem-khop-dang-thap-thuong-co-nhung-phuong-phap-nao 4
Methotrexate thường được chỉ định để điều trị viêm khớp dạng thấp

Phẫu thuật

Nếu phương pháp điều trị bằng thuốc không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương khớp, người bệnh cần được cân nhắc thực hiện phẫu thuật. Hông, đầu gối và vai là những khớp thường được thay thế nhất. Phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể cơn đau và khả năng vận động ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Có những lựa chọn khác nhau đối với phẫu thuật trong viêm khớp dạng thấp. Trong đó, có thể kể đến là phẫu thuật nội soi, sửa chữa gân, chỉnh trục, thay thế toàn bộ khớp. Những yếu tố để xem xét khi lựa chọn loại phẫu thuật nào bao gồm ưu và nhược điểm của phương pháp, các biến chứng có thể xảy ra, thời gian hồi phục và các biện pháp hỗ trợ nếu có sau khi phẫu thuật.

Các biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp

Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn cải thiện thể lực và sức khỏe cơ bắp, đồng thời làm cho khớp của bạn linh hoạt hơn, chống co rút gân, dính khớp và teo cơ. Vì thế, hãy tham khảo thêm những hướng dẫn về luyện tập dành cho người bị viêm khớp dạng thấp từ các chuyên gia để phần nào cải thiện tình trạng bệnh đang mắc phải.

Ngoài ra, các liệu pháp trị liệu giúp thư giãn như mát xa cũng có thể giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp và giảm căng thẳng, lo lắng.

Không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy những thay đổi cụ thể trong chế độ ăn uống có thể cải thiện bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế những thói quen có hại (như hút thuốc hoặc uống rượu) vẫn có thể đóng vai trò nhất định trong việc duy trì sức khỏe chung cho người bệnh.

Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm bệnh lý và phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Hy vọng rằng bài viết sẽ bổ sung thêm những kiến thức hữu ích cho bạn đọc.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin