Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm đa khớp có chữa được không? Những phương pháp điều trị đó là gì?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Viêm đa khớp là một bệnh lý về xương khớp ngày càng được sự quan tâm. Bệnh gây tổn thương đến nhiều khớp kèm theo các triệu chứng như đau, cứng và sưng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Ngoài những tác động trên hệ xương khớp, bệnh có thể tổn thương đến hệ thống cơ quan khác trên cơ thể như mắt, tim, phổi và mạch máu. Vậy viêm đa khớp có chữa được không?

Điều đáng lo ngại là viêm đa khớp thể xảy ra ở bất kỳ ai hoặc bất kỳ độ tuổi nào. Hiện nay, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vậy viêm đa khớp có chữa được không và bệnh lý ngày có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

Thế nào là viêm đa khớp?

Hãy cùng tìm hiểu đôi nét về vấn đến sức khỏe này trước khi đến với phần giải đáp chính cho thắc mắc viêm đa khớp có chữa được không?

Viêm đa khớp là tình trạng đau nhức do viêm ở nhiều khớp (thường là từ 4 – 5 khớp trở lên). Thuật ngữ này thường chỉ dừng lại ở định nghĩa số lượng khớp bị ảnh hưởng và không xác định rõ loại hoặc vị trí khớp nào có quá trình viêm đang diễn ra. Theo các chuyên gia, tình trạng này thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus, hội chứng Sjogren). Hơn nữa, một số trường hợp sau nhiều lần nhiễm siêu vi cũng có thể tiến triển đến thể bệnh viêm đa khớp này.

Về tính chất xuất hiện của bệnh, viêm đa khớp thường xuất hiện dưới dạng các đợt cấp tính. Tuy nhiên, trường hợp nhiều khớp bị viêm trở thành bệnh mạn tính cũng không phải là hiếm gặp.

viem-da-khop-co-chua-duoc-khong-nhung-phuong-phap-dieu-tri-do-la-gi 1
Viêm đa khớp ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Nguyên nhân gây viêm ở nhiều khớp

Nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý này cũng có thể là yếu tố liên quan khi xem xét đến việc viêm đa khớp có chữa được không. Lý do là vì phương thức và hiệu quả điều trị sẽ khác nhau tùy vào từng dạng bệnh gây ra viêm đa khớp. Sau đây là những nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình trạng viêm đa khớp:

Rối loạn tự miễn dịch

Viêm đa khớp thường do rối loạn tự miễn dịch gây ra, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào chính các tế bào và mô của nó. Để giải thích sâu hơn cho cơ chế gây ra các bệnh tự miễn dịch vẫn còn là một khó khăn lớn, trong đó tính chất di truyền và tác động của môi trường được cho những yếu tố liên quan.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Đây là một dạng của viêm khớp tự phát khi tuổi đời còn khá trẻ, từ độ tuổi thiếu niên trở xuống và có thể ảnh hưởng đến các khớp như mắt cá chân, cổ tay, bàn tay, háng, đầu gối, hàm, đốt sống cổ.

Những trường hợp viêm đa khớp ở độ tuổi này không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán kịp thời và có sự kiểm soát diễn tiến của bệnh tốt, bệnh vẫn có khả năng cải thiện đáng kể.

Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là bệnh lý liên quan đến rối loạn miễn dịch, dẫn đến tổn thương mô liên kết nhiều cơ quan hoặc bộ phận khác nhau. Viêm khớp hoặc viêm đa khớp là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở đối tượng này (khoảng 95% bệnh nhân lupus sẽ có các triệu chứng ở khớp – viêm khớp hoặc đau khớp). Viêm khớp ở bệnh lupus là do viêm màng hoạt dịch dẫn đến sưng, đau và cứng khớp. Các khớp chịu ảnh hưởng ở bệnh nhân lupus ban đỏ thường xảy ra ở ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá.

viem-da-khop-co-chua-duoc-khong-nhung-phuong-phap-dieu-tri-do-la-gi 2
Bệnh Lupus gây viêm hệ thống dẫn đến tình trạng viêm đa khớp

Một số vấn đề sức khỏe khác

Bên cạnh những rối loạn trên, nhiều khớp bị viêm cùng lúc còn có thể liên quan đến một số bệnh lý hoặc yếu tố như sau:

  • Bệnh co rút Dupuytren (co rút cân gan bàn tay): Các mô liên kết trong lòng bàn tay co rút và dày lên bất thường, sau cùng hình thành nên các nốt sần. Theo thời gian, tình trạng này có thể khiến 1 hoặc nhiều ngón tay co lại hoặc kéo về phía lòng bàn tay;
  • Đau cơ xơ hóa: Tình trạng đau mạn tính, xảy ra ở bên trong gân, dây chằng, cơ và các tổ chức phần mềm của cơ thể;
  • Ứ sắt hoặc thừa sắt (hemochromatosis): Quá tải sắt trong khớp làm tăng khả năng phát triển thoái hóa khớp, hoặc thay đổi cấu trúc vi mô và cơ chế sinh học của xương dưới sụn, dẫn đến tình trạng viêm khớp dai dẳng, viêm màng hoạt dịch và tăng sinh màng hoạt dịch;
  • Bệnh viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng) và hội chứng Raynaud (tình trạng lưu thông máu kém ở bàn tay, bàn chân do co thắt mạch máu) là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng viêm khớp;
  • Ngoài ra, những bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, bệnh sarcoidosis (u hạt), xơ cứng bì, hội chứng Sjogren cũng được ghi nhận liên quan đến dấu hiệu của viêm đa khớp;
  • Viêm đa khớp cũng có thể xảy ra như một phần của bệnh lý cấp tính trong những bệnh liên quan đến viêm đa khớp như thấp khớp, sốt xuất huyết, viêm gan.

Triệu chứng và dấu hiệu viêm đa khớp

Viêm đa khớp có triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh lý liên quan đến xương khớp, các triệu chứng trên có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ trong thời gian dài. Những biểu hiện đó có thể bao gồm:

  • Đau nhức khớp;
  • Khớp sưng, nóng;
  • Cứng khớp (giảm biên độ vận động của khớp);
  • Khớp bị đau cứng khi mới ngủ dậy và cải thiện sau khi vận động nhẹ nhàng (đây cũng là một trong những dấu hiệu đặc trưng gợi ý cho tình trạng viêm khớp).
viem-da-khop-co-chua-duoc-khong-nhung-phuong-phap-dieu-tri-do-la-gi 3
Viêm đa khớp thường có những biểu hiện sưng, nóng, đỏ đau vùng khớp

Ngoài ra, người bị viêm đa khớp cũng gặp phải những dấu hiệu khác như:

  • Chán ăn;
  • Phát ban;
  • Đổ mồ hôi;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Sốt;
  • Thường xuyên mệt mỏi, thiếu sức sống;
  • Sụt cân ngoài ý muốn.

Viêm đa khớp có nguy hiểm không?

Khi bệnh tình tiến triển ở mức nghiêm trọng, điều này cũng gây khó khăn khi đưa ra câu trả lời cho việc viêm khớp có chữa được không. Những biến chứng mà người bệnh viêm đa khớp có thể gặp phải xuất hiện ở các vị trí cơ quan khác nhau như phổi, mắt, tim và trên da.

Ngoài ra, viêm đa khớp kéo dài còn góp phần thúc đẩy một số vấn đề về xương khớp bao gồm:

Viêm đa khớp có chữa được không?

Viêm đa khớp có chữa được không? Theo như thông tin đã đề cập trên, tình trạng bệnh lý này có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, cùng với sự xác minh chưa rõ ràng cho cơ chế bệnh lý. Vì thế, hiện chưa có giải pháp điều trị triệt để cho tình trạng này, thay vào đó, giải pháp chữa trị sẽ tập trung chủ yếu vào việc làm giảm các triệu chứng viêm, đau tại khớp.

Điều trị viêm đa khớp bằng thuốc

Các loại thuốc thường được dùng trong chữa trị viêm đa khớp thường dùng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau gồm những thuốc như paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): Giúp giảm đau cứng khớp;
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Nhóm thuốc này không phát huy tác dụng giảm triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau nhanh như thuốc giảm đau thông thường. Tuy nhiên, về hiệu quả lâu dài, nhóm thuốc DMARD giúp làm chậm quá trình tiến triển nặng hơn của bệnh, những thuốc phổ biến nhất trong nhóm này là methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine và leflunomide;
  • Liệu pháp sinh học: Những thuốc có bản chất là các protein (kháng thể đơn dòng) được tạo ra bằng công nghệ chuyên biệt và mục tiêu nhắm vào các thành phần gây viêm trong hệ thống miễn dịch như TNF và interleukin;
  • Thuốc steroid dạng tiêm vào khớp: Giúp giảm viêm và kiểm soát cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp dài lâu do thuốc có nhiều rủi ro về đường dùng, cần thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn.
viem-da-khop-co-chua-duoc-khong-nhung-phuong-phap-dieu-tri-do-la-gi 4
Điều trị viêm đa khớp tập trung chủ yếu vào việc làm giảm các triệu chứng viêm, đau tại khớp

Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sự kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và rèn luyện thể chất phù hợp cũng có thể hỗ trợ kiểm soát tốt tình trạng đau viêm ở nhiều khớp.

Các triệu chứng đau cứng ở nhiều khớp cũng có thể thuyên giảm khi áp dụng các phương pháp tập vật lý trị liệu hoặc các bộ môn thể chất có cường độ phù hợp như bơi lội, đi bộ, đạp xe. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu trong việc xây dựng chương trình tập luyện phù hợp cho bản thân.

Những trường hợp viêm đa khớp nào cần phẫu thuật?

Đề xuất phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương khớp hoặc các mô xung quanh và thể trạng người bệnh. Phẫu thuật đối với người bệnh viêm đa khớp cần sự cân nhắc giữa lợi ích và yếu tố rủi ro nếu có, đồng thời cũng cần phải đảm bảo quá trình phục hồi sau phẫu thuật được hiệu quả nhất có thể.

Như vậy, bài viết trên vừa đem đến bạn đọc những thông tin giải đáp cho thắc mắc "Viêm đa khớp có chữa được không?". Hy vọng có thể phần nào cập nhật thêm cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về bệnh lý sức khỏe này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin