Long Châu

Những thông tin cần biết khi nổi mụn nước ở vành tai

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nổi mụn nước ở vành tai là tình trạng khá phổ biến. Trong một số trường hợp, nốt mụn có kích thước lớn có mủ gây cảm giác vô cùng đau nhức và khó chịu. Vậy, nổi mụn nước ở vành tai có nguy hiểm hay không, cách xử trí khi gặp vấn đề này như thế nào, cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết.

Nổi mụn nước ở vành tai có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về da liễu như viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, chàm,... Ngoài ra, dấu hiệu này cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của cơ thể.

Nguyên nhân nổi mụn nước ở vành tai 

Mụn là một vấn đề da liễu phổ biến, có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau như mặt, ngực, vai hoặc lưng. Đáng chú ý, mụn cũng có thể phát triển ở vành tai, và việc xác định nguyên nhân mọc mụn ở khu vực này rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây nổi mụn nước ở vành tai:

  • Sự tiết dầu quá mức ở vành tai: Khi vùng tai tiết quá nhiều dầu, lỗ chân lông có thể bị tắc nghẽn, đồng thời vệ sinh tai không đúng cách cũng tạo điều kiện cho mụn phát triển. Ngoài ra, yếu tố di truyền và việc đội mũ bảo hiểm lâu ngày cũng có thể góp phần vào việc mọc mụn ở vành tai.
  • Vệ sinh vành tai không đúng cách: Mụn xuất hiện ở vùng vành tai thường do tình trạng bã nhờn, bụi bẩn và tế bào chết tích tụ trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vùng tai tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm cũng là một nguyên nhân chính gây mụn ở vành tai.
  • Bệnh viêm tai ngoài: Mọc mụn ở vành tai cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tai ngoài. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ tiếp xúc với nước trong quá trình tắm ở bể bơi hoặc đi biển, gây nhiễm khuẩn và viêm nổi mụn. Việc sử dụng dụng cụ ngoáy tai không vệ sinh cũng có thể gây mụn ở vành tai. Nếu bạn gặp nhiều mụn ở vùng vành tai kèm theo các triệu chứng sưng, đau nhức và khó chịu, có thể bạn đang mắc bệnh viêm tai ngoài.
  • Nhiễm trùng tai do xỏ khuyên: Nhiễm trùng do việc xỏ khuyên tai cũng có thể là nguyên nhân gây mụn ở vành tai, đặc biệt là ở vị trí có sụn như vành tai. Điều này cũng có thể gây đau đớn và khó chịu hơn.
  • Rối loạn nội tiết tố: Phụ nữ trong các giai đoạn như mang thai, dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt có thể trải qua sự rối loạn nội tiết tố và mọc mụn trên cơ thể, bao gồm cả vùng tai. Rối loạn hormone có thể kích thích tuyến dầu sản xuất nhiều bã nhờn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và mọc mụn.
  • Thiếu nước trong cơ thể: Thiếu nước có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như gan, thận và làm giảm quá trình loại bỏ bã nhờn của da, dẫn đến mụn.
  • Dị ứng với hóa mỹ phẩm: Sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều hóa chất và chất bảo quản như nước hoa, sữa tắm có thể gây kích ứng và mọc mụn ở vùng tai hoặc xung quanh tai.
  • Căng thẳng và stress: Nếu yếu tố này kéo dài cũng có thể gây rối loạn hormone và mọc mụn ở vành tai.
Những thông tin cần biết khi nổi mụn nước ở vành tai 1
Nổi mụn nước ở vành tai có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Nổi mụn nước ở vành tai có nguy hiểm không? 

Khi nốt mụn không quá to và không gây cảm giác nhức nhối hoặc lây lan nhanh, thường sẽ không gây nguy hiểm đáng lo. Tuy nhiên, khi mụn có kích thước lớn, bị viêm hoặc vỡ, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây u nang hoặc biến chứng thành nốt sần ở phía sau tai.

Đối với những nốt mụn to, sần, bạn cần đặc biệt cảnh giác, vì chúng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như nhiễm trùng, viêm xương chũm, áp xe hoặc u nang bã nhờn. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên đi đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xác định phương hướng điều trị thích hợp và kịp thời.

Những thông tin cần biết khi nổi mụn nước ở vành tai 2
 Tình trạng này có thể gây u nang hoặc biến chứng thành nốt sần ở phía sau tai

Một số biện pháp trị nổi mụn nước ở vành tai

Để giảm cảm giác khó chịu và ảnh hưởng của việc nổi mụn nước ở vùng vành tai thì trong sinh hoạt hằng ngày, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Làm sạch tai bằng nước muối sinh lý: Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh nhẹ nhàng vùng vành tai hoặc phía sau tai có nốt mụn. Dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý và lau sạch vùng tai chứa nốt mụn. Có thể thực hiện hằng ngày, sáng và tối.
  • Chườm nóng: Chườm nóng giúp giảm viêm sưng và làm dịu mụn bọc hiệu quả. Cách thực hiện: Làm sạch mụn bằng nước muối sinh lý hoặc cồn y tế. Nhúng khăn sạch hoặc gạc y tế vào nước nóng, vắt ráo nước và đắp lên nốt mụn. Đắp trong khoảng 15 phút và thực hiện từ 3 đến 4 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt.

Ngoài ra, để hạn chế mọc mụn và giữ vùng tai sạch sẽ, bạn cần:

  • Vệ sinh vành tai thường xuyên: Dùng nước ấm và xà phòng nhẹ để làm sạch vùng tai, rửa sạch và lau khô sau khi tắm hoặc khi vùng tai tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
  • Tránh việc xới tai hoặc đặt vào tai các dụng cụ không sạch sẽ: Điều này giúp tránh nhiễm trùng và mọc mụn ở vùng tai. Đồng thời, hạn chế việc chọc, nặn hay cọ mạnh vào vùng tai để tránh làm tổn thương da và gây nhiễm trùng.
  • Đội mũ bảo hiểm thoáng khí: Đối với việc đi xe máy hoặc tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, hãy đảm bảo mũ bảo hiểm có đủ thông thoáng để không gây bít tắc và tạo điều kiện cho mụn sinh sôi.

Nếu tình trạng mụn không được cải thiện sau một thời gian dài hoặc có biểu hiện nghiêm trọng hơn như viêm nhiễm, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bạn phải được điều trị nổi mụn nước ở vành tai sớm nhất có thể. 

Những thông tin cần biết khi nổi mụn nước ở vành tai 3
Bạn nên đi thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa từ sớm

Bài viết trên tổng hợp một số nguyên nhân và tính nghiêm trọng cũng như cách điều trị triệu chứng nổi mụn nước ở vành tai. Vấn đề nổi mụn nước ở vùng vành tai khá phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để trị dứt điểm nốt mụn tốt nhất.

Tuyết Trâm

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm