Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những thông tin cơ bản về giải phẫu xương cùng

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xương cùng nằm ở đoạn cuối của cột sống và đóng một vai trò rất quan trọng. Không chỉ là nền tảng vững chắc của hệ thống xương người, mà còn đóng vai trò quyết định trong sự linh hoạt và ổn định của cơ thể. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những vấn đề này thông qua những thông tin dưới đây.

Xương cùng là một nền tảng vững chắc cho việc hình thành nên khung xương chậu. Ngoài ra, nó còn tạo ra một điểm cân bằng cột sống gắn với xương chậu để tạo sự ổn định cho cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về loại xương này.

Xương cùng nằm ở đâu?

Xương cùng, một phần quan trọng của cấu trúc giải phẫu, nằm ở phía cuối của cột sống, bên dưới đốt sống thắt lưng thứ năm (L5). Phía dưới xương cùng là xương cụt hay còn được biết đến là xương đuôi.

Vị trí của xương cùng nằm chính giữa xương chậu bên phải và bên trái, tạo thành mặt sau của xương chậu. Đây là điểm mà cột sống kết nối với xương chậu. Điểm gặp nhau của đốt sống thắt lưng thứ năm (L5) và đốt sống hông thứ nhất (S1) được gọi là vùng cột sống thắt lưng - xương cùng (lumbosacral).

Vùng lưng dưới (đốt sống thắt lưng) và xương cùng (đốt sống cùng) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra đường cong thắt lưng - xương cùng. Đây là đường cong cần thiết để hỗ trợ phần thân trên, giữ cho cơ thể có thể nâng đỡ trọng lượng một cách hiệu quả, duy trì sự cân bằng và linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày. Sự đa dạng của kiểu cong ở vùng thắt lưng - xương cùng, bao gồm cong trước (ưỡn) và cong sau (gập), là một trong bốn kiểu cong tự nhiên của cột sống.

Những thông tin cơ bản về giải phẫu xương cùng 2
Xương cùng nằm ở đoạn cuối của cột sống

Cấu trúc của xương cùng

Xương cùng với hình dạng đặc biệt được tạo thành từ một nhóm năm đốt sống hợp nhất, nằm ở vị trí thấp nhất của cột sống. Nó đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc cơ thể người, tạo liên kết giữa cột sống và xương chậu, góp phần quan trọng vào sự cân bằng của phần hông.

Xương cùng có bốn lỗ ở mỗi bên, là nơi các dây thần kinh và mạch máu chạy ra. Những dây này ảnh hưởng đến phần dưới của cơ thể. Các lỗ này có vai trò quan trọng trong việc đưa ra và đón nhận các rễ thần kinh và mạch máu. Các dây thần kinh tương ứng với từng xương cùng được đặt tên theo thứ tự từ S1 đến S5, trong đó S1 nằm ở phía trên cùng và S5 ở phía dưới cùng.

Rễ thần kinh của xương cùng từ thứ nhất đến thứ tư sẽ chui ra qua 4 lỗ ở phía trước và 4 lỗ ở phía sau theo từng cặp. Trong khi đó, rễ thần kinh thứ năm thoát ra qua một lỗ đặc biệt của xương cùng.

  • S1 ảnh hưởng đến hông và háng.
  • S2 ảnh hưởng đến mặt sau của đùi.
  • S3 ảnh hưởng đến vùng giữa mông.
  • Các dây thần kinh S4 và S5 ảnh hưởng đến vùng đáy chậu, bao gồm cả khu vực hậu môn và các cơ quan sinh dục.

Xương cùng có hình dạng khác nhau giữa nam và nữ. Ở nữ giới, xương cùng thường ngắn và rộng hơn, có hình dạng xiên chéo về phía trước, tăng kích thước của khoang chậu. Điều này mang lại sự thuận tiện hơn trong quá trình mang thai và tạo ra không gian lớn hơn cho sự phát triển của thai nhi trong tử cung.

Khớp thắt lưng - xương cùng (lumbosacral) chịu áp lực lớn, nằm tại giao điểm của đốt sống thắt lưng thứ năm (L5) và đốt sống hông thứ nhất (S1). Vị trí này chịu trách nhiệm cho việc chuyển động của cột sống từ tư thế uốn cong sang tư thế gập. Khu vực này nâng đỡ trọng lượng cơ thể và giúp hấp thụ, phân phối trọng lượng khi cơ thể đứng yên hay di chuyển. Đây cũng là khu vực phổ biến cho các vấn đề như thoát vị đĩa đệmthoái hóa cột sống.

Khớp cùng chậu (Sacroiliac - SI) kết nối xương cùng với khung chậu ở phía bên trái và bên phải. Khớp này có độ linh động ít hơn so với nhiều khớp khác trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và cân bằng của hông. Các vấn đề như viêm khớp SI và rối loạn chức năng khớp SI thường liên quan đến khu vực này.

Những thông tin cơ bản về giải phẫu xương cùng 3
Hình ảnh cấu trúc của xương cùng

Chức năng của xương cùng

Các đốt sống cùng đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ chặt xương chậu, cấu trúc xương giống lòng chảo kết nối thân và chân. Xương chậu không chỉ nâng đỡ và duy trì thăng bằng cho cơ thể mà còn chứa ruột, bàng quang và các cơ quan sinh dục bên trong. Chấn thương ở khu vực này có thể ảnh hưởng đến kiểm soát ruột và bàng quang, cũng như chức năng tình dục, đặc biệt là ở nam giới. Tổn thương đốt sống xương cùng là một vấn đề phức tạp, thường khó chẩn đoán đúng và đôi khi không được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân phổ biến của chấn thương đốt sống xương cùng bao gồm tai nạn xe hơi, chấn thương từ hoạt động thể thao hoặc té ngã, dị tật bẩm sinh, loãng xương và thoái hóa khớp.

Chấn thương và tổn thương xương cùng ở các cấp độ S1, S2, S3, S4 hoặc S5, bệnh nhân vẫn có thể duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, chúng thường ảnh hưởng đến chức năng ruột và bàng quang, làm mất khả năng tự kiểm soát tiêu tiểu.

Những thông tin cơ bản về giải phẫu xương cùng 4
Xương cùng rất quan trọng trong hệ thống xương của cơ thể

Bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin bổ ích về xương cùng, cũng như cấu tạo và chức năng của nó. Xương cùng đặt ở vị trí quan trọng, nằm ở điểm giao nhau của cột sống và xương chậu, đóng vai trò không chỉ là một thành phần vững chắc của hệ thống xương mà còn là một phần quan trọng giúp duy trì sự ổn định và chức năng linh hoạt của cơ thể con người.

Xem thêm:

Vết lõm xương cùng là gì? Chẩn đoán như thế nào?

Người bị viêm khớp cùng chậu nên ăn gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin