Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoái hóa cột sống là gì? Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của thoái hóa cột sống

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa cột sống là một bệnh lý hầu như phổ biến ở người cao tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng đến đến những người trẻ. Thoái hóa có thể gặp ở bất kì vị trí nào của cột sống, nhưng cổ và thắt lưng là hai phần dễ bị ảnh hưởng nhất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của cột sống bao gồm đĩa đệm, khớp, diện khớp, dây chằng. Đây là một quá trình lão hóa tự nhiên, thường xuất hiện ở hầu hết mọi người sau 50 tuổi.

Và mặc dù bất cứ phần nào của cột sống đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng thoái hóa thường thấy nhất ở vùng cổ hoặc vùng thắt lưng của cột sống. Tình trạng thoái hóa ít gặp ở cột sống ngực có thể do khung xương sườn giúp ổn định phần cột sống ngực, giúp nó ít chịu tác động hao mòn theo thời gian.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống thường sẽ gây đau hoặc đôi khi không gây ra triệu chứng nào. Ở những đối tượng không có triệu chứng, phát hiện thoái hóa cột sống thường qua các xét nghiệm hình ảnh học.

Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí và các cấu trúc bị tổn thương, thông thường sẽ gặp tình trạng đau hoặc cứng khớp.

Thoái hóa cột sống cổ

Đau và cứng cổ là các triệu chứng phổ biến nhất. Tình trạng đau có thể từ nhẹ đến nặng, diễn tiến từ từ hoặc khởi phát đột ngột. Các triệu chứng đau cổ có thể tăng lên khi:

  • Đứng;
  • Ngồi;
  • Hắt hơi;
  • Ho;
  • Vận động cổ quá mức.

Ở một số trường hợp, bạn có thể gặp các triệu chứng đau phía sau đầu vùng chẩm, đau vai hoặc đau tê lan xuống cánh tay khi có tình trạng chèn ép rễ thần kinh.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Tương tự như thoái hóa cột sống cổ, đau là triệu chứng phổ biến nhất. Trong trường hợp có chèn ép rễ thần kinh, đau có thể lan xuống mông, chân. Nặng hơn có thể gặp các tình trạng yếu chân, rối loạn tiêu tiểu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thoái hóa cột sống

Chèn ép rễ thần kinh

Trong trường hợp nặng, thoái hóa cột sống có thể dẫn đến chèn ép rễ thần kinh. Các triệu chứng chèn ép rễ sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương.

  • Cột sống cổ: Đau có thể kèm tê, dị cảm lan xuống vai, cánh tay.
  • Cột sống thắt lưng: Đau kèm tê, dị cảm lan xuống mông, đùi, cẳng chân hay đến bàn chân. Có thể kèm yếu chân, hoặc rối loạn tiêu tiểu.

Chèn ép tủy sống

Chèn ép tủy sống là một trong những biến chứng của thoái hóa cột sống cổ.

Đối với chèn ép tủy cổ, khởi phát có thể có hoặc không có đau cổ. Nếu có cơn đau, thường được mô tả cảm giác như điện giật lan xuống cột sống. Các biểu hiện có thể gặp khác bao gồm:

  • Yếu tay hay yếu tứ chi.
  • Vụng về tay, có thể khó thực hiện các động tác như cài nút áo, buộc dây giày.
  • Dáng đi không ổn định hay té ngã không giải thích được.
  • Rối loạn tiêu tiểu.
Thoái hóa cột sống là gì? Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của thoái hóa cột sống 4
Tình trạng chèn ép tủy cổ có thể dẫn đến yếu cơ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi gặp các dấu hiệu “cờ đỏ” sau, có thể là dấu hiệu của bệnh lý cột sống nghiêm trọng.

Đối với người bệnh đau cổ:

  • Chấn thương cổ gần đây;
  • Các triệu chứng của hội chứng chèn ép tủy cổ;
  • Cảm giác như điện chạy dọc cổ kèm cúi gập cổ;
  • Sốt hoặc ớn lạnh;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau phần trước cổ;
  • Tiền căn ung thư, suy giảm miễn dịch, sử dụng corticoid kéo dài.

Đối với người bệnh đau lưng:

  • Đau ngực;
  • Sốt và sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Rối loạn tiêu tiểu;
  • Tiền căn ung thư;
  • Sức khỏe yếu hay có hiện diện các bệnh lý khác;
  • Dáng đi bất thường, mất cảm giác vùng yên ngựa;
  • Yếu liệt tiến triển;
  • Tuổi khởi phát dưới 20 hoặc trên 55 tuổi.

Nếu bạn xuất hiện bất cứ triệu chứng nào trong các triệu chứng trên, hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đánh giá, nên nghỉ ngơi và tránh hoạt động cho đến khi gặp bác sĩ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống

Nguyên nhân chính của tình trạng thoái hóa cột sống là sự thoái hóa liên quan đến tuổi tác. Tuy nhiên, bên cạnh tuổi tác, nhiều yếu tố nguy cơ khác sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Do đó, có thể thấy ở một số đối tượng, thoái hóa cột sống có thể khởi phát sớm hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ thoái hóa cột sống?

Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính dẫn đến thoái hóa cột sống là tuổi tác. Do đó, những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cao hơn. Đồng thời, các yếu tố liên quan đến tư thế, sinh hoạt, công việc hay yếu tố chấn thương, di truyền cũng có thể khiến bạn dễ mắc thoái hóa cột sống hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống như:

  • Tuổi: Tuổi tác càng tăng có liên quan đáng kể đến tình trạng thoái hóa cột sống.
  • Tư thế: Giữ cổ hoặc lưng ở tư thế không thoải mái trong thời gian dài.
  • Sinh hoạt: Các hoạt động gây căng thẳng cho cột sống như nâng vật nặng lái xe có thể làm tăng khả năng mắc cũng như làm nặng lên tình trạng thoái hóa cột sống.
  • Chấn thương: Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa chấn thương cột sống và sự phát triển của thoái hóa.
  • Di truyền: Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến tình trạng thoái hóa như hình thành gai xương và thoái hóa đĩa đệm.
  • Dinh dưỡng lối sống: Hút thuốc lá có sự liên quan với tình trạng thoái hóa cột sống cổ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa cột sống

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bệnh, thăm khám và đưa ra các chỉ định phù hợp tùy vào vị trí tổn thương và các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Chụp X-quang cột sống

X-quang cột sống là một xét nghiệm hình ảnh học ban đầu, thích hợp cho đau cổ và chi trên khi không có các dấu hiệu “cờ đỏ”.

Trên hình ảnh X-quang sẽ phát hiện các hình ảnh gai xương, hẹp khe khớp, những thay đổi thoái hóa của khớp và diện khớp, các mô mềm bị vôi hóa.

Thoái hóa cột sống là gì? Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của thoái hóa cột sống 5
Hình ảnh X-quang cột sống thắt lưng

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Đây là một xét nghiệm hình ảnh học được lựa chọn để đánh giá cấu trúc thần kinh và mô mềm. MRI có thể cho hình ảnh chính xác toàn bộ cột sống. Tuy nhiên đây là xét nghiệm đắt tiền và không được thực hiện thường quy để chẩn đoán thoái hóa cột sống trừ khi có chỉ định (ví dụ như có các dấu cờ đỏ).

Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan)

CT-scan sẽ tốt hơn so với X-quang trong việc đánh giá cấu trúc xương và nhạy hơn trong việc đánh giá hẹp lỗ liên hợp đốt sống. Tuy nhiên, CT-scan ít nhạy hơn MRI để đánh giá các mô mềm và chèn ép rễ thần kinh.

Chụp CT-scan có cản quang

CT-scan hữu ích nhất khi kết hợp thuốc cản quang, như vậy để đánh giá tốt hơn vị trí và mức độ chèn ép dây thần kinh. Đây là một xét nghiệm hình ảnh học xâm lấn hơn so với MRI, tuy nhiên bác sĩ có thể sẽ chỉ định khi bạn có chống chỉ định với MRI ( ví dụ như có máy tạo nhịp tim).

Điện cơ (EMG)

EMG sẽ hữu ích trong các trường hợp phát hiện tổn thương thần kinh, giúp chẩn đoán bệnh lý chèn ép rễ thần kinh. Đặc biệt, EMG có giá trị trong việc phân biệt chèn ép rễ thần kinh với các bệnh lý thần kinh khác như: Bệnh các đám rối thần kinh, bệnh cơ, bệnh nơ-ron vận động.

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống

Điều trị thoái hóa cột sống tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong trường hợp không có các dấu cờ đỏ, múc tiêu điều trị chủ yếu là giảm đau, cải thiện chức năng hoạt động và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn các cấu trúc thần kinh.

Điều trị không phẫu thuật

Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh đồng thời cũng giúp giảm đau cho các cơ vùng cổ và vùng lưng. Một liệu trình có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần, bao gồm các bài tập không có hoặc có sức đề kháng để tăng sức mạnh.

Thiết bị y tế hỗ trợ

Các thiết bị có thể được xem xét để có thể giúp giảm triệu chứng đau và duy trì tư thế tốt cho cổ hay lưng của bạn. Các loại nẹp cổ hay đai lưng sử dụng trong thời gian ngắn có thể giúp giảm đau và co thắt cơ.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo các liệu pháp điều trị không dùng thuốc khác như liệu pháp nhiệt, lạnh, siêu âm trị liệu, xoa bóp, châm cứu…

Thuốc

Bác sĩ có thể sẽ kê toa các thuốc sau để giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng:

  • Thuốc giãn cơ chẳng hạn như cyclobenzaprine để điều trị co thắt cơ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như diclofenac để giảm viêm.
  • Tiêm steroid như prednisone để giảm viêm và giảm đau.
  • Thuốc chống động kinh như gabapentin để giảm đau do tổn thương thần kinh.
Thoái hóa cột sống là gì? Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của thoái hóa cột sống 6
Điều trị triệu chứng của thoái hóa cột sống bằng vật lý trị liệu

Điều trị phẫu thuật

Can thiệp phẫu thuật nên được xem xét ở những người bệnh có chèn ép tủy nặng hoặc tiến triển, cũng như ở người bệnh có chèn ép rễ thần kinh sau khi thất bại với các liệu pháp điều trị không phẫu thuật.

Việc chỉ định phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng, đặc điểm lâm sàng của từng người bệnh khác nhau. Khi có các dấu hiệu cờ đỏ hoặc không đáp ứng với các liệu pháp điều trị, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kỹ hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hóa cột sống

Chế độ sinh hoạt

Việc duy trì các thói quen sinh hoạt và tư thế đúng giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hóa cột sống, các biện pháp có thể bao gồm:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
  • Tránh cúi khiêng hay vác các vật nặng, tránh xoay trở đột ngột.
  • Tránh nằm đệm mềm, tránh nằm võng, ghế bố; nên nằm giường hoặc đệm cứng.
  • Tránh duy trì tư thế cổ hay lưng không thoải mái trong thời gian dài (ví dụ như cúi đầu liên tục).
  • Duy trì cân nặng và thói quen tập luyện thể dục để duy trì sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng

Nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tăng cường sức khỏe như:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau và trái cây nhiều màu sắc.
  • Ăn thực phẩm giàu acid béo omega 3 chẳng hạn như cá hồi và một số loại hạn.
  • Sử dụng chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa có trong mỡ, da động vật), đường, muối ở mức độ vừa phải.
  • Giảm thiểu các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên.
  • Uống đủ nước.
Thoái hóa cột sống là gì? Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của thoái hóa cột sống 7
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa

Phương pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống hiệu quả

Thoái hóa cột sống là một tiến trình thoái hóa liên quan đến tuổi tác. Trong đó, tuổi tác hay tiến trình lão hóa là một quá trình tự nhiên và rất khó để ngăn ngừa được. Tuy nhiên, việc duy trì một thói quen tốt sẽ giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ khác của thoái hóa cột sống, có thể kể đến như:

  • Duy trì thói quen tập thể dục.
  • Giữ cột sống ở tư thế thoải mái, hạn chế áp lực, các hoạt động nặng hay tư thế sai.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng để giúp cơ thể khỏe mạnh.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo
  1. https://www.hss.edu/conditions_spondylosis-overview.asp
  2. https://www.healthline.com/health/cervical-spondylosis#causes
  3. Kuo DT, Tadi P. Cervical Spondylosis. In: StatPearls. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; May 1, 2023.

Các bệnh liên quan

  1. Phì đại tuyến vú

  2. Hội chứng rối loạn cảm giác

  3. Nhiễm Arbovirus

  4. Cường Aldosteron tiên phát

  5. U xương sụn

  6. Viêm hậu môn

  7. Ung thư tụy

  8. Phình mạch máu não

  9. Lou Gehrig

  10. Suy tim giai đoạn cuối