Nhược thị ở người trưởng thành là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc hai mắt do thị lực phát triển bất thường trong thời kỳ sơ sinh hoặc thời thơ ấu. Do nhược thị ảnh hưởng nhiều đến công việc của người trưởng thành nên họ thường lo lắng rằng liệu thị lực của họ có cải thiện được không, cách chữa trị tốt nhất là gì? Những trăn trở này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Nhược thị là gì?
Nhược thị là tình trạng giảm thị lực một hoặc hai mắt, sự chênh lệch thị lực ở hai mắt sau khi bệnh nhân đã chỉnh kính tối đa.
Cơ chế gây bệnh là do sự bất thường về đường dẫn truyền thần kinh từ võng mạc đến mắt. Chúng khiến vỏ não tiếp nhận tín hiệu thị giác hai mắt không giống nhau. Dần dần não bộ bỏ qua tín hiệu thị giác ở mắt kém hơn và chỉ tiếp nhận tín hiệu thị giác ở mắt tốt hơn. Và lâu dần, dẫn đến tình trạng nhược thị. Mốc giảm thị lực theo khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y Tế thế giới) là <20/30.
Nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở người trưởng thành
Bất kỳ tình trạng nào gây ra cản trở đường dẫn truyền ánh sáng từ mắt đến võng mạc hoặc gây chênh lệch thị lực hai mắt đều là nguyên nhân gây nhược thị. Tuy nhiên ở người trưởng thành nguyên nhân chủ yếu là do lác mắt và các tật khúc xạ.
-
Các bệnh gây đục môi trường quang học của mắt khiến ánh sáng bị ngăn cản trên đường đi tới võng mạc: Sụp mi nặng, sẹo giác mạc, màng đồng tử, đục thủy tinh thể, tổn thương dịch kính...
-
Lác mắt: Là nguyên nhân rất hay gặp gây nhược thị ở người trưởng thành. Lác trong nguy cơ gây nhược thị cao hơn lác ngoài.
-
Tật khúc xạ: Gồm cận thị, loạn thị và viễn thị. Lưu ý chỉ những cận thị và viễn thị mức độ nặng mới gây ra nhược thị.
-
Lệch khúc xạ: Là tình trạng hai mắt có độ cận hoặc độ viễn không bằng nhau. Gây nhược thị ở mắt có độ cận hoặc độ viễn cao hơn, do hình ảnh của vật trên võng mạc luôn rõ nét ở mắt có độ cận hoặc độ viễn thấp hơn. Viễn lệch gây nguy cơ biến chứng nhược thị cao hơn cận lệch.
-
Phối hợp các nguyên nhân trên.
Triệu chứng nhược thị ở người trưởng thành
Nhược thị gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và công việc của người trưởng thành
-
Tình trạng giảm thị lực một hoặc hai mắt khiến người bệnh nheo mắt, nhắm mắt khi nhìn vật, hay nghiêng đầu để nhìn một vật rõ hơn.
-
Phân biệt độ nông sâu giảm.
-
Người bị nhược thị thường xuyên bị mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu.
-
Có thể kèm theo lác mắt. Lác mắt có thể là nguyên nhân gây nhược thị và cũng có thể là triệu chứng do nhược thị gây ra.
-
Phát hiện qua khám thị lực thấy sự chênh lệch thị lực ở hai mắt.
-
Có các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, lệch xạ là nguyên nhân gây nhược thị.
Nhược thị ở người trưởng thành có nguy hiểm không?
-
Nhược thị không phải là một tình trạng cấp cứu nhưng nếu chẩn đoán và điều trị muộn thì kết quả điều trị sẽ không đạt hiệu quả tốt nhất, không cải thiện được thị lực cho bệnh nhân.
-
Nếu điều trị muộn cho bệnh nhân hoặc điều trị sớm nhưng bệnh nhân không tuân thủ điều trị thì có thể bị giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
-
Nhược thị khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, giảm hiệu suất làm việc, gây khó khăn thiệt thòi trong tuyển dụng việc làm và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
-
Nhược thị ở người trưởng thành điều trị khó khăn hơn trẻ em rất nhiều do đó cần phải tích cực phối hợp giữa bệnh nhân, gia đình và bác sĩ điều trị để theo dõi tuân thủ điều trị và tiến trình cải thiện của bệnh nhân. Tránh việc điều trị không đạt kết quả hoặc gây ra tình trạng nhược thị đảo ngược.
Mặc dù không phải tình trạng cấp cứu nhưng nhược thị ở người lớn là khó điều trị
Cách điều trị nhược thị ở người đã trưởng thành hiệu quả
Do đã quá thời gian vàng điều trị nhược thị (khuyến cáo nên điều trị khi dưới 7 tuổi) nên việc điều trị nhược thị khó khăn hơn và gây ra cho người bệnh nhiều lo lắng. Các phương pháp điều trị cụ thể:
Tìm ra nguyên nhân gây nhược thị và điều trị triệt để:
-
Nếu nguyên nhân gây nhược thị là do lác mắt, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể thì việc can thiệp xử trí những nguyên nhân này là quan trọng nhất. Cần can thiệp phẫu thuật sớm nhất để thị lực bệnh nhân được cải thiện.
-
Nếu nguyên nhân do tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị thì cần chỉnh kính cho bệnh nhân. Đeo kính phân kỳ cho bệnh nhân cận thị và kính hội tụ cho bệnh nhân viễn thị khi cần nhìn xa. Hoặc khi tật khúc xạ ổn định, có thể phẫu thuật để chỉnh cho ảnh vật hiện đúng lên võng mạc.
Nếu không tìm được nguyên nhân thì việc hạn chế sử dụng mắt lành và kích thích sử dụng mắt nhược thị là phương pháp tối ưu:
-
Hạn chế sử dụng mắt lành bằng các phương pháp bịt mắt, nhỏ atropin vào mắt lành, thượng chỉnh kính mắt lành trong khi mắt nhược thị chỉnh kính, cấp kính tối đa và đeo kính liên tục.
-
Kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách che mắt lành và sử dụng mắt nhược thị để làm những công việc yêu cầu độ tập trung cao và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định như: Xâu hạt cườm, đánh máy tính, đọc sách...
Cơ chế tăng dùng mắt bệnh, giảm dùng mắt lành vẫn luôn phát huy hiệu quả tốt nhất
Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của phương pháp này là phụ thuộc rất nhiều vào tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Nên trước khi điều trị cần giải thích rõ cho bệnh nhân sự quan trọng của tuân thủ điều trị và phối hợp người thân - bệnh nhân - bác sĩ để theo dõi tuân thủ điều trị và cải thiện mức độ thị lực của bệnh nhân.
Cách phòng tránh nhược thị
Về căn bản việc phòng tránh nhược thị chính là phát hiện sớm các nguyên nhân gây nhược thị và điều trị sớm để không gây ra biến chứng nhược thị cho bệnh nhân.
-
Phát hiện sớm các vấn đề có thể là nguyên nhân gây nhược thị như sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, lác mắt.
-
Khám và theo dõi thị lực thường xuyên nếu có dấu hiệu nhìn mờ hoặc có các tật khúc xạ. Cần điều trị các tật khúc xạ bằng cách đeo kính, phẫu thuật tránh tiến triển thành mức độ nặng.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh nhược thị ở người trưởng thành. Đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những kiến thức bổ ích về y học và đời sống nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp