Khi chúng ta lo lắng, bất an, hồi hộp, cơ thể sẽ sẽ chịu một số tác động và có biểu hiện ra ngoài như buồn tiểu, đau bụng, khó thở, run tay chân, nói lắp,... Tình trạng nói lắp khi căng thẳng không hiếm gặp, nó khiến người mắc bệnh mất tự tin, đã hồi hộp lại càng hồi hộp hơn. Vậy nguyên nhân là gì và phải khắc phục bằng cách nào?
Nói lắp là gì?
Nói lắp là tình trạng rối loạn chức năng lời nói, đặc trưng bởi sự lặp lại của các âm, kéo dài của âm hoặc gián đoạn trong lời nói. Mặc dù hiểu lời nói và ngôn ngữ mình nói ra nhưng người nói lắp gặp khó khăn trong việc tạo ra một giọng nói bình thường. Điều này có thể gây ra khó khăn trong giao tiếp với mọi người, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người và các mối quan hệ trong xã hội.
Nói lắp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ 2-6 tuổi, độ tuổi đang phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Nói lắp cũng có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả công việc, cơ hội làm việc và chi phí điều trị có thể rất tốn kém.
Tật nói lắp khi căng thẳng gây ra rất nhiều ảnh hưởng
Nguyên nhân nói lắp hay gặp
Phát âm lời nói được tạo ra bởi sự phối hợp chuyển động của hệ thống các cơ, liên quan đến hơi thở và các khớp cổ họng, vòm miệng, môi, lưỡi. Các chuyển động linh hoạt này được chi phối bởi não bộ. Nguyên nhân và cơ chế gây nói lắp vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng nói lắp được chia ra làm hai nhóm nguyên nhân chính: Thần kinh và phát triển.
Nguyên nhân nói lắp thần kinh
- Chấn thương sơ sinh: Can thiệp sản khoa bằng dụng cụ như: Forceps, giác hút; trẻ bị ngã, chấn thương, ngã, đập đầu vào vật cứng,… gây tổn thương não.
- Bệnh tổn thương thần kinh: Viêm não, màng não, u não, dị dạng mạch não, xuất huyết não, đột quỵ não,…
Tổn thương trong các trường hợp này làm ảnh hưởng tới việc điều phối của các vùng não, dẫn đến nói lắp, tạo ra hạn chế trong việc tạo ra giọng nói. Nói lắp khi căng thẳng cũng có thể được xếp ở loại này.
Nguyên nhân nói lắp phát triển
Nói lắp phát triển bắt nguồn từ sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tổ, thường gặp nhất trong quá trình học ngôn ngữ ở trẻ từ 2-6 tuổi. Nói lắp loại này thường gặp ở đối tượng là trẻ em. Bên cạnh đó, nói lắp phát triển có thể bắt nguồn từ nguyên nhân di truyền.
Triệu chứng bệnh nói lắp
Triệu chứng của bệnh rất khác nhau với từng đối tượng. Chúng ta tưởng rằng nói lắp chỉ là lặp đi lặp lại một từ nhiều lần mới phát âm ra được, nhưng thực tế thì biểu hiện của nói lắp rất đa dạng. Các dấu hiệu có thể gặp bao gồm:
- Khó bắt đầu khi phát âm một từ, một cụm từ hoặc một câu hoàn chỉnh.
- Nói một âm hoặc một từ kéo dài.
- Phát âm các âm tiết, các từ lặp lại nhiều lần.
- Để lại dấu lặng ngắn cho một số âm tiết hoặc một số từ nhất định hoặc ngắt quãng trong một từ khi phát âm.
- Nói thêm từ như từ “ừm, à” khi khó phát âm từ tiếp theo trong lời nói.
- Căng thẳng quá mức làm căng cứng khuôn mặt, làm khó phát âm.
- Lo lắng khi giao tiếp ngôn ngữ.
Nói lắp có thể gặp cả ở trẻ nhỏ
Triệu chứng nói lắp có thể kèm với một số triệu chứng khác như: Nháy mắt liên tục, run môi, run hàm, giật đầu, giật cơ mặt, nắm chặt tay,… Nói lắp có thể nghiêm trọng hơn khi người bệnh bị kích thích, căng thẳng hoặc mệt mỏi quá mức, mất tự tin, áp lực hoặc vội vã trong cuộc đối thoại. Bên cạnh đó, triệu chứng bệnh có thể giảm rõ rệt hoặc ngừng khi họ nói đồng thanh, hát hoặc nói chuyện khi có một mình.
Tại sao nói lắp khi căng thẳng?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người có tốc độ phát âm bị chậm hơn đáng kể sau tình trạng tác động căng thẳng hoặc cảm xúc tiêu cực so với những người không bị ảnh hưởng bởi một trong hai điều kiện cảm xúc trên. Vì vậy, có thể nói tình trạng căng thẳng và cảm xúc tiêu cực đóng một vai trò bất lợi đối với quá trình kiểm soát vận động ngôn ngữ. Nói lắp và cảm xúc có tác động lẫn nhau.
Ở những người không nói lắp khi ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu hoặc cảm xúc áp lực kéo dài có thể trở nên kém trôi chảy hơn khi giao tiếp hoặc dẫn đến nói lắp, sợ hãi khi giao tiếp ngôn ngữ với mọi người xung quanh. Căng thẳng trong gia đình, một số kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái hoặc các áp lực khác có thể làm khởi phát hoặc khiến tình trạng bệnh nói lắp trầm trọng hơn so với ban đầu.
Cách điều trị nói lắp khi căng thẳng hiệu quả
Nói lắp có thể gây ra một số khó khăn khi giao tiếp với người khác, lo lắng về việc nói, phát âm, luôn tránh những tình huống cần phải nói, dẫn đến mất khả năng hòa nhập, tham gia các hoạt động xã hội. Nghiêm trọng hơn, nó có thể dẫn tới sự kì thị, bắt nạt, trêu chọc của những người khác. Vì vậy, việc điều trị nói lắp khi căng thẳng là vô cùng cần thiết.
Cần đánh giá toàn diện về tình trạng nói lắp khi căng thẳng để quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Một số phương pháp được đề cập như là:
Liệu pháp ngôn ngữ cho người nói lắp
Các chuyên gia ngôn ngữ có thể dạy bạn cách nói chậm lại, điều chỉnh nhịp thở, học phát âm trôi chảy từ các câu đơn, sau đó học nói câu dài hơn, phức tạp hơn. Học cách giải quyết sự lo lắng khi bắt đầu cuộc giao tiếp. Hầu hết các liệu pháp ngôn ngữ giúp cải thiện sự giao tiếp tự nhiên, giảm căng thẳng khi giao tiếp, theo thời gian người bệnh sẽ cải thiện tình trạng nói lắp trong giao tiếp và cảm thấy tự tin hơn.
Liệu pháp ngôn ngữ và tâm lý có thể giúp cải thiện tình trạng nói lắp khi căng thẳng
Sử dụng các thiết bị điện tử
Hiện nay, có một số thiết bị điện tử có sẵn để tăng cường sự trôi chảy trong giao tiếp. Thiết bị giống như thiết bị trợ thính, phát lại tương tự giọng của người đeo, giúp cho người đó có thể nghe như mình đang nói đồng thanh với người khác.
Liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi
Liệu pháp tâm lý này giúp bạn có thể hiểu và xác định được suy nghĩ của người nói lắp trong các tình huống giao tiếp, từ đó thay đổi hành vi suy nghĩ của họ trước khi tình trạng nói lắp trở nên tồi tệ. Điều này cũng có nghĩa là bạn nên giải quyết các vấn đề căng thẳng và lo lắng liên quan đến tật nói lắp.
Tương tác giữa cha mẹ và con cái
Sự giao tiếp với trẻ hàng ngày của cha mẹ góp phần quan trọng giúp trẻ đối phó với tình trạng nói lắp. Cung cấp cho trẻ một môi trường thoải mái, có nhiều cơ hội để nói, đưa ra ý kiến cá nhân. Chú ý lắng nghe khi trẻ nói, tập trung vào nội dung nói của trẻ, thay vì hững hờ, phản ứng gay gắt cách trẻ nói. Nói chuyện thoải mái, chậm rãi, cởi mở với trẻ để giảm bớt áp lực cho trẻ. Góp ý chân thành và tích cực sửa chữa cho trẻ khi trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ như nói lắp.
Ba mẹ nên nói chuyện, động viên để tạo cho con tự tin trong giao tiếp
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc điều trị nói lắp được biết đến như thuốc chống trầm cảm, động kinh được sử dụng. Tuy có tác dụng hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng nó thường có một số tác dụng phụ gây khó chịu cho người sử dụng trong thời gian kéo dài.
Các biện pháp phòng tránh nói lắp
Tránh áp lực và căng thẳng trong gia đình, công việc: Để giải quyết được tình trạng nói lắp khi căng thẳng là đặt áp lực cho bản thân một cách vừa phải. Không nên đặt áp lực lớn trong công việc và gia đình vì điều này khiến bạn luôn trong tình trạng lo âu, khó khăn trong giao tiếp. Hãy dành nhiều thời gian và sự tích cực cho gia đình, bạn bè để giải tỏa căng thẳng, áp lực từ công việc.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội: Tham gia các hoạt động xã hội giúp tự tin và năng động trong giao tiếp, đây cũng là cơ hội để thể hiện ý kiến, quan điểm của mình với mọi người. Các hoạt động với sự tham gia với người đồng trang lứa giúp thấu hiểu suy nghĩ và giúp đỡ nhau trong việc cải thiện ngôn ngữ.
Cười nhiều khi có thể: Nên dành ra 5 phút mỗi ngày để cười. Cười là liều thuốc bổ giúp giải tỏa căng thẳng và giúp tăng vận cơ mặt, giảm tình trạng co cứng cơ mặt khi nói.
Qua bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu đã gửi tới quý đọc giả tất cả những thông tin xoay quanh tình trạng nói lắp khi căng thẳng. Tiếp tục theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp