Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nước vôi nhì là gì? Chi tiết về tác dụng và cách sử dụng

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ

Nước vôi nhì là một trong những sản phẩm thường được bác sĩ kê trong trường hợp điều trị bệnh về tiêu hóa hoặc vấn đề ngoài da. Nếu chưa biết nước vôi nhì là gì? Loại nước này có tác dụng gì và cách sử dụng ra sao, đây chính là bài viết dành cho bạn.

Nước vôi nhì được ứng dụng trong lĩnh vực y tế ngày càng phổ biến. Loại nước đặc biệt này thường được bác sĩ chỉ định dùng trong điều trị một số vấn đề về hệ tiêu hóa và dùng ngoài da khi bị côn trùng cắn. Tuy nhiên, sử dụng nước vôi nhì không thể tùy tiện. Và muốn sử dụng đúng cách, trước hết bạn cần hiểu rõ về thành phần, cơ chế tác động, tác dụng cũng như cách sử dụng sản phẩm này.

Nước vôi nhì là gì?

Nước vôi nhì là một loại nước vôi được điều chế từ bột vôi trắng có 2 đặc tính nổi bật là tính kiềm nhẹ và tính sát khuẩn. Nó được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ điều trị và giảm triệu chứng cho một số bệnh đường tiêu hóa và một số vấn đề ngoài da, về nha khoa.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại nước vôi nhì của các đơn vị sản xuất khác nhau, nhưng về cơ bản thành phần của các sản phẩm là như nhau. Cứ trong khoảng 100ml nước vôi nhì có chứa Canxi Hydroxit bão hòa trong nước và một số tá dược vừa đủ. Nước vôi nhì được bào chế dưới dạng dung dịch uống.

Canxi hydroxit (chính là vôi tôi) là một bazơ của kim loại kiềm thổ (canxi). Nó có khả năng phản ứng với axit tạo thành muối và nước (hay nói cách khác là khả năng trung hòa axit). Dung dịch Canxi hidroxit có tính kiềm nên cũng có khả năng sát khuẩn khá hiệu quả.

Nước vôi nhì là gì? Chi tiết về tác dụng và cách sử dụng 1
Một sản phẩm nước vôi nhì đang được bán trên thị trường

Nước vôi nhì có những tác dụng gì với sức khỏe?

Với tính kiềm nhẹ và tính sát khuẩn, nước vôi nhì hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

Hỗ trợ điều trị một số vấn đề về hệ tiêu hóa

  • Uống nước vôi nhì giúp giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, nóng rát dạ dày, nóng rát thực quản do lượng acid tăng cao.
  • Tiêu chảy do nhu động ruột bị kích thích quá mức cũng thường được bác sĩ chỉ định dùng nước vôi nhì. Khi uống nước vôi nhì, acid trong dạ dày bệnh nhân sẽ được trung hòa nên có thể giảm kích thích nhu động ruột. Nhờ đó, số lần tiêu chảy cũng giảm rõ rệt.
  • Một số người bị cảm giác nóng rát hậu môn, có thể do cặn bã thức ăn dư thừa nhiều tính acid. Điều này dẫn đến tình trạng nóng rát hậu môn mỗi lần đi ngoài. Nước vôi nhì cũng có thể khắc phục được tình trạng này.
  • Loạn khuẩn đường ruột có thể điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng dùng nước vôi nhì được coi là một trong những cách khá hiệu quả. Loạn khuẩn đường ruột xảy ra khi có sự mất cân bằng vi sinh đường ruột - tỷ lệ hại khuẩn trong hệ tiêu hóa nhiều hơn lợi khuẩn. Nước vôi nhì có tác dụng tiêu diệt bớt vi khuẩn có hại, cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột (tỷ lệ lợi khuẩn là 85% và tỷ lệ hại khuẩn là 15%). Từ đó, nó giúp kiểm soát được tình trạng loạn khuẩn đường ruột.
Nước vôi nhì là gì? Chi tiết về tác dụng và cách sử dụng 2
Cả trẻ em và người lớn đều có thể uống nước vôi nhì

Công dụng khác của nước vôi nhì

Ngoài hỗ trợ điểm trị các bệnh về tiêu hóa, nước vôi nhì còn dùng để sát khuẩn ở vết côn trùng cắn. Sản phẩm này có thể phá hủy độc tố của nhiều loại côn trùng, từ đó giúp giảm sưng, ngứa, khó chịu. Cũng nhờ khả năng sát khuẩn mà loại nước vôi này cũng được ứng dụng trong lĩnh vực nha khoa để điều trị bệnh lý về tủy răng như viêm tủy răng.

Ai nên sử dụng nước vôi nhì?

Một số đối tượng sau thường được bác sĩ chỉ định dùng nước vôi nhì:

  • Người đang có các vấn đề về tiêu hóa như: Tiêu chảy, loạn khuẩn đường ruột, nôn ói, nóng rát dạ dày thực quản, nóng rát hậu môn…
  • Người bị côn trùng đốt có triệu chứng sưng, đau, ngứa.
  • Người có vết hăm ở khu vực hậu môn.

Trường hợp trẻ sơ sinh gặp các vấn đề sức khỏe kể trên muốn dùng nước vôi nhì cần theo kê đơn của bác sĩ. Liều dùng phù hợp với từng đối tượng cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng đường uống liều 2 – 3ml/ lần, mỗi ngày 3 lần.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 2 tuổi dùng đường uống liều 5ml/ lần, mỗi ngày 3 lần.
  • Trẻ từ 2 tuổi đến 6 tuổi dùng đường uống liều 5ml/ lần, mỗi ngày 4 lần.
  • Trẻ từ 6 tuổi đến 12 tuổi dùng đường uống 7ml/ lần, mỗi ngày 4 lần.
  • Trẻ trên 12 tuổi và người lớn dùng đường uống 10ml/ lần, mỗi ngày 4 lần và uống liên tục trong 5 – 7 ngày. Để dễ uống hơn có thể pha cùng đường hoặc sữa đặc.
Nước vôi nhì là gì? Chi tiết về tác dụng và cách sử dụng 3
Cần sử dụng nước vôi nhì đúng lượng theo hướng dẫn

Chống chỉ định và tác dụng phụ của nước vôi nhì

Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, nước vôi nhì không được dùng cho những đối tượng như:

  • Người đang bị suy thận nặng.
  • Người bị bệnh tăng huyết áp.
  • Người bị tắc nghẽn ruột.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Người bị quá mẫn với thành phần có trong nước vôi nhì.

Khi dùng nước vôi nhì, có thể xảy ra một số tác dụng phụ sau đây:

  • Nước vôi nhì có thể gây táo bón ở một số người.
  • Một tác dụng phụ xảy ra với hệ hô hấp là suy hô hấp kéo dài.

Nếu sau khi uống nước vôi nhì, bệnh nhân gặp các tác dụng phụ kể trên hay các triệu chứng bất thường khác, hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế sớm nhất. Ngoài ra, khi sử dụng nước vôi nhì cho trẻ sơ sinh bạn cũng cần đặc biệt lưu ý. Hệ tiêu hóa hay làn da của trẻ sơ sinh đều rất nhạy cảm nên cần cẩn thận với nguy cơ dị ứng Canxi hydroxit trong sản phẩm. Khi sử dụng ngoài da cho trẻ, bạn nên làm loãng bớt hoặc chỉ bôi một lượng nhỏ.

Nước vôi nhì là gì? Chi tiết về tác dụng và cách sử dụng 4
Bạn nên mua nước vôi nhì được bán sẵn thay vì mua vôi về tự tôi

Trong bất kỳ trường hợp nào, người dùng cần sử dụng đúng liều theo hướng dẫn, tránh sử dụng quá liều hay ngừng thuốc khi chưa đủ liều. Việc kiểm tra thông tin trên bao bì, nhãn dán sản phẩm cũng rất quan trọng vì có thể giúp bạn tránh được tình trạng dùng phải sản phẩm quá hạn.

Nước vôi nhì hiện đang được ứng dụng trong lĩnh vực y tế như một loại thuốc, một dung dịch sát trùng. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu thêm về cơ chế tác động, công dụng cũng như cách dùng sản phẩm này. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin