Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn khuẩn đường ruột là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng vi khuẩn ruột non phát triển quá mức, có thể do những thay đổi về giải phẫu ruột hoặc nhu động đường tiêu hóa, do thiếu bài tiết acid dạ dày. Tình trạng này có thể dẫn đến giảm hấp thu vitamin, chất béo và suy dinh dưỡng. Chẩn đoán loạn khuẩn qua test hơi thở hoặc nuôi cấy định lượng dịch ruột. Điều trị bằng kháng sinh uống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn khuẩn đường ruột là gì? 

Loạn khuẩn đường ruột xảy ra khi có sự gia tăng bất thường về tổng thể vi khuẩn trong ruột non - đặc biệt là các loại vi khuẩn không thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng quai ruột mù.

Loạn khuẩn đường ruột thường xảy ra sau một đợt phẫu thuật hoặc mắc bệnh, làm chậm quá trình di chuyển thức ăn và chất thải trong đường tiêu hóa, tạo ra nơi sinh sản cho vi khuẩn. Các vi khuẩn tăng sinh thường gây ra tiêu chảy và có thể làm giảm cân, suy dinh dưỡng.

Trong khi loạn khuẩn đường ruột thường là một biến chứng của phẫu thuật dạ dày và cũng có thể là kết quả của các vấn đề về cấu trúc hoặc một số bệnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Loạn khuẩn đường ruột

  • Ăn mất ngon;

  • Đau bụng;

  • Buồn nôn;

  • Đầy hơi;

  • Cảm giác căng tức khó chịu sau khi ăn;

  • Tiêu chảy;

  • Giảm cân không chủ ý;

  • Suy dinh dưỡng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Loạn khuẩn đường ruột

Kém hấp thu chất béo, carbohydrate và protein: 

Muối mật, thường cần thiết để tiêu hóa chất béo, bị phân hủy bởi vi khuẩn dư thừa trong ruột non, dẫn đến tiêu hóa chất béo không hoàn toàn và gây tiêu chảy. Các sản phẩm của vi khuẩn cũng có thể gây hại cho lớp màng nhầy (niêm mạc) của ruột non, dẫn đến giảm hấp thu carbohydrate và protein.

Vi khuẩn cạnh tranh thức ăn sẵn có: 

Các hợp chất được tạo ra do vi khuẩn phân huỷ thức ăn ứ đọng cũng có thể gây ra tiêu chảy. Kết hợp với nhau, những tác động của sự phát triển quá mức của vi khuẩn dẫn đến tiêu chảy, suy dinh dưỡng và giảm cân.

Thiếu vitamin: 

Kết quả của việc hấp thu chất béo không hoàn toàn là cơ thể hấp thu kém các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K. Vi khuẩn trong ruột non tổng hợp cũng như sử dụng vitamin B12, rất cần thiết cho hệ thống thần kinh bình thường hoạt động, sản xuất các tế bào máu và DNA.

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn có thể dẫn đến thiếu hụt B12, gây suy nhược, mệt mỏi, ngứa ran và tê ở bàn tay và bàn chân. Trong những trường hợp nặng hơn, có thể dẫn đến rối loạn tâm thần và không thể phục hồi.

Yếu xương (loãng xương): 

Theo thời gian, tổn thương ruột do sự phát triển bất thường của vi khuẩn gây ra kém hấp thu calci và cuối cùng có thể dẫn đến các bệnh về xương, như loãng xương.

Sỏi thận: 

Sự hấp thu calci kém cũng có thể dẫn đến sỏi thận do tăng bài tiết calci qua đường tiết niệu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Loạn khuẩn đường ruột

Các biến chứng của phẫu thuật bụng, bao gồm cắt bỏ dạ dày để điều trị béo phì, cắt dạ dày để điều trị loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày

Các vấn đề về cấu trúc trong và xung quanh ruột non, bao gồm mô sẹo (dính ruột) có thể quấn quanh bên ngoài ruột non và các túi phình của mô nhô ra qua thành ruột non (bệnh túi thừa ruột).

Bệnh lý mãn tính: Bệnh Crohn, viêm ruột do xạ trị, xơ cứng bì, bệnh Celiac, tiểu đường hoặc các tình trạng khác có thể làm giảm nhu động đẩy thức ăn và các chất thải qua ruột non.

Ruột non là đoạn dài nhất trong đường tiêu hóa, có kích thước khoảng 6,1 mét. Ruột non là nơi thức ăn trộn với dịch tiêu hóa và chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu.

Không giống như ruột già (đại tràng), ruột non bình thường có tương đối ít vi khuẩn do thức ăn đi qua nhanh và sự hiện diện của mật. Nhưng trong loạn khuẩn đường ruột , thức ăn ứ đọng trong ruột non trở thành nơi sinh sản lý tưởng cho vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tạo ra độc tố cũng như cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Các sản phẩm phân hủy sau quá trình tiêu hóa thức ăn của vi khuẩn cũng có thể gây tiêu chảy.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Loạn khuẩn đường ruột?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc loạn khuẩn đường ruột.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Loạn khuẩn đường ruột

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Loạn khuẩn đường ruột, bao gồm:

  • Phẫu thuật dạ dày vì béo phì hoặc loét;

  • Khiếm khuyết cấu trúc trong ruột non;

  • Tổn thương ruột non;

  • Có lỗ rò giữa hai đoạn ruột;

  • Bệnh Crohn, u lympho đường ruột hoặc xơ cứng bì liên quan đến ruột non;

  • Tiền sử xạ trị vùng bụng;

  • Bệnh tiểu đường;

  • Bệnh túi thừa của ruột non;

  • Dính mô do phẫu thuật bụng trước đó.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Loạn khuẩn đường ruột

Thử nghiệm hơi thở bằng hydro glucose hoặc hydro lactulose, được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng, để chẩn đoán sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non. Trước khi kiểm tra hơi thở, bệnh nhân nên tránh sử dụng kháng sinh trong 4 tuần, tránh các chất kích thích và thuốc nhuận tràng trong ít nhất 1 tuần.

Tiêu chuẩn để chẩn đoán loạn khuẩn đường ruột là nuôi cấy định lượng dịch ruột, cho thấy số lượng vi khuẩn > 103 khuẩn lạc/mL. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu phải nội soi để lấy mẫu.

Nếu những thay đổi cấu trúc đường ruột không phải do phẫu thuật trước đó, nên thực hiện một loạt kiểm tra đường tiêu hóa trên và ruột non để xác định các tổn thương có sẵn. Ngoài ra, có thể thực hiện chụp CT ruột non hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.

Phương pháp điều trị Loạn khuẩn đường ruột hiệu quả

Thuốc kháng sinh

Điều trị loạn khuẩn đường ruột bao gồm cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí từ 10 - 14 ngày bằng kháng sinh đường uống. Phác đồ theo kinh nghiệm sử dụng một hoặc hai trong số những lựa chọn sau đây:

Amoxicillin/ acid clavulanic 500 mg x 3 lần/ngày;

Cephalexin 250 mg x 4 lần/ngày;

Trimethoprim/sulfamethoxazole 160 mg/800 mg uống 2 lần/ngày;

Metronidazole 250 - 500 mg x 3 hoặc 4 lần/ngày;

Rifaximin 550 mg x 3 lần/ngày.

Điều trị kháng sinh có thể theo chu kỳ, nếu các triệu chứng có xu hướng tái phát và thay đổi dựa vào kết quả nuôi cấy cùng độ nhạy. Tuy nhiên thay đổi điều trị kháng sinh có thể khó khăn do nhiều loại vi khuẩn cùng tồn tại.

Hỗ trợ dinh dưỡng

Điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng là một phần quan trọng trong việc điều trị loạn khuẩn đường ruột, đặc biệt là ở những người bị sụt cân nghiêm trọng. Suy dinh dưỡng được điều trị, nhưng không phải lúc nào cũng có thể hồi phục hoàn toàn.

Những phương pháp có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, giảm đau bụng và giúp tăng cân:

Bổ sung dinh dưỡng: Những người bị loạn khuẩn đường ruột có thể cần tiêm bắp vitamin B12, cũng như các loại vitamin uống, bổ sung calci và sắt. Bởi vì vi khuẩn chủ yếu chuyển hóa carbohydrate trong ruột thay vì chất béo, một chế độ ăn nhiều chất béo, ít carbohydrate và chất xơ có lợi.

Chế độ ăn không có lactose: Tổn thương ở ruột non có thể khiến bệnh nhân mất khả năng tiêu hóa đường sữa (lactose). Trong trường hợp đó, cần tránh hầu hết các sản phẩm có chứa lactose, hoặc sử dụng các chế phẩm lactase giúp tiêu hóa đường sữa.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Loạn khuẩn đường ruột

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Giữ vệ sinh nơi ở và thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay.

  • Chú ý đến những thực phẩm gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy sau khi ăn và tránh sử dụng lần nữa.

  • Uống đủ nước mỗi ngày và tăng cường sử dụng chất xơ.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống FODMAP thấp hạn chế việc tiêu thụ các oligosaccharide, disaccharide, monosaccharide và polyol có thể lên men. Đây là những chất mà cơ thể con người không phân hủy được và vi khuẩn có thể ăn chúng. Hạn chế thực phẩm có FODMAP cao có thể làm giảm đầy hơi, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy.

Các thực phẩm có FODMAP thấp có thể sử dụng gồm: Thịt, cá, trứng, bánh quy (không chứa gluten), cháo bột yến mạch, ngũ cốc không đường, bông cải xanh, rau lá xanh, cà rốt, gạo hoặc mì không chứa gluten, quả ô liu, đậu phộng, khoai tây, bí ngô, hạt quinoa, một số loại trái cây (việt quất, nho, cam và dâu tây)...

Các thực phẩm có FODMAP cao cần tránh: Siro ngô nhiều fructose, soda và nước ngọt, tỏi, hành, măng tây, bí nghệ, súp lơ trắng, atisô, đậu, táo, trái cây sấy, lạp xưởng, sữa chua có hương vị, kem, ngũ cốc ngọt, lúa mạch, lúa mạch đen, đậu Hà Lan…

Phương pháp phòng ngừa Loạn khuẩn đường ruột hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống như ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, uống đủ nước và không ăn nhiều chất béo, đồ chua, cay.

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra xuất xứ và hạn sử dụng của thực phẩm.

  • Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, ma tuý, rượu bia...

  • Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. 

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Sử dụng một số men vi sinh hoặc men tiêu hoá nhằm bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột...

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. https://www.mayoclinic.org/
  3. https://suckhoedoisong.vn/loan-khuan-duong-ruot-169211011180419804.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm túi mật

  2. Bệnh não gan

  3. Phình đại tràng bẩm sinh

  4. Chấn thương bụng kín

  5. Đau dạ dày không do viêm loét

  6. Cường lách

  7. Ngứa hậu môn

  8. Viêm đại tràng co thắt

  9. Loét dạ dày tá tràng

  10. Táo bón