Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa

Ngày 06/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh giun đũa chó là kết quả của việc người bệnh bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis), hoặc ít phổ biến hơn là giun đũa mèo (Toxocara cati). Bệnh này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác hay giới tính, và ước tính đã có khoảng 1,4 tỷ người trên toàn thế giới bị nhiễm bệnh này. Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế để có hướng theo dõi điều trị thích hợp.

Mặc dù bệnh giun đũa chó ở giai đoạn đầu không mang tính đe dọa cao nhưng nếu phát hiện muộn có thể gây ra các biến chứng tại nhiều cơ quan và thậm chí dẫn đến tử vong. Đa số những người nhiễm Toxocara không thể nhận biết bất kỳ triệu chứng nào, khiến người bệnh chủ quan và dễ bỏ qua. Một số bệnh nhân có thể phát hiện các biểu hiện giống sẩn ngứa ngoài da, điều này tạo ra khả năng nhầm lẫn với các bệnh lý của các chuyên khoa khác.

Đặc điểm lâm sàng ở người mắc giun đũa chó

Trước khi tìm hiểu phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế. Chúng ta hãy điểm qua một vài đặc điểm lâm sàng và triệu chứng của bệnh giun tocoxara. Khi giun đũa chó xâm nhập vào cơ thể con người, chúng thường "du hành" trong cơ thể từ vài tháng đến nhiều năm, gây tổn thương ở các vùng chúng đi qua.

Người nhiễm giun thường gặp các triệu chứng như: Ngứa da lặp đi lặp lại, và việc điều trị thường không hoàn toàn loại bỏ được chúng. Một số người có thể trải qua biểu hiện như: Gan to, sốt, hoặc các triệu chứng của bệnh phổi như ho, đau ngực, đau bụng và khó tiêu. Những triệu chứng này có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, khiến người bệnh ít khi nghĩ đến khả năng bị nhiễm giun.

Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa
Mức độ tổn thương ở người mắc giun đũa chó phụ thuộc vào số lượng ấu trùng và cơ quan bị xâm nhập

Mức độ tổn thương của cơ thể và các triệu chứng phụ thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm nhập, bao gồm: Gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, và mắt. Trong đó, hai vị trí phổ biến nhất là ấu trùng di chuyển trong cơ thể và trong mắt. Trong nội tạng, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như: Gan to, hoặc tổn thương gan và lách, có triệu chứng hô hấp tương tự như hen suyễn.

Trong mắt, triệu chứng thường gặp là giảm thị lực một bên hoặc thậm chí là mù tạm thời. Mức độ giảm thị lực phụ thuộc vào vị trí của tổn thương (ví dụ như võng mạc, điểm vàng), và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế

Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu phối hợp với điều trị triệu chứng theo thứ tự ưu tiên như sau:

Phác đồ 1: Albendazole (viên nén 200mg và 400mg)

Liều dùng

  • Người lớn: 800mg mỗi ngày, chia làm 2 lần mỗi ngày.
  • Albendazole đối với trẻ em > 1 tuổi: 10 - 15mg/kg mỗi ngày (tối đa 800mg), chia làm 2 lần mỗi ngày.

Điều trị theo thể bệnh

  • Đối với thể bệnh thông thường: 14 ngày cho mỗi đợt điều trị.
  • Đối với thể bệnh ảnh hưởng đến nội tạng, mắt, hoặc thần kinh: 21 ngày cho mỗi đợt điều trị. Đối với thể bệnh ảnh hưởng đến mắt, có thể cần phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa 1
 Albendazole cấm chỉ định cho trẻ dưới 1 tuổi theo phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế

Chống chỉ định của Albendazol

  • Người có tiền sử mẫn cảm với benzimidazol.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang giai đoạn cho con bú.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi.
  • Người có tiền sử bị nhiễm độc tủy xương.

Lưu ý

  • Cần thận trọng khi sử dụng albendazol ở người có suy gan hoặc suy thận để đảm bảo điều trị giun đũa chó an toàn và hiệu quả.
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng albendazole, bao gồm giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu hạt, giảm số lượng các loại huyết cầu và ảnh hưởng đến chức năng gan khi sử dụng kéo dài. Do đó, cần thực hiện xét nghiệm công thức máu và chức năng gan (các transaminase) khi bắt đầu mỗi chu kỳ điều trị và ít nhất 2 tuần một lần trong quá trình điều trị. Nếu các enzyme gan tăng cao, cần ngừng sử dụng Albendazol. Sau đó, có thể tiếp tục điều trị nếu các enzyme gan trở lại mức bình thường trước khi điều trị, tuy nhiên, cần thực hiện xét nghiệm thường xuyên hơn khi tái điều trị.

Phác đồ 2: Thiabendazol (viên nén 500 mg)

Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế sử dụng Thiabendazol với:

Liều dùng

2 lần/ngày x 7 ngày, dựa vào cân nặng của bệnh nhân.

Điều trị theo thể bệnh

Thích hợp cho cả thể nội tạng và thể thông thường.

  • Cân nặng 13.6-<22.6 (kg) liều dùng giờ 0: 250mg, liều dùng giờ thứ 12: 250mg (Không sử dụng quá 7 ngày).
  • Cân nặng 22.6-<34.0 (kg) liều dùng giờ 0: 500mg, liều dùng giờ thứ 12: 500mg (Không dùng quá 3000mg/ngày).
  • Cân nặng 34.0-<45.0 (kg) liều dùng giờ 0: 750mg, liều dùng giờ thứ 12: 750mg.
  • Cân nặng 45.0-<56.0 (kg) liều dùng giờ 0: 1.000mg, liều dùng giờ thứ 12: 1.000mg.
  • Cân nặng ≥68.0 (kg) liều dùng giờ 0: 1.500mg, liều dùng giờ thứ 12: 1.500mg.

Chống chỉ định

Quá mẫn với các thành phần của thuốc.

Thận trọng

  • Người mắc suy gan, suy thận.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và đang cho con bú.
  • Tránh sử dụng thuốc khi vận hành máy móc, lái tàu, hoặc xe.
  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi hoặc có trọng lượng cơ thể dưới 13.6 kg.
Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa 2
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần thận trọng khi dùng Thiabendazol để trị giun đũa chó

Phác đồ 3: Ivermectin (viên nén 3mg và 6mg)

Liều dùng

Phác đồ điều trị giun đũa chó mèo bộ y tế cho người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên với Ivermectin: 0,2mg/kg mỗi ngày, chia thành 01 liều trong vòng 1-2 ngày.

Điều trị theo thể bệnh

  • Đối với trường hợp ấu trùng di chuyển trong da và mô mềm, Ivermectin phản ứng tốt với liều khuyến nghị và có thể tái sử dụng (nếu cần).
  • Đối với ấu trùng di chuyển ở mắt, phủ tạng, cân nhắc sử dụng Ivermectin. Có thể kết hợp sử dụng sau hoặc đồng thời với corticosteroide chống viêm để giảm triệu chứng cục bộ và tăng cường điều trị triệu chứng.

Chống chỉ định

  • Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Ivermectin.
  • Người mắc viêm màng não.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc có cân nặng dưới 15 kg.

Lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Đối với phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế này Ivermectin nên được dùng trước hoặc sau bữa ăn 1-2 giờ.
  • Cẩn thận khi sử dụng cho người tham gia giao thông hoặc vận hành máy móc.
  • Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng Ivermectin bao gồm sốt, ngứa, phát ban, đau khớp, đau cơ, viêm hạch, nhịp tim tăng,...
Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa 3
Dựa vào triệu chứng bệnh bác sĩ sẽ đưa ra hướng lựa chọn loại thuốc phù hợp

Điều trị triệu chứng

Tùy thuộc vào các triệu chứng lâm sàng để quyết định các loại thuốc điều trị phù hợp:

  • Ngứa, mày đay: Sử dụng thuốc kháng histamine cho đến khi triệu chứng biến mất.
  • Sốt: Sử dụng thuốc giảm sốt.
  • Thuốc hỗ trợ: Men vi sinh, vitamin tổng hợp, bổ gan, sắt hoặc các loại thuốc khác tùy thuộc vào triệu chứng.
  • Điều trị ngoại khoa: Trong các trường hợp ấu trùng di chuyển trong da, mô mềm hoặc ở mắt, có thể cần điều trị ngoại khoa.
  • Theo dõi sau điều trị: Tổ chức điều trị cho bệnh nhân tối đa 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng. Sau mỗi đợt, cần đánh giá lại các chỉ số: triệu chứng lâm sàng, ELISA, công thức máu, chức năng gan thận. Nếu có cải thiện rõ rệt, có thể dừng điều trị. Nếu không, tiếp tục các đợt 2, 3 với liều lượng tương tự đợt 1. Nếu sau ba đợt điều trị vẫn không cải thiện, cần xem xét lại chẩn đoán và tiến hành các xét nghiệm khác để lập kế hoạch điều trị phù hợp hơn.

Cách phòng ngừa bệnh giun đũa chó

Để ngăn ngừa bệnh giun đũa chó, bạn có thể thực hiện những biện pháp đơn giản sau:

  • Dọn dẹp khu vực sống của cún cưng và lau chùi sạch sẽ chuồng trại cũng như khu vực cún cưng thường lui tới, đặc biệt là ghế, giường ngủ ít nhất 1 lần mỗi tuần.
  • Thu dọn phân của cún cưng và không để bừa bãi ngoài đường, sau đó cột chặt miệng túi và bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
  • Sau khi chơi, tắm rửa hoặc chăm sóc cún cưng, hãy rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Bạn cũng cần chú ý bệnh giun đũa chó nên kiêng ăn gì. Để có kế hoạch lên thực đơn mỗi ngày phù hợp.
  • Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với cún cưng, trước và sau khi ăn.
  • Định kỳ đưa chó, mèo của bạn đến bác sĩ thú y để kiểm tra và tẩy giun đũa.
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ, hướng dẫn trẻ cách rửa tay và giải thích về nguy hại của việc ngậm tay hoặc đưa tay lên miệng, mắt.
  • Kiểm tra sân chơi của trẻ để đảm bảo vệ sinh trước khi cho trẻ chơi.
Phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế và cách phòng ngừa 4
Chú ý phòng ngừa bệnh giun đũa chó để đảm bảo sức khỏe

Hy vọng thông tin về phác đồ điều trị giun đũa chó bộ y tế đã giúp bạn có cái nhìn khái quát về điều trị căn bệnh này. Các triệu chứng của bệnh giun đũa rất đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, khi bạn phát hiện có các dấu hiệu không bình thường về sức khỏe, nên thăm khám càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm