Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các cách điều trị giun đũa chó an toàn và hiệu quả

Ngày 22/10/2022
Kích thước chữ

Những người nhiễm phải trứng giun đũa chó hoặc ăn thịt của vật chủ có chứa ấu trùng sẽ bị bệnh giun đũa chó. Tùy vào triệu chứng của bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Vậy, có mấy cách điều trị giun đũa chó?

Với người bệnh giun đũa chó không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhưng ở thể nhẹ, tình trạng nhiễm trùng thường tự hạn chế mà không cần điều trị bằng thuốc diệt giun. Đối với người bệnh có triệu chứng từ vừa đến nặng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc trị giun. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu cụ thể các cách điều trị giun đũa chó hiệu quả.

Tổng quát về bệnh giun đũa chó

Bệnh giun đũa chó là gì?

Các cách điều trị giun đũa chó an toàn và hiệu quả 1 Giun đũa chó là loại giun tròn lây nhiễm từ chó sang cho người

Giun đũa chó hay còn gọi là Toxocara canis là loại giun tròn lây nhiễm từ chó sang cho người. Người nuốt phải trứng chứa ấu trùng giun đũa chó có trong thực phẩm và nguồn nước sẽ bị nhiễm giun đũa chó hay thường gọi là bệnh sán chó Toxocara. Những người nuôi chó có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người không nuôi chó. 

Bệnh giun đũa chó hay còn gọi là "ấu trùng di chuyển trong nội tạng" là do sự di chuyển của ấu trùng của giun đũa chó tại nhiều cơ quan khác nhau. 

Chu kỳ phát triển của bệnh 

Con người nuốt trứng chứa ấu trùng vào cơ thể, ấu trùng nở trong ruột non và xuyên qua thành ruột, theo dòng máu có thể di chuyển đến khắp các cơ quan nội tạng gây nên các bệnh lý ở tim, gan, phổi, mắt và não.

Ấu trùng trong cơ thể người có thể nằm im thành những vật lạ hoặc lang thang hàng tuần hay hàng tháng rồi gây viêm. Độc tố của chúng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể làm sản sinh chất đối kháng chống lại ký sinh trùng, gây nên phản ứng dị ứng mẩn ngứa giống như bệnh viêm da.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh giun đũa chó

Để điều trị giun đũa chó kịp thời, bạn cần tìm hiểu những dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị bệnh giun đũa chó. Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng có đầy đủ các triệu chứng của bệnh nên khó nhận biết. Trên thực tế, phần lớn người bệnh đều gặp triệu chứng bị mẩn ngứa kéo dài, đến khi đi khám, xét nghiệm mới phát hiện ra bệnh.

Ở trẻ em bệnh biểu hiện hai hội chứng như sau:

Hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng

Trẻ đi khám bệnh vì gặp những biểu hiện lâm sàng sau: 

  • Về thần kinh: Đau đầu, cử động bất thường, động kinh, rối loạn hành vi, yếu liệt.
  • Về da: Dị ứng, nổi mề đay, ngứa, nổi cục u ở da, sung phù một vùng da. Các biểu hiện mẩn ngứa giống như bệnh da liễu, đôi khi có xuất huyết.
  • Về hô hấp: Ho kéo dài, điều trị nhưng không thuyên giảm, công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao.
  • Ở thận: Hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp.
Các cách điều trị giun đũa chó an toàn và hiệu quả 2 Một trong những triệu chứng của bệnh giun đũa chó là ho kéo dài
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, gan lá lách to, công thức máu thường có bạch cầu ái toan tăng cao.
  • Sốt: Tình trạng sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, các xét nghiệm thông thường đều âm tính, công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao.
  • Suy nhược: Chán ăn, gầy ốm, mệt mỏi, xanh xao, kém tập trung.

Một số trường hợp có những triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau, dễ nhầm lẫn với những bệnh nội khoa khác.

Thường đa số bệnh nhân có công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao và kéo dài có thể được chẩn đoán là nhiễm ký sinh trùng gây bệnh nội tạng, thường gặp nhất là giun đũa chó Toxocara.

Hội chứng ấu trùng di chuyển đến mắt

Tuy thể bệnh này ít gặp nhưng khá nguy hiểm. Bệnh nhân có triệu chứng mờ mắt, khi khám thường được chẩn đoán là viêm màng bồ đào hay viêm kết mạc.

Người lớn thường gặp hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng, còn bệnh ở mắt thì rất hiếm.

  • Các thể lâm sàng ở người lớn được chia theo cơ quan bị tổn thương, các thể bao gồm: Thần kinh - cơ, tiêu hóa, hô hấp, thể thông thường là ấu trùng di chuyển trong máu nhưng không gây viêm nội tạng, không gây u cục.
  • Nhiễm giun đũa chó thể giả hệ thống: Người bệnh thường mệt mỏi toàn thân kéo dài và mất ngủ, khi xét nghiệm có thể phát hiện tổn thương ở nhiều cơ quan. 
  • Nhiễm giun đũa chó thể khác: Bệnh nhân có triệu chứng xanh xao, mệt, thiếu máu, gầy ốm, công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao, huyết thanh chẩn đoán (+) với giun đũa chó. Trong các thể bệnh, chiếm đa số là thể thần kinh - cơ.

Điều trị giun đũa chó hiệu quả

Phương pháp chẩn đoán bệnh lý

Việc điều trị giun đũa chó hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm. Để chẩn đoán bệnh giun đũa chó, cần dựa vào sự phối hợp giữa yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và huyết thanh học:

  • Công thức máu: Những người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo thể ấu trùng ký sinh nội tạng thường được ghi nhận là tăng bạch cầu ái toan. 
  • Xét nghiệm phát hiện nhiễm giun đũa chó (ELISA): Phương pháp này được dùng để xác nhận chẩn đoán. Tuy nhiên, hiệu giá kháng thể trong huyết thanh không phát hiện được hoặc có thể thấp ở người nhiễm giun đũa chó thể ấu trùng ký sinh ở mắt. Cần được phân biệt bệnh giun đũa chó với bệnh u nguyên bào võng mạc để ngăn ngừa các cuộc phẫu thuật mắt không cần thiết.

Chụp CT hoặc MRI có thể cho thấy những tổn thương không rõ ràng, hình bầu dục, từ 1,0 - 1,5 cm, nằm rải rác trong gan hoặc những nốt sần dưới màng phổi ở ngực.

Điều trị bệnh nhiễm giun đũa chó 

Các cách điều trị giun đũa chó an toàn và hiệu quả 3 Cách điều trị giun đũa chó hiệu quả là dùng thuốc trị giun

Để điều trị triệu chứng của bệnh giun đũa chó, người bệnh cần dùng thuốc albendazole hoặc mebendazole. Vậy bệnh giun đũa chó điều trị bao lâu?

  • Trường hợp không cần điều trị bằng thuốc diệt giun khi bệnh nhân không có triệu chứng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng ấu trùng di trú trong nội tạng (VLM) nhẹ bởi vì nhiễm trùng thường tự hạn chế.
  • Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng từ vừa đến nặng, có thể dùng mebendazole 100 - 200mg uống 2 lần/ngày trong 5 ngày hoặc dùng albendazole 400mg uống 2 lần/ngày trong 5 ngày, nhưng thời gian điều trị tối ưu vẫn chưa được xác định.
  • Thuốc kháng histamine có thể được dùng đủ cho các triệu chứng nhẹ. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng dùng Corticosteroids (prednisone 20 đến 40mg uống một lần/ngày).
  • Người bệnh cần khám chuyên môn nhãn khoa để chăm sóc ấu trùng di trú ở mắt (OLM). Thuốc corticosteroid, cả tại chỗ và uống, cũng được chỉ định để điều trị OLM cấp tính nhằm giảm viêm bên trong mắt.
  • Tuy nhiên, vai trò của liệu pháp tẩy giun sán là không chắc chắn. Albendazole sử dụng với corticosteroid có tác dụng giảm tái phát, nhưng không có dữ liệu so sánh về liều lượng và chưa xác định thời gian điều trị tối ưu, cũng như không có bằng chứng cho thấy albendazole có hiệu quả cải thiện kết quả thị giác. Thật không may, hầu hết bệnh nhân đều bị suy giảm thị lực.
  • Ngoài ra, để diệt ấu trùng trong võng mạc, có thể phóng quang bằng laser hay thực hiện phẫu thuật lạnh hoặc phẫu thuật cắt dịch kính trong một số trường hợp.

Tóm lại, bệnh giun đũa chó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tốt nhất, chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống khoa học, tránh những nguồn có chứa trứng hay ấu trùng của giun đũa chó và đặc biệt lưu ý đến đối tượng trẻ em.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin