Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phác đồ điều trị lao Bộ Y tế: Các thuốc điều trị bệnh lao

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ

Lao là một bệnh truyền nhiễm lan nhanh, có khả năng kháng thuốc cao và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trong các loại lao, lao phổi là phổ biến nhất, chiếm khoảng 80 - 85% số ca bệnh. Vì vậy, phác đồ điều trị lao Bộ Y tế đã được thiết lập, bao gồm cả lao phổi và các loại lao khác áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Mục tiêu của các phương pháp điều trị mới nhất cho bệnh lao phổi và các biến chứng của nó là loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lao, ngăn chặn sự tái phát, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời, việc điều trị cũng nhằm vào việc ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn lao trong cộng đồng, giảm thiểu tỷ lệ nhiễm lao hàng năm. Hãy tìm hiểu về phác đồ điều trị lao Bộ Y tế qua bài viết dưới đây.

Tổng quan bệnh lao

Lao là một bệnh nhiễm trùng mạn tính, nguyên nhân do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Bệnh lao có thể điều trị khỏi trên 90% các trường hợp bị mắc nếu người bệnh kiên trì điều trị đúng nguyên tắc. Phát hiện và điều trị sớm bệnh lao sẽ giảm thiểu được các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh. Bệnh lao được chữa trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa. Phương pháp ngoại khoa chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Những năm gần đây tình trạng bệnh lao đang có xu hướng bùng nổ trở lại đặc biệt là sự gia tăng lao kháng thuốc đã khiến cho công tác chống lao càng trở nên khó khăn hơn. Các loại thuốc chống lao mới và các phương pháp điều trị tiên tiến hơn đã được phát triển và áp dụng hiện nay. Điều trị bệnh lao nhằm những mục đích: Khỏi bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ kháng thuốc cũng như giảm sự lây truyền trong cộng đồng.

Phác đồ điều trị lao bộ y tế mới nhất 1
Lao là bệnh truyền nhiễm do Mycobacterium tuberculosis gây ra

Nguyên tắc điều trị lao trong phác đồ điều trị lao Bộ Y tế mới nhất

Điều trị kết hợp các loại thuốc chống lao là cần thiết vì mỗi loại thuốc có tác động khác nhau đối với vi khuẩn lao (diệt khuẩn, ức chế sự sinh sản của khuẩn, tạo môi trường không thích hợp cho vi khuẩn). Do đó, việc kết hợp các loại thuốc chống lao là cần thiết. Trong giai đoạn tấn công của bệnh lao, ít nhất phải sử dụng 3 loại thuốc chống lao khác nhau và trong giai đoạn duy trì ít nhất phải sử dụng 2 loại thuốc. Với bệnh lao đa kháng phải phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực.

Việc sử dụng thuốc với liều lượng chính xác là quan trọng. Mỗi loại thuốc chống lao có một nồng độ tác dụng cụ thể. Sử dụng liều lượng thấp có thể không đạt hiệu quả mong muốn và dễ tạo điều kiện cho sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Ngược lại, sử dụng liều lượng cao có thể gây ra các biến chứng. Trong trường hợp điều trị lao ở trẻ em, liều lượng thuốc cần được điều chỉnh hàng tháng tùy theo cân nặng của trẻ.

Phác đồ điều trị lao bộ y tế mới nhất 1
Khi điều trị lao cần tuân thủ đủ 5 nguyên tắc theo phác đồ điều trị lao Bộ Y tế

Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.

Đối với bệnh nhân mắc phải lao đa kháng, phương pháp điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc trong 6 ngày mỗi tuần với hầu hết các loại thuốc được sử dụng một lần vào buổi sáng. Tuy nhiên, một số loại thuốc như Cs, Pto, Eto, PAS có thể được chia thành 2 liều trong ngày (buổi sáng và buổi chiều) để giảm tác dụng phụ hoặc điều chỉnh liều lượng trong 2 tuần đầu nếu thuốc khó dung nạp. Nếu bệnh nhân gặp phải các tác dụng không mong muốn từ việc sử dụng thuốc tiêm, có thể giảm liều lượng, thay đổi thành phần và cách tiêm hoặc ngừng sử dụng thuốc tiêm tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tác dụng.

Điều trị đủ thời gian, dùng thuốc liên tục không ngắt quãng

Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn sự đột biến thành các vi khuẩn lao siêu kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Đối với bệnh nhân mắc phải lao đa kháng, phương pháp điều trị chuẩn ngắn hạn kéo dài từ 9 đến 11 tháng, trong đó có giai đoạn tấn công kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Phương pháp điều trị chuẩn dài hạn kéo dài 20 tháng, trong đó thời gian tấn công kéo dài 8 tháng. Phương pháp điều trị cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng của từng loại thuốc tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, phản ứng của bệnh nhân với điều trị, lịch sử điều trị trước đó và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.

Các thuốc chống lao theo phác đồ điều trị lao Bộ Y tế

Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, các thuốc chống lao được phân thành 5 nhóm như sau:

Nhóm I bao gồm các thuốc chống lao cần thiết (thuốc hàng 1).

Nhóm II bao gồm các thuốc chống lao hàng 2 dạng tiêm.

  • Kanamycin (Km)
  • Amikacin (Am)
  • Capreomycin (Cm).
Phác đồ điều trị lao bộ y tế mới nhất3
Có 5 nhóm thuốc điều trị lao được chương trình chống lao quốc gia phân chia

Nhóm III bao gồm các thuốc chống lao hàng 2 thuộc nhóm fluoroquinolon.

Nhóm IV bao gồm các thuốc chống lao hàng 2 dạng uống.

  • Ethionamide (Eto)
  • Prothionamide (Pto)
  • Cycloserine (Cs)
  • Terizidone (Trd)
  • Para-aminosalicylic acid (PAS)
  • Para-aminosalicylate sodium (PAS-Na).

Nhóm V bao gồm các thuốc chống lao hàng 2 mà hiệu quả chưa được xác định rõ (bao gồm cả các thuốc mới).

  • Bedaquiline (Bdq)
  • Delamanid (Dlm)
  • Linezolid (Lzd)
  • Clofazimine (Cfz)
  • Amoxicilline/Clavulanate (Amx/Clv)
  • Meropenem (Mpm)
  • Thioacetazone (T)
  • Clarithromycin (Clr).

Các loại thuốc chống lao hàng 1 được ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng các phác đồ điều trị cho lao.

Các phác đồ điều trị bệnh lao mới nhất

Phác đồ điều trị lao vi khuẩn nhạy cảm với thuốc

  • Phác đồ A1: 2RHZE/4RHE: Trong giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, bao gồm sử dụng hàng ngày 4 loại thuốc. Trong giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, sử dụng hàng ngày 3 loại thuốc là R, H và E. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp bệnh lao người lớn không có bằng chứng về kháng thuốc.
  • Phác đồ A2: 2RHZE/4RH: Trong giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, sử dụng hàng ngày 4 loại thuốc. Trong giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, sử dụng hàng ngày 2 loại thuốc là R và H. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp bệnh lao ở trẻ em không có bằng chứng về kháng thuốc.
  • Phác đồ B1: 2RHZE/10RHE: Trong giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, sử dụng hàng ngày 4 loại thuốc H, R, Z, E. Trong giai đoạn duy trì kéo dài 10 tháng, sử dụng hàng ngày 3 loại thuốc là R, H, E. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh lao màng não, lao xương khớp và lao hạch ở người lớn. Trong điều trị lao màng não, việc sử dụng corticosteroid (như dexamethasone hoặc prednisolone) với liều giảm dần trong 6-8 tuần đầu và thay thế thuốc E bằng Streptomycin trong giai đoạn tấn công là lựa chọn.
  • Phác đồ B2: 2RHZE/10RH: Trong giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, sử dụng hàng ngày 4 loại thuốc H, R, Z, E. Trong giai đoạn duy trì kéo dài 10 tháng, sử dụng hàng ngày 2 loại thuốc là R, H. Phương pháp này được chỉ định cho trẻ em mắc bệnh lao màng não, lao xương khớp và lao hạch. Trong điều trị lao màng não, nên sử dụng corticosteroid (như dexamethasone hoặc prednisolone) với liều giảm dần trong khoảng 6 - 8 tuần ban đầu và thay thế thuốc E bằng Streptomycin trong giai đoạn tấn công.

Phác đồ điều trị lao kháng thuốc

Nếu vi khuẩn lao trở nên kháng thuốc, có nghĩa là chúng không bị ảnh hưởng bởi tác động của thuốc. Điều trị lao mà không tuân thủ nguyên tắc có thể dẫn đến lao kháng thuốc.

Các phương pháp điều trị mới nhất cho bệnh lao phổi và các dạng lao khác không ưu tiên việc sử dụng thuốc tiêm mà thay vào đó là thuốc uống.

Hiện nay có hai phác đồ điều trị lao kháng thuốc được chỉ định cho việc điều trị lao đối với những người mắc bệnh có vi khuẩn lao kháng thuốc loại R/MDR-TB, bao gồm:

  • Phác đồ điều trị dài hạn (từ 18 đến 20 tháng) có thể là phác đồ chuẩn hoặc phác đồ cá nhân. Việc lựa chọn các loại thuốc sao cho sử dụng ít thuốc nhất có thể mà vẫn đảm bảo hiệu quả, căn cứ vào kết quả của kháng sinh đồ.
  • Phác đồ ngắn hạn từ 9 - 11 tháng với thành phần thuốc và thời gian điều trị đã thống nhất.
Phác đồ điều trị lao bộ y tế mới nhất 4
Tình trạng kháng thuốc trong điều trị lao hiện nay cũng khá thường gặp

Phác đồ điều trị lao phổi tiềm ẩn

Phác đồ điều trị bệnh lao phổi tiềm ẩn phòng bệnh được áp dụng cho những nhóm người có nguy cơ cao, bao gồm:

  • Người có hệ miễn dịch suy giảm.
  • Bệnh nhân HIV đã được sàng lọc và không mắc bệnh lao.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Trẻ em từ 0 đến 14 tuổi, mắc HIV, sống chung nhà với người bị lao phổi.

Đối với người lớn, phác đồ bao gồm:

  • Sử dụng isoniazid với liều 300mg mỗi lần, uống mỗi ngày trong 9 tháng.
  • Phối hợp với vitamin B6 với liều lượng 25mg mỗi ngày.

Đối với trẻ em, phác đồ bao gồm:

  • Sử dụng isoniazid với liều dùng 10 mg/kg/ngày.
  • Uống thuốc một lần duy nhất vào một thời điểm cố định trong ngày (thường uống trước bữa ăn một giờ). 
  • Sử dụng thuốc hàng ngày trong khoảng 6 tháng.

Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế. Điều này bao gồm việc tuân thủ lịch trình và liều lượng thuốc được chỉ định một cách chính xác, không được tự ý ngưng sử dụng thuốc. Người bệnh cũng cần tái khám đúng hẹn và liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt, ho, ớn lạnh, đờm có máu và các triệu chứng khác.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.