Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thông tin về vi khuẩn lao siêu kháng thuốc mà bạn nên biết

Ngày 28/02/2022
Kích thước chữ

Trong các biến thể của chủng lao kháng thuốc thì loại lao đa kháng, siêu kháng thuốc là khó điều trị nhất. Vậy vi khuẩn lao siêu kháng thuốc là gì? Vì sao chúng khó điều trị hơn các chủng lao kháng thuốc khác? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về những vấn đề trên qua bài viết dưới đây nhé!

Lao đa kháng, siêu kháng thuốc có thể chữa khỏi được nhưng việc điều trị rất khó khăn vì phải lựa chọn thuốc và phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh trong quá trình điều trị thì mới có cơ hội bình phục cao.

Vi khuẩn lao siêu kháng thuốc là gì?

Vi khuẩn lao siêu kháng thuốc (XDR) là trường hợp bệnh nhân có vi khuẩn lao đa kháng thuốc (kháng ít nhất hai thuốc chống lao bao gồm rifampicin và isoniazid) lại đồng thời kháng cả với các thuốc uống nhóm pluoroquinolone và ít nhất là với một trong ba loại thuốc chích là capreomycin, kanamycin và amikacin

Vi khuẩn lao siêu kháng thuốc là chủng biến thể cực kì khó điều trị bởi vì rất khó để lựa chọn phác đồ điều trị sao cho phù hợp, đòi hỏi kiến thức kinh nghiệm của bác sĩ phải sâu rộng và sự hợp tác của người bệnh (chấp thuận khám, xét nghiệm, khai rõ các bệnh hoặc triệu chứng kèm với lao, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ do bác sĩ chỉ định).

Thông tin về vi khuẩn lao siêu kháng thuốc mà bạn nên biết 1

Vi khuẩn lao siêu kháng thuốc cực kì khó để điều trị dứt điểm

Phương pháp chẩn đoán lao kháng thuốc và điều trị

Để xác định lao kháng thuốc, bác sĩ chuyên môn sẽ sử dụng phương pháp soi đờm qua kính hiển vi. Tuy nhiên cách này chỉ phát hiện vi khuẩn lao nhưng không thể xác định lao kháng thuốc. Sau đó thực hiện nuôi vi khuẩn lao trong môi trường thuốc trong thời gian khá dài.

Hiện nay đang triển khai sử dụng máy Xper MTB/RIF. Máy này giúp đơn giản hóa các quá trình kiểm tra sinh học phân tử và cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm đờm soi AFB với độ nhạy rất cao. Đặc biệt máy còn cho phép phát hiện lao kháng rifampicin trong 2 giờ. Ngoài ra còn kết hợp với kết quả của kháng sinh đồ.

Theo kết quả đó, bác sĩ sẽ chọn thuốc thích hợp. 

Chọn thuốc tiêm

  • Chọn trong nhóm (II), chủ yếu là các aminosid. Nếu vi khuẩn lao kháng streptomycin, có thể chọn thuốc kanamycin hoặc amikacin. Hai loại thuốc này có tính kháng chéo. Nếu kháng streptomycin, kanamycin thì không dùng amikacin và ngược lại. Trong trường hợp kháng tất cả, chọn  capreomycin. Capreomycin có hiệu lực kém hơn kanamycin nhưng lại đặc trị cho lao đã kháng tất cả các thuốc trên.
  • Các thuốc tiêm aminosid có thể gây giảm thính lực, điếc nếu dùng quá liều hoặc dùng kéo dài; gây điếc bẩm sinh cho trẻ nếu dùng cho phụ nữ mang thai; thuốc tiêm có thể thải trừ qua thận, tuy nhiên với người suy thận, suy giảm chức năng thận thì thuốc có thể bị tích lũy lại gây độc cho thận; ức chế acetylcholin, làm giảm dẫn truyền thần kinh - cơ. Do đó chỉ dùng thuốc tiêm đúng liều, không kéo dài, không dùng cho người suy thận, nhược cơ, có thai cho con bú; người bị suy giảm chức nặng thận nhẹ có thể dùng nhưng bắt buộc phải giảm liều.

Thông tin về vi khuẩn lao siêu kháng thuốc mà bạn nên biết 2

Cần lựa chọn thuốc tiêm phù hợp để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của thuốc

Chọn thuốc uống

Có thể chọn  trong nhóm I, III, IV. 

  • Pyrazinamid (nhóm I): Khi bệnh nhân bị MDR sẽ thường kèm theo viêm phổi mạn tính nên có thể dùng pyrazinamid. Tuy nhiên, pyrazinamid có thể gây phản ứng mẫn cảm đặc dị ngay khi dùng lần đầu (người đã quen thì không còn dị ứng); gây viêm gan hoại tử (độ nặng hay nhẹ tuỳ vào liều dùng); gây tăng acid uric; làm rối loạn chuyển hoá porphyrin. Do đó không dùng pyrazinamid cho người suy gan, gout , rối loạn porphyrin. Dùng được cho người có thai, cho con bú.
  • Cycloserin (nhóm IV): Thuốc ức chế các phản ứng tổng hợp ở vỏ tế bào vi khuẩn; vừa kìm hãm vừa tiêu diệt vi khuẩn; có hiệu quả với lao MDR, XDR. Dùng kết hợp (ví dụ như dùng với ethionamid, protionamid) sẽ giảm bớt sự kháng thuốc. Cycloserin thải trừ qua nước tiểu, rồi tái hấp thu trở lại (65%) dạng có hoạt tính trong 72 giờ. Khi suy thận, cycloserin có thể tích lũy lại gây độc. Do đó, không dùng cycloserin cho người suy thận nặng, rối loạn tâm thần, trầm cảm, động kinh, xơ cứng mạch máu não, nghiện rượu, người cho con bú (thuốc sẽ tiết vào sữa), không dùng với phụ nữ thai (thuốc có thể ngấm vào nhau thai, màng ối).
  • Fluoroquinolon (nhóm III): Nhóm thuốc ức chế enzym DNA - griase, từ đó làm cho vi khuẩn không sinh sản được, kháng lại lao đã nhờn một số thuốc; thuốc hiệu quả với lao MDR, XDR. Thuốc có thể đào thải qua nước tiểu và mật; khi bài tiết qua thận ít thì sự bài tiết qua mật tăng. Tuy có cơ chế “bù trừ” nhưng cũng phải thận trọng với người suy thận, đặc biệt là suy cả thận và gan, thận trọng với người thiếu glucose - 6 phosphat dehyrogenase, người nhược cơ. Thuốc có thể làm hại sụn nên hạn chế dùng cho trẻ đang trưởng thành (dưới 18 tuổi). 

Các biện pháp phòng ngừa bị lao kháng thuốc

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc lao kháng thuốc, người bệnh cần:

  • Dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ: Lao là một trong các bệnh lý có tỉ lệ kháng thuốc cao. Do đó cách phòng ngừa quan trọng nhất là bệnh nhân không được bỏ liều hoặc tự ý ngừng điều trị sớm. Trong quá trình dùng thuốc cần đúng theo chỉ dẫn, nếu gặp bất cứ vấn đề gì phải sớm báo cho bác sĩ để điều trị phù hợp.
  • Thăm khám và chẩn đoán nhanh: Bệnh nhân cần nắm rõ tình trạng lao kháng thuốc, nhất là các biểu hiện lâm sàng. Nếu cơ thể có các dấu hiệu bệnh thì cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ điều trị. Như vậy mới có thể rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm chi phí.
  • Tránh tiếp xúc gần với những bệnh nhân lao kháng thuốc: Khuẩn lao kháng thuốc có thể lây nhiễm nhanh chóng tương tự như khuẩn lao thông thường. Do đó hạn chế tiếp xúc với người bệnh ít nhất có thể và không nên đến những nơi đông người. Tốt nhất nên đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay.
  • Giữ gìn sức khỏe tốt: Người có hệ miễn dịch tốt thì sẽ có khả năng chống lại vi khuẩn xâm nhập. Do đó, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi và làm việc khoa học, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể một cách khoa học và tập thể dục hàng ngày.

Thông tin về vi khuẩn lao siêu kháng thuốc mà bạn nên biết 3

Nên thường xuyên tái khám để theo dõi sát tiến triển của bệnh

Hiện nay y học rất phát triển vì vậy bạn không cần quá lo lắng nếu không may mắc lao kháng thuốc. Hi vọng với những thông tin trên về vi khuẩn lao siêu kháng thuốc có thể khiến quý đọc giả an tâm hơn, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để nhanh chóng có được kết quả điều trị khả quan.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.