Sắc tố đóng vai trò trong việc hình thành màu sắc da, tóc và màu mắt của mỗi người. Nếu một vấn đề nào đó liên quan đến quá trình sản xuất hắc sắc tố hoặc bị tổn thương da, màu sắc da sẽ bị thay đổi, trở nên tối màu hơn hoặc nhạt màu đi. Trong đó, hai trường hợp giảm sắc tố dễ bị nhầm lẫn đó là bạch tạng và bạch biến. Để xác định đúng bệnh nhằm đưa ra biện pháp bảo vệ da, hướng điều trị phù hợp, hãy cùng phân biệt hai tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé.
Bệnh bạch tạng
Bạch tạng do quá trình di truyền các đoạn gen lặn từ bố và mẹ gây ra, thường là một rối loạn di truyền lặn. Sự thiếu hụt sắc tố làm mất hoàn toàn hoặc một phần khả năng sản xuất melanin, tùy vào loại đột biến di truyền gây bệnh. Có hai loại bạch tạng chính:
- Bạch tạng da và mắt: ảnh hưởng đến cả da, mắt và tóc
- Bạch tạng mắt: chỉ gây ảnh hưởng đến mắt
Do cơ thể thiếu sắc tố melanin nên da của người bị bệnh bạch tạng không được bảo vệ tự nhiên dưới bức xạ cực tím từ ánh nắng mặt trời. Dẫn đến, da dễ bị tổn thương, nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh bạch tạng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn người bình thường. Bệnh bạch tạng cũng liên quan đến một loạt các khiếm khuyết thị giác bao gồm chứng sợ ánh sáng, chứng giật nhãn cầu và nhược thị.
Cách điều trị những ảnh hưởng liên quan đến mắt ở người bạch tạng thường là phục hồi chức năng thị giác. Phẫu thuật các cơ mắt cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng lác mắt. Rung giật nhãn cầu cũng có khả năng được kiểm soát một phần nhờ vào phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị cho mỗi cá nhân sau khi đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Bệnh bạch tạng không thể được chữa khỏi. Do đó, điều quan trọng nhất là người bệnh phải bảo vệ da, ngăn ngừa tổn thương da và nguy cơ ung thư da dưới tác động của tia UV.
Bệnh bạch tạng là do di truyền.
Bệnh bạch biến
Ngoài các trường hợp tiếp xúc với hóa chất độc hại, nguyên nhân gây ra bạch biến vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh bạch biến có thể xảy ra do tình trạng tự miễn, di truyền, stress oxy hóa hay nhiễm virus. Bạch biến được phân chia thành hai loại cơ bản như sau:
- Thể đứt đoạn (segmental vitiligo): các vùng da mất sắc tố xuất hiện ở vị trí gần với rễ thần kinh của tủy sống và thường ở một bên cơ thể.
- Thế không đứt đoạn (non-segmental vitiligo): các mảng da bị mất sắc tố có khi nằm đối xứng trên cơ thể. Những vùng da mất sắc tố mới có khả năng xuất hiện thêm theo thời gian và lan ra gần như toàn bộ hay một phần cơ thể.
Các bệnh tự miễn như Addison, viêm tuyến giáp Hashimoto... thường đi cùng với bạch biến. Điều này khiến giả thuyết nguyên nhân của bạch biến có thể là do tự miễn trở nên khả thi hơn. Mặc dù chưa có cách chữa trị bạch biến hiệu quả, bạn có thể thử một số cách điều trị như dùng kem bôi ngoài da chứa corticoid và kết hợp với chiếu tia UV cùng với nhiều loại kem khác nhau.
Chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh bạch biến.
Phân biệt bệnh bạch tạng và bệnh bạch biến
Về bản chất
Trong khi bạch tạng là một rối loạn bẩm sinh đặc trưng bởi sự thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần sắc tố melanin thì bạch biến là tình trạng một phần da bị mất sắc tố dẫn đến có màu nhạt và sáng hơn vùng da bình thường.
Về nguyên nhân gây bệnh
Bệnh bạch tạng do đột biến gen di truyền gây ra còn bạch biến do một số yếu tố tác động chưa được xác định rõ.
Về vấn đề liên quan đến mắt
Bạch tạng có gây ảnh hưởng đến mắt trong khi đó bạch biến thì không.
Về mức độ mất sắc tố
Hầu như toàn bộ cơ thể bị mất sắc tố khi bị bạch tạng. Còn với bạch biến thì chỉ có một vài vị trí da trên cơ thể bị mất sắc tố.
Về các bệnh liên quan
Bệnh bạch tạng không liên quan đến các bệnh tự miễn. Bệnh bạch biến lại có thể liên quan đến các bệnh tự miễn.
Về phương pháp điều trị
Ở bệnh bạch tạng: Người bệnh nên sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da, mắt khỏi tác hại từ tia UV một cách tối đa.
Đối với bạch biến: có thể dùng kem, phấn che khuyết điểm để che đi vùng da bị mất sắc tố. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thử các liệu pháp quang hóa trị liệu và kem bôi ngoài da.
Có thể dùng kem để che đi các vùng da mất sắc tố.
Tuy nhiên những thông tin về chữa trị bệnh trên đây chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Bởi vậy, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Hường