Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không?

Ngày 28/08/2022
Kích thước chữ

Rốn lồi là tên gọi dân gian của chứng thoát vị rốn. Đây là một dị tật khá phổ biến ở trẻ nhỏ, hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh và ít gặp ở người lớn. Hầu hết các trường hợp rốn lồi ở trẻ sẽ tự khỏi khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật rốn lồi là cần thiết đối với cả người lớn và trẻ em.

Phẫu thuật rốn lồi là một phẫu thuật đơn giản, có tính an toàn cao và hầu như không gây biến chứng về sau. Phẫu thuật này có mục đích nhằm chấm dứt tình trạng rốn lồi và hạn chế nguy cơ tái phát. Để hiểu rõ hơn về chủ đề phẫu thuật rốn lồi, trước hết hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về rốn lồi các bạn nhé!

Rốn lồi là gì?

Rốn lồi hay thoát vị rốn là tình trạng một phần của ruột, niêm mạc hoặc mô mỡ rời khỏi vị trí bình thường qua khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn hình thành lên khối lồi bất thường ở vùng rốn. Khối lồi này thường mềm và không gây đau, khi nằm nghiêng hoặc ấn thường có xu hướng xẹp xuống. Rốn lồi có thể nhận biết dễ dàng bằng mắt thường.

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không? 1 Rốn lồi xảy ra khi một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí rốn

Ở trẻ em, thoát vị rốn xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh do ở đối tượng này các cơ thành bụng chưa hoàn thiện và phát triển hoàn toàn đủ để đóng kín ống dây rốn. Rốn lồi nhìn rõ và to hơn khi trẻ khóc, ho hoặc rặn khiến cho áp suất trong bụng tăng lên.

Trong khi đó, người lớn cũng có thể mắc chứng thoát vị rốn hay còn gọi là rốn lồi. Đối tượng nguy cơ mắc rốn lồi là những người đang mắc các bệnh lý gây tăng áp lực thành bụng như: Béo phì, tràn dịch ổ bụng, sẹo cũ giữa vùng bụng hay mang thai nhiều lần...

Ở người lớn, phụ nữ là đối tượng có khả năng mắc thoát vị rốn. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh thì nguy cơ mắc của cả bé trai và bé gái là như nhau.

Thoát vị rốn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng đau nhức, vị trí rốn lồi sưng tấy. Trẻ nhỏ sẽ kèm theo các biểu hiện như bụng to và đầy, buồn nôn hoặc nôn, khó đi ngoài...

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không? 2 Thoát vị rốn gây ra những khó chịu ở vùng bụng của bệnh nhân rốn lồi

Biến chứng của thoát vị rốn

Các biến chứng của thoát vị rốn thường rất hiếm, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Biến chứng chỉ có thể xảy ra khi các mô lồi hay khối thoát vị không được đẩy trở lại vị trí ban đầu trong khoang bụng và bị giữ lại. Điều này làm giảm khả năng cung cấp máu cho các phần ruột bị mắc kẹt dẫn đến cảm giác đau và gây tổn thương cho các mô. Phần ruột mắc kẹt sẽ bị ngoại tử nếu nguồn cung cấp máu đến các phần này bị cắt đứt, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lan rộng ra ổ bụng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đe dọa đến tính mạng.

Ở đối tượng người lớn, thoát vị rốn có nhiều khả năng tiến triển gây biến chứng tắc nghẽn ruột. Do đó, phẫu thuật là biện pháp can thiệp cần thiết để điều trị  biến chứng.

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không? 3 Thoát vị rốn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nào?

Phẫu thuật thoát vị rốn là gì?

Phẫu thuật rốn lồi là một phẫu thuật nhỏ nhằm đưa khối thoát vị về đúng vị trí của nó một cách nhanh chóng và củng cố làm chắc các cơ thành bụng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc các biến chứng của thoát vị rốn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở hoặc mổ nội soi.

Khi thực hiện phẫu thuật rốn lồi bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở rốn và đẩy khối thoát vị trở lại vị trí ban đầu trong ổ bụng sau đó khâu kín lỗ thoát vị và sau cùng là khâu tăng cường giúp cho thành bụng chắc hơn, tránh thoát vị tái phát.

Đa số các trường hợp, bệnh nhân được theo dõi một ngày ở viện, sau đó sẽ được xem xét xuất viện tùy vào tình trạng của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không? 4 Phẫu thuật rốn lồi là gì?

Khi nào cần tiến hành phẫu thuật rốn lồi?

Phẫu thuật rốn lồi là một phẫu thuật nhỏ nhằm đưa khối thoát vị về đúng vị trí của nó một cách nhanh chóng và củng cố làm chắc các cơ thành bụng.

Đa số các trường hợp rốn lồi do thoát vị rốn có thể tự đóng kín mà không cần điều trị, đặc biệt ở trẻ sơ sinh trước 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, can thiệp phẫu thuật là cần thiết nếu khối rốn lồi lớn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống sau này.

Đối với trẻ em, phẫu thuật rốn lồi thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Khối thoát vị rốn tiến triển và gây đau.
  • Khối thoát vị có xu hướng tăng kích thước khi trẻ được 1 hoặc 2 tuổi và không có xu hướng mất đi khi trẻ lên 4 tuổi.
  • Ruột nằm trong túi thoát vị dẫn đến giảm nhu động ruột.
  • Khối thoát vị bị kẹt.

Ở người lớn, phẫu thuật thường được áp dụng cho hầu hết các trường hợp thoát vị rốn. Việc chỉ định phẫu thuật rốn lồi nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp biến chứng không mong muốn như tắc nghẽn ruột đồng thời điều trị dứt điểm thoát vị rốn. Thêm vào đó, nếu khối thoát vị phát triển và bắt đầu gây đau thì phẫu thuật rốn lồi là điều nên làm.

Phẫu thuật rốn lồi có nguy hiểm không? 5 Phẫu thuật rốn lồi giúp hạn chế tối đa nguy cơ tái phát thoát vị rốn

Phẫu thuật rốn có nguy hiểm không?

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng sẽ tiềm ẩn ít hay nhiều những mối nguy hiểm trong quá trình thực hiện. Tương tự như những biến chứng sau mổ khác thì người mắc thoát vị rốn cũng phải đối mặt với những mối  nguy hiểm đó. Việc thực hiện phẫu thuật rốn lồi không tốt cũng có thể gây các biến chứng tương tự như tất cả các phương pháp phẫu thuật khác cụ thể là:

  • Chảy máu trong và sau khi mổ.
  • Nhiễm trùng sau mổ.
  • Mô sẹo hình thành sau vết mổ.
  • Các cơ quan trong ổ bụng bị tổn thương.
  • Cắt mất rốn.

Để hạn chế tối đa những rủi ro này, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ và thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ trước và sau phẫu thuật.

Lưu ý trước và sau phẫu thuật rốn

Lưu ý trước phẫu thuật rốn

  • Người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Người bệnh cần dừng các loại thực phẩm chức năng đang dùng (nếu có), vitamin, aspirin và thuốc chống đông máu.
  • Người bệnh nên tránh sử dụng các chất kích thích như: Bia, rượu...
  • Tránh căng thẳng lo lắng quá mức khiến cơ thể mệt mỏi.
  • Nhịn ăn ít nhất 6 tiếng đồng hồ trước phẫu thuật và dừng uống nước 2 tiếng trước khi vào mổ.

Lưu ý sau phẫu thuật

  • Đảm bảo vết mổ khô, sạch: Người bệnh nên vệ sinh vùng phẫu thuật bằng nước muối sinh lý.
  • Tránh va đập, cọ sát bảo vệ vùng phẫu thuật trước những tác động gây tổn thương vết mổ.
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
  • Vận động nhẹ nhàng tránh quá sức gây ảnh hưởng đến vết mổ.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Phẫu thuật rốn lồi là một tiểu phẫu không quá phức tạp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp các rủi ro không mong muốn. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ này, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ trước và trong khi phẫu thuật các bạn nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin