Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Phẫu thuật sửa van tim hai lá và phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn

Ngày 21/01/2024
Kích thước chữ

Phẫu thuật sửa van tim hai lá có thể được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn. Đây là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả và tính thẩm mỹ cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh lý van hai lá.

Bệnh tim mạch là một nhóm bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như cuộc sống của bệnh nhân, trong đó có bệnh van tim hai lá. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Trong đó, phẫu thuật sửa van tim hai lá là phương pháp mang lại hiệu quả tốt và được nhiều bác sĩ hướng đến.

Bệnh van tim hai lá là gì?

Van tim đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động bơm máu của tim, bởi van tim đóng mở nhẹ nhàng để giúp cho máu lưu thông nhịp nhàng theo một chiều nhất định. Do vậy, khi van tim xảy ra vấn đề trong hoạt động sẽ gây ra các tác động không hề nhỏ đến sức khoẻ của người bệnh.

Bệnh van hai lá có thể do hở hoặc hẹp van tim. Bệnh nhân bị hở van tim hai lá sẽ được chỉ định phẫu thuật trọng trường hợp hở van hai lá nặng. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở và có thể thấy chức năng của tim bị suy giảm thông qua siêu âm tim. Hở van tim hai lá không có triệu chứng cũng không làm suy giảm chức năng của tim, tuy nhiên khi có rung nhĩ hoặc tăng áp lực động mạch phổi cũng cần có chỉ định phẫu thuật.

Hẹp van hai lá là tình trạng diện tích lỗ van hai lá nhỏ lại, khiến cho máu từ nhĩ trái đi xuống thất trái gặp khó khăn. Ở người Việt Nam, phần lớn nguyên nhân gây hẹp van hai lá là do bệnh thấp tim có từ trước. Khi diện tích của lỗ van bị thu nhỏ lại, nhĩ trái bị giãn, áp lực động mạch phổi tăng cao hoặc gây ra biến chứng huyết khối và rung nhĩ thì người bệnh cần được chỉ định sửa van tim hai lá hoặc thay van hai lá.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật van hai lá là mổ thay van hai lá và mổ sửa van hai lá. Phương pháp được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào tổn thương cụ thể của van và được thực hiện qua đường phẫu thuật giữa xương ức truyền thống hoặc qua đường phẫu thuật ít xâm lấn nhờ sự hỗ trợ của máy nội soi.

Phẫu thuật sửa van tim hai lá và phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn 1
Bệnh van tim hai lá là tình trạng hở hoặc hẹp van tim

Phẫu thuật sửa van tim hai lá ít xâm lấn

Trong trường hợp người bệnh bị hở van hai lá được phát hiện sớm thì họ vẫn có thể quay lại cuộc sống bình thường với một chế độ sử dụng thuốc hợp lý và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Nếu mức độ tổn thương của van tim hai lá nặng nhưng chưa phải là quá nhiều, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành phẫu thuật sửa van tim hai lá nhằm giảm tình trạng hở hoặc hẹp van tim.

Đối với trường hợp van tim hai lá bị hẹp do dính các mép van thì có thể giải quyết bằng biện pháp cắt và sửa các mép van tim bị dính.

Tuỳ thuộc vào cơ chế gây ra tình trạng hở van hai lá, bác sĩ sẽ đưa ra cách sửa chữa khác nhau nhằm thu hẹp đường kính của vòng van và giúp các lá van khép kín lại với nhau.

Thực hiện phẫu thuật hở van tim hai lá ít xâm lấn nhằm mục đích sửa van hai lá để giúp cho tổ chức van hai lá tự nhiên của bệnh nhân được bảo tồn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể các nguy cơ về vấn đề tác dụng phụ của thuốc chống đông hoặc nhiễm trùng sau mổ.

Phẫu thuật sửa van tim hai lá và phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn 2
Phẫu thuật sửa van tim hai lá giúp bảo tồn tổ chức tự nhiên của van hai lá

Phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn

Nếu phương pháp phẫu thuật sửa van tim hai lá không phù hợp với tổn thương của van tim, bác sĩ cần phải thực hiện phẫu thuật thay van tim hai lá.

Thông thường, có hai loại van được sử dụng để thay thế, bao gồm:

  • Sử dụng van sinh học: Đây là một loại van được tìm thấy từ van tim của động vật sau khi đã xử lý loại bỏ các thành phần gây ra tình trạng thải ghép hoặc sửa lại một phần. Van tim động vật sẽ được đặt lên một khung đỡ bằng nhựa hoặc bằng kim loại để đặt vào cơ thể. Bởi, van sinh học được làm từ vật liệu sinh học có tính chất tương tự mô người. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ không phải dùng thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật và và cũng không cần sử dụng thuốc chống đông lâu dài. Tuỳ thuộc vào từng người bệnh, tuổi thọ trung bình của van sinh học là từ 8 - 10 năm.
  • Sử dụng van cơ học: Đây là một loại van tim nhân tạo được làm từ các vật liệu như carbon, kim loại, chất dẻo và ceramic. Van nhân tạo được làm từ những vật liệu này đều có tuổi thọ cao hơn van sinh học. Tuy nhiên, van cơ học chất liệu kim loại có thể gây hoạt hoá cho quá trình đông máu và khiến các huyết khối được hình thành bám vào van tim, từ đó gây ra tình trạng kẹt tắc van tim. Đối với người bệnh thay van cơ học thì cần phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để duy trì ổn định mức độ đông máu phù hợp và tránh làm huyết khối gây tắc nghẽn cánh van.
Phẫu thuật sửa van tim hai lá và phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn 3
Có thể dùng van sinh học để thay thế cho van tim hai lá bị tổn thương

Một số lưu ý cần biết sau phẫu thuật sửa hoặc thay van tim hai lá ít xâm lấn

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật sửa hoặc thay van tim hai lá ít xâm lấn có thể kể đến như:

  • Tính thẩm mỹ cao do vết sẹo phẫu thuật nhỏ và được giấu kín ở các nếp gấp tự nhiên trong cơ thể.
  • Thời gian để phục hồi sức khoẻ sẽ ngắn hơn so với phương pháp phẫu thuật khác.
  • Thời gian nằm lại viện theo dõi ngắn hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Không nên mang vác đồ nặng hoặc làm việc nặng nhọc trong vòng 6 - 8 tuần sau phẫu thuật để nhằm tránh gây áp lực lên vết mổ.
  • Luôn giữ tinh thần được thoải mái, vận động hoặc làm việc nhẹ nhàng cho đến khi sức khoẻ được phục hồi hoàn toàn.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và không sử dụng cafein hoặc các chất kích thích.
  • Xây dựng và thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
  • Thực hiện chế độ tập thể dục đều đặn, thường xuyên và vừa sức.
  • Kiểm soát tốt các vấn đề về huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu.
  • Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc.
  • Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Phẫu thuật sửa van tim hai lá và phẫu thuật thay van tim hai lá ít xâm lấn 4
Người bệnh cần ngủ đủ giấc sau phẫu thuật sửa hoặc thay van tim hai lá

Biện pháp phòng ngừa bệnh van tim hai lá

Hở hoặc hẹp van tim hai lá có nguy hiểm hay không đều phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của người bệnh. Duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh van tim hai lá nói chung. Do đó, để phòng ngừa bệnh van tim hai lá, bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây, cụ thể là:

  • Theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên và duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg đối với người dưới 65 tuổi hoặc dưới 140/90 mmHg đối với người trên 65 tuổi.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như thiền, yoga, đi bộ, thái cực quyền và hạn chế làm những công việc nặng nhọc.
  • Duy trì việc tiêm phòng vacxin phòng cúm và viêm phổi phế cầu đều đặn hàng năm.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường sống luôn được sạch sẽ, khám và vệ sinh răng miệng định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để tránh tình trạng viêm nội tâm mạc.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, bao gồm rau củ quả, thực phẩm giàu chất xơ, ít muối, ít đường và ít chất béo.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để có thể theo dõi tiến triển cũng như phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tật.

Tóm lại, bệnh lý van tim hai lá nói chung gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh. Trong đó, phẫu thuật sửa van tim hai lá hoặc thay van tim hai lá ít xâm lấn có nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị bệnh về van tim hai lá.

Xem thêm: Chi phí mổ hở van tim 2 lá hiện nay khoảng bao nhiêu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin