Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hở van tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hở van tim là tình trạng các van tim không đóng kín lại được, điều này khiến dòng máu rò rỉ, trào ngược trở lại buồng tim mỗi lần tim co bóp đồng thời cản trở quá trình lưu thông máu. Do đó, để bù đắp khối lượng máu bị thiếu do trào ngược tim cần phải làm việc nhiều hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hở van tim là gì?

Hở van tim là tình trạng các van tim không đóng kín lại được, điều này khiến dòng máu rò rỉ, trào ngược trở lại buồng tim mỗi lần tim co bóp đồng thời cản trở quá trình lưu thông máu. Do đó, để bù đắp khối lượng máu bị thiếu do trào ngược tim cần phải làm việc nhiều hơn.

Tương ứng với các loại van tim (van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi), hở van tim được chia thành:

Bên cạnh đó, tùy theo mức độ hở của van tim, bệnh lý này được phân thành 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1/4: Van hở nhẹ;
  • Cấp độ 2/4: Van hở trung bình;
  • Cấp độ 3/4: Van hở nặng;
  • Cấp độ 4/4: Là mức độ hở van tim rất nặng, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe của người bệnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van tim

Các triệu chứng của hở van tim sẽ khác nhau, tùy thuộc vào van tim mà bạn bị ảnh hưởng:

Hở van ba lá

Thường xảy ra do phì đại tâm thất phải, nhưng có thể phát triển để đáp ứng với các vấn đề khác của tim.

Các biểu hiện lâm sàng của hở van ba lá ở người bệnh là các triệu chứng của suy tim phải, bao gồm:

  • Gan to;
  • Lách to;
  • Cổ trướng;
  • Phù ngoại biên.

Trong trường hợp nặng, có thể ghi nhận nhịp đập ở cổ do các tĩnh mạch cổ bị căng và đập. Tùy vào nguyên nhân dẫn đến hở van ba lá mà triệu chứng biểu hiện sẽ khác nhau. Ví dụ như với tăng áp động mạch phổi sẽ gây ra các tình trạng suy nhược, khó thở và không dung nạp thể lực. Hoặc người bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể biểu hiện sốt.

Hở van động mạch phổi

Đây là tình trạng hiếm gặp, thường gặp do kết quả của các vấn đề khác như tăng áp phổi.

Hầu hết người bệnh hở van động mạch phổi đều không có triệu chứng. Những người có triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện khó thở khi gắng sức, suy giảm dần khả năng chịu đựng khi tập thể dục. Nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng của suy tim phải.

Hở van hai lá

Là hiện tượng máu chảy ngược qua van hai lá (từ tâm thất trái lên nhĩ trái) khi tâm thất co lại.

Triệu chứng của hở van hai lá được chia làm hai loại chính, triệu chứng của hở van và triệu chứng của nguyên nhân dẫn đến hở van hai lá.

Trong tình trạng hở van hai lá cấp tính, người bệnh có thể phàn nàn về tình trạng khó thở đáng kể, ngay cả khi nghỉ ngơi, trầm trọng hơn khi nằm ngửa, kèm ho có đờm hoặc bọt hồng. Các triệu chứng thiếu máu cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng liên quan có thể được ghi nhận.

Hở van hai lá mạn tính bình thường sẽ không có triệu chứng cho đến cuối đợt điều trị. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Khó thở khi gắng sức;
  • Khó thở khi nằm;
  • Khó thở kịch phát về đêm;
  • Tăng cân;
  • Tăng huyết áp;
  • Âm thổi tâm thu toàn bộ;
  • Ngất;
  • Tím tái;
  • Ngón tay dùi trống;
  • Gan to;
  • Cổ trướng;
  • Tràn dịch màng phổi hoặc màng tim.

Hở van động mạch chủ

Có thể xuất phát từ các bệnh lý tim bẩm sinh, biến chứng do nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân hiếm gặp khác.

Các triệu chứng của hở van động mạch chủ phát triển dần dần, đôi khi qua nhiều thập kỷ. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Khó thở khi gắng sức;
  • Khó thở khi nằm;
  • Khó thở kịch phát về đêm;
  • Đau thắt ngực;
  • Đánh trống ngực và đau đầu.
benhho-van-tim.html 4.png
Ngón tay dùi trống có thể là triệu chứng của hở van hai lá mạn tính

Biến chứng có thể gặp khi mắc hở van tim

Biến chứng có sự khác biệt giữa các loại hở van tim. Nhìn chung, khi hở van tim tiến triển, có thể gây ảnh hưởng đến huyết động và chức năng của tim, như:

  • Hở van ba lá: Xơ gan, cổ trướng, sự hình thành huyết khối.
  • Hở van động mạch phổi: Rối loạn nhịp thất, suy tim do rối loạn chức năng tâm thất tiến triển, đột tử do tim.
  • Hở van hai lá: Suy tim và các triệu chứng liên quan, rung nhĩ, đột quỵ do rối loạn nhịp, tăng áp động mạch phổi, tim bị giãn và các bệnh cơ tim.
  • Hở van động mạch chủ: Rối loạn chức năng tâm thu, suy tim sung huyết, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp tim, đột tử.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào của hở van tim, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Đặc biệt, hãy chú ý khi bạn gặp các triệu chứng cần phải tìm sự giúp đỡ khẩn cấp của hệ thống y tế như:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực một cách đột ngột và không biến mất;
  • Cơn đau lan lên cổ, hàm, cánh tay phải hoặc trái;
  • Vã mồ hôi hay choáng váng;
  • Phù bàn chân, mắt cá hay cổ chân;
  • Tăng cân trong thời gian ngắn;
  • Các dấu hiệu của đột quỵ (biến chứng của hở van hai lá dẫn đến đột quỵ do rối loạn nhịp);
  • Hụt hơi;
  • Tim đập nhanh;
  • Ngất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hở van tim

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hở van tim, có thể bao gồm:

Hở van ba lá

Được chia làm hai nhóm nguyên nhân thứ phát và nguyên phát.

Các nguyên nhân dẫn đến hở van ba lá thứ phát bao gồm:

  • Suy tim trái;
  • Hẹp hoặc hở van hai lá;
  • Các bệnh phổi nguyên phát như thuyên tắc phổi, tăng áp phổi;
  • Hẹp van động mạch phổi;
  • Cường giáp.

Ở thanh thiếu niên, nguyên nhân nguyên phát gây hở van ba lá thường là do bẩm sinh, tuy nhiên ở người lớn, các tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến van ba lá là rất hiếm. Các nguyên nhân nguyên phát có thể gồm:

  • Tổn thương van do các thủ thuật ở tim;
  • Chấn thương thành ngực;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng;
  • Dị tật Ebstein;
  • Bệnh van thấp khớp;
  • Hội chứng Carcinoid;
  • Thoái hóa u nhầy;
  • Rối loạn mô liên kết như hội chứng Marfan;
  • Nguyên nhân do thuốc.

Hở van động mạch phổi

Hở van động mạch phổi sinh lý có thể phát hiện tình cờ trên siêu âm tim. Phẫu thuật cắt van và nong van bằng bóng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây hở van động mạch phổi do điều trị và hở van động mạch phổi bệnh lý nói chung. 

Những điều này xảy ra ở người bệnh được điều trị phẫu thuật như sửa chữa tứ chứng Fallot. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gồm:

  • Tăng áp phổi;
  • Bệnh carcinoid;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng;
  • Thấp khớp;
  • Hở van động mạch phổi bẩm sinh.

Hở van hai lá

Các nguyên nhân dẫn đến hở van hai lá bao gồm:

  • Thoái hóa van;
  • Bẩm sinh;
  • Các bệnh lý nhiễm trùng, thấp khớp;
  • Đứt cơ nhú;
  • Thiếu máu cục bộ cơ nhú;
  • Suy tim sung huyết;
  • Rung nhĩ;
  • Bệnh cơ tim phì đại.

Hở van động mạch chủ

Các nguyên nhân gây hở van động mạch chủ bao gồm:

  • Bệnh lý van tim nguyên phát: Có thể do bẩm sinh, viêm nội tâm mạch nhiễm trùng, bệnh thấp khớp, do biến chứng của thủ thuật lên tim hoặc do chấn thương.
  • Bệnh lý động mạch chủ: Như sự giãn nở của động mạch chủ dẫn đến tách rời các lá van dẫn đến hở van động mạch chủ. Những thay đổi này có thể liên quan đến tuổi tác, một số rối loạn viêm ảnh hưởng đến giãn gốc động mạch chủ như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm loét đại tràng.
benhho-van-tim.html 5.png
Hở van ba lá có thể xảy ra do các thủ thuật ở tim gây tổn thương van

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hở van tim?

Mặc dù ai cũng có thể mắc hở van tim, tuy nhiên các đối tượng có thể có sự khác biệt ở mỗi loại hở van khác nhau.

Ví dụ như hở van động mạch chủ dường như ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn, và tỷ lệ mắc tăng theo tuổi, đặc biệt sau 50 tuổi.

Hở van động mạch phổi thường gặp ở trẻ vị thành niên và được xem là lành tính. Đặc biệt ở các đối tượng có sửa chữa tứ chứng Fallot, cần theo dõi tình trạng hở van động mạch phổi từ 1 đến 21 năm sau sửa chữa.

Hở van ba lá, theo nghiên cứu dịch tễ học tại Mỹ, không có sự khác biệt về chủng tộc, giới tính được ghi nhận.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hở van tim

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến hở van tim nói chung bao gồm:

  • Tuổi tác;
  • Tiền sử gia đình;
  • Thói quen sinh hoạt;
  • Các thiết bị y tế ở tim;
  • Các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn tự miễn như lupus;
  • Giới tính, ví dụ như nam giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh van tim hơn nữ giới.
benhho-van-tim.html 6.png
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch nói chung bao gồm hở van tim

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hở van tim

Bên cạnh việc hỏi triệu chứng, tiền căn bệnh lý của bạn cũng như của gia đình bạn. Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám tổng quát cũng như khám tim một cách kỹ lưỡng. Nếu có nghi ngờ mắc hở van tim, bác sĩ có thể đề nghị các cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán xác định, bao gồm:

  • Siêu âm tim: Được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá mức độ hở van tim, xác định lưu lượng và tốc độ của dòng máu bị trào ngược.
  • X-quang ngực thẳng: Phát hiện các bất thường liên quan như tim to, tràn dịch màng phổi, hình ảnh của tăng áp phổi.
  • Điện tâm đồ: Điện tâm đồ được thực hiện có thể đánh giá được các tình trạng rối loạn nhịp, phì đại thất trái hay thất phải, hoặc phát hiện thiếu máu cơ tim.
  • Xét nghiệm máu: Có thể thực hiện để đánh giá chức năng gan kèm theo, đánh giá các nguyên nhân nhiễm trùng, thử nghiệm các dấu ấn sinh học để đánh giá suy tim.
  • Đặt ống thông tim: Có thể giúp ghi nhận áp lực cuối tâm trương trong hở van ba lá.
  • MRI tim: Đôi khi được thực hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng của hở van như hở van hai lá.
  • Đặt ống thông tim: Có thể có vai trò trong đánh giá hở van tim như hở van hai lá hay hở van ba lá, hở van động mạch chủ.

Phương pháp điều trị hở van tim

Điều trị hở van tim tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ của hở van tim.

  • Hở van ba lá: Việc ưu tiên điều trị phụ thuộc vào mức độ của hở van ba lá, nguyên nhân và sự hiện diện của các bất thường liên quan như tăng áp phổi, suy tim. Quản lý hở van ba lá gồm điều trị nội khoa, tư vấn về thai kỳ và hoạt động thể chất, cân nhắc phẫu thuật van ba lá, đánh giá và điều trị nguyên nhân cơ bản.
  • Hở van động mạch phổi: Nguyên nhân phổ biến nhất là sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot, do đó những người này cần được theo dõi và siêu âm tim hằng năm để phát hiện sớm hở van động mạch phổi. Bên cạnh đó, tất cả người bệnh mắc hở van động mạch chủ có triệu chứng đều cần phẫu thuật để thay van. Điều trị nội khoa chỉ được khuyến nghị nếu nguyên nhân là do thứ phát sau một bệnh lý khác như tăng áp phổi.
  • Hở van hai lá: Quản lý dựa trên điều trị nội khoa và phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, mạn tính, bệnh lý kèm và nguyên nhân.
  • Hở van động mạch chủ: Đối với trường hợp cấp tính nặng cần được phẫu thuật cấp cứu, một số thuốc có thể sử dụng để giảm hậu tải, tăng co bóp cơ tim. Với hở van động mạch chủ mạn tính, điều trị gồm theo dõi đối với trường hợp nhẹ hay trung bình, điều trị nội khoa trong một số trường hợp. Đồng thời ở giai đoạn mạn tính, hở van động mạch chủ được chia là ba giai đoạn A, B, C và sẽ được điều trị tương ứng với từng giai đoạn.
benhho-van-tim.html 7.png
Điện tâm đồ giúp hỗ trợ đánh giá các tình trạng liên quan đến hở van tim

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hở van tim

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của hở van tim, điều quan trọng là bạn cần tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để theo dõi diễn tiến bệnh:

  • Tích cực tham gia vào việc điều chỉnh lối sống như kiểm soát huyết áp, theo dõi bệnh và triệu chứng bệnh.
  • Tự theo dõi các triệu chứng của bản thân để tái khám khi cần thiết.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện phù hợp, tùy thuộc và loại hở van và mức độ nghiêm trọng của hở van tim mà bạn mắc phải.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho tim mạch là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe của bạn. Bạn nên hạn chế rượu bia, hạn chế các chất béo không lành mạnh. Thay vào đó là sử dụng các loại rau củ quả có nhiều chất xơ, chất béo và đạm từ cá để cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung.

Phương pháp phòng ngừa hở van tim hiệu quả

Không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được hở van tim, ví dụ như hở van do thoái hóa, hơ van do các bệnh lý tự miễn hay các nguyên nhân bẩm sinh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của CDC, để hạn chế nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch nói chung, bao gồm:

  • Hạn chế uống rượu (nếu có thể);
  • Ăn các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao;
  • Tập thể dục thường xuyên (theo hướng dẫn của bác sĩ);
  • Tuân thủ trong việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
  • Theo dõi huyết áp.
Nguồn tham khảo
  1. Mitral Regurgitation: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK553135/
  2. Pulmonary Regurgitation: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557564/
  3. Heart Valve Problems and Causes: https://www.heart.org/en/health-topics/heart-valve-problems-and-disease/heart-valve-problems-and-causes
  4. What Are Heart Valve Diseases?: https://www.nhlbi.nih.gov/health/heart-valve-diseases
  5. Problem: Heart Valve Regurgitation: https://www.heart.org/en/health-topics/heart-valve-problems-and-disease/heart-valve-problems-and-causes/problem-heart-valve-regurgitation

Các bệnh liên quan

  1. Viêm bàng quang cấp

  2. Bệnh xương hóa đá

  3. U nguyên bào thận

  4. Liệt dây thần kinh số 7

  5. bệnh tim thiếu máu cục bộ

  6. Moyamoya

  7. U sao bào

  8. U nguyên bào thần kinh đệm

  9. Viêm đầu xương gót

  10. Giãn tĩnh mạch thừng tinh