Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì?

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Thuốc chống đông máu là loại thuốc được dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh lý do cục máu đông gây ra. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần nắm rõ những lưu ý mà nhà sản xuất đã đề cập đến trong quá trình sử dụng thuốc, đặc biệt là các tác dụng phụ của thuốc chống đông máu có thể xảy ra.

Thuốc chống đông máu được bác sĩ kê toa cho người bệnh nhằm ngăn ngừa hình thành huyết khối trong tim và trong lòng mạch máu. Từ đó giúp ngăn chặn những biến cố nguy hiểm như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, giống như những loại thuốc khác, thuốc chống đông máu cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vậy tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì? Cần lưu ý những gì khi sử dụng loại thuốc này?

Các loại thuốc chống đông máu

Hiện nay, trên thị trường có 3 nhóm thuốc chống đông máu chính được sử dụng trong điều trị cũng như phòng ngừa các bệnh lý do tình trạng đông máu gây ra. Cụ thể là:

Heparin

Nhóm thuốc Heparin gồm có 2 loại, đó là:

  • Heparin thường: Có trọng lượng phân tử trung bình từ 12000 - 15000.
  • Heparin trọng lượng phân tử thấp: Có trọng lượng trung bình dưới 5000.

Heparin không hấp thu được qua đường uống và dễ bị phân hủy ở đường tiêu hóa. Chính vì thế, thuốc được dùng theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch và không tiêm bắp.

Heparin có tác dụng giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông cả bên trong và bên ngoài cơ thể một cách nhanh chóng. Tác dụng của thuốc sẽ tùy thuộc vào độ dài của chuỗi Polysaccharide, nghĩa là phụ thuộc vào trọng lượng phân tử Heparin.

Heparin được sử dụng để điều trị và phòng ngừa các bệnh lý do huyết khối như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, chạy thận nhân tạo và kết hợp trong điều trị hội chứng mạch vành cấp.

Những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì? 1
Heparin là thuốc chống đông máu được dùng theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch

Thuốc kháng vitamin K

Thuốc kháng vitamin K có nguồn gốc là chất chống đông máu tổng hợp từ dẫn xuất của Indandion (Previscan, Pidione) và Coumarin (Sintrom, Coumadin).

Đây là nhóm thuốc chống đông máu được sử dụng theo đường uống và hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa nhưng lại tác động chậm (sau uống khoảng 2 - 5 ngày).

Thuốc kháng vitamin K có cấu trúc gần giống vitamin K nên sẽ gây cản trở trong quá trình khử vitamin K thành vitamin K ở tế bào gan - là một chất cần thiết trong việc tổng hợp các yếu tố đông máu.

Do đó, thuốc kháng vitamin K được dùng trong điều trị kháng đông máu kéo dài sau quá trình điều trị bằng Heparin bằng cách khử vitamin K trong tế bào gan.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng theo đường uống, có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành các nút chặn tiểu cầu, từ đó giúp chống đông máu từ giai đoạn cầm máu sơ cấp.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu được chia thành 5 nhóm chính được sử dụng trên lâm sàng như sau:

  • Aspirin: Đây là một loại thuốc kinh điển với tác dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, Aspirin đang được dùng như một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu với liều lượng thấp (100mg/ngày).
  • Clopidogrel (Plavix): Đây là dẫn xuất Thienopyridine được chứng minh có hiệu quả và độ cao an toàn trên số lượng lớn bệnh nhân trong việc phòng ngừa các biến cố của tình trạng huyết khối ở động mạch.
  • Ticlopidine (Ticlid): Loại thuốc này có cấu trúc hóa học tương tự với Clopidogrel nên có sự tương đồng về mặt cơ chế hoạt động giống như Clopidogrel. Hiệu quả điều trị của hai loại thuốc này là tương tự nhau. Tuy nhiên, Ticlopidine có độ an toàn thấp hơn so với Clopidogrel vì tỷ lệ bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ là giảm bạch cầu hạt cao tới 3,2% trong khi đó ở Clopidogrel chỉ là 0,15% và Aspirin là 0,21%.
  • Dipyridamole (Aggrenox, Persantine): Thuốc này có cơ chế tác dụng chưa rõ ràng và thường được sử dụng phối hợp với thuốc Aspirin.
  • Triflusal (Disgren): Đây là một hoạt chất thuộc vào nhóm Salicylat có cấu trúc hóa học gần giống với Aspirin. Loại thuốc này có tác dụng chọn lọc trên Cyclooxygenase của tiểu cầu, dẫn đến ức chế sự hình thành Thromboxan A2 - là một chất gây kết tập tiểu cầu rất mạnh. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Triflusal có hiệu quả tương đương với Aspirin trong việc phòng ngừa các biến cố xảy ra do huyết khối động mạch, từ đó làm giảm tỷ lệ bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ chảy máu xuống thấp hơn.

Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng thuốc chống cục máu đông được sử dụng để điều trị ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, hội chứng mạch vành cấp. Từ đó giúp phòng ngừa dài hạn những biến cố có thể xảy ra do cục máu đông trong động mạch gây ra.

Những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì? 2
Thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng điều trị ở bệnh nhân bị đột quỵ

Các tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì?

Thuốc chống đông máu có tác dụng điều trị và phòng ngừa hình thành huyết khối trong lòng mạch máu. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh. Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc chống đông máu mà người bệnh cần nắm rõ khi sử dụng trong điều trị, cụ thể là:

  • Bầm tím dưới da;
  • Chảy máu cam;
  • Chảy máu chân răng;
  • Phân có màu nâu, đen;
  • Nước tiểu có màu đỏ, hồng;
  • Đau bụng và nôn kèm theo máu;
  • Bị rong huyết hoặc rong kinh;
  • Xuất huyết não hoặc xuất huyết nội tạng và có thể dẫn đến tử vong.

Trong quá trình dùng thuốc chống cục máu đông, nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc đưa đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.

Những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì? 3
Chảy máu chân răng là một tác dụng phụ của thuốc chống đông máu

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc chống đông máu?

Ngoài các tác dụng phụ của thuốc chống đông máu có thể xảy ra đã được nêu ở trên, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số thông tin khi sử dụng thuốc chống đông máu, cụ thể như sau:

  • Uống thuốc đúng liều lượng chỉ định và liên tục vào khoảng thời gian cố định trong ngày.
  • Người bệnh không được tự ý ngưng dùng thuốc đột ngột mà chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Nếu quên uống thuốc chống đông máu trong vòng 8 giờ thì người bệnh có thể uống lại liều đã quên. Ngược lại, nếu quá 8 giờ thì cần bỏ liều thuốc đã quên và không được uống liều gấp đôi để bù ở liều tiếp theo.
  • Tái khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khi khám chữa bệnh, thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật thì cần phải báo cho bác sĩ điều trị biết về tình trạng sử dụng thuốc chống đông máu của bản thân.
  • Không tự ý mua và uống thuốc chống đông máu bởi loại thuốc này có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác.
  • Trong quá trình dùng thuốc chống đông, phụ nữ cần tránh mang thai. Nếu có dự định mang thai hoặc muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người bệnh cần trao đổi với bác sĩ.
  • Người bệnh cũng nên hạn chế uống rượu bia rượu và những loại thực phẩm giàu vitamin K trong quá trình sử dụng thuốc, bởi thuốc chống đông máu kháng lại vitamin K.
Những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là gì? 4
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin K trong quá trình dùng thuốc chống đông máu

Tóm lại, thuốc chống đông máu là loại thuốc có tác dụng giúp chống lại sự hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được các tác dụng phụ của thuốc chống đông máu cũng như những lưu ý cần biết khi sử dụng loại thuốc này để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin