Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam: Thực trạng đáng báo động

Ngày 11/02/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mặc dù không trực tiếp hút thuốc nhưng nếu thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá bạn cũng mắc các bệnh tương tự như người hút thuốc. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Khói thuốc thụ động cũng chứa hàng nghìn các hóa chất, độc hại tương tự như khói thuốc vào cơ thể khi bạn hút trực tiếp. Dù ở Việt Nam, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã có những quy định cụ thể các chế tài nhưng tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng đến nay vẫn phổ biến hay ảnh hưởng không nhỏ cho những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. 

Hút thuốc lá thụ động là gì?

Hút thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp đối với người sử dụng mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh bởi những tác hại của nó không hề nhỏ.

Quá trình hút thuốc sẽ sản sinh ra ba loại khói thuốc khác nhau, gồm khói thuốc chính (trực tiếp được thả ra từ thuốc lá đang cháy); khói thuốc tỏa từ khói thuốc chính (loại khói thuốc sau khi hút sẽ thải ra) và khói thuốc phụ (khói thuốc bốc ra từ điếu thuốc sắp tàn).

Khói thuốc thụ động (SHS) là sản phẩm của sự kết hợp giữa khói thuốc chính và khói thuốc phụ. Người ta còn gọi khói thuốc thụ động là khói thuốc trong tự nhiên (ETS). Hút thuốc bị động chính là đề cập đến việc hít phải khói thuốc trong tự nhiên này.

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam: Thực trạng đáng báo động 1 Hút thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp đối với người sử dụng mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Những người không trực tiếp hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ không khí do người hút thuốc phả ra chính là nhóm đối tượng hút thuốc lá bị động trong một “môi trường có khói thuốc lá”.

Rất nhiều người cho rằng, chỉ người trực tiếp sử dụng thuốc lá mới bị ảnh hưởng bởi các tác hại của khói thuốc lá. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Cho dù là người hút thuốc lá thụ động thì tác hại mà họ nhận lấy còn trầm trọng hơn rất nhiều lần so với việc hút thuốc lá trực tiếp. Vì sao lại như vậy? Bởi khi họ hít phải khói thuốc do người hút thuốc phả ra thì khói thuốc lúc đó chưa qua đầu lọc, một khi đi trực tiếp vào cơ thể con người sẽ gây ra nhiều căn bệnh rất nguy hiểm. Về lâu dài, những bệnh lý có liên quan đến hít khói thuốc lá thụ động sẽ xuất hiện, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Chúng ta đều biết trong thuốc lá chứa rất nhiều thành phần độc hại, điển hình là chất nicotine - một chất gây nghiện tương tự heroin và cocain đang ngấm ngầm tàn phá sức khỏe của con người.

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam: Thực trạng đáng báo động 2 Tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch hay thậm chí ung thư.

Chính vì vậy, những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao mắc phải các bệnh về hô hấp, tim mạch, hay thậm chí là những bệnh lý ung thư.

Chưa kể, trẻ em nếu hút thuốc thụ động từ những người hút thuốc trong nhà sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu cả cha mẹ chúng đều là người hút thuốc thì hậu quả không cần nói chúng ta cũng biết sẽ tồi tệ như thế nào.

Nơi nào dễ bị hít phải khói thuốc?

Ngày nay, rất khó để tránh bị hít phải khói thuốc lá thụ động khi số người hút thuốc luôn chiếm con số cao và bản thân người hút cũng không có ý thức giữ gìn cho những người xung quanh họ. Một số nơi sau đây bạn sẽ dễ bị hút thuốc lá thụ động:

Nơi làm việc

Hút thuốc lá tại nơi làm việc không hề hiếm gặp nên việc bạn hít phải khói thuốc lá ở nơi này rất phổ biến. Nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi cũng tăng lên bởi việc hút thuốc lá thụ động ở nơi làm việc. 

Biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn nhân viên, đồng nghiệp hút thuốc lá chính là đưa ra quy định cấm hút thuốc ở nơi làm việc. Nhiều công ty, doanh nghiệp có bố trí một nơi để hút thuốc lá nhưng nên nhớ cho dù có biện pháp ngăn cách người không hút thuốc và người hút thuốc thế nào, cho dù có làm sạch không khí và hệ thống thông gió thế nào cũng không thể ngăn chặn được khói thuốc lá trong không khí nếu mọi người vẫn hút thuốc bên trong nơi làm việc. 

Đừng nghĩ việc cấm hút thuốc chỉ đơn thuần bảo vệ những người không hút thuốc lá đâu nhé. Việc này còn giúp cho những người hút thuốc từ hạn chế hút, dần dần cai được thuốc lá một cách dễ dàng.

Nơi công cộng

Một số nơi khác không thể tránh khỏi việc nhiều người phải hút thuốc lá bị động đó chính là nhà hàng, trung tâm thương mại, phương tiện công cộng, công viên,… Với những trường hợp này, để tránh nguy cơ hít phải khói thuốc lá, tốt nhất là bạn nên ưu tiên đến những nhà hàng/nơi kinh doanh không cho hút thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đặc là trẻ em. 

Ở nhà

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam: Thực trạng đáng báo động 3 Hút thuốc tại gia sẽ gây hại trực tiếp đến các thành viên trong gia đình của bạn.

Nhiều gia đình có người nghiện hút thuốc lá sẽ ngày ngày đối mặt với nguy cơ bệnh lý sức khỏe rất cao. Khói thuốc lá tại gia gây hại trực tiếp đến các thành viên trong gia đình, là những người thân yêu của bạn. Do đó, không hút thuốc/ hạn chế hút khi ở nhà là rất quan trọng nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe mọi người xung quanh và cả bản thân bạn nữa. Bất kì thành viên nào trong gia đình nếu thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá bị động cũng có thể có những vấn đề về sức khỏe liên quan khói thuốc lá.

Đặc biệt, trẻ đang tuổi phát triển thường là rất nhạy cảm với những chất độc hại có trong khói thuốc. Hút thuốc lá thụ động lâu ngày chúng sẽ mắc bệnh hen suyễn, nhiễm độc phổi và tai hơn những đứa trẻ khác. Thậm chí còn đối mặt với một số bệnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng nữa. 

Khi trẻ có biểu hiện bệnh sẽ tốn thời gian vào việc khám bệnh, chữa trị, nghỉ học, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập. Chưa kể, thậm chí cha mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ bị bệnh, tất cả những chi phí đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Báo động thực trạng phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động

Số liệu của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Vì vậy, theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), muốn hạn chế tình trạng này chúng ta cần siết chặt hơn nữa quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.

Theo bà Bà Trần Thị Trang, những năm qua, cùng với việc thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, từ 6 - 13%, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.

Như chúng ta đều biết, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong môi trường sống hiện đại ngày nay, đâu đâu cũng có thể có khói thuốc lá, nhất là không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Thống kế cho thấy, 80% phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, trong khi đó tỷ lệ này ở trẻ em là 50%.

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam: Thực trạng đáng báo động 4 Thuốc lá cũng là hiểm họa khôn lường đối với trẻ em.

Đã có rất nhiều cảnh báo về tác hại của khói thuốc lá gây ra cho con người chúng ta như: Đột quỵ, ung thư xoang mũi, ung thư vú, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Đáng nói hơn, thuốc lá cũng là hiểm họa khôn lường đối với trẻ em khiến chúng có nguy cơ gặp phải các bệnh như: Hen suyễn, ung thư hạch, các triệu chứng hô hấp giảm chức năng phổi, bệnh viêm tai giữa…

Mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% số ca tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Các nghiên cứu đã tiến hành tại châu Âu, Mỹ, Canada cho thấy môi trường không khói thuốc làm giảm trung bình 17% số ca nhồi máu cơ tim. Theo ước tính, nhờ quy định môi trường không khói thuốc mà toàn nước Mỹ đã tránh được 195.000 ca nhồi máu cơ tim mỗi năm.

Vì vậy, để giảm tình trạng phơi nhiễm khói thuốc lá đáng báo động hiện nay tại Việt Nam, chúng ta cần theo điều 8 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc lá, bởi không có một mức phơi nhiễm nào là an toàn. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc thực thi nói trên nên được thực hiện toàn diện, đồng bộ tại nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng… và cần có quy định bắt buộc bởi việc để tự nguyện sẽ không hiệu quả, có sự giám sát và đánh giá thực hiện.

Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam là một thực trạng đáng báo động. Khói thuốc lá không chỉ tàn phá cơ thể người hút, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ thì bố, mẹ và những thành viên trong gia đình nên ngừng ngay việc hút thuốc lá trong nhà. Hạn chế cho trẻ đến những chổ đông người, nhất là nơi có người hút thuốc lá. 

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm