Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả

Ngày 05/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng đa nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa thường gặp. Vậy người bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về biến chứng bệnh cũng như các biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả nhé!

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Tuy đây là bệnh lý phụ khoa nhưng có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể nếu không được điều trị, kiểm soát tốt.

Thông tin về hội chứng đa nang buồng trứng

Trước khi đến với câu hỏi “Người bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?”, hãy cùng điểm qua một số thông tin quan trọng nhé!

Hội chứng đa nang buồng trứng, hay còn được biết đến với tên tiếng Anh là Polycystic Ovarian Syndrome (PCOS), là một bệnh lý nội tiết phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng đến một phần không nhỏ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. PCOS được đánh giá chiếm tỉ lệ từ 5 - 7% trong số phụ nữ ở độ tuổi này cũng như là nguyên nhân gây vô sinh ở khoảng 75% trường hợp do không phóng noãn.

Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng mà còn có thể gây ra nhiều vấn đề khác trong cơ thể. Ví dụ, các biến đổi hormon như tăng cao hàm lượng androgen gây ra các triệu chứng như mụn trứng cá, tăng cân, rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt.

Mặc dù tên gọi của PCOS nhấn mạnh đến vấn đề của buồng trứng, thực tế đây là một vấn đề phức tạp hơn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Điều này gây ra thách thức trong việc chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh.

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả 1
Hội chứng đa nang buồng trứng là bệnh lý nội tiết phụ khoa thường gặp

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Vậy người bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Nếu hội chứng bệnh không được kiểm soát, điều trị tốt có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của người bệnh với những biến chứng lâu dài, tiến triển nặng dần như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch hay ung thư nội mạc tử cung.

Thừa cân, béo phì

Béo phì là một trong những vấn đề phổ biến ở phụ nữ mắc PCOS, ước tính khoảng 30 - 35% trong số người bệnh bị béo phì. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng béo phì đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của PCOS, cân nặng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Các nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện ra mối liên kết giữa việc tích tụ mỡ nhiều trong cơ thể với vấn đề sinh sản. Béo phì ảnh hưởng hai chiều đối với PCOS, vì phụ nữ mắc PCOS có xu hướng tăng cân cũng như béo phì có thể làm tăng tỷ lệ mắc PCOS.

Điều này tạo ra một vòng lặp tiêu cực, khi PCOS góp phần vào việc tăng cân, béo phì, ngược lại béo phì lại làm tăng nguy cơ, nghiêm trọng hóa các biến chứng của PCOS.

Chính vì vậy, kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp là một phần quan trọng trong quản lý PCOS. Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp việc tập luyện đều đặn giúp giảm cân, cải thiện các triệu chứng của PCOS. Ngoài ra, giảm cân cũng giúp cải thiện tiên lượng của bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến PCOS như tiểu đường và bệnh tim mạch.

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả 2
Người bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung

Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang đối diện với một nguy cơ cao hơn về việc phát triển ung thư nội mạc tử cung. Theo thông tin, nguy cơ này có thể tăng gấp 6 lần so với phụ nữ không mắc PCOS.

Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nội mạc tử cung được kích thích bởi các hormon như estrogen, khiến cho lớp niêm mạc này tăng sinh và dày lên. Tuy nhiên, trong trường hợp của PCOS, khi không có quá trình phóng noãn đều đặn, lớp niêm mạc không rụng, dẫn đến việc tiếp xúc với lượng estrogen cao hơn.

Điều này khiến cho nội mạc tử cung tăng sinh, phát triển dày hơn so với bình thường. Một lớp niêm mạc dày, không đều đặn tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển của các tế bào ung thư.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán cũng như quản lý PCOS không chỉ để kiểm soát các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều hay béo phì mà còn để giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng như ung thư nội mạc tử cung.

Bệnh tim mạch

Bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Theo các báo cáo từ các tổ chức khoa học, phụ nữ mắc PCOS có tỷ lệ gia tăng các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, béo phì và các yếu tố nguy cơ không phân loại như protein phản ứng C (CRP) và homocysteine.

Bởi vậy, việc quản lý PCOS không chỉ để kiểm soát các triệu chứng trực tiếp của bệnh mà còn để giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch. Việc theo dõi, điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tiểu đường cũng là bước cần được chú trọng trong việc quản lý tổng thể cho phụ nữ mắc PCOS.

Bệnh đái tháo đường

Nguyên nhân chính của bệnh đái tháo đường ở phụ nữ mắc PCOS thường là sự kháng insulin, một hiện tượng mà cơ thể của người bệnh kháng lại hormone điều hòa glucose máu của tuyến tụy, dẫn đến lượng glucose cao hơn cũng như sản xuất insulin nhiều hơn. Theo thời gian, sự tăng lượng glucose trong máu liên tục dễ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Các biện pháp điều trị như kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn và theo dõi định kỳ từ chuyên gia y tế sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ mắc PCOS.

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Buồng trứng đa nang không chỉ gây ra những ảnh hưởng lớn đối với chu kỳ kinh nguyệt, mà còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở phụ nữ. Rối loạn kinh nguyệt thường đi đôi với PCOS, điều này ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, từ đó gây khó khăn trong việc thụ thai.

Vô sinh là một biến chứng phổ biến của PCOS, được chứng minh bằng bằng chứng dịch tễ học. Ngoài ra, một số bệnh lý kèm theo của PCOS cũng đóng vai trò trong việc gây ra vô sinh như hiện tượng kháng insulin và béo phì.

Trong điều trị PCOS, việc kết hợp giữa thay đổi lối sống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống và tập luyện, cùng với các biện pháp điều trị y tế như sử dụng thuốc điều chỉnh hormon sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan như tiểu đường, bệnh tim mạch.

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả 3
PCOS thường kèm theo rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Biện pháp quản lý bệnh hiệu quả

Để quản lý hiệu quả bệnh buồng trứng đa nang cũng như giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng, có một số biện pháp quan trọng mà bạn có thể thực hiện, cụ thể:

  • Ăn uống đầy đủ, cân đối: Hạn chế thức ăn giàu tinh bột và đường, thay vào đó chú trọng vào thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên chưa qua chế biến. Giảm cân 5 - 10% trọng lượng cơ thể nếu cần thiết có thể giúp giảm triệu chứng, cải thiện chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tập thể dục đều đặn: Duy trì hoạt động thể chất giúp giảm cân cũng như kiểm soát tốt sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, vận động giúp mang lại lợi ích tinh thần bằng cách giảm căng thẳng, lo âu.
  • Theo dõi tình trạng bệnh cùng chuyên gia: Thảo luận với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng cá nhân. Một số phụ nữ có thể cần sử dụng thuốc để điều trị PCOS như thuốc tránh thai nội tiết hoặc các phương pháp khác như thuốc tiêm, dụng cụ tử cung để giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm triệu chứng bệnh.
  • Phương pháp tránh thai: Đối với những phụ nữ chưa muốn mang thai, việc sử dụng biện pháp tránh thai sẽ giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Hãy thảo luận với bác sĩ để chọn lựa phương pháp tránh thai phù hợp nhất cho bạn.
Phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả 4
Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi “Người bị đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?”. Mong bạn đọc đã có thông tin hữu ích về hội chứng này. Quản lý buồng trứng đa nang yêu cầu sự kết hợp giữa thay đổi lối sống lành mạnh, sử dụng các biện pháp điều trị phù hợp dưới sự giám sát của chuyên gia y tế. Việc duy trì tuân thủ lịch khám định kỳ, thảo luận với bác sĩ là chìa khóa quan trọng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Phạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin