Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư nội mạc tử cung: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tử cung là một cơ quan rỗng, thường có kích thước và hình dạng bằng quả lê cỡ trung bình. Tử cung là nơi để chứa đựng, nuôi dưỡng thai nhi lớn lên và phát triển khi người phụ nữ mang thai. Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, nó sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai. Ở trên chúng ta đã sơ lược về tử cung và nội mạc tử cung. Bài viết này sẽ giúp hiểu rõ hơn về bệnh lý ung thư nội mạc tử cung là gì.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh ung thư nội mạc tử cung là bệnh lý gì?

Ung thư nội mạc tử cung (còn gọi là ung thư biểu mô nội mạc tử cung) bắt đầu từ các tế bào lớp lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung). Đây là loại ung thư tử cung phổ biến nhất.

Ung thư nội mạc tử cung khác với ung thư mô liên kết hoặc cơ tử cung, được gọi là sarcoma tử cung. Khoảng 80% của tất cả các bệnh ung thư nội mạc tử cung là ung thư biểu mô tuyến. Điều này có nghĩa là ung thư xảy ra trong các tế bào phát triển các tuyến ở nội mạc tử cung. Ung thư nội mạc tử cung có khả năng chữa khỏi cao khi được phát hiện sớm.

Ung thư nội mạc tử cung được phân thành hai loại và chia thành bốn giai đoạn:

  • Loại 1: Là loại ung thư biểu mô nội mạc tử cung mức độ thấp, ung thư biểu mô tuyến (độ 1 và độ 2) là phổ biến nhất, với tỷ lệ xâm lấn nội mạc tử cung dưới 50%. Thường có tiên lượng tốt trong điều trị, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 100%
  • Loại 2: Là loại ung thư biểu mô nội mạc tử cung mức độ cao. Sự phân loại này dựa vào 2 đặc điểm cấu trúc trở lên bao gồm mô hình tăng trưởng rắn lớn hơn 50% mà không có sự phân biệt giữa biệt hóa vảy hoặc không vảy, tăng trưởng thâm nhiễm lan tỏa và/ hoặc hoại tử  khối u. Liên quan đến tỉ lệ sống sót sau 5 là 46%.

Bốn giai đoạn ung thư nội mạc tử cung là:

  • Giai đoạn I: Ung thư tại chỗ, giới hạn ở thân tử cung.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã lan tới phần cổ tử cung.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã lan đến âm đạo, buồng trứng và/ hoặc hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan đến bàng quang hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư nội mạc tử cung

Các triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung có thể bao gồm:

  • Chảy máu hoặc tiết dịch không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Hơn 90% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung có triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường.
  • Chảy máu sau mãn kinh.
  • Đi tiểu đau, khó khăn.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đau hoặc có khối ở vùng xương chậu.
ung-thu-noi-mac-tu-cung 4.jpg
Đau bụng dưới một trong các triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung

Biến chứng nghiêm trọng nhất của ung thư nội mạc tử cung là tử vong. Tuy nhiên khi phát hiện được ung thư nội mạc tử cung ở giai đoạn sớm, tiên lượng thường rất tốt. Một số biến chứng khác của ung thư nội mạc tử cung bao gồm:

  • Thiếu máu;
  • Ung thư di căn qua các bộ phận khác của cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy tới gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu có thể có của ung thư nội mạc tử cung. Hoặc nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung do di truyền (di truyền qua gen). Hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kỹ hơn.

ung-thu-noi-mac-tu-cung 5.jpg
Phụ nữ cần đi khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư nội mạc tử cung

Hiện nay có nhiều sự đồng thuận cho rằng nguyên nhân hầu hết của ung thư nội mạc tử cung bắt đầu bằng sự tăng sinh nội mạc tử cung không gián đoạn, được kích thích nội tiết tố bởi estrogen nội sinh hoặc ngoại sinh mà không bị progesteron hoặc progestin cản trở, tiến triển qua các dạng nội mạc tử cung đơn giản đến phức tạp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung?

Ung thư nội mạc tử cung là bệnh ác tính phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ Mỹ và là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Với hơn 60.000 ca mắc mới dự kiến trong năm tới và gây ra gần 11.000 ca tử vong. 

Ung thư nội mạc tử cung chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh. Độ tuổi trung bình của phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung là 60. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán ở độ tuổi 45 -75 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Ung thư nội mạc tử cung

Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung bao gồm:

  • Tuổi tác: Hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán sau mãn kinh.
  • Mức hormone trong cơ thể: Mức độ estrogen và progesterone trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung.
  • Thừa cân: Chỉ số BMI cơ thể từ 25 trở lên cũng là một trong các yếu tố nguy cơ chính ung thư nội mạc tử cung.
  • Di truyền: Hội chứng Lynch là một tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung và các loại ung thư khác.
  • Có kinh sớm.
  • Mãn kinh muộn.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Người đang được điều trị bằng Tamoxifen cho bệnh ung thư vú.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh U thư nội mạc tử cung

Để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung các bác sĩ cần xem xét bệnh sử, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung bao gồm:

  • Khám phụ khoa: Khám vùng chậu để kiểm tra các cơ quan sinh sản. Trong quá trình khám bác sĩ sẽ kiểm tra cẩn thận bộ phận sinh dục bên ngoài và bên trong. Hai ngón tay của các sĩ sẽ đưa vào trong âm đạo, tay còn lại ấn vào bụng để sờ tử cung, buồng trứng. Một thiết bị được gọi là mỏ vịt được đưa vào trong âm đạo để bác sĩ có thể quan sát rõ cấu trúc bên trong tìm kiếm sự bất thường.
  • Kiểm tra hình ảnh: Thường được sử dụng nhất là siêu âm đầu dò âm đạo. Một thiết bị siêu âm đầu dò sẽ được được đưa vào trong âm đạo. Đầu dò sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh, video về tử cung. Hình ảnh sẽ cho thấy về độ dày và kết cấu của nội mạc  tử cung. Việc siêu âm có thể giúp bác sĩ tìm kiếm các dấu hiệu ung thư và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng khó chịu của bạn.
  • Nội soi tử cung: Trong quá trình nội soi tử cung các bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, linh hoạt có ánh sáng đi qua âm đạo, qua cổ tử cung vào trong lòng tử cung để kiểm tra bên trong tử cung và nội mạc tử cung.
  • Sinh thiết: Trong sinh thiết nội mạc tử cung một mẫu mô được lấy ra khỏi niêm mạc tử cung. Mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có ung thư hoặc các tế bào bất thường khác hay không.
  • Nong và nạo (còn gọi là D&C): Bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện D&C nếu không thể sinh thiết nội mạc tử cung hoặc nếu cần thêm thông tin chẩn đoán. Đây là một tiểu phẫu làm cổ tử cung được giãn ra để có thể cạo ống cổ tử cung và niêm mạc tử cung bằng một dụng cụ nạo. Để kiểm tra mô và tế bào ung thư.
ung-thu-noi-mac-tu-cung 6.jpg
Mô tả siêu âm đầu dò âm đạo khi khám phụ khoa

Phương pháp điều trị bệnh ung thư nội mạc tử cung

Điều trị ung thư nội mạc tử cung thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Điều trị cũng có thể bao gồm cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng. Việc cắt bỏ tử cung sẽ dẫn đến việc không thể mang thai và việc cắt bỏ buồng trứng sẽ dẫn đến mãn kinh sớm. 

Các lựa chọn điều trị khác có thể bao gồm xạ trị, hóa trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho từng người bệnh cần phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh ung thư, giai đoạn, sức khỏe và mong muốn của người bệnh.

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung, có thể cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng. Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các khu vực xung quanh, nạo hạch bạch huyết để xét nghiệm thêm xem có dấu hiệu của ung thư lan rộng hay không và xác định chính xác giai đoạn của ung thư.
  • Xạ trị: Năng lượng được sử dụng có thể là tia X, proton hoặc các nguồn khác. Xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật, giúp thu nhỏ khối u và giúp loại bỏ dễ dàng hơn.
  • Hóa trị: Hóa trị đôi khi được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư quay trở lại. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi làm phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Điều này giúp tăng khả năng ung thư được loại bỏ hoàn toàn trong ca phẫu thuật.
  • Liệu pháp hormon: Liệu pháp hormone liên quan đến việc dùng thuốc để giảm lượng hormone trong cơ thể. Liệu pháp hormone có thể là một lựa chọn nếu bạn bị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn muộn đã lan ra ngoài tử cung.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Sử dụng các loại thuốc tấn công các hóa chất cụ thể trong tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm mục tiêu thường được kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư nội mạc tử cung tiến triển.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư nội mạc tử cung, liệu pháp miễn dịch có thể được xem xét nếu ung thư đã tiến triển và các phương pháp điều trị khác không giúp ích được gì.
  • Chăm sóc giảm nhẹ: Chăm sóc giảm nhẹ là một loại hình chăm sóc sức khỏe đặc biệt giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu bạn bị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác. Mục tiêu của họ là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bạn và gia đình bạn. Khi chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng cùng với tất cả các phương pháp điều trị thích hợp khác, người mắc bệnh ung thư có thể cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Ung thư nội mạc tử cung

Do mối liên quan của ung thư nội mạc tử cung với tình trạng thừa cân béo phì nên việc duy trì vóc dáng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh rất là là biện pháp quan trọng nhất mà hầu hết phụ nữ có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh, các biện pháp có thể bao gồm:

  • Luôn tuân thủ  phác đồ điều trị và phối hợp tích cực với bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên sau khi đã điều trị ung thư nội mạc tử cung.
  • Cần tập luyện thể dục thể, thao đều đặn, duy trì cân nặng và chỉ số BMI hợp lý để tránh tình trạng béo phì.
  • Ngưng hút thuốc lá, rượu, bia hay các loại chất kích thích khác.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như sau:

  • Ăn nhiều rau quả tươi xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
  • Hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, nội tạng động vật, thực phẩm và đồ uống có nhiều calo, đường.
ung-thu-noi-mac-tu-cung 7.jpg
Chế độ ăn lành mạnh giúp giảm sự tiến triển của bệnh

Phương pháp phòng ngừa bệnh Ung thư nội mạc tử cung

Không có một phương pháp phòng ngừa tuyệt đối nào với bệnh lý ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên các bác sĩ tin rằng việc tránh các yếu tố nguy cơ đã biết khi có thể, sử dụng thuốc tránh thai hoặc các hình thức ngừa thai bằng nội tiết tố khác, kiểm soát béo phì, bệnh tiểu đường là những cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển bệnh lý ung thư nội mạc tử cung.

Những câu hỏi thường gặp khi mắc Ung thư nội mạc tử cung?

Dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư nội mạc tử cung là gì?

Không có dấu hiệu nào là chắc chắn để cảnh báo là bạn đang mắc ung thư nội mạc tử cung. Vì vậy khi có các triệu chứng sau: Chảy máu tiết dịch không liên quan kinh nguyệt, chảy máu sau mãn kinh, đau khi giao hợp, đau vùng xương chậu hay vùng bụng dưới. Hãy đến bệnh viện kiểm tra tình trạng sức khỏe sớm nhất có thể.

Ung thư nội mạc tử cung có thể được chữa khỏi không?

Mặc dù việc chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung có thể đáng sợ nhưng điều quan trọng cần biết là dạng phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung có thể chữa khỏi nếu nó được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Ung thư nội mạc tử cung thường gặp ở độ tuổi nào?

Ung thư nội mạc tử cung chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh. Độ tuổi trung bình của phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung là 60. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán ở độ tuổi 45 - 75 tuổi.

Ung thư nội mạc tử cung nên tránh những thực phẩm nào?

Hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, nội tạng động vật, thực phẩm và đồ uống có nhiều calo,đường.

Những phụ nữ nào có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung?

Ung thư nội mạc tử cung phổ biến gấp đôi ở phụ nữ thừa cân (BMI > 25) và cao hơn gấp 3 lần ở phụ nữ béo phì (BMI >30).

Nguồn tham khảo
  1. What Is Endometrial Cancer?: https://www.cancer.org/cancer/types/endometrial-cancer/about/what-is-endometrial-cancer.html
  2. Endometrial Cancer: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/endometrial-cancer
  3. Uterine Cancer (Endometrial Cancer): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16409-uterine-cancer
  4. Endometrial Cancer: https://www.acog.org/womens-health/faqs/endometrial-cancer
  5. Endometrial Cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525981/

Các bệnh liên quan

  1. U nang tuyến Bartholin

  2. teo tinh hoàn

  3. Herpes hậu môn

  4. Đau bụng kinh

  5. Bệnh lùn tuyến yên

  6. Khô âm đạo

  7. Không có âm đạo

  8. Yếu sinh lý

  9. Phô dâm

  10. Rối loạn kinh nguyệt