Hiếm muộn làm cho cuộc sống bị đảo lộn, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu vì sao phụ nữ nghiện rượu lại khó có con trong bài viết dưới đây.
Hiểu đúng về hiếm muộn
Hiếm muộn là gì
Khái niệm hiếm muộn được xác định khi hai vợ chồng không sử dụng các biện pháp tránh thai, giao hợp đều đặn, sau 6 tháng (đối với vợ từ trên 35 tuổi) 12 tháng (đối với vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên.
Hiếm muộn ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc gia đình.
Một cặp vợ chồng khỏe mạnh tuổi dưới 30 có quan hệ tình dục đều đặn khoảng 2-3 lần/tuần không sử dụng biện pháp tránh thai khả năng có thai từ 20-25% mỗi tháng. Đối với các cặp vợ chồng khỏe mạnh bình thường, cơ hội có thai sẽ nằm trong khoảng một năm đầu sau khi kết hôn.
Hiếm muộn là một tình trạng bệnh lý của các cặp vợ chồng, hiếm muộn có dạng nguyên phát và thứ phát. Hiếm muộn nguyên phát để sử dụng cho các cặp vợ chồng chưa từng mang thai. Hiếm muộn thứ phát là để sử dụng cho những cặp vợ chồng đã từng mang thai ít nhất một lần, họ muốn tiếp tục mang thai để sinh con nhưng không thể thụ thai được.
Nguyên nhân gây hiếm muộn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiếm muộn, có thể do người chồng, có thể do người vợ hoặc do cả hai. Theo thống kê, tỷ lệ hiếm muộn do người chồng và do người vợ là tương đương nhau.
Nguyên nhân hiếm muộn do người chồng thường là bất thường chất lượng tinh trùng hay bất thường số lượng tinh trùng. Nguyên nhân khác là do suy tuyến dục, gây thiếu hụt nội tiết, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, nghiện rượu và nghiện thuốc lá.
Nguyên nhân hiếm muộn thường gặp do người vợ là tổn thương vòi trứng, rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng. Nguyên nhân khác là do khối u buồng trứng, nhiễm trùng vùng chậu, dinh dưỡng kém, tuổi lớn, lạc nội mạc tử cung.
Thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến việc sản sinh hormone, giảm chức năng buồng trứng, khiến cho quá trình thụ thai gặp khó khăn. Một số nghiên cứu chỉ ra phụ nữ béo phì ở độ tuổi 18 dễ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Đó là một rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và đây cũng là nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu.
Ngược lại với béo phì, phụ nữ quá gầy cũng là trở ngại cho việc thụ thai. Phụ nữ có chỉ số BMI thấp sẽ thiếu hooc-môn leptin, nồng độ leptin thấp có thể làm mất kinh nguyệt. Vì vậy, khi chuẩn bị mang thai, bạn nên bồi bổ cơ thể sao cho chỉ số BMI bình thường. Bạn cũng nên tập thể dục vừa phải để nâng cao thể trạng để tăng khả năng mang thai.
Phụ nữ lớn tuổi cũng khó mang thai vì ở tuổi 40-50, phụ nữ đã bước vào thời kỳ mãn kinh, không còn rụng trứng và không thể mang thai. Kể ở thời kỳ tiền mãn kinh, cơ hội mang thai cũng khó hơn vì trứng rụng ít và không thường xuyên. Sau 35 tuổi, khả năng mang cũng giảm dần, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào từng người.
Một nguyên nhân khác nữa cũng rất quan trọng xảy ra cả ở nam giới và nữ giới đó là nghiện rượu.
Ảnh hưởng của rượu bia đến khả năng sinh sản của phụ nữ
Rối loạn rụng trứng và giảm khả năng thụ thai
Việc uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ rối loạn rụng trứng, từ đó có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Ngoài ra, dùng bia rượu trong giai đoạn đầu của thai kỳ còn có khả năng gây sinh non.
Một nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trên 413 phụ nữ trong độ tuổi từ 19-41 trong khoảng thời gian là 4 năm. Thời gian này, họ được theo dõi tối đa 19 chu kỳ kinh nguyệt một cách chặt chẽ và đều đặn. Đồng thời, hằng ngày họ uống bao nhiêu rượu và loại rượu nào đều được ghi chép đầy đủ. Ngoài ra, còn có các thông tin về tuổi tác, tiền sử bệnh, béo phì, hút thuốc, sử dụng các phương pháp ngừa thai và ý định mang thai. Vào ngày đầu tiên và ngày thứ 2 của mỗi chu kỳ kinh nguyệt, họ sẽ cung cấp mẫu nước tiểu để kiểm tra xem có thai hay không.
Một thông tin được các nhà nghiên cứu phát hiện ra là phụ nữ uống nhiều rượu ở bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ kinh nguyệt đều làm giảm xác suất thụ thai so với những phụ nữ không uống rượu. Nghiên cứu này cho biết uống nhiều là hơn sáu ly rượu mỗi tuần, uống vừa phải là ba đến sáu ly một tuần và uống say là bốn ly trở lên trong một ngày. Mỗi ly chứa 355ml bia, 148ml rượu vang, 44ml rượu mạnh.
Phụ nữ nghiện rượu có khả năng thụ thai thấp hơn so với bình thường
Vào thời kỳ hai tuần cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn hoàng thể) trước khi bắt đầu ra máu và khi quá trình làm tổ xảy ra, không chỉ uống nhiều rượu mà kể cả uống một lượng vừa phải cũng ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Nghiên cứu cho biết, giảm tỷ lệ thụ thai khoảng 44% so với những người không uống rượu.
Đặc biệt ở thời điểm rụng trứng, thường là vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, nếu uống nhiều rượu hoặc say xỉn sẽ làm giảm đáng kể cơ hội thụ thai. So với người không uống rượu, người uống rượu có cơ hội thụ thai giảm đến 61%, cụ thể giảm khoảng 19% tỷ lệ thụ thai trong giai đoạn hoàng thể và giảm 41% trong giai đoạn phóng noãn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, theo cơ chế sinh học, uống rượu ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Do đó không có trứng nào được phóng thích trong thời kỳ rụng trứng của chu kỳ nguyệt và rượu cũng làm ảnh hưởng đến trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Từ những thông tin nhà nghiên cứu đưa ra cho thấy chúng ta cần có một lối sống lành mạnh, đặc biệt phụ nữ muốn thụ thai và đang trong thời kỳ sinh đẻ không nên uống rượu bia.
Rượu bia có thể dẫn tới sảy thai
Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu mỗi ngày uống trên 3 ly rượu bia, khả năng sảy thai sẽ cao.
Kể cả đối với nam giới đang trong quá trình chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm, thường xuyên sử dụng rượu bia sẽ làm giảm khả năng thành công của phương pháp này. Khả năng không thành công sẽ cao hơn đến 38 lần nếu uống quá nhiều rượu bia từ một tuần đến một tháng trước khi thụ tinh.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo chúng ta không nên lạm dụng rượu bia, nếu phải uống thì chỉ uống ở mức vừa phải. Đối với nam một ngày không nên uống quá 2 đơn vị (tương đương 2 cốc bia hơi). Đối với phụ nữ đang chuẩn bị mang thai, đã mang thai và nuôi con bú không nên sử dụng rượu bia, bởi vì không có loại rượu bia nào an toàn đối với thai nhi.
Uống nhiều rượu trong giai đoạn thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sảy thai.
Ảnh hưởng xấu đến thai nhi
Lời khuyên tốt nhất cho những phụ nữ đang cố gắng để thụ thai, dù bạn có thường xuyên sử dụng rượu bia thì cũng nên bỏ thói quen này. Vì uống rượu trong thời kỳ này ảnh hưởng rất nhiều đến việc thụ thai và ảnh hưởng đến cả thai nhi.
Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, không có mức an toàn nào cho việc sử dụng rượu bia và nước uống có cồn. Việc lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh, kể cả dị tật khuôn mặt. Ngoài ra, có thể sẽ gặp phải tình trạng sinh non hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân, trẻ có thể bị các khuyết tật về nhận thức. Kể cả hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi cũng xảy ra nếu như người mẹ uống quá nhiều, trường hợp nặng có thể dẫn tới thai chết lưu. Hoặc bé được sinh ra với trọng lượng chuẩn nhưng vẫn có thể xảy ra các nguy cơ về trí tuệ trong tương lai.
Vậy, việc phụ nữ uống rượu khó có con là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Để bảo vệ thiên chức làm mẹ của mình cũng như bảo vệ những thiên thần nhỏ sắp sửa chào đời, hãy tránh xa rượu bia hết mức có thể nhé!
Tuệ Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp