Phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ và một số thông tin cần biết
Ngày 20/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Phương pháp AAC được đánh giá là phương pháp có thể mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc cải thiện khả năng giao tiếp và ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ.
Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, có thể khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong 3 lĩnh vực bao gồm: Tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không bằng lời, hành vi rập khuôn. Không có cách nào để ngừa chứng rối loạn phổ tự kỷ nhưng có thể điều trị các triệu chứng của bệnh và phương pháp AAC là một trong những phương pháp điều trị đó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ thông qua bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu về phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ
Khiếm khuyết về ngôn ngữ là một trong những đặc trưng của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ trong giai đoạn từ 1 - 3 tuổi bị chậm nói, ghi nhớ chậm khiến vốn từ của trẻ bị hạn chế. Trẻ chỉ hiểu được những từ ngữ đơn giản, không thể trình bày rành mạch nhu cầu cá nhân hoặc trẻ không thích giao tiếp với mọi người xung quanh như những đứa trẻ khác. Chính điều này khiến trẻ bị hạn chế về mặt giao tiếp và ngôn ngữ khiến trẻ gặp khó khăn khi đến trường hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì vậy phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ được đưa vào chương trình giáo dục dành cho nhóm trẻ đặc biệt để khắc phục khiếm khuyết về giao tiếp hay ngôn ngữ.
Phương pháp AAC - Augmentative and Alternative Communication đang được ứng dụng hầu hết tại các trường học chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, chậm nói hoặc chậm phát triển trí tuệ. Phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ còn được gọi là giao tiếp tăng cường và thay thế với mục đích cải thiện những khiếm khuyết trong lời nói, giao tiếp hay ngôn ngữ. Augmentative được hiểu là bổ sung thêm cho lời nói còn alternative là thay thế cho lời nói không hiện diện hoặc người nghe không thể hiểu.
Tùy vào tình trạng, mục tiêu học tập cũng như nhu cầu giao tiếp của từng trẻ sẽ có chương trình AAC dài hạn hay ngắn hạn phù hợp. Phương pháp và hình thức ứng dụng của phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ cũng khá đa dạng nhưng được chia làm 2 nhóm chính bao gồm: AAC không hỗ trợ và AAC có hỗ trợ.
AAC không hỗ trợ: Phương pháp AAC không hỗ trợ không có bất kỳ công cụ nào hỗ trợ khi cải thiện ngữ âm cho trẻ tự kỷ mà chỉ thông qua ánh mắt, cử chỉ, nét mặt, các ký hiệu tay hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể để tăng cường trong khả năng giao tiếp.
AAC có hỗ trợ: Đối với phương pháp AAC có hỗ trợ sẽ cần thêm những thiết bị hỗ trợ như tranh, ảnh, máy chiếu, công cụ viết hoặc thiết bị có thể phát ra âm thanh để hỗ trợ tăng cường vốn từ giao tiếp.
Mục đích của phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ
Mục đích chung của phương pháp AAC là cải thiện giao tiếp cho những người không nói được, không hiểu lời nói của người khác hoặc có khả năng truyền đạt kém. Chính vì vậy phương pháp AAC không chỉ dành riêng cho nhóm trẻ tự kỷ mà còn có thể sử dụng cho một số người gặp chấn thương, người già, người mắc bệnh lý như Parkinson dẫn đến suy giảm chức năng giao tiếp.
Phương pháp AAC tạo cơ hội cho trẻ đạt được ngôn ngữ cao nhất để vừa có thể hiểu người khác vừa có thể truyền đạt được thông điệp của bản thân mình. AAC cung cấp một hình thức giao tiếp tạm thời, hỗ trợ cho sự phát triển giao tiếp bằng lời, nâng cao tính dễ hiểu của giao tiếp đồng thời hỗ trợ phát triển nhận thức của trẻ.
Điều kiện cần để thực hiện phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ
Nguyên tắc của phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ là phát triển song song cả ngôn ngữ và giao tiếp. Trẻ tự kỷ cần được đánh giá về tình trạng, các kỹ năng đã có từ chuyên gia âm ngữ từ đó đưa ra chương trình học phù hợp. Điều kiện cần để thực hiện phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ như sau:
Các yếu tố cần xem xét
Phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ khá đa dạng và cần có đánh giá chuyên môn từ chuyên gia. Các yếu tố đánh giá bao gồm: Xác định nhu cầu giao tiếp của trẻ, xem xét khả năng cảm giác và vận động của trẻ, xem xét khả năng ngôn ngữ và nhận thức của trẻ, đánh giá tiên lượng và đưa ra chương trình AAC phù hợp với trẻ.
Thiết bị hỗ trợ
Đối với phương pháp AAC có hỗ trợ thì các thiết bị hỗ trợ là rất quan trọng. Nếu không có thiết bị hỗ trợ khiến việc bổ sung hoặc thay thế ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ sẽ không có hiệu quả.
Người hướng dẫn
Một trong những yếu tố quan trọng để mang lại kết quả tốt đối với phương pháp AAC đó là người hướng dẫn. Người hướng dẫn có thể là chuyên gia âm ngữ trị liệu, giáo viên hướng dẫn hoặc chính là ba mẹ của trẻ. Người hướng dẫn sẽ làm mẫu các cử chỉ, hành động, hỗ trợ hướng dẫn trẻ, lặp đi lặp lại các kỹ năng chậm rãi để trẻ ghi nhớ hoặc sử dụng các thiết bị giúp trẻ học tập. Chính vì vậy, việc dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi sự kiên trì, thấu hiểu và có chuyên môn thì mới có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp AAC cho trẻ em tự kỷ là một phần nhỏ trong hành trình giúp trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập với xã hội. Tuy vậy phương pháp này được đánh giá là biện pháp mang đến nhiều thay đổi tích cực nhất đối với trẻ tự kỷ. Hy vọng bài viết trên giúp ba mẹ hiểu hơn về phương pháp AAC cho trẻ tự kỷ từ đó có thể giúp con tham gia trị liệu sớm để có thêm cơ hội hòa nhập với xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.