Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Phương pháp chẩn đoán và điều trị nang nước thừng tinh

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang nước thừng tinh là tình trạng có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và người lớn. Thông thường, tình trạng này sẽ xuất hiện ở trẻ em với tỷ lệ cao hơn. Vì thế, bố mẹ nên chủ động tìm hiểu để biết cách xử trí khi con em mình gặp vấn đề này. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nang thừng tinh? Cách chẩn đoán, phương pháp điều trị ra sao?

Nang thừng tinh không quá nguy hiểm nhưng lại mang đến cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Vậy nang nước thừng tinh cụ thể là gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị nang thừng tinh là gì? Mời bạn tìm hiểu qua bài chia sẻ bên dưới nhé!

Nang nước thừng tinh là gì?

Nang nước thừng tinh còn được biết đến là tràn dịch màng tinh hoàn, hay hydrocele. Đây là tình trạng sưng ở vùng bìu, xuất hiện khi có chất lỏng tích tụ ở bên trong vỏ bọc mỏng của bao quanh tinh hoàn. Tình trạng nang thừng tinh này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và nó có thể biến mất khi trẻ phát triển đến 1 tuổi mà không cần điều trị. Bên cạnh đó, ở những trẻ lớn hơn hoặc nam giới ở độ tuổi trưởng thành cũng có thể gặp tình trạng này do viêm hoặc bị chấn thương ở bìu.

Đối với trẻ, tình trạng nang thừng tinh có thể sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, ở nam giới, cần phải thăm khám bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh, bởi đây có thể là triệu chứng liên quan đến một số bệnh về tinh hoàn.

Có ít nhất 5% tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn xuất hiện ở trẻ sơ sinh, nhất là đối với những trẻ sinh non, nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn so với trẻ được sinh đủ tháng. Các yếu tố nguy cơ có thể phát triển nang thừng tinh gồm:

  • Viêm hoặc chấn thương liên quan đến bìu;
  • Nhiễm trùng, gồm các tình trạng nhiễm trùng có thể lây qua đường tình dục.
nang nước thừng tinh 1
Nang nước thừng tinh còn được biết đến là tràn dịch màng tinh hoàn, hay hydrocele

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nang thừng tinh

Nang thừng tinh có thể xuất hiện ở bé trai hoặc nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh mà có các nguyên nhân khác nhau như sau:

  • Bé trai: Tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn có thể xảy ra trước lúc trẻ được sinh ra bởi sự xuất hiện của ống phúc tinh mạc. Thông thường, ống này sẽ được đóng lại trước khi trẻ được sinh ra. Nếu không được đóng, dịch sẽ từ ổ bụng thông qua ống sẽ xuống bẹn, đến bìu và hình thành nang thừng tinh.
  • Nam giới trưởng thành: Sau khi gặp chấn thương hoặc bị viêm bên trong bìu, có thể sẽ dẫn đến tràn dịch màng tinh hoàn. Ngoài ra, viêm có thể xuất hiện do tình trạng nhiễm trùng bên trong tinh hoàn hay viêm mào tinh hoàn.

Khi nào nên thăm khám bác sĩ?

Triệu chứng của tình trạng nang nước thừng tinh thường là sưng nhưng không đau ở 1 hoặc cả 2 tinh hoàn. Tình trạng sưng ở nam giới trưởng thành có thể gây ra cảm giác nặng nề và khó chịu. Đôi lúc vùng bị sưng này có thể sẽ nhỏ vào buổi sáng và to hơn vào buổi chiều. Khi gặp các biểu hiện sau, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp:

  • Trẻ bị sưng bìu, tuy nhiên cần loại trừ những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sưng để bác sĩ có thể chỉ định được các phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ như nang thừng tinh được liên kết với điểm yếu ở thành bụng, điều này cho phép một đoạn của ruột có thể chạy vào bìu và gây ra tình trạng thoát vị bẹn.
  • Tình trạng tràn dịch màng ngoài của tinh hoàn xảy ra ở trẻ em có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chúng không tự khỏi sau một năm hoặc nang nước ngày càng to ra, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng hiện tại của bé. Từ đó, các bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị kịp thời.
  • Nếu trẻ bị sưng và đau vùng bìu đột ngột, nhất là sau vài giờ xảy ra tình trạng chấn thương ở bìu, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Các triệu chứng và dấu hiệu này có thể dẫn đến một số bệnh bao gồm cả tình trạng lưu lượng máu bị chặn ở trong tinh hoàn làm tinh hoàn bị xoắn. Xoắn tinh hoàn cần được điều trị ngay trong vài giờ từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên để tránh tình trạng hoại tử tinh hoàn.
nang nước thừng tinh 2
Khi tình trạng nang thừng tinh không tự khỏi, nên đến thăm khám bác sĩ

Tràn dịch màng tinh hoàn gây ra biến chứng gì?

Tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn không phải là bệnh nguy hiểm và cũng không lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Đồng thời, chúng cũng không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến một số bệnh về tinh hoàn tiềm ẩn khác dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm trùng hay khối u, làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng.
  • Thoát vị bẹn, tình trạng một đoạn của ruột bị kẹt bên trong thành bụng, từ đó có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chẩn đoán và điều trị nang thừng tinh

Nang thừng tinh không quá nguy hiểm nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng của bệnh nhân và khám thực thể, bao gồm:

  • Kiểm tra vùng bìu.
  • Kiểm tra thoát vị bẹn bằng cách đẩy phần khối nang lên phía trên bụng và bìu.
  • Chiếu ánh sáng qua vùng bìu (transillumination). Nếu bệnh nhân có nang thừng tinh, transillumination sẽ xuất hiện chất lỏng quanh tinh hoàn.

Có thể tiếp theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện:

  • Xét nghiệm nước tiểu và máu để xác định trẻ có nhiễm trùng hay không.
  • Thực hiện siêu âm để loại trừ khối u tinh hoàn, thoát vị hoặc những nguyên nhân khác gây tình trạng sưng vùng bìu.
nang nước thừng tinh 3
Để chẩn đoán nang thừng tinh, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác triệu chứng và thăm khám lâm sàng

Điều trị

Nếu tình trạng nang thừng tinh không tự biến mất, phải tìm đến bác sĩ để thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Để điều trị tình trạng này, thông thường bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Cuộc phẫu thuật này có thể thực hiện với kỹ thuật gây mê toàn thân khi bệnh nhân là đối tượng trẻ em hoặc gây tê tủy sống đối với người lớn. Vết mổ sẽ được thực hiện ở phần bụng dưới và bìu để loại bỏ phần nang thừng tinh. Nếu vô tình phát hiện nang thừng tinh trong khi phẫu thuật điều trị khối thoát vị bẹn, bác sĩ sẽ loại bỏ nó trong khi nó chưa biểu hiện triệu chứng khó chịu nào cho người bệnh.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc kháng sinh bằng đường tĩnh mạch trong vòng 1 đến 2 ngày đầu, các ngày sau sẽ sử dụng bằng đường uống. Ngoài ra còn có các loại thuốc giảm đau (đặt hậu môn hoặc uống), thuốc giảm phù nề. Thay băng vết thương 2 ngày 1 lần và hẹn bệnh nhân tái khám sau 1 tháng để bác sĩ có thể kiểm tra vết phẫu thuật.

nang nước thừng tinh 4
Để điều trị nang thừng tinh, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ

Trên đây là những thông tin về tình trạng nang nước thừng tinh. Qua đó, bạn có thể biết được định nghĩa của tình trạng này cũng như các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tuy đây là vấn đề không quá nguy hiểm nhưng bạn không được chủ quan. Hãy đến thăm khám bác sĩ nếu tình trạng này không tự khỏi nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin