Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mào tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm, sưng và đau của mào tinh hoàn. Đây là một ống nằm ngay phía sau trên tinh hoàn, với nhiệm vụ giúp lưu trữ và vận chuyển tinh trùng, được liên kết với ống dẫn tinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm mào tinh hoàn là gì?

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng mào tinh hoàn bị viêm. Mào tinh hoàn là một ống nằm ngay sau tinh hoàn, có chức năng chứa và vận chuyển tinh trùng. Khi ống này bị sưng lên, nó có thể gây đau và sưng ở cả tinh hoàn.

Viêm mào tinh hoàn phát triển ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Viêm mào tinh hoàn cấp tính kéo dài 6 tuần hoặc ít hơn. Tình trạng này sẽ cải thiện sau khi dùng kháng sinh. Mặt khác, viêm mào tinh hoàn mãn tính kéo dài từ 6 tuần trở lên.

Trong hầu hết các trường hợp, tinh hoàn cũng bị viêm kèm theo. Sẽ khó để có thể phân biệt liệu tinh hoàn, mào tinh hoàn hay cả hai đều bị viêm. Đó là lý do tại sao các chuyên gia sử dụng thuật ngữ viêm mào tinh hoàn - tinh hoàn (Epididymo-orchitis) để giải thích cho tình trạng nhiễm trùng cả hai bộ phận này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn gây đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Khu vực bị ảnh hưởng cũng sẽ đỏ, sưng và ấm khi chạm vào. Nếu không được điều trị, triệu chứng sẽ xấu dần theo thời gian.

Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:

  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Cảm giác nặng ở tinh hoàn;
  • Phì đại tinh hoàn;
  • Tinh hoàn nhạy cảm khi chạm vào;
  • Đau ở bụng hoặc xương chậu;
  • Thường xuyên muốn đi tiểu;
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu;
  • Dịch tiết ở đầu dương vật;
  • Tiểu ra máu;
  • Đau khi xuất tinh hoặc quan hệ tình dục;
  • Dịch tích tụ xung quanh tinh hoàn, có cảm giác như khối u.

Các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm mào tinh hoàn. Ví dụ như dịch tiết ra từ đầu dương vật có thể nghĩ đến do nguyên nhân bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong khi việc muốn đi tiểu liên tục có thể là do nhiễm trùng tiểu.

Các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn có thể tương tự như xoắn tinh hoàn, một tình trạng khiến tinh hoàn bị xoắn và mất máu nuôi dưỡng, cần phải phẫu thuật tháo xoắn khẩn cấp.

Viêm mào tinh hoàn cũng xảy ra ở trẻ em, các triệu chứng phổ biến ở trẻ bao gồm:

  • Khó chịu ở vùng bụng hoặc xương chậu;
  • Bìu sưng, đỏ;
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu;
  • Dịch từ đường niệu;
  • Sốt.
Viêm mào tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Trẻ em bị viêm mào tinh hoàn có thể thấy khó chịu vùng bụng hay vùng chậu

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm mào tinh hoàn

Thông thường, trong hầu hết các trường hợp, viêm mào tinh hoàn sẽ khỏi bằng điều trị thuốc kháng sinh và nghỉ ngơi tại giường, và không có vấn đề gì về sinh sản hoặc tình dục lâu dài.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái diễn và một số biến chứng có thể xảy ra như:

  • Áp xe ở bìu, có thể cần phải dẫn lưu;
  • Viêm mào tinh hoàn mãn tính;
  • Lỗ rò ở vùng bìu;
  • Mô tinh hoàn chết do thiếu máu (nhồi máu tinh hoàn);
  • Vô sinh;
  • Nhiễm khuẩn huyết, trong trường hợp nhiễm trùng nặng.

Để ngăn ngừa những điều này, quan trọng là bạn phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị ngay khi nhận thấy các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào đã được nêu ở trên, bạn nên đến khám bác sĩ ngay lập tức. Vì các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn có thể tương tự như triệu chứng của xoắn tinh hoàn. Trong đó, xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu y tế, tinh hoàn sẽ tổn thương vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Viêm mào tinh hoàn cũng sẽ xấu đi theo thời gian nếu không được điều trị.

Bạn cũng nên quay lại gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn không cải thiện sau 72 giờ điều trị. Đồng thời, nếu sau khi hoàn thành liệu trình kháng sinh nhưng vẫn còn sưng và đau tinh hoàn kéo dài, bác sĩ cần đánh giá lại để tìm các chẩn đoán thay thế khác như u tinh hoàn, áp xe, ung thư tinh hoàn, lao hay viêm mào tinh hoàn do nấm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể thấy nhiễm trùng qua đường tình dục và nhiễm trùng tiết niệu là hai nguyên nhân chính.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI)

Viêm mào tinh hoàn do STI, chẳng hạn như bệnh lậu hoặc chlamydia, thường gặp ở nam giới trẻ, dị tính, đặc biệt là những người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình mà không sử dụng bao cao su.

Các trường hợp viêm mào tinh hoàn không do STI gây ra ít phổ biến hơn.

Viêm mào tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhiễm trùng qua đường tình dục là nguyên nhân chính gây viêm mào tinh hoàn

Nhiễm trùng đường niệu (UTI)

Viêm mào tinh hoàn do nhiễm trùng tiểu thường xảy ra ở trẻ em, nam giới lớn tuổi và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em

Mặc dù rất hiếm nhưng viêm mào tinh hoàn ở trẻ em vẫn xảy ra. Thông thường, nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan từ niệu đạo hoặc bàng quang. Viêm thường sẽ phát triển do các yếu tố sau:

  • Chấn thương trực tiếp tại tinh hoàn;
  • Xoắn mào tinh hoàn;
  • Nước tiểu chảy ngược vào tinh hoàn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm mào tinh hoàn?

Viêm mào tinh hoàn xảy ra ở nam giới mọi lứa tuổi có tinh hoàn, tuy nhiên, phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm mào tinh hoàn

Bạn có thể có nguy cơ cao bị viêm mào tinh hoàn nếu:

  • Không cắt bao quy đầu;
  • Quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hay các phương pháp bảo vệ khác;
  • Có bất thường cấu trúc đường niệu;
  • Mắc bệnh lao;
  • Phì đại tuyến tiền liệt gây nghẽn bàng quang;
  • Phẫu thuật đường niệu gần đây;
  • Chấn thương háng gần đây;
  • Sử dụng ống thông tiểu;
  • Sử dụng thuốc amiodarone.
Viêm mào tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ mắc viêm mào tinh hoàn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mào tinh hoàn

Thường rất khó để phân biệt giữa viêm mào tinh hoàn và xoắn tinh hoàn, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.

Đôi khi, hai tình trạng này có thể xảy ra cùng một lúc. Để tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể khám và thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Hỏi bệnh sử và tiền sử;
  • Khám trực tràng (bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào hậu môn để kiểm tra tuyến tiền liệt);
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu;
  • Xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia thông qua mẫu nước tiểu;
  • Siêu âm để xác định xoắn tinh hoàn.

Phương pháp điều trị viêm mào tinh hoàn

Việc điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra viêm mào tinh hoàn. Nếu là do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh.

Nếu nhiễm trùng do các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, người bệnh nam cần nói với bạn tình của mình để có thể được điều trị. Đồng thời, họ cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi quá trình điều trị hoàn tất.

Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm, chẳng hạn như ibuprofen, để giúp giảm đau và giảm sưng.

Nhìn chung, khi bắt đầu điều trị, cơn đau do viêm mào tinh hoàn sẽ giảm trong vòng 1 đến 3 ngày. Tuy nhiên, một vài triệu chứng có thể mất vài tháng mới biến mất. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, phẫu thuật đôi khi được cần đến, ví dụ như phẫu thuật loại bỏ mào tinh hoàn hay phẫu thuật điều chỉnh bất thường cấu trúc gây ra viêm mào tinh hoàn.

Viêm mào tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Trong một vài trường hợp, phẫu thuật đôi khi được cần đến

Nếu có áp xe tinh hoàn, bạn sẽ cần phải được dẫn lưu mủ.

Trong trường hợp viêm mào tinh hoàn mãn tính, bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh vì tình trạng viêm này xảy ra mà không có nhiễm trùng, các cách điều trị có thể bao gồm:

  • Tắm nước ấm thường xuyên;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs);
  • Thuốc giãn cơ;
  • Tiêm steroid vào bìu;
  • Phẫu thuật cắt bỏ mào tinh hoàn bị ảnh hưởng;
  • Quản lý căng thẳng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mào tinh hoàn

Chế độ sinh hoạt:

  • Nằm nghỉ ngơi tại chỗ và nâng cao vùng bìu.
  • Chườm lạnh vùng đau để giúp giảm đau.
  • Đeo dụng cụ hỗ trợ bìu.
  • Tránh nâng vật nặng.
  • Việc nghỉ ngơi và quản lý căng thẳng cũng giúp ích trong viêm mào tinh hoàn mãn tính.
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn vì việc kiểm tra trong quá trình điều trị cũng cần thiết, giúp đảm bảo rằng tình trạng nhiễm trùng đã không còn.

Chế độ dinh dưỡng: Không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào cho viêm mào tinh hoàn. Bạn nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để giúp tăng cường sức khỏe và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu cần.

Phương pháp phòng ngừa viêm mào tinh hoàn hiệu quả

Đôi khi, không thể ngăn ngừa được viêm mào tinh hoàn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp sau:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Giảm số lượng bạn tình.
  • Cắt bao quy đầu ở nam giới trưởng thành.
  • Thường xuyên khử trùng và vệ sinh chỗ vệ sinh chung khi sử dụng.
  • Chủng ngừa lao.
  • Việc điều trị kịp thời viêm mào tinh hoàn cấp tính hoặc nhẹ có thể ngăn ngừa viêm mào tinh hoàn mãn tính.
Nguồn tham khảo
  • Epididymitis: https://www.msdmanuals.com/professional/genitourinary-disorders/penile-and-scrotal-disorders/epididymitis
  • Epididymitis: https://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/epididymitis.htm
  • Everything You Need to Know About Epididymitis: https://www.healthline.com/health/epididymitis
  • Epididymitis: https://www.webmd.com/men/what-is-epididymitis
  • What is epididymitis?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/318146 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm tinh hoàn

  2. Lichen xơ hóa

  3. Viêm âm đạo

  4. Sa tử cung

  5. Giang mai

  6. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  7. Chuyển dạ đình trệ

  8. Lạc nội mạc trong cơ tử cung

  9. Rối loạn phóng noãn

  10. Hẹp bao quy đầu