Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp cấp

Ngày 13/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng suy hô hấp cấp xảy ra khi sự trao đổi thông thường giữa oxy và CO2 trong phổi không xảy ra. Cơ thể không đủ oxy để cung cấp cho tim, não hoặc phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, xanh tím ở mặt và môi và gây rối loạn tri giác.

Suy hô hấp cấp tính là một tình trạng y tế nghiêm trọng có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn. Do đó, bạn cần trang bị những thông tin cần thiết liên quan đến hội chứng này.

Suy hô hấp cấp là gì?

Suy hô hấp cấp là trường hợp giảm cấp tính chức năng thông khí của hệ hô hấp và chức năng trao đổi khí ở phổi. Suy hô hấp cấp là sự rối loạn của quá trình trao đổi oxy trong máu ở giai đoạn nặng, áp lực riêng phần khí oxy trong động mạch giảm, khí CO2 có thể bình thường, tăng hoặc giảm.

Suy hô hấp cấp có 2 loại:

  • Suy hô hấp cấp với thiếu oxy máu không kèm ứ khí CO2.
  • Suy hô hấp cấp với thiếu oxy máu kèm giảm khí CO2.

Phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp cấp  1

Suy hô hấp cấp là trường hợp giảm cấp tính chức năng thông khí của hệ hô hấp

Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Nguyên nhân tại phổi

Sự mất bù cấp của suy hô hấp mạn: Một số yếu tố gây suy hô hấp cấp như nhiễm trùng phế quản, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn động mạch phổi.

Phổi bị nhiễm trùng: Khi phổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, lao kê, nhiễm các loại virus ác tính.

Phù phổi cấp: Gồm có 3 loại là phù phổi cấp do tim, phù phổi cấp trên tim lành và phù phổi tổn thương.

Hen phế quản: Bệnh này thường gặp nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến suy hô hấp.

Tắc nghẽn phế quản cấp: Bệnh này ít gặp hơn, hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ em có thể do dị vật còn hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn có thể do u, xẹp phổi cấp có thể do đặt nội khí quản.

Nguyên nhân ngoài phổi

Thần kinh trung ương: Do bị tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc gây mê, gây ngủ.

Trung tâm điều hòa hô hấp ở hành não bị chấn thương hay các bệnh lý mạch não.

Rối loạn hô hấp.

Tắc nghẽn thanh - khí quản: Có thể do u thanh quản, u thực quả, bướu giáp chìm.

Tràn dịch màng phổi: Khi tràn dịch cấp và lượng dịch tăng nhanh sẽ gây suy hô hấp cấp.

Tràn khí màng phổi thể tự do: Nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi là do lao phổi, vỡ kén khí bẩm sinh, vỡ bóng khí phế thũng, tự phát, vỡ áp xe phổi.

Chấn thương lồng ngực: gây tổn thương phổi và màng phổi.

Tổn thương cơ hô hấp.

Phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp cấp 2

Rối loạn hô hấp là một nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp

Điều trị suy hô hấp cấp như thế nào?

Đối với những bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp thì cần được thực hiện hồi sức hô hấp ngay lập tức, càng nhanh càng tốt để cơ hội cứu sống bệnh nhân càng cao.

Dẫn lưu màng phổi

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí trung thất. Trường hợp vỡ, rách phế quản, có hiện tượng tràn khí màng phổi, dẫn lưu không hiệu quả thì phải can thiệp ngay phẫu thuật và đặt ống Carlens hoặc nội phế quản để mổ.

Khai thông đường dẫn khí

Khai thông đường dẫn khí bao gồm các thủ thuật như:

  • Móc mồm, mũi và móc họng, sau đó lau sạch, hút sạch các dị vật.
  • Nâng hàm và đặt canuyn Mayo để nâng lưỡi, đặt đầu ngửa ra đằng sau hoặc có thể kéo lưỡi ra ngoài khi lưỡi bị tụt nhất là trong các chấn thương hàm mặt.
  • Đối với trường hợp bệnh nhân bị tắc đờm nhiều mà không hút kịp thì có thể luồn 1 dây polyten qua màng giáp nhẫn vào khí quản vào đưa sâu xuống carena để kích thích ho tống đờm rãi ra ngoài.
  • Hút dịch đờm, máu mủ trong khí - phế quản.
  • Thủ thuật cơ bản nhất để khai thông đường dẫn khi là đặt nội khí quản.

Mở khí quản

Mở khí quản khi có trở ngại ở đường hô hấp mà các phương pháp khác không giải quyết được như co thắt thanh quản, vết thương thanh khí quản, phù nề thanh quản, viêm loét thanh quản.

Phải thở máy dài ngày và khi cần giảm khoảng chết để tăng thông khí phế nang.

Đặt nội khí quản

Phương pháp điều trị đặt nội khí quản cũng được áp dụng trong các trường hợp tương tự như mở khí quản. Phương pháp đặt nội khí quản có 2 loại: Qua mồm và qua mũi.

Đối với phương pháp qua mồm thì dễ đặt và nhanh hơn, nhưng cần dùng đèn soi thanh quản, bệnh nhân có thể cắn ống và khó vệ sinh răng miệng.

Đối với phương pháp đặt qua mũi thì có thể không cần dùng đến đèn soi, nhưng phương pháp này có thể khiến chảy máu mũi, gây loét và khó chăm sóc hơn.

Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo

Phương pháp này được thực hiện đối với bệnh nhân bị giảm thông khí. Có nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo như:

  • Thổi ngạt: Thực hiện ở ngay tại nơi xảy ra tai nạn. Tuy phương pháp này đơn giản nhưng có hiệu quả trong việc cứu sống các bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở. Nhờ phương pháp này kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực đã rút ngắn được thời gian thiếu oxy não, làm cho vỏ não được hồi phục hoàn toàn.
  • Thở máy: Được tiến hành khi phương pháp hô hấp thông thường không phát huy tác dụng.

Phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp cấp 3

Hô hấp nhân tạo được thực hiện đối với bệnh nhân bị giảm thông khí

Bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của suy hô hấp để ngăn ngừa bệnh nặng hơn.

Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã nắm được sự nguy hiểm của chứng suy hô hấp cấp cũng như những phương pháp điều trị suy hô hấp cấp. Bên cạnh đó bạn cũng nên kết hợp với các biện pháp thể dục thể thao để bảo vệ sức khỏe của hệ hô hấp, giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp nhé.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin