Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Quy trình các bước khám phụ khoa như thế nào? Có đau không?

Ngày 20/04/2024
Kích thước chữ

Hiện nay, nhu cầu khám phụ khoa đang ngày càng tăng cao, do đó không ít người đặt ra câu hỏi như khám phụ khoa là gì, quy trình khám phụ khoa như thế nào, khám phụ khoa có đau không,... Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này, mời bạn đọc cùng tham khảo.

Đối với những chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, việc thăm khám phụ khoa được xem là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về quy trình đi khám phụ khoa như thế nào. Chính vì thế, trong bài viết ngày hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu được rõ hơn những vấn đề có liên quan tới khám phụ khoa nữ.

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là quá trình đánh giá và kiểm tra các cơ quan sinh dục của phụ nữ bao gồm âm hộ, âm đạo, buồng trứng và cổ tử cung. Thông qua quá trình này, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Ngoài việc đưa ra chẩn đoán và điều trị, khám phụ khoa còn giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về sức khỏe của cơ quan sinh dục và nhận được hướng dẫn về cách chăm sóc và vệ sinh vùng kín đúng cách. Điều này giúp ngăn ngừa các bệnh lý viêm nhiễm và bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Do đó, việc khám phụ khoa đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ.

Quy trình các bước khám phụ khoa như thế nào? Có đau không? 1
Khám phụ khoa là danh mục khám bệnh dành riêng cho nữ giới

Tại sao cần khám phụ khoa?

Phát hiện sớm bệnh lý

Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe phụ nữ như nhiễm trùng, viêm nhiễm và các bệnh lý khác. Bằng cách này, chúng ta có thể đối phó với các vấn đề này từ cơ bản, tránh được những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể

Khám phụ khoa không chỉ giúp làm rõ về tình trạng của cơ quan sinh sản mà còn cho phép bác sĩ kiểm tra tổng quan về sức khỏe của phụ nữ gồm kiểm tra huyết áp, cân nặng và các chỉ số sức khỏe khác để đảm bảo tình trạng sức khỏe tổng thể đang trong tình trạng ổn định.

Sàng lọc ung thư tử cung

Trong quá trình khám phụ khoa định kỳ, thường bao gồm xét nghiệm Pap smear để phát hiện sớm các tế bào bất thường trên tử cung, từ đó giúp nhận biết các dấu hiệu của ung thư tử cung. Việc phát hiện ung thư tử cung ở giai đoạn đầu giúp tăng cơ hội điều trị thành công và kéo dài tuổi thọ.

Quy trình các bước khám phụ khoa như thế nào? Có đau không? 2
Khám phụ khoa giúp sàng lọc ung thư tử cung

Kiểm tra vi khuẩn và nhiễm trùng

Khám phụ khoa cũng là cơ hội để phát hiện các bệnh lý do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra bao gồm viêm nhiễm, nấm âm đạo và các vấn đề khác liên quan.

Khám phụ khoa có đau không?

Vùng kín là khu vực nhạy cảm, vì vậy nhiều chị em thường cảm thấy băn khoăn và lo lắng liệu việc đi khám phụ khoa có đau không. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sinh sản cho phụ nữ khẳng định rằng không cần phải lo lắng quá, vì quy trình khám phụ khoa thường không phức tạp như nhiều người nghĩ. Thông thường, khi bác sĩ sử dụng mỏ vịt để thăm khám âm đạo, điều này chỉ gây ra một chút cảm giác không thoải mái, chứ không gây đau đớn cho chị em.

Ngoài ra, khi chọn địa chỉ khám phụ khoa uy tín và có chất lượng, với các bác sĩ có kỹ năng và kinh nghiệm, quá trình khám phụ khoa sẽ được thực hiện một cách cẩn thận và khéo léo hơn, giúp giảm bớt cảm giác không thoải mái và tránh được cảm giác đau đớn. Do đó, quan trọng là chị em nên loại bỏ tâm lý lo lắng và giữ cho mình cảm thấy thoải mái khi đi khám phụ khoa.

Quy trình khám phụ khoa

Trước khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em tỏ ra băn khoăn về quy trình khám như thế nào cũng là điều dễ hiểu. Theo các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa, quy trình này được thực hiện một cách đơn giản và không gây đau đớn.

Thực tế, quy trình đi khám phụ khoa còn tùy thuộc vào từng bệnh viện. Dưới đây là một quy trình khám phụ khoa cơ bản bao gồm:

Bước 1: Khai thác thông tin bệnh nhân

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về bệnh nhân bao gồm chiều cao, cân nặng, nhịp tim và huyết áp. Sau đó, họ sẽ đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng, và tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Dựa trên thông tin này, bác sĩ sẽ quyết định các bước tiếp theo trong quá trình khám.

Quy trình các bước khám phụ khoa như thế nào? Có đau không? 3
Bước đầu tiên của quy trình khám phụ khoa là lấy thông tin bệnh nhân

Bước 2: Thăm khám lâm sàng bộ phận sinh dục ngoài

Trong quá trình kiểm tra bộ phận sinh dục bên ngoài, bác sĩ sẽ sử dụng cả tay và mắt để đánh giá tình trạng của các cơ quan sinh dục như âm đạo, âm hộ, môi lớn, môi bé và nhận biết các dấu hiệu bất thường như mụn mủ, sưng tấy đỏ. Do đó, chị em sẽ không phải lo nghĩ việc đi khám phụ khoa có đau hay không. Dựa trên những phát hiện này, bác sĩ sẽ quyết định liệu cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết hay không.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng ngực và bụng để phát hiện các vấn đề bất thường và có sự xuất hiện của khối u nào không.

Bước 3: Khám bộ phận sinh dục bên trong bằng dụng cụ chuyên dụng

Sau khi thăm khám ban đầu bộ phận sinh dục bên ngoài, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên dụng như một chiếc mỏ vịt để tiến hành khám phần trong của âm đạo. Đồng thời, họ cũng sẽ lấy mẫu dịch từ âm đạo hoặc mẫu tế bào tử cung để tiến hành kiểm tra và xét nghiệm.

Đa phần phụ nữ thường cảm thấy lo lắng và sợ đau khi bác sĩ sử dụng mỏ vịt để thăm khám âm đạo. Tuy nhiên, thực tế mỏ vịt đã được khử trùng và bôi trơn trước đó, giúp giảm thiểu cảm giác đau trong quá trình thăm khám.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thực hiện siêu âm đầu dò để quan sát các cơ quan bên trong như cổ tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ áp dụng cho phụ nữ đã quan hệ tình dục và có gia đình. Đối với những phụ nữ chưa từng có quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm vùng bụng để kiểm tra.

Bước 4: Thực hiện xét nghiệm

Để đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, hoặc xét nghiệm dịch âm đạo. Dựa trên kết quả của các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về tình trạng bệnh của bạn và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Quy trình các bước khám phụ khoa như thế nào? Có đau không? 4
Đối với quy trình khám phụ khoa, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm 

Bước 5: Tư vấn điều trị

Sau quá trình thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để đưa ra đánh giá về tình trạng sức khỏe của bạn. Trong trường hợp phát hiện bất kỳ bệnh lý nào, bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp nhất và sắp xếp lịch hẹn tái khám cho bạn.

Hy vọng qua chia sẻ trên, các chị em đã hiểu rõ hơn về quy trình khám phụ khoa. Việc khám phụ khoa định kỳ là rất quan trọng, không nên chờ đến khi có các dấu hiệu cảnh báo mới đi khám. Theo đó, các chị em nên đi khám phụ khoa mỗi 6 tháng một lần để có cơ hội phát hiện sớm nhất các vấn đề bất thường nếu có.

Xem thêm: Tìm hiểu về quy trình khám phụ khoa ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin