Quy trình gây mê qua mặt nạ được thực hiện như thế nào?
Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Gây mê qua mặt nạ là phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ nhỏ. Bởi vì đây là đối tượng thường được chỉ định thực hiện các cuộc tiểu phẫu nhỏ, thời gian ngắn và ít gây đau đớn.
Ngoài gây tê, gây mê còn là phương pháp vô cảm giúp giảm thiểu tối đa cảm giác đau cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân được gây mê sẽ không cảm thấy đau đớn nên có thể nằm yên, không cử động, không lo lắng…, nhờ đó đảm bảo an toàn và thành công cho ca phẫu thuật.
Các loại gây mê thường được sử dụng phổ biến
Với từng tình trạng, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp gây mê phù hợp để ca phẫu thuật có thể mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân. Các phương pháp gây mê phổ biến bao gồm:
Gây mê phối hợp hay gây mê cân bằng: Được coi là phương pháp phổ biến nhất, thông qua sự kết hợp các kỹ thuật đặt nội khí quản kiểm soát đường thở, sử dụng thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ…, nhằm đạt được độ mê thích hợp cho ca phẫu thuật.
Gây mê qua đường hô hấp: Dựa theo cơ chế thuốc thể khí hay thể lỏng bốc hơi, thuốc được đưa vào cơ thể người bệnh bằng cách cho người bệnh hít hơi thuốc mê. Sau khi thuốc được hít vào, nó sẽ đi vào phế nang, đi vào máu và đến cơ quan đích là não, tại đây sẽ phát huy tác dụng gây mê.
Gây mê tĩnh mạch toàn phần: Bác sĩ gây mê bằng cách tiêm thuốc vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Đội ngũ gây mê sẽ theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện. Khi bệnh nhân tỉnh dậy sau phẫu thuật, bác sĩ gây mê cũng sẽ cung cấp thuốc để ngăn cơn đau.
Gây mê bằng mặt nạ: Gây mê qua đường tĩnh mạch hoặc đường hô hấp của bệnh nhân. Thuốc tác động lên não và hô hấp của bệnh nhân được kiểm soát bằng mặt nạ.
Gây mê bằng mặt nạ thanh quản: Gây mê bằng mặt nạ thanh quản cũng đang trở thành xu hướng mới trong kiểm soát đường thở trong gây mê và hồi sức cấp cứu. Cách tiếp cận này cũng thường được sử dụng cho các ca phẫu thuật ngắn và vừa cũng như các ca phẫu thuật về ngay trong ngày.
Gây mê tĩnh mạch: Dùng bơm tiêm điện tiêm thuốc vào tĩnh mạch, có thể tiêm ngắt quãng hoặc liên tục. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, người ta đã phát minh ra máy bơm tiêm điện TCI và cài đặt các thuật toán để máy có thể tính toán nồng độ thuốc trong huyết tương hoặc não của bệnh nhân mà không cần xét nghiệm nồng độ thuốc. Phương pháp gây mê tĩnh mạch sử dụng bơm tiêm điện TCI kiểm soát nồng độ mục tiêu đảm bảo nồng độ thuốc trong máu ổn định nên bệnh nhân nằm yên trong quá trình phẫu thuật và bác sĩ gây mê có thể dễ dàng nắm được thời gian tỉnh của bệnh nhân. Bệnh nhân được gây mê tĩnh mạch có thể tự thở hoặc có thể được hỗ trợ bằng mặt nạ dưỡng khí, ống nội khí quản, mặt nạ thanh quản và được kiểm soát hô hấp bằng máy thở.
Gây mê nội khí quản: Một ống nội khí quản được đưa vào khí quản của bệnh nhân qua miệng hoặc mũi để kiểm soát hô hấp. Thuốc mê được sử dụng qua đường hô hấp hoặc tiêm tĩnh mạch.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau đi sâu tìm hiểu phương pháp gây mê qua mặt nạ nhé.
Gây mê qua mặt nạ là gì?
Gây mê là việc đưa thuốc gây mê vào cơ thể nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác và phản xạ.
Gây mê qua mặt nạ là kết nối mặt nạ với máy gây mê để đưa thuốc gây mê vào cơ thể qua đường mũi và miệng. Đặc biệt, bệnh nhân có thể tự hô hấp trong quá trình gây mê.
Chỉ định gây mê qua mặt nạ
Gây mê toàn thân ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và các trường hợp phẫu thuật ít cần giảm đau và giãn cơ.
Phối hợp với gây tê vùng như gây tê xương cùng, gây tê thần kinh ở trẻ em.
Thích hợp cho các ca phẫu thuật thời gian ngắn, ở vùng ngoại vi.
Chống chỉ định gây mê qua mặt nạ
Mắc chứng dạ dày đầy hơi.
Các trường hợp không kiểm soát được hoạt động hô hấp.
Phẫu thuật ở các cơ quan nội tạng, nơi yêu cầu giãn cơ và giảm đau nhiều.
Quy trình gây mê qua mặt nạ
Quy trình gây mê qua mặt nạ được thực hiện qua các bước sau:
Bệnh nhân được đặt nằm ngửa, cổ ưỡn, góc hàm dưới đẩy ra trước, có canuyn chống không tụt lưỡi để đảm bảo đường hô hấp trên được thông thoáng.
Để bệnh nhân tự thở: Khi mặt nạ gây mê được úp kín trên mũi và miệng, bên trong bóng dự trữ không có dấu hiệu gì lạ, không nghe thấy tiếng thở bất thường. Đặt ống nghe lên vùng trước tim và thực quản của bệnh nhân không nghe thấy âm thanh hoặc tiếng ngáy của tắc nghẽn đường hô hấp.
Hô hấp nhân tạo bằng mặt nạ: Hô hấp nhân tạo với áp lực dương để tránh dạ dày trở nên chướng bụng đầy hơi. Đảm bảo thông khí đường hô hấp và không để tụt lưỡi, hô hấp áp lực dưới 20 cmH2O để giảm nguy cơ biến chứng.
Đối với những bệnh nhân khó giữ mặt nạ gây mê kín, có thể dùng băng cao su để giữ chặt đầu vào mặt nạ.
Tránh gây mê qua mặt nạ nồng độ thấp vì nó có thể dễ gây kích ứng đường hô hấp. Gây mê sâu được thực hiện theo yêu cầu của ca phẫu thuật.
Thuốc mê nhóm halogen phải được sử dụng thông qua bình bốc hơi chuyên dụng.
Thuốc gây mê có thể sử dụng như thiopental, ketamin, các thuốc giảm đau trung ương tác dụng ngắn, phối hợp thuốc gây tê cùng với thuốc mê đường hô hấp... Liều lượng gây mê qua mặt nạ phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể và yêu cầu phẫu thuật.
Theo dõi và xử trí các tai biến
Nếu gây mê qua mặt nạ nông, co thắt thanh quản có thể xảy ra. Trong trường hợp nhẹ, có thể nghe thấy tiếng thở khò khè và thở rít, trường hợp nặng xảy ra hiện tượng thở ngược và bệnh nhân không thể tiếp tục thở khi sử dụng mặt nạ gây mê. Nếu không được điều trị, nó có thể gây thiếu oxy máu, dẫn đến hạ huyết áp, nhịp tim chậm và ngừng tim. Vì vậy, điều quan trọng là đưa bệnh nhân vào giấc ngủ sâu và kiểm soát các cơn co thắt.
Tắc nghẽn đường thở do tư thế: Cần điều chỉnh tư thế của bệnh nhân, làm thông đường thở và đặt ống nội khí quản nếu cần thiết.
Ức chế hô hấp: Sử dụng hô hấp hỗ trợ và nhân tạo để phục hồi khả năng thở của bệnh nhân.
Gây mê qua mặt nạ là kết nối mặt nạ cùng máy gây mê để đưa thuốc gây mê vào cơ thể qua đường mũi và miệng. Thông thường, quy trình gây mê này phù hợp với trẻ nhỏ và các ca phẫu thuật nhỏ. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa biến chứng, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để phẫu thuật.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.