Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Răng bị đen trên bề mặt: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp

Ngày 15/05/2024
Kích thước chữ

Răng bị đen trên bề mặt có thể xuất hiện ở một vài điểm hoặc phân bố rải rác trên toàn bộ cung hàm. Hiện tượng trên phát sinh do nhiều nguyên nhân và để khắc phục, ngăn ngừa thì bạn cần phải làm rõ lý do vì sao mình gặp phải tình trạng này.

Răng bị đen trên bề mặt không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng ngại về sức khỏe. Vậy làm thế nào để phòng tránh và can thiệp hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đắt giá này.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng răng bị đen trên bề mặt

Hiện tượng răng bị đen trên bề mặt có thể xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

  • Sâu răng: Đây là tình trạng răng bị hư hỏng do lười vệ sinh hoặc vệ sinh không đúng cách. Chúng khiến các mảng thức ăn còn tồn ứ trên bề mặt, các khe rãnh. Sau đó vi khuẩn sẽ phân giải thành phần nói trên, sinh axit và làm hủy hoại men răng ở khu vực liên quan. Hệ quả làm làm xuất hiện những vết đen trên thân răng và chân răng.
  • Răng có nhiều mảng bám: Điều này cũng có liên quan mật thiết với thói quen không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau mỗi lần ăn. Qua thời gian, mảng bám sẽ bị vôi hóa, đóng thành mảng cứng bám quanh thân răng và vùng lân cận nướu. Cao răng lâu ngày sẽ chuyển dần từ màu vàng nâu sang màu đen và trông rất mất thẩm mỹ.
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng thực phẩm có màu nâu hoặc đen đậm, dễ bám dính: Các mảng bám trên răng có khả năng hấp thụ sắc tố rất tốt, nhất là với các đồ ăn, thức uống có màu tối. Vậy nên nếu bạn thường xuyên hút thuốc lá, uống trà, uống cà phê, ăn bánh chocolate thì khả năng răng xuất hiện vết đen sẽ rất dễ xảy ra.
  • Men răng thiếu khuyết hoặc yếu kém, không đảm nhiệm được chức năng: Trong trường hợp men răng yếu hoặc thiểu sản men răng, các tác nhân bên ngoài như mảng bám, vi khuẩn lại càng dễ tiếp cận và gây hại lên bộ phận ăn nhai này. Khi đó, men răng sẽ mất dần hoặc biến tính và xuất hiện các vệt tối màu.
  • Uống nhiều thuốc kháng sinh hoặc dùng nước có hàm lượng lớn flour: Khảo sát thực tế cho thấy hai tác nhân này đều gây hại cho men răng. Và nếu sử dụng qua thời gian dài thì việc bề mặt răng bị đen là điều khó tránh khỏi.
Răng bị đen trên bề mặt: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 2
Răng bị đen trên bề mặt có thể do sâu răng, răng có nhiều mảng bám,...

Những hệ quả đáng ngại đi kèm

Như đã nhắc qua ở trên, hiện tượng bề mặt răng bị đen không chỉ khiến khuôn miệng trở nên kém sắc mà còn đi kèm nhiều hệ quả đáng ngại, cụ thể như sau:

  • Gây viêm lợi: Các vi khuẩn khu trú ở phần cao răng bị đen sẽ phá hủy dần men răng, sau đó chúng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tiếp cận phần nướu. Từ đó làm phát sinh nhiều bệnh lý nha chu mà điển hình nhất là viêm lợi.
  • Khiến hơi thở có mùi khó chịu: Bên cạnh sự biến đổi về màu sắc của bề mặt răng các vết đen này còn là nơi “tập kết” của ổ vi khuẩn lớn. Chúng sẽ tiến hành phân hủy các mảng bám còn tồn đọng trên răng và sinh mùi khó chịu. Từ đó khiến hơi thở có mùi và làm ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp.
  • Gây tụt lợi, mất răng hoặc tiêu xương: Đây là những hậu quả tưởng như khó có thể xảy ra nhưng thực tế lại không hề hiếm thấy. Theo đó, cao răng đen sẽ làm phá vỡ sự liên kết bền chặt của nướu và thân răng do sự phát triển xâm lấn của vi khuẩn. Vậy nên hiện tượng tụt lợi sẽ là hệ quả tất yếu. Chưa hết, chúng còn tác động tiêu cực lên xương hàm và có thể dẫn đến tiêu xương và mất răng.
Răng bị đen trên bề mặt: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 3
Nếu không can thiệp sớm, thực trạng trên có thể gây viêm lợi, tụt lợi, hôi miệng,...

Cách khắc phục tình trạng răng xuất hiện vết đen trên bề mặt

Khi răng bị đen trên bề mặt, làm thế nào để bạn có thể cải thiện nhanh tình trạng này? Hãy tham khảo một số gợi ý sau đây nhé!

Sử dụng muối

Muối có khả năng loại bỏ cao răng cực tốt nhờ lực ma sát cao. Chẳng những vậy, chúng còn là “khắc tinh” của vi khuẩn gây hại. Vậy nên nếu sử dụng thành phần này thì hiện tượng răng bị đen có thể được khắc phục ngay lập tức.

Cách thực hiện rất đơn giản, bạn có thể rắc muối tinh lên bàn chải/bàn chải điện và chà răng nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút rồi súc miệng lại bằng nước ấm. Ngoài ra việc trộn muối với chanh theo tỷ lệ 1:1 và dùng hỗn hợp này để đánh răng cũng cho hiệu quả tương tự.

Sử dụng chanh

Chanh có chứa axit tự nhiên nên có thể loại bỏ mảng bám trên răng chỉ sau ít phút tiếp xúc. Khi tiến hành, bạn hãy vắt lấy nước cốt của một quả chanh, sau đó nhúng bàn chải vào và chà rửa nhẹ nhàng trong 3 phút. Áp dụng đều đặn liên tục trong 1 tuần, rồi bạn sẽ thấy bất ngờ với kết quả nhận về.

Làm sạch bằng baking soda

Baking soda từ lâu đã được biết đến như một nguyên liệu làm trắng răng an toàn, hiệu quả. Thành phần này có thể loại bỏ cao răng trong tích tắc. Đặc biệt, chúng còn tạo ra môi trường kiềm, giúp kiểm soát, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.

Bạn có thể sử dụng baking soda theo cách tương tự như dùng muối tinh. Đó là nhúng bàn chải vào vào thành phần này và chà lên mặt răng hoặc trộn baking soda với nước chanh và vệ sinh khoang miệng như kem đánh răng thông thường.

Lưu ý, mặc dù có khả năng làm sạch mảng bám rất ấn tượng nhưng cùng với đó, baking soda có thể gây hại men răng nếu dùng quá thường xuyên. Do đó bạn chỉ nên sử dụng với tần suất 1 tuần/lần.

Làm sạch răng tại phòng khám nha khoa

Đây là cách làm sạch an toàn và hiệu quả nhất bởi có sự định hướng và hỗ trợ trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa. Khi ghé phòng khám, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử để làm rõ nguyên nhân của thực trạng trên. Nhờ vậy mà việc đề xuất giải pháp sẽ có căn cứ chính xác và khoa học hơn. Trong đó, cách can thiệp phổ biến nhất chính là lấy cao răng bằng dụng cụ chuyên dụng. Đảm bảo chỉ sau 1 tiếng, răng của bạn sẽ sạch sẽ, sáng đẹp như ý.

Trong trường hợp vết đen xuất hiện do sâu răng, thiểu sản men răng thì cần được điều trị chuyên sâu và sử dụng liệu pháp trám răng, bọc răng sứ,... để khắc phục tình hình.

Răng bị đen trên bề mặt: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 4
Một số cách giúp khắc phục tình trạng răng đen trên bề mặt

Ngăn ngừa răng bị đen trên bề mặt như thế nào?

Để ngăn ngừa tình trạng răng có vết đen trên bề mặt, bạn hãy áp dụng đồng thời 5 biện pháp cơ bản dưới đây:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn với tần suất 2 lần mỗi ngày bằng kem đánh răng chứa flour.
  • Sử dụng thêm chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng để hỗ trợ việc loại bỏ mảng bám sau ăn.
  • Lấy cao răng định kỳ, tối thiểu 6 tháng 1 lần.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm có màu đậm, đặc biệt là màu nâu hoặc đen. Nếu dùng thì nên đánh răng sau 10 - 15 phút để hạn chế nguy cơ sâu răng, răng chuyển màu hoặc hình thành mảng bám.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
Răng bị đen trên bề mặt: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 1
Nếu bạn làm theo hướng dẫn trên thì hiện tượng răng đen trên bề mặt sẽ không có cơ hội xuất hiện

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về hiện tượng răng bị đen trên bề mặt. Bây giờ thì bạn đã hiểu rõ cơ chế xuất hiện tình trạng này và cách ngăn ngừa, khắc phục rồi chứ? Sau cùng chúc bạn áp dụng thành công và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin